(Phần 1 và các phần phụ xem ở đây:

https://lethuannghia.com/bi-an-cua-vu-tru-va-nao-bo-cua-con-nguoi/

Phần 2: “Tấm bình phong” Chân-Thiện-Mỹ, “Chiếc áo choàng” Tình Thương và  “Đôi găng tay” Thiện Nguyện…của “Thần Y”, “Diệu Dược” trị được bá bệnh trong các Liệu pháp “Cận Tôn Giáo”

a/ Khái niệm cơ bản:

“Chủ thể” của viết này là “Các liệu pháp trị bệnh Cận tôn giáo”, có nghĩa là sự “mạn đàm” sẽ được quay xung quanh “chủ thể” này. Vì vậy dù muốn hay không cũng phải điểm qua Khái niệm của “Chủ thể” này là gì:

– “Cận” là gần, ở bên cạnh, gần như, tương tự…

– “Tôn Giáo” là tín ngưỡng, hoạt động tâm linh (Sự Tin tưởng- Ngưỡng mộ/ Đức tin). Hiểu nôm na là những hoạt động tín ngưỡng, hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng, cách sống, lý tưởng sống…của một cộng đồng xã hội hướng đến một hệ thống “Giáo lý- Tâm linh” nào đó

Thực ra “Tôn giáo” là một “Thuật ngữ” (Ngôn Ngữ của Học thuật). Thuật ngữ “Tôn giáo”: (Religion) – Religio có nghĩa kép, là sự tồn tại của một quyền năng bên ngoài mà con người tuân theo và thể hiện lòng tin tưởng và ngưỡng mộ, tôn thờ …vào quyền năng đó. “Thuật ngữ” này vốn có xuất xứ từ phương Tây. Vào thời kỳ đầu, thuật ngữ “Religio” có thể hiểu là  “Giáo hội”, là một cộng đồng bao gồm những con chiên theo Chúa mà quan hệ thành viên của cộng đồng xác định tất cả các khía cạnh đời sống của họ. Dần dần “Tôn giáo” trở thành một “Thuật ngữ” toàn cầu để ám chỉ hoạt động của một Đức tin vào một Tín ngưỡng nào đó. Và “Tôn giáo” đã được “định hình” thành một hoạt động Xã hội  với 3 thành tố cơ bản:

1-  Tin tưởng có sự tồn tại của một quyền năng bên ngoài mà con người chịu sự chi phối và tuân theo với lòng tin tưởng và ngưỡng mộ tuyệt đối

2- Có ý thức về “một cộng đồng có tổ chức”, có “Giáo hội”, có các thứ bậc, tổ chức chặt chẽ, có đẳng cấp của người tu hành, có “Giáo chủ” (Người sáng lập hoặc người truyền thừa của người sáng lập, hoặc người đứng đầu Giáo hội…)

3- Có một hệ thống giáo lý, kinh điển rõ ràng và có một hệ thống giáo dục bài bản, có sự trao truyền, phổ cập, hệ thống truyền đạo qui mô, được một số đông cộng đồng xã hội thừa nhận và tuân theo

(Ngày nay có rất nhiều nền Học thuật, nghiên cứu và ứng dụng hiệu ứng của hoạt động Tôn giáo, ví dụ như Thần học, Tâm lý học, Vũ trụ học, Sinh học, Nhân chủng học, Xã hội học và kể cả Tin học và Y học….)

Chúng ta có thể tạm hiểu rằng, thuật ngữ “Cận tôn giáo” là chỉ đến những tổ chức xã hội có những hoạt động về Tín ngưỡng- Tâm linh nhưng thiếu mất MỘT  hoặc HAI trong 3 thành tố của thuật ngữ “Tôn giáo” vừa đề cập ở trên. (Hoặc có cả 3 thành tố, nhưng mờ nhặt, không rõ nét)

“Liệu pháp trị bệnh Cận tôn giáo” là hoạt động có liên quan đến lĩnh vực Y khoa, cụ thể là hoạt động chẩn trị bệnh tật và nghệ thuật dưỡng sinh có liên quan đến giáo lý, cách tổ chức hoạt động của các tổ chức “Cận tôn giáo”. Hoạt động này (Liệu pháp trị bệnh Cận tôn giáo) thường có 2 Hệ thống (Xu hướng/ Trường phái) cơ bản:

1- Người có trải nghiệm cá nhân về tác dụng của một liệu pháp trị bệnh nào đó, hoặc thấu ngộ về một phương pháp chữa lành nào đó, nhưng không có tư cách pháp nhân theo luật pháp hiện hành, hoặc không có khả năng cá nhân để phổ cập, truyền bá liệu pháp này  ra rộng rãi cho nhiều người. Nên họ dựa vào các Giáo lý, Kinh điển… của một Tôn Giáo nào đó đang hiện hành trong Xã hội để “Mã hóa” liệu pháp của họ đã từng trải nghiệm vào các Giáo lý- Kinh điển của Tôn giáo đó. Họ làm vậy là để nhằm cài đặt liệu pháp/ phương pháp chữa lành của họ vào Đức tin Tôn giáo để có thể nhanh chóng phổ cập và thu hút được nhiều “tín đồ”

2- Người có trải nghiệm, đúc kết… hoặc khám phá mới về một cảnh giới Tâm Linh nào đó, nhưng họ không, hoặc chưa đủ tầm ảnh hưởng để thu hút tín đồ, và người tin theo trải nghiệm tâm linh và tư tưởng của họ, cho nên họ sẽ chọn lựa các liệu pháp trị bệnh kinh điển hoặc không kinh điển nhưng dễ tiếp thu, có hiệu quả cấp thời/ tạm thời. Trước tiên là họ sẽ hướng mọi người (Tín đồ tương lai) vào tác dụng cấp thời của các liệu pháp này để tạo tiền đề cho lòng tin, sau đó dần dần họ sẽ “cài đặt” tư tưởng và trải nghiệm tâm linh của họ vào các Liệu pháp chẩn trị này.

Có một đặc điểm chung cho hai xu hướng “ Trị bệnh Cận tôn giáo” này là những người sáng lập ra “Liệu pháp” là những người rất ưu tú và xuất chúng. Họ không những là những người có sự am hiểu sâu sắc về Thần học, Tâm lý học, Xã hội học… mà còn là những nhà Tổ chức rất tài ba. Và mặt khác, tác dụng của các liệu pháp này dù là có thật nhưng khá mỏng manh, mơ hồ và tạm thời, nó chỉ có và có thể phát huy được tốt, khi vị “Giáo chủ” (Người sáng lập và hệ thống truyền thừa của họ) cũng cố được Lòng tin/ Đức tin của học viên và tín đồ của họ. (Vì vậy trong phần mở đầu của bài viết, tôi có nhắc đến sự thử thách của thời gian).

b/ Các khái niệm liên quan khác:

(Còn nữa)

(Lưu ý: Bài viết này, cũng như các bài viết khác trên trang của Thuannghia Le, chỉ là sự “chơi bời” trên cái “chợ trời” Facebook. Hay nói cách khác, đây chỉ là một trò tiêu khiển cá nhân của “Chủ Shop” mà thôi. Vì vậy mọi sự liên tưởng, ví dụ minh họa.. mà chỉ đích danh một ai, hay một tổ chức, trường phái…. cụ thể nào đó, nếu comment vào đây sẽ bị “dọn” đi ngay lập tức. Vì tôn chỉ chơi bời của tôi là phải khoan khoái, thoải mái, vui vẻ… và không được phép làm tổn hại hay tổn thương đến người khác)

10.11.21

Thuận Nghĩa

SHARE