Home Y Khoa Y Học Cổ Truyền ĐẠI CHU THIÊN CA (Bài ca về Sự luân chuyển Khi Huyết...

ĐẠI CHU THIÊN CA (Bài ca về Sự luân chuyển Khi Huyết trong 12 Kinh mạch của vòng Đại Chu Thiên)

4603
0

LƯU Ý:
-Các bạn đọc trang Facebook: Thuannghia Le và lethuannghia.com và các môn sinh và học viên của các „Dưỡng Sinh Đường“ 3 miền lưu ý, Vòng luân chuyển khí huyết „Đại Chu Thiên“ là một trong những Nguyên lý Y học vô cùng quan trọng.

Nó không những là nền tảng căn bản cho người mới bắt đầu học Đông Y, mà còn là Y Lý uyên sâu cho cả quá trình ứng dụng tất cả các Y thuật, các phương pháp có liên quan đến Y học Cổ truyền, như Châm Cứu, Thảo Dược, Bấm Huyệt, Khí Công….v..v..

Ngoài ra nó còn hàm chứa gần như toàn bộ nền „Triết Học Đông Phương“ ở trong đó. Đặc biệt vòng „Đại Chu Thiên“ là nguồn cảm hứng cho rất nhiều công trình đoạt được giải Nobel Y sinh học. Như giải Nobel Y sinh năm 1998, 2015… Và rõ ràng nhất, cụ thể nhất, và gần như không có sai lệch bao nhiêu, đó là công trình giải mã „Đồng Hồ Sinh Học“ được Giải Nobel Y sinh học 2017 được trao cho ba nhà khoa học Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young vì những khám phá về cơ chế phân tử điều khiển nhịp sinh học ngày đêm. Công trình này gần như lặp lại những gì đã có trong vòng Thời khí „Đại Chu Thiên“ (Về chủ đề này tôi đã có nhiều bài viết phân tích rồi).

Bởi vì vậy để nắm rõ những nguyên tắc, những nền tảng Khoa học cấu thành nên „Hành Trang“ để sống chung với „Lũ“, kể cả bài „Kết“ cuối cùng cho seri „Hoạt Thông Thủy Đạo Tố Vấn“. Tôi xin đưa lại bài viết có thể giúp các bạn trong thời gian ngắn nhất, và có thể nhanh nhất nắm vững được các yếu tố cấu thành nên „Đại Chu Thiên“ nói riêng, và Y lý Cổ truyền nói chung. Đây cũng là „con đường tắt“, là „bát nước cốt, sắc nhân sâm ngàn năm“ cho những người đến với Đông Y quá muộn….

„Bài ca Đại chu Thiên“. Tôi viết vào tháng 4 năm 2014, và dẫn điểm cho học viên Khí Công học „Quảng Nhẫn Tả Chưởng Đồ“ vào tháng 5 năm 2015.

Nay tôi xin đưa lại (Có hiệu đíng lại) cho các bạn ôn luyện lại một lần nữa, nếu các bạn có hứng thú với Y học Cổ truyền Á đông và Y học Tự Nhiên.


Lưu ý xem thêm các link đính kèm về „Bàn Tay Sinh Khí“- (Rất quan trọng)

23.06.20
Thuận Nghĩa

ĐẠI CHU THIÊN CA


1- a.1 ( Bắt đầu từ Tâm kinh)
phía „Cực Tuyền“ em chớm mùa thảo mị
đầu „Thiếu Xung“ anh nhóm đốm mặt trời
chưa đủ cháy ngọn nồng cho ngày lụi
dưới „Thần Môn“ lá vẫy hú tìm nơi

2-a.2 (Tiểu trường kinh)
khúc Tiểu Trường nỡ sao em đành đoạn
cho „Thiếu Trạch“ lãng vội „Thính Cung“ âm
em có biết trong ngợp màu hạ đỏ
có bàn chân lạnh ướm một bàn chân

3-a.3 (Bàng quang kinh)
tận chót đỉnh „Tinh Minh“ còn chiếu rọi
anh vẫn còn ngóng mãi mái nhung huyền
dòng nhiệt thủy „Chí Âm“ chờ hạnh ngộ
mấy lần xuân cố níu một lần duyên

4-a.4 (Thận kinh)
em có biết anh bao lần cúi xuống
ngửa „Dũng Tuyền“ rưng rưng hứng giọt mơ
em thuôn nuỗn cuộn ấm tầng „Du Phủ“
để nao nao nhược thủy cuối xa mờ

5-b.1 (Tâm bào kinh)
và cứ vậy nơi „Thiên Trì“ nũng nịu
xiêm áo nhòa không đủ nghĩa non tươi
da thịt mịn mởn mơn màu lừng lựng
nhuốm „Trung Xung“ hơn hớn đẫm nụ cười

6-b.2 (Tam tiêu kinh)
em chưa thấm đủ ba tầng thủy tụ
đã Quan Xung mở nẫu chín tao lời
anh lụi cụi vét dọc ngang khe rảnh
vọng „Ty Trúc Không“ chẳn tiếng à ơi

7- b.3 (Đởm kinh)
mắt trẻ lạc ám buốt hồn „Đồng Tử“
uốn cành cong em bẫy mũi tên nhung
khiếp sợi thừng dáng xà run „Túc Khiếu“
anh chùn chân ngao ngán cửa vô cùng

8- b.4 (Can kinh)
bởi xanh lá màu trời khum nét nhạt
lụy muôn trùng nên gió cuốn mây bay
nương thảo dã „Đại Đôn“ ghìm thác loạn
khép „Kỳ Môn“ đành hãm vó mê say

9- c.1 (Phế kinh)
dang phiến mộng thỏa cánh đời hạc nội
trắng phù du lởn quởn gạ mây ngàn
anh còn nợ ở đầu nguồn „Thiếu Phủ“
cuối „Thiếu Thương“ sầu trả mối ly tan

10- c.2 (Đại trường kinh)
đừng phỉnh nịnh chiều „Thương Dương“ tóc rối
so đo gì chẳng nghĩa lý vàng thau
nhất dạ tạc „Nghinh Hương“ về bên lối
ráng trăng khuya cũng rớm bạc sắc màu

11-c.3 (Vị kinh)
xin lần nữa „Thừa Khấp“ ngưng giọt đắng
cho „Lệ Đoài“ khỏi vướng kiếp rưng rưng
và em ạ nẻo người này quá nặng
thì chua cay thôi đừng hỏi đã từng

12-c.4 (Tỳ kinh)
lần nữa thôi cho anh ngày tạ tội
vắng môi cười lối cũ khuyết bàn chân
gốc „Ẩn Bạch“ có lần nào run mỏi
lòng „Đại Bao“ coi như thể kề gần

13-(a.b.) (Vòng Đại chu thiên kế tiếp)
rất có thể đốm mặt trời anh nhóm
sẽ mai này nồng đượm chốn thiên nhai
khúc ngàn ca trên „Cực Tuyền“ lại nối
vòng thiên thu liễu nhiệm tháng năm dài….
..…

Chú Thích Thơ:

Là dân Y Học Cổ Truyền nói chung và dân Khí Công Y Gia nói riêng thì không ai là không biết đến Vòng Luân Chuyển Khí Huyết trong cơ thể theo từng giờ trong 12 Kinh Mạch. Vòng luân chuyển Khí Huyết này trong kinh điển „Y Học Cổ Truyền“ gọi là vòng Đại Chu Thiên.

– Vòng „Tiểu Chu Thiên“ là vòng khí huyết lưu chuyển trong hai mạch Nhâm- Đốc. Tức là mạch Nhâm, là „Mẹ“ của tất cả các đường Kinh Âm, chạy phía trước bụng. Và mạch Đốc, là „Cha“ của tất cả đường Kinh Dương chạy giữa sống lưng.

– Vòng „Đại Chu Thiên“ bao gồm 3 vòng „Đoạn Chu Thiên“ nối lại với nhau liên tục.

– Một vòng „Đoạn Chu Thiên“, là khởi đầu từ lồng ngực, bắt đầu từ một „Kinh Âm Ngắn“, chạy PHÍA TRONG cánh tay xuống đầu ngón tay rồi nối với một „Kinh Dương Ngắn“ bằng Lạc Mạch rồi chuyển hướng chạy từ phía NGOÀI CÁNH TAY lên mặt. „Kinh Dương Ngắn“ này lại nối với một „Kinh Dương Dài“ bằng một lạc mạch khác, rồi chạy lên đỉnh đầu, chạy tiếp xuống sau lưng và đổ xuống ngón chân. Từ ngón chân lại nối lạc mạch với một „Kinh Âm Dài“, chạy phía trước bụng lên lại lồng ngực. Kết thúc một vòng „Đoạn Chu Thiên“ ở Ngực.
– Vòng „Đại Chu Thiên“ là một vòng lớn nối 3 vòng „Đoạn Chu Thiên“ như thế liên tục. Cụ thể như sau:

1 – Vòng „Đại Chu Thiên“ bắt đầu từ Kinh Tâm, xuất phát từ huyệt „Cực Tuyền“ nơi chỉ nách trước lồng ngực chạy trong lòng cánh tay phía ngón út, chạy xuống phía trong ngón út và kết thúc ở huyệt Thiếu Xung (đoạn Thơ 1.a.1.) Kinh này thuộc hành ÂM HỎA, màu Đỏ (Đầu Thiếu Xung anh nhóm đốm mặt trời…).

2 – Kinh Tâm nối với Kinh Tiểu Trường ở đầu phía ngoài nón tay út tại huyệt „Thiếu Trạch“, từ đó chạy phía ngoài cánh tay lên mặt và kết thúc tại huyệt „Thính Cung“ trước cửa tai (đoạn thơ 2-a.2). Kinh này là Dương Hỏa (em có biết trong ngợp màu Hạ đỏ..).

3 – Từ huyệt „Thính Cung“, kinh Tiểu Trường bắt lạc mạch nối với kinh Bàng Quang tại huyệt „Tinh Minh“ nơi chân mày. Từ huyệt „Tinh Minh“ kinh Bàng Quang chạy lên đỉnh đầu, ngoặt ra sau lưng và chạy xuống hai vạch có các „Du Huyệt“ sau lưng, rồi chạy xuống chân phía ngoài ngón chân út và kết thúc tại huyệt „Chí Âm“ (đoạn Thơ 3- a.3). Kinh Bàng Quang thuộc hành DƯƠNG THỦY (anh vẫn còn ngóng mãi mái nhung huyền…).

4- Từ huyệt „Chí Âm“, kinh Bàng Quang bắt lạc mạch nối với huyệt „Dũng Tuyền“ của kinh Thận nằm dưới lòng bàn chân, rồi từ đó chạy phía trong chân, chạy lên bên cạnh rốn và chạy tới dưới xương quai xanh dưới cổ, kết thúc ở huyệt „Du Phủ“ (đoạn thơ 4-a.4). Kinh Thận thuộc hành Âm THỦY (để nao nao nhược thuỷ dưới xa mờ…). Đoạn Chu Thiên thứ nhất (Đệ Nhất Đoạn Chu Thiên) kết thúc ở đây.


5- „Đoạn Chu Thiên“ thứ 2 (Đệ Nhị Đoạn Chu Thiên) bắt đầu từ lạc mạch nối huyệt „Du Phủ“ của kinh Thận đến huyệt đầu của kinh Tâm Bào là huyệt „Thiên Trì“, cách vạch nách trước ngực cỡ một đốt ngón tay. Kinh Tâm bào bắt đầu từ huyệt „Thiên Trì“ chạy phía trong cánh tay xuống ngón giữa của bàn tay, kết thúc tại mé ngón giữa hướng bên phía ngón út tại huyệt „Trung Xung“. (Đoạn thơ 5-b.1). Kinh tâm bào cũng thuộc hành ÂM HỎA (da thịt mịn mởn mơn màu lừng lựng …)

6- Từ huyệt „Trung Xung“ khí huyết bắt lạc mạch, chạy dọc giữa khe ngón giũa và ngón áp út đến huyệt „Quan Xung“ của kinh Tam Tiêu, ở phía ngoài ngón nhẫn, rồi từ đó chạy phía ngoài cánh tay, chạy vòng sau tai, lên mặt, kết thúc tại huyệt „Ty Trúc Không“, nơi vàng tai trên giáp với mặt. (Đoạn Thơ 6-b.2). Kinh Tam Tiêu thuộc hành DƯƠNG HỎA, nhưng lại chủ về „Thuỷ Đạo“ trong cơ thể (em chưa thấm đủ ba tầng thủy tụ….).

7- Từ huyệt „Ty Trúc Không“, kinh Đởm bắt lạc mạch nối với huyệt đầu là huyệt „Đồng Tử Quan“ ở mé đuôi mắt, rồi chạy lên vùng trán, ngoặt ra bên mé đầu chạy ra phía sau hông lưng, rồi chạy xuống ngoài chân, kết thúc ở ngón áp út chân tại huyện „Túc Khiếu Âm“ (đoạn thơ 7- b.3). Kinh Đởm thuộc hành DƯƠNG MỘC (uốn cành cong em bẫy mũi tên nhung….).

8- Từ huyệt „Túc Khiếu Âm“ của kinh Đởm, kinh Can nối lạc mạch với huyệt „Đại Đôn“ ở phía mé trong ngón chân cái, rồi chạy phía trong nhượng chân chạy qua bẹn háng rồi ngoặt lên dưới sườn bụng. Kết thúc ở huyệt „Kỳ Môn“ ở mạng sườn (đoạn thơ 8-c.4). Kinh Can thuộc hành ÂM MỘC (bởi xanh lá màu trời khum nét nhạc….). „Đoạn Chu Thiên“ thứ 2 kết thúc tại đây.

9- „Đoạn Chu Thiên“ thứ 3 (Đệ Tam Đoạn Chu Thiên), bắt đầu từ lạc mạch nối từ huyệt „Kỳ Môn“ của Can kinh chạy ôm đầu nhũ hoa và bắt với huyệt đầu tiên của kinh Phế là huyệt „Thiếu Phủ“, nằm trên lồng ngực phía trên chỉ nách cỡ 2 đốt tay. Từ huyệt „Thiếu Phủ“. Kinh Phế chạy phía trong cánh tay, hướng bên ngón cái, và kết thúc tại mé trong ngón tay cái tại huyệt „Thiếu Thương“ (đoạn thơ 9-c.1). Kinh Phế thuộc hành ÂM KIM, màu trắng (trắng phù du lởn quởn gạ mây ngàn…).

10- Kinh Đại Trường bắt lạc mạch từ huyệt „Thiếu Thương“ của kinh Phế đầu ngón cái, chạy sang đầu ngón trỏ tại huyệt „Thương Dương“, rồi chạy qua hổ khẩu nơi „Hiệp Cốc“ rồi chạy theo mé ngoài cánh tay, chạy lên mặt, kết thúc ở huyệt „Nghênh Hương“ bên cánh mũi, (đoạn Thơ 10-c.2). Kinh Đại Trường thuộc hành DƯƠNG KIM (ráng trăng khua cũng rớm bạc sắc màu…).

11- Từ huyệt „Nginh Hương“, kinh Vị bắt lạc mạch trên mặt, nối với huyệt đầu là huyệt „Thừa Khấp“. Riêng kinh Vị là kinh Dương duy nhất chạy xuống chân bằng đường trước bụng, rồi ngoặt ra ngoài cẳng chân chạy xuống bàn chân, kết ở huyệt „Lệ Đoài“ mé ngón thứ 2, giáp ngón cái, đoạn Thơ 11-c.3. kinh Vị thuộc hành DƯƠNG THỔ.

12- Từ Lệ Đoài, kinh Tỳ bắt lạc mạch sang huyệt đầu là huyệt „Ẩn Bạch“ ở, mé ngoài móng ngón chân cái, từ đó chạy phía trong cẳng chân, chạy lên bẹn và chạy lên trước hông sườn trước bụng, kết thúc ở huyệt „Đại Bao“ tại đó, (đoạn Thơ 12-c.4) . Tỳ kinh thuộc hành ÂM THỔ. Vòng Đoạn Chu Thiên thứ 3 kết thúc tại đây, và cũng là nơi kết thúc một vòng Đại Chu Thiên trọn vẹn (bao gồm 3 vòng Đoạn Chu Thiên nối lại liên tục)

13- Từ huyệt „Đại Bao“, lạc mạch lại nối ở vùng mé ngực sang huyệt „Cực Tuyền“ của kinh Tâm, và bắt đầu một vòng „Đại Chu Thiên“ mới như từ đầu. (Đoạn thơ 14).

(LƯU Ý:
– Mỗi một cụm từ viết hoa để trong ngoặc kép của mỗi khổ thơ là tên của „Huyệt bắt đầu“ và „Huyệt cuối cùng“ của mỗi đường Kinh

– „Đại chu Thiên“ bao giờ cũng nối các kinh mạch theo công thức Âm-Dương thứ tự như sau: (1)Âm- (2)Dương- (3)Dương- (4)Âm- (5)Âm- (6)Dương- (7)Dương- (8)Âm- (9)Âm- (10)Dương- (11) Dương- 12 Âm-…..Âm- ….
– Lưu ý nắm rõ các Ngũ Hành của từng Kinh, là Hành gì, thuộc Âm hay Dương, và có màu sắc gì….là các chữ viết in hoa trong phần chú giải bài thơ

– Tất cả các đường „Kinh Âm“ chạy phía TRONG cánh tay, TRONG cẳng chân và TRƯỚC bụng. Các kinh Âm ngắn ở tay thì bắt đầu từ lòng NGỰC chạy xuống các ngón tay phía trong. Các kinh Âm dài thì chạy từ dưới ngón chân lên lòng NGỰC.

– Tất cả các đường „Kinh Dương“ chạy phía NGOÀI cánh tay, phía NGOÀI cẳng chân và phía SAU lưng. Các kinh Dương ngắn chạy từ dưới ngón tay lên MẶT. Các kinh Dương dài bắt đầu từ MẶT chạy lên đầu, vòng ra sau LƯNG và chạy xuống ngoài cẳng chân

– Cũng có nghĩa là:
a- Tất cả các đường KINH ÂM nối Lạc mạch với nhau tại LÒNG NGỰC.
b- Tất cả cácđường KINH DUO/NG nối Lạc mạch với nhau tại vùng MẶT
c- Tất cả các KINH ÂM NGẮN nối với các KINH DƯƠNG NGẮN ở các ĐẦU NGÓN TAY
d- Tất cả các đường KINH ÂM DÀI nối với các đường KINH DƯƠNG DÀI tại các ĐẦU NGÓN CHÂN

Cũng có nghĩa là các vị trí quan trọng nhất quyết định việc hành KHÍ hoạt HUYẾT trong Cơ thể là Vùng phía trên Ngực, vùng Mặt và các dầu Ngón Tay và Ngón Chân.
Các chữ viết In hoa trong Lưu ý này là những vấn đề quan trọng cần nắm bắt. )

Bài „ĐẠI CHU THIÊN CA“, là một trong những khổ được viết ra từ cảm hứng „Đại Chu Thiên Tả Chưởng Đồ“, hay là „Quảng Nhẫn Tả Chưởng Đồ“. Một trong những cách học „Đông Y“ bằng cách bấm đốt ngón tay do chính tôi sáng tạo ra, nhằm giúp cho học viên học Châm Cứu và Khí Công dễ thâu tóm bể học mênh mông của „Y Học Cổ Truyền“.

„Quảng Nhẫn Tả Chưởng Đồ“, bao giờ cũng được truyền dạy trong những bài học đầu tiên về „Y Lộ“ và „Khí Công Y Gia“ . Và luôn luôn nhắc học viên không được lơi lã bỏ quên vòng „Sinh Khí Đại Chu Thiên“. Vì đó là không những là nền tảng của thuật „Vận Khí“, „Liễm Khí“…., khi muốn trì luyện cấp độ cao của „Khí Công Y Gia“, mà còn là nền tảng căn bản nhất của „Thời Khí Bệnh Học“, để bổ phương, ra toa Thảo dược cho phù hợp với các cơ địa tại thời điểm chẩn trị.


10.05.17
Quảng Nhẫn Lê Thuận Nghĩa

Link BÀN TAY SINH KHÍ ở đây:

https://lethuannghia.com/ban-tay-sinh-khi-quang-nhan-ta-ch…/
SHARE