Home Uncategorized Lâu lâu „Bình loạn“ Thơ chút….

Lâu lâu „Bình loạn“ Thơ chút….

281
0

Tôi thuộc về tip người „hoài cổ“. Không phải là kiểu „ăn mày dĩ vãng“. Nhưng cái nghiệp vốn gắn liền với „cổ học“, nên cái gu thẩm mỹ cũng „cổ lụy“ ra phết…

Tôi chả dính dáng gì đến người của Showbiz, nhưng tôi thích Nghệ sĩ Hoài Linh. Ngoài cách diễn hài độc đáo không giống ai của anh, tôi còn thích vẻ mộc mạc ngoài đời của anh. Và đặc biệt rất thích chất „dân gian“ đậm đặc trong lối diễn của anh. (Đây là một món ăn tinh thần vô cùng quí giá với những người „tha phương cầu thực“ như chúng tôi).

Hôm nay tôi khá bất ngờ khi đọc được một bài Thơ của NS. Hoài Linh đăng trên statut FB của anh. Tôi không ngờ Hoài Linh lại có thể làm được một bài thơ „Thất ngôn“ hay đến như vậy. Không „dao to búa lớn“ với ngôn từ. „Thất ngôn“ của Hoài Linh cũng chân chất, chân tình và thấm thía đến lạ lùng, khi anh dùng bài thơ này để tưởng nhớ đến người bạn diễn vừa đột ngột qua đời của anh: Nghệ sĩ Chí Tài.

Bài thơ được mang tựa đề „Huynh ơi“:

Võ Hoài Linh

52 phút ·

Huynh ơi !

Bước chân phiêu bạt đã mỏi rồi

Anh ơi nằm xuống nghỉ ngơi thôi

Đời trả Anh về với nuớc Chúa

Chỉ giữ nụ cười Anh trên môi

Hai mươi mấy năm nghĩa Đệ, Huynh

Em xin giữ lại những bóng hình

Giữ lại cho mình miền ký ức

Giữ lại trong Tim những chân tình.

Từ nay chẳng nghe tiếng thị phi

Gạt bỏ ưu phiền, những sân si

Chẳng còn nhìn cảnh đời đen bạc

Chẳng phải nghe tiếng bất, tiếng chì

Kiếp người Anh trọn chốn Hồng Trần

Kiếp Tằm Anh trọn với Ân Nhân

Thanh thản mỉm cười an nhiên nhé

Ngủ giấc thật sâu , giấc Thiên Thần.

18/12/2020

Những hẹn hò từ nay khép lại ..…

…..

Nghệ sĩ Hoài Linh là người của „Văn Nghệ“ (Không phải là người của giới „Văn Chương“ chuyên nghiệp). Sự chân tình, bình dị, chân chất và tình bạn quí giá, thiêng liêng… được Hoài Linh thể hiện qua bài Thơ này đã vượt lên trên cả nghệ thuật „Thi ca“. Nên tôi không muốn nhắc đến „Cấu tứ và Niêm luật“ nữa. Tôi chỉ muốn nhắc đến một câu thành ngữ dân gian mô tả sự thi phi, đố kỵ, hoài nghi, gièm pha…của „miệng lưỡi nhân gian“ mà Nghệ sĩ Hoài Linh đã vận dụng một cách khá tài tình để mô tả tình cảnh hiện nay của Showbiz Việt là câu“..Tiếng bấc tiếng chì“. (Hiểu nôm na là tiếng nặng, tiếng nhẹ trong ý nghĩa „Nhẹ như tơ bấc, nặng như chì“)

Trích:

„… Từ nay chẳng nghe tiếng thị phi

Gạt bỏ ưu phiền, những sân si

Chẳng còn nhìn cảnh đời đen bạc

Chẳng phải nghe tiếng bất, tiếng chì …“

…Cũng không sao cả, nhưng với những người „hoài cổ“ mê „dân gian“ như chúng tôi, khi đọc đến câu thơ: „Chẳng phải nghe tiếng bất, tiếng chì..“ thì quả thật là có hơi „anh ách“. „Anh ách“ là vì chỉ có một chữ „bất“ này (Thay vì là „bấc“), đã làm cho bài thơ đẹp như một nốt son của „tình người“ nó có chút hơi kém „duyên“ đi chút thôi…

Viết bài này ra để cũng có ý nhắc chính mình và sáp nhỏ hậu sinh đang lăn lộn kiếm ăn bằng „con chữ“, là khi đã muốn sử dụng „thành ngữ“, „điển tích“… trong đột phá ngôn từ, cấu tứ cho tác phẩm của mình, cần phải cẩn trọng tính chính xác của „từ nguyên“, bởi nếu không cẩn thận thì sẽ „sai một ly đi một dặm“. Nhớ nghe…!!!

(Xin lỗi Nghệ sĩ Hoài Linh vì đã mạo muội „bình loạn“ Thơ của anh nhé!!!!)

19.12.20

Thuận Nghĩa

SHARE