1- Lời đầu cho một đoạn kết (he…he…he…)

Bạn sẽ rất ngạc nhiên, tại sao tôi không đơn giản viết ra mấy dòng, kê ra một vài thứ „hoa- lá- cành“ nào đó với liều lượng chỉ định, bệnh lý chỉ định…rồi chua thêm vài lời „có cánh“… chắc chắn sẽ đến được rất nhanh với cộng đồng với „tốc độ phi thuyền“ của mạng xã hội.

Không! Tôi sẽ không làm vậy, cho dù mục đích của tôi là không vụ lợi, là thực tâm vì sức khỏe của cộng đồng, tôi cũng không làm như thế. Tôi dong dài… „tràng giang đại hải“ là vì tôi muốn bạn là người „Thầy Thuốc“ đúng nghĩa cho chính bạn, tôi không muốn bạn trở thành cái máy Share bài, và trở thành nạn nhân cho tình huống „bội thực thông tin“ do tốc độ và sự tiện lợi của tryền thông hiện đại.

Nội dung của câu chuyện ngụ ngôn: „Phúc thống dụng Nhân sâm tắc tử“ (Một người Thầy thuốc có bệnh nhân đau bụng tìm đến xin chữa trị. Thầy thuốc lật sách, tùy chứng rồi ra toa theo sách. Bệnh nhân chết. Khi bị kiện Thầy thuốc đưa sách ra làm chứng là làm theo sách. Quan tòa lật sách ra xem, thấy có ghi ở trang trước là „Đau bụng dùng Nhân sâm…“ … Lật ra trang sau có ghi thêm 2 chữ „..sẽ chết“. Thầy thuốc quả thật là làm đúng theo Sách, nhưng chỉ làm theo „trang trước“…chưa kịp lật trang sau“. Hì hì…vẫn còn nhiều loại „Thầy“ này đang hành nghề lắm).

…Câu chuyện mang tính tiếu lâm hài hước này không chỉ đơn thuần là cười nhạo người Thầy thuốc, học không đến nơi đến chốn, và quá cố chấp vào sách vở, mà còn đưa ra một thông điệp vô cùng quan trọng khi dùng thuốc: „Không phải cái gì quí hiếm, đắt đỏ… bổ dưỡng vô song đều tốt cho tất cả mọi người, những thứ bổ dưỡng tuyệt hảo, nếu lạm dụng quá, hoặc dùng không đúng cho đối tượng bệnh lý sẽ trở thành thuốc độc và có thể dẫn đến tử vong“. Ví dụ thứ tốt một cách „lẫy lừng“ như Nhân sâm với trường hợp „phúc thống“ của câu chuyện trên.

Không thể phủ nhận Nhân sâm là „Vua“ của Bỗ khí, Đương qui là „Hoàng hậu“ của Bổ huyết, hai thứ ấy phối với nhau là „Khí huyết lưỡng bổ“, phối thêm Ba kích, Tắc kè, Cá ngựa…. Mà làm toa ngâm rượu nữa thì „bá chấy thằng tây, chồng uống vợ gật gù“. Nhưng với người đang có triệu chứng „uất mộc phạm vị“, „nhiệt lộng tam tiêu“, mỡ máu cao, đái tháo đường…v..v… mà ngày nào cũng làm vài ly, thì đột quị, bán thân bất toại… chắc chắn một ngày „đến hẹn lại lên“…

Ví dụ, tôi không hề phủ nhận thứ cây đắt như vàng, quí như trân châu… của xứ Việt ta. Thứ thảo mộc có thể thách thức với mọi „kỳ hoa dị thảo“ khác trên Thế giới về độ „bổ dưỡng“ là Sâm ngọc linh. 1 bình rượu có vài củ loại này có thể lên đến vài chục triệu VN đồng, có khi cả tỷ đồng, nếu là loại tốt. Ừ, uống đi!, với tỷ lệ hơn 50% dân số, người trên 45 tuổi bị táo bón và bệnh trĩ như thống kê hiện nay, thì cái thứ rượu ngâm loại củ „châu báu“ này chính là thứ tiễn nhanh những người nói trên về với „miền cực lạc“.

Ok! hoàn toàn đồng ý, Yến sào là thứ siêu bổ dưỡng và có thể làm cho nhiều người không những xóa đói giảm nghèo mà còn giàu nhanh như có thể vì nhu cầu cao của xã hội. Nhưng những người đang có triệu chứng „Tỳ vị hư hàn“ lại hay ăn đồ hải sản, ngày nào cũng thêm một, hai chén chưng tần hạt sen loại này nữa. Thì Ok!, tôi hoàn toàn không phủ nhận đây là một kiểu „quyên sinh“ cực kỳ đẳng cấp. Chưa kể các Quí bà có triệu chứng „Tỳ vị hư hàn“ này (cũng thường với Quí bà lắm), có chút của ăn của để… tôm hùm, hàu sống, bề bề, cua ghẹ… xênh xang, rảnh rỗi đi Spa chích thêm ít Colagen cho căng da…tiện thể làm thêm vài viên tảo xoắn nữa để chống lão hóa, chiều chiều nạp thêm chén sâm Đại hàn chưng Yến sào mật ong… cho trẻ lâu… Đối với kiểu này tôi thành tâm khuyên nên quất „mịa“ nó một chai thuốc chuột để đi cho nhanh, chứ để rồi sống dặt dẹo vật vờ vì đau nhức, vì phong thấp, tê bại… làm gì cho chật đất …hê….hê…hê….

Tôi „con cà con kê“… vậy cũng chỉ mong cung cấp thêm một cách hiểu biết, một kiểu chắt lọc thông tin, để mọi người „biết mình, biết ta“ khôi bị lung lạc trong „biển rừng“ quảng cáo mà „tiền mất tật mang“. Có chút hiểu biết về „tự thân“ thì những thứ tưởng chừng rẻ rúng tầm thường nơi gốc vườn, xó chợ, vệ đường… cũng trở thành „trân bảo“ cho sức khỏe… (Không như người nông dân kia vặt bán hết vườn chanh nhà mình để đi mua Vitamin C theo lời khuyên bổ sung vi lượng của Bác sĩ.)

Nếu có chút thấu ngộ thêm… thì rau má, rau sam, bí rợ, húng chó, ngò gai…. Còn danh giá đắc dụng gấp cả trăm lần Yến sào cả tấn. Khoai lang, củ nghệ, củ gừng, sả, riềng, chanh, mận… vườn nhà chấp cả đống Ngọc linh, Hồng sâm, Tảo xoắn, Linh chi… vài độ…. Cũng may mà đám học trò hậu sinh nhờ những „dong dài“ này mà biết mình nên „đi“ như thế nào trên Y lộ, cũng có nhiều bạn đọc hồi báo có được thứ đang cần…. Không uổng cho công cho kẻ già ngồi gõ phím thâu đêm suốt sáng. Âu đó cũng là „lạc thú“ ở đời vậy …. Khẹc …khẹc…khẹc…

2- Những ngày cuối với thầy Vi
….
Tôi nói với thầy Vi, thầy hứa đưa tôi du ngoạn theo kiểu „đeo gùi lên rừng hái thuốc“ 3 ngày, nhưng mới „tiêu“ hết có một ngày ở Sóc Trăng, còn lại 2 ngày, tôi muốn Thầy đưa tôi đi „khảo nghiệm“ Tam Tiêu với cỏ cây vùng Bảy núi. Thầy đồng ý, và tôi đề nghị:
– Thưa Thầy, ngày Sư phụ của con còn sinh tiền, con đã được Sư phụ dẫn đi hái thuốc trên mọi nẻo rừng cả 2 miền, Trung kỳ và Bắc thổ. Sau khi Sư phụ con mất ở chùa Già Lam, con cũng có tự mình đi „hái thuốc“ ở Nam kỳ. Qua quá trình khảo nghiệm con so sánh đặc điểm của các loại rau củ hoa quả, thảo dại của cả 3 Miền thì thấy có điểm khác biệt khá rõ rệt. Nếu ví phong thổ nước mình như một cơ thể, thì theo thuyết Tinh- Khí- Thần. Tinh là gốc rễ là nơi tàng ẩn Tinh huyết, Khí là thân cành nơi sức sống từ đó mà sinh sôi. Thần là thể dụng, cái kết quả chất lượng của cuộc sinh tồn. Con có nghĩ đến việc phong thổ Bắc kỳ như Tinh hoa huyết mạch, còn Trung kỳ như thân cành là chỗ phát tiết của Khí hóa, và Nam kỳ là như kết tụ của Thần sắc, bởi vậy nên cây cỏ thảo mộc ở Bắc thổ có nhiều loại chỉ huyết, hoạt huyết tốt hơn các nơi khác như Tam thất, Sinh địa, Đương qui, Nhục quế…Trung phần thì có nhiều loại thảo dược có tác dụng hành Khí tốt hơn như Đổ trọng, Hà thủ ô, Sâm bố chánh, Sâm ngọc linh… Còn miền Nam thì cáccác loại hoa quả rau cỏ mang tính định Thần tốt hơn. Sau này con có đem suy nghĩ này nói vối thầy Trần Tiễn Hy ở Bao Vinh, Huế. Thầy Hy nói, đó là suy nghĩ phân biệt vùng miền, trong thời buổi nhạy cảm nhiễu nhương cấm không được nói cho người ngoài nghe. Tuy bị cảnh báo vậy, nhưng từ lâu con đã ấp ủ một khát vọng là sẽ xây dựng một hệ thống gieo trồng và bảo tồn Thảo dược Việt Nam, như kiểu một Ngân hàng Thảo dược vậy. Ngoài Bắc thì chỉ chú trọng các loại thảo dược đặc thù về bổ Huyết, ở xứ Trung kỳ thì chỉ chú trọng về các loại bổ Khí, Miền Nam thì trọng về các loại cây cỏ chủ về định Thần. Thầy nghĩ thế có được không?
– Không!- Thầy Vi khảng khái phủ định ngay ý tưởng của tôi- Ở đâu con người, cây cỏ, nuông thú cũng được sinh tồn, thâu liễm khí hóa Tinh- Khí- Thần của đất trời giống nhau cả. Con người, cây cỏ, nuông thú dựa vào nhau mà tồn tại, sự hòa hợp mới kiến tạo nên chất lượng của Tự nhiên. Cây cỏ sống xung quanh chúng ta mới là loại thuốc hợp nhất với con người sống tại đó. Con người của thời hiện đại có quá nhiều bệnh tật nan y là vì họ tách rời mình quá xa với cỏ cây nơi họ sinh sống. Qua không nói về thuốc, mà là nói về sự điều hòa của tự nhiên. Cây cỏ hoa lá trong vườn nhà, ven đường đi, nơi mé rừng hoang dại… là sự sắp xếp của tạo hóa cùng sống chung „dưới một mái nhà“. Ta ốm đau, ta mất cân bằng, ta bị nhiễm độc bức xạ… cây cỏ sẽ tự động „chữa trị“ cho ta bằng những xung động tự nhiên của nó. Sự xa rời khỏi quần thể sinh tồn này của con người hiện đại là chối bỏ sự giúp đỡ tận tình, sự tự chữa lành của thiên nhiên. Bởi vậy, nếu nói người miền nào thì có cỏ cây của miền đó phù hợp hơn thì còn được, chứ nói miền này vì phong thổ mà có loại này tốt hơn loại kia với người của các miền là không có căn cứ.
– Dạ! Thưa Thầy, con hiểu rồi, con còn có một trở ngại nữa là, đám hậu bối của con, khi được học, được dạy về thuốc thì đứa nào cũng chăm chăm đi tìm những thứ „kỳ hoa dị thảo“ trị được bá bệnh. Con rất khó để „kìm chân“ chúng lại bên những thứ thảo dược „hiên nhà“. Thầy là người có kinh nghiệm hàng chục năm theo phong cách bắt mạch xong mới xách đãy lên rừng hái thuốc, Thầy có thể chia sẽ cho con cái hay của việc này không?
– Như qua đã nói về bậu về sự hài hòa giao thoa giữa con người và cây cỏ tự nhiên, việc qua làm không chỉ là tận dụng cái nguyên lý „trời sinh voi sinh cỏ“. Có sinh ra cái này tại đây ắt sẽ cũng có cái khống chế nó tại đó. Con người ở đây sinh bệnh, thì ắt sẽ có thứ cỏ cây chữa bệnh đó tại đây, đó là sự sắp đặt hiễn nhiên của Tạo hóa. Qua sẽ như cái cầu nối, thông qua sự hiểu biết, thân thiện với cây cỏ của mình, để kết nối sự mong cầu của bệnh nhân với sự rung động của cỏ lá mà tìm ra được sự chiêu cảm theo luật hấp dẫn của Vũ trụ. Ngôn ngữ của dân gian gọi là cái „duyên“, „duyên thầy, phước chủ“, đó không phải là mê tín, duy tâm. Sự khát khao mong cầu cháy bỏng khỏi bệnh của bệnh nhân, cùng với ước muốn chân tình chữa lành cho người của Thầy thuốc sẽ tạo nên một trường chiêu cảm, một lực hấp dẫn của trực giác, cộng với sự phân tích của tư duy chúng ta có thể tìm ra được chính xác hơn, hiệu quả hơn thứ mà chúng ta cần.
– Dạ con hiểu rồi thưa Thầy. Con đội ơn Thầy về chia sẻ mà con tâm đắc này ạ. Mấy rồi thầy đã chỉ dạy cho con thêm rất nhiều vế Tam Tiêu, hôm nay đi Thất Sơn ccon hi vọng thầy sẽ chỉ cho con cách để tiếp cận những thứ cỏ lá nhanh nhất có tác dụng kích hoạt Tam Tiêu thêm. Nhưng thời gian ngắn ngủi, sức tiếp thu của con có hạn, con yêu cầu Thầy chia thời gian ra, mỗi ngày tìm cho một loại biện chứng, ví dụ ngày này mình tìm thuốc cho Chứng trạng Hư hàn của Thượng tiêu gây nên tinh thần không yên, đoản hơi, nói không ra tiếng. Ngày hôm sau mình tìm thuốc cho chứng Thực nhiệt của Trung tiêu, bụng đầy trướng, không mửa, không đi cầu, suyễn cấp. Nếu còn thời gian mình tìm tiếp cho chứng Hư hàn của Hạ tiêu,
đại tiện lỏng không dứt, tiểu tiện trong dài, hoặc són đái, bụng đầy, phù nề hoạc là chứng Thực nhiệt của Hạ tiêu, đại tiểu tiện không thông, di ngoài ra máu… Đại loại là vậy, từ những liệu pháp cụ thể, con mới thông hiểu để khái quát lại toàn bộ biện chứng Tam Tiêu được.

Thầy Vi, rất hiểu ý tôi muốn gì. Thầy đồng ý yêu cầu của tôi và chia sẻ cho tôi nhiều bí kíp, mẹo vặt trong „công nghệ“ đeo gùi lên rừng hái thuốc.

Quà trình đi Thất Sơn chúng tôi tìm ra được rất nhiều thứ cỏ lá dân giã, nếu đem so sánh với các loại thuốc kinh điển khác thì tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, thông mật, thanh nhiệt, giải độc… thì tác dụng chưa biết „mèo nào cắn mỉu nào“. Chỉ có cái là các loại cỏ lá mà Thầy Vi cho chỉ cho tôi có tên lạ hoắc, và rất chi là „nhà quê“. Mỗi lần tôi ghi nhớ lại, tôi đều phải đặt lại một tên khác nghe có vẻ „hàn lâm“ hơn. Thầy Vi hỏi tôi vì sao. Tôi cười hì hì nói:
– Không có gì quan trọng lắm, nhưng người đời khi nghe các tên thuốc có vẻ „cao sang“ thì họ có vẻ tin tưởng hơn. Ví dụ khi ra toa mà ghi: Chó đẻ 5 phân, Cứt lợn 7 phân, Nhọ nồi 2 lạng, Đuôi ngựa 10 phân, Đít khỉ 1 lạng, Cỏ cú 3 phân…. Thì nghe nó „bá đạo“ quá hehehehe…

Thầy Vi liếc mấy thứ cây cỏ thầy tìm cho tôi, tôi ghi là Ái mẫu Thiên hoa, Phụng hoàng đại mạc…v…v… Thầy mỉm cười nói
– Cũng chữ nghĩa dữ ha
– Con không những đặt tên riêng mà mỗi thứ con còn cho nó thêm một huyền tích cực lộng lẫy nữa ấy chứ
– Bậu cũng lãng mạn thật, làm nghề thuốc mà lãng mạn cũng có cái hay của nó- Tôi lại cười hề hề:
– Thưa Thầy, không chỉ trong nghề thuốc mới lãng mạn, trong tình yêu mà lãng mạn cũng phê lắm!!!

Thầy Vi, nhìn tôi đá một phát lông nheo cực ấn tượng và chĩa tay vào tôi „Pằng..pằng…“

(Xem thêm một cú lãng mạn có thừa của tôi khi tôi cho cây „Thất diệp Nhất chi hoa“ một huyền tích đầy uyển mị ở đây:

26.06.20
Thuận Nghĩa

SHARE