Nếu như có chút gì đó bất an, tôi thường hay “tận hưởng” cái cảm giác bất an đó bằng cách bày ra những thứ việc làm cần có sự tỉ mỉ, khéo léo của bàn tay một cách cao độ.

Mắt thì tập trung vào tay để thực hiện những động tác cực kỳ chính xác. Tai thì lắng nghe một bản nhạc cực buồn. Tâm tư thì cố gắng hồi tưởng lại một ngữ cảnh, một kỷ niệm gì đó thật đau đớn, thật chua xót đến tận cùng… Nếu không có gì để hồi tưởng thì phải tưởng tượng ra những ngữ cảnh có độ phiền muộn, rệu rã tối đa…

Trong cái tình huống mình đang ở giữa những cảm xúc đa chiều đó. Chút thành công của đôi bàn tay, trộn lẫn với cảm giác diệu vợi của bản nhạc buồn, xen vào chút mong lung hoài niệm….tất cả sẽ tạo ra một trạng thái thống khoái, an lạc đến kỳ lạ

…Chủ nhật vừa rồi tôi có gặp lại một người bạn cũ. Anh vẫn đang còn ở trong ngưỡng cửa của sinh tử. Anh kể về chuyện trút hết sức lực cuối cùng để ném một vật dụng nhỏ ra cửa kính để báo động cho người trực hậu phẫu phòng cấp cứu đang ngủ quên là anh sắp bị nghẹt thở….

Sau anh là một bệnh nhân khác lại kể về chuyện vì sự tắc trách của người hộ lý, mà cô ta đã phải có một lần biết đến “kinh nghiệm cận tử”.

Nghe xong hai người trò chuyện, cuối cùng tôi kết luận: “Với hệ thống máy móc thiết bị hiện đại tối tân như có thể, cùng với một đội ngũ Y, Bác Sĩ cực kỳ tài ba và thuốc thang thuộc vào loại tốt nhất thế giới, người bệnh muốn chết cũng khó. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do bệnh quá nặng ít hơn tỷ lệ bệnh nhân tử vong do sự tắc trách của Y, Bác Sĩ rất nhiều, theo thống kê. Một phần do áp lực quá tải công việc, và một phần thái độ phục vụ mang đậm tính chất “Địa Văn Hóa”. Trong các bệnh viện lớn của nước Đức, người Ngoại Quốc đảm trách công việc hộ lý, y tá và chăm sóc bệnh nhân hậu phẫu….chiếm số đông. Theo thống kê cho thấy, tỉ lệ các ca tử vong sau đại phẫu thuật do bác sĩ, y tá, hộ lý…người gốc Á Châu đảm nhiệm ca trực nhiều hơn một cách bất thường so với các chuyên viên Y tế người Châu Âu đảm nhiệm ca trực. Tại sao?…”

Câu hỏi đó làm tôi khá bất an khi từ Berlin trở về. Và tôi lại bày biện đồ ra để “tận hưởng” cái cảm giác bất an này theo thói quen

Trong tiêu phổ “Linh Hương Phục Hoàng Hí”. Có một khúc gọi là khúc “Tịnh Tài”. Khúc này nói nên thổi trên các loại tiêu quí được làm bằng các nguyên liệu trân bảo thì diệu dụng.

Tôi có mấy ống tiêu làm bằng gỗ đàn hương, cảm thấy vẫn chưa đủ độ trân quí để thổi khúc “Tịnh Tài” này, nên đem ra khảm xà cừ và đá quí.

Hì hì… khảm xà cừ lên tiêu chưa phải là khó. Khắc logo lên xà cừ để khảm mới là công việc đáng để thưởng thức.

Vừa khắc khảm xà cừ, vừa mở nhạc nghe bản “Rong Rêu” do Tuấn Ngọc hát…vừa hồi tưởng lại ngữ cảnh để viết nên bài thơ “Khung Rêu.”

Bài thơ “Khung Rêu” này tôi viết đã cách đây 2 năm. Viết sau khi có một chuyến du ngoạn bằng xe máy về Đồng Nai để tìm “nắng và đại thụ”. Chuyến đi đầy kịch tính do “Quái Xế” đảm trách. Dấu ấn nhớ đời không thể nào quên được của chuyến đi là tôi bị đau mông do ngồi xe máy đệm cứng, và di chuyển thời gian quá dài trên đường đến Nam Cát Tiên.

Bố khỉ!!!, hồi tưởng mãi mà chả có cái “nỗi buồn đau” nào đáng giá hơn cái vụ đau mông cả. Ngẫm đời cũng tẻ nhật thật …..Khẹc..khẹc..khẹc…

09.10.18
TN

Bài Thơ “Khung Rêu” viết vào ngày 05.10.2016

KHUNG RÊU

Đêm cứ về từng nhúm trăng lơi
Nào đâu có vơi đi nỗi em ăm ắp mùa tròn hôm trước
Giá như có thể giấu được đôi môi ấy vào bìa đêm lạnh
Để rừng khua thấm bớt nồng nàn
Thì sáng nay nơi khung rêu
Khoảng trời không mở ra những tà mây rách
Và anh chẳng phải ngước với trong veo
Mà chứa chan
Mà cổ lụy
Mà lở từng mạch đau
Mà hỏi em ở đâu
Em nơi đâu….

Không phải là Long Thành
Không về Long Hải
Gió không làm rách chiếc áo mưa đôi
Mà anh cứ bịn rịn với gió
Cứ thương một chỗ ngồi
Thốn vặn tay ga
Hối hả một chiều lướt xế

Cát không phơi trần ra trước bể
Sóng không sủi bọt lỗ sò
Sao anh cứ thăm thẳm da em trong lần đứt nút
Giá như có thể bịa ra một sự thật
Anh nói rằng da em bánh mật
Cho dù đêm nay
Vẫn ngà nuột từng thớ trăng lơi
Màu của bức tranh hổn hển

Những chùm nho đã nẫu chín trên cành
Anh không còn thời gian của cáo
Để ngoay ngoảy đuôi xanh
Anh dư nhiều thứ lắm
Dư đến tận cùng của hưu quạnh
Chỉ thiếu một chỗ nằm có những cái gác chân
Anh dư cả những lần dối mình
– Có gì đâu để nhớ

Đêm cứ về từng thớ trăng lơi
Anh cứ dựa vào giấc mơ
Mà tô lại khung mình đang lở lói mạch đau
Anh sẽ vẽ lại trên cành khô thêm từng chiếc lá
Cho mây khỏi rách qua tầm nhìn
Cho thăm thẳm mãi trong veo trên màu gối lạ
Cho mỗi sáng mai khỏi trằn mình qua nhớ
Mà hư cấu bầu trời…

05.10.16
thuận nghĩa

https://www.youtube.com/watch?v=eLUogz1x6as

SHARE