1. Chúc Tết

Mấy hôm tết Tây đọc comment chúc tết mà  “dão cả lòng”. Đa số các lời chúc mở đấu là “Chúc thầy năm mới thêm tuổi mới…”. Thông thường những người đã lên lão (Từ 60 tuổi trở lên) thì lúc chúc mừng sinh nhật hay chúc lễ tết gì đó thì chúc là “Sống lâu trường thọ…”, chứ chúc “thêm tuổi” là có nghĩa chúc cho “nhanh già chống chết” à!!!. Cũng may mà họ không theo thông lệ của các câu chúc mừng kinh điển là “Chúc cho thầy ăn nhiều chóng lớn” thì đúng là bỏ bu thật…he…he…

2. Trình diễn

Cũng mấy hôm tết Tây, mình có mấy buổi dạy online. Đa số là chia sẻ kinh nghiệm Dưỡng sinh cho bọn “đệ” (Học viên nòng cốt). Rất nhiều đứa trong bọn họ biết mình có sở hữu một cái đàn tranh được tặng thuộc vào loại “độc môn chi bảo”. Cái đàn tranh cổ này được làm bằng gỗ cây ngô đồng “bách niên lão mộc”, cho nên dù có mang đi bôn tẩu giang hồ từ xứ cực nóng như Sa mạc hay cực lạnh như Bắc cực, cũng chẳng hề hấn gì như các loại nhạc cụ khác làm bằng gỗ thường hay bị gặp nạn, nứt nẻ hay rè âm. Họ lại biết mình có tòm tem học qua cách lã lướt móng phím, vì vậy cứ một hai đòi mình chơi một khúc Thập lục. Hè hè… cho dù ở bên này mình thỉnh thoảng cũng nhấn nhá nhún vuốt vài cung cho tụi Tây nghe. Khi bọn Tây sùng nhạc Meditation, nghe mình lướt móng cũng có nhiều phen “bủn rủn chân tay, nổi cả gai ốc”…Nhưng bảo mình trình diễn cho chúng nghe vài khúc thì quả thật là như “đưa con vô Nội”. Chí ít trong các lớp học oline của mình cũng phải có trên 10 cao thủ Thập lục cầm hay Cổ cầm, thậm chí còn có cả vài Tuyệt đại cao thủ về ngón đàn này ở trong đó nữa. Vì vậy, cho dù mình mặt dày cỡ nào cũng đâu dám thả phím múa rìu qua mắt thợ. Bọn “đệ” này là bọn mình thương yêu như ruột thịt, vì vậy mình chả bao giờ từ chối điều gì khi bọn chúng yêu cầu mong muốn. Vậy mà riêng khoản trình diễn đàn tranh này thì mình cứ ậm ừ đánh trống lãng. Khi bắt buộc phải từ chối ai một điều gì đó, thường làm mình trăn trở khó chịu mất mấy buổi làm ảnh hưởng tương đối đến lập trình sống “Khoan khoái, thoải mái, vui vẻ” của mình. Nói tóm lại là yêu cầu gì thì yêu cầu, riêng khoản yêu cầu oánh đàn tranh thì đừng nghe mấy đứa…he…he….

3. Iphon 4Plus

Hôm qua viết bài gì gì đó, có nhắc đến vụ dùng điện thoại. Tôi có viết trong bài là có sử dụng cái Iphon 4Plus. Vậy là có mấy người vào “tổng xỉ vả” là viết bậy hì hì… Thú thật là từ ngày biết dùng Smart Phone đến giờ, tôi chưa bao giờ tự mua một cái điện thoại di động nào cả. Đặc biệt hơn là khi bị tặng, tôi cũng bảo người tặng là phải cài đặt hết mọi thứ trước đã thì LP mới dùng. Vì vậy tôi không bao giờ biết cập nhật ứng dụng là cái gì hết, vì không nhớ và cũng không biết cái ID của máy là gì. Và thú thật là tôi cũng không biết cái điện thoại mình dùng thuộc vào loại gì nữa. Khi có người comment bảo tôi viết bậy, tôi gọi điện thoại cho người tặng hỏi, ê mày cái  điện thoại mày tặng tao gọi là loại gì mày. Nó nói là cái Iphon 6S-Plus. Tôi nói, hèn chi hôm qua tao viết bài tao khoe tao có cái Iphon đời mới Iphon 4Plus, thiên hạ chửi quá trời. Nó cười sặc sụa bên kia máy bảo sửa lại bài đi cha, viết vậy người ta cười cho thối mũi. Tôi nói, kệ, đôi khi có một chút sai sai về vấn đề vô thưởng vô phạt như vậy lại có sức thu hút hơn…he…he…

4. Nhõng nhẽo

Rất nhiều người Đức có Họ (Tên) có ý nghĩa liên quan đến một loài động vật nào đó, ví dụ họ Fischer (Cá), Fucher (Chồn), Schlanger (Rắn)…Hôm qua có một em có Họ là Fischer đến trị bệnh. Là bệnh nhân quen lại rất thích đùa, nên mình bỗ bã đùa chào: “Guten Tag Frau Haifische aus Ostsee” (Chào em cá mập đến từ biển Đông). Vậy mà em giận, phải dỗ dành mãi, em mới chịu làm lành. Đã vậy còn nguýt một phát dài nũng nịu nói, em không phải là cá mập, em là cá cảnh thần tiên đấy nhé. Vậy đó, đối với Phụ nữ, tính tình họ rất bất thường, chả biết đâu mà lường. Nhất là các em từ U80 trở lên như em họ Fischer này. Nhõng nhão không khác gì các em bé 2, 3 tuổi, khó chiều phết!!!

5. Thừa kế

Một người học trò từ nước Úc nhắn tin nói, thầy có muốn thừa kế một hòn đảo không người không? Có ông lão Glasheen muốn nhường quyền sở hữu một đảo hoang ở phía Đông nước Úc với điều kiện là giữ lại nguyên trạng của đảo và phải tuân thủ theo cách sống trên đảo như ông ấy đã từng sống. Nếu thầy thích và đồng ý với kiểu sống này về già, em có thể làm thủ tục chuyển nhượng cho thầy. Thông tin như sau:

“…Ông David Glasheen từng rất thành công trong kinh doanh bất động sản, vàng, tổng giá trị của ông ước tính khoảng 27 triệu USD. Thời điểm chơi chứng khoán, tài sản của ông còn lên đến 28,4 triệu USD.

Tuy nhiên, năm 1987, chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 508 điểm kỷ lục, ông bị mất 7,25 triệu USD. Sau đó, vợ ông cũng mất nhiều tiền. Năm 1993, gần như tài sản của ông đã “bốc hơi” và phá sản

Sau đó, ông đến sống tại một hòn đảo có tên Phục Hồi. Đây là hòn đảo hoang sơ ngoài khơi phía Đông của Australia.

Ông dùng nguồn điện từ năng lượng mặt trời và có dùng Internet. Glasheen chỉ vào trong bờ mua tạp hóa vài lần trong một năm và rất ít khi giao tiếp với loài người. Ông chỉ sống với một con chó và một hình nhân Phụ nữ làm bằng rơm ở trên đảo.

Nguyên trạng “biệt thự tỷ đô” cần phải giữ nguyên hiện trạng của ông có đính kèm hình ảnh phía dưới…”

Từ khi biết tin này, tôi nôn nao và tưởng tượng ra lối sống “thần tiên chi đạo” của ông lão Glasheen, thèm thuồng đến mức không ngủ được nên ngồi gõ cái statut vụn vặt chuyện hàng ngày này…hì hì…

07.01.22

Thuận Nghĩa

SHARE