Đọc tin trên báo thấy dân mình thiệt lạ. Cho dù có “ác bệnh vái tứ phương” đi nữa thì cũng nên vái cho đúng hướng chứ. Cổ nhân đã tích góp hàng ngàn năm kinh nghiệm ghi đủ trong Y thư. Rồi Y học hiện đại Đông Tây kim cổ gì người ta cũng đã vận dụng tài năng trí tuệ vận dụng hết cả máy móc tối tân tài vật ra để nghiên cứu tìm cho được những liệu pháp tối ưu nhất để khống chế những căn bệnh hiểm nghèo. Nếu có vái thì biết chỗ mà vái khỏi bị tiền mất tật mang. Bệnh tình không hết mà tán gia bại sản đau mình mà còn làm lụy khổ đến thân nhân nữa.Trước đây người bị Ung Thư đã từng lên cơn sốt đi vái Cậu Ông Trời nghe đâu có người ở tận Quảng Bình nuốt con cóc nhà mà thấy thoải mái không bị khối ung hành nữa vậy là Báo viết phóng lên một bài. Úp úp mở mở chỉ tội  dân đen nghèo không có tiền xạ trị hóa trị thấy có phương toa kỳ lạ mà rẻ tiền cơm đùm gạo bới đến tận nơi nắng cháy heo hút ấy mà học nghề nuốt cóc. Để rồi chết vẫn cứ chết.Rồi một thời người ta thổi bùng lên cây Trinh Nữ Hoàng Cung có năng lực diệu kỳ trị được bá bệnh. Đài báo cũng đưa tin tổ chức này học viện kia đã nghiên cứu rằng cây Trinh Nữ Hoàng Cung trị tuyệt được chứng Ung Thư. Cuối cùng cũng lại tội dân đen. Vì theo cây Trinh Nữ Hoàng Cung mà ngậm hờn nơi chín suối.Báo lại đưa tin về một toa thuốc nghe nói là của một tử tù trước lúc ra pháp trường sợ bị toa thuốc huyền nhiệm bị thất truyền mà hiến ra. Người ta nghe báo đưa tin ù ù cạc cạc thổi phồng lên là biệt toa chống Ung thư lại rộ lên cơn sốt thả tờ rơi thả truyền đơn. Làm dân tình điêu đứng vì cái toa Giải độc tiêu ung (nhọt) chỉ thống (giảm đau)  ấy.Rồi lại thần y ngoài Quảng Ninh có toa Thất Diệu từ Yên Tử Tam Tổ truyền lại trị tuyệt nọc Ung Thư.
Rồi lại rộ lên cơn sốt cao hổ cốt sừng tê ngưu sừng dinh rắn mật gấu tiết ba ba và lục xà vương có thể trị được tuyệt chứng Ung thư.Khốn thay khốn thay! Cho dù y học hiện đại có những phương cách tốn tiền triệu cho những người triệu phú tỷ phú cũng chưa một nơi nào trên thế giới dám tuyên bố là trị tuyệt nọc được Ung thư cả. Có chăng chỉ là những phương pháp tùy chứng trị liệu kìm hãm sự phát triển của khối ung với kết quả chỉ cầm chừng trong giai đoạn mà thôi.“Trị Tuyệt Chứng Ung Thư” e rằng cái thuật ngữ y tế này chỉ có ở Việt Nam ta. Nó có là nhờ một phần vào Báo chí viết dưới dạng nửa tin nửa ngờ. Có điểm qua vài dòng ù ù cạc cạc nói nước đôi của một vài chuyên gia Y tế nào đó. Làm báo kiểu ấy bình luận kiểu ấy có khác chi là đồ tể hay Y tặc đâu. Cuối cùng chỉ làm cho người đứng bên bờ tuyệt vọng thêm khổ lụy mà thôi.


(cây thất diệp nhất chi hoa)

Gần đây dân mình lại rộ lên cơn sốt cây Thất Diệp Nhất Chi Hoa và Lục xà Vương (rắn lục) trị được Ung thư. Báo lại đưa tin lại ù ù cạc cạc không rõ ràng. Lại đăng lời nhận định của các Y gia cũng nửa nạc nửa mỡ. Không có một lý luận y khoa rõ ràng khúc chiết trắng ra trắng đen ra đen. “nghe nói nghe nói ….” cứ vậy mà thổi hồn vào cho dư luận “làm thử”. Cuối cùng chỉ làm giàu cho mấy tay đầu nậu buôn bán động thực vật trong sách đỏ mà thôi. Còn người bạc phước thì lại lâm thêm khổ nạn. Đó là chưa nói còn nối giáo cho những trò phá hoại của “nước lạ”. Lợi dụng tin đồn để làm tuyệt đi tài nguyên quí hiếm của Thiên nhiên nước ta.

“Thất diệp nhất chi hoa” là dược thảo gì? Có đúng là hoạt chất của loài thảo dược này có tác dụng chuyên trị các chứng bệnh “bác sĩ chê”?! Để giải mã những điều ấy chúng tôi hỏi địa chỉ của những bệnh nhân ung thư từ sắp chết nay khỏe mạnh nhờ uống 7 lá 1 hoa nhưng ông K và những người mạnh miệng tuyên bố “thất diệp nhất chia hoa là thần dược” ỡm ờ bảo không giữ số của khách hàng. Người có số thì ông K bảo họ không muốn ồn ào vì sợ thuốc linh mất uy… (trích báo vietnamnet : – cứ úp mở thế này sao được (TN)!!!!
..
Lương y Nguyễn Thái Bình (quận 12) người cung cấp thông tin cho chúng tôi lưu ý: Sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” có đoạn nói “chữa hen suyễn ung thư phổi bằng thân rễ 7 lá 1 hoa với liều lượng từ 4-20g” nhưng có nhấn mạnh phải phối hợp với các vị thuốc khác. Tự bản thân 7 lá 1 hoa không làm nên sự diệu kỳ và sự phối hợp cũng chỉ mang tính chất điều trị sơ khởi là ghi nhận bước đầu mà thôi.

Lương y Đinh Công Bảy (Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM) cho biết trong tự nhiên 7 lá 1 hoa có 6-7 loài hầu như chỉ thấy ở các tỉnh phía Bắc các loài đều được sử dụng làm thuốc và việc điều trị có kết quả ra sao tùy thuộc vào chuyên môn kinh nghiệm chữa trị của từng lương y. Nhưng dù có công hiệu đến đâu thì chuyện xem 7 lá 1 hoa như thần dược bỏ ngang phác đồ điều trị của bác sĩ là quá sai lầm.  (trích vietnamnet. Là chuyên gia Y khoa cần phải có căn cứ rõ ràng khẳng định bằng tư liệu rõ ràng chứ cứ nói hạng hai thế này khác chi định hướng làm thử…)
….
Thời đại số hóa chỉ cần gõ mấy chữ vào Google cái loại Thất Điệp Nhất Chi Hoa này Trung Quốc Đài Loan Nhật Bản Mỹ Úc Đức Pháp Nga Thổ Nhĩ Kỳ Ba Lan Latvia…..nước nào mà chẳng có những công trình nghiên cứu về nó đã hàng trăm năm nay rồi. Ở đó thiếu gì tư liệu mà sao không lấy ra để thuyết phục dân chúng.

Ở nuớc ta Cổ thư cũng đã đề cập đến. Ngay trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi cũng ghi rất rõ ràng rồi. Và cuối cùng bài viết về Thất Diệp Nhất Chi Hoa Ông cũng đã có chua thêm một câu ” Cần chú ý nghiên cứu”.

Một bài viết về cơn sốt tai hại này trên một tờ báo đại chúng mà ghi thế này thì có khác chi hướng người bị bệnh bỏ ngang phác đồ trị liệu để “làm thử” chứ .


Tôi có người bạn bị ung thư tử cung kỳ cuối di căn ổ bụng. Bác sĩ Giáo sư bệnh viện xác định chậm lắm là 3 tháng nữa. Còn nước còn tát tôi có bày cho mấy thế khí công phục hồi chính khí và uống thêm Hắc Hoàng Kỳ Phương của Tây Tạng (nghệ và tam thất). Cầm cự đến gần 2 năm tuy khối ung không hết vẫn còn di căn nhưng cơn đau thuyên giảm chính khí còn vượng sống đến bây giờ. Tập tành uống thuốc được 2 năm khi đi khám lại thấy khối u vẫn còn. Buồn bã bỏ về Việt Nam lên mạn Hòa Bình tìm bà thầy thuốc nam rồi ăn rắn lục qua Trung Quốc tìm Thất Diệp Nhất Chi Hoa và các loại kỳ trân thảo dược về uống. Về được 6 tháng thì gia đình báo tang sang cho tôi.

Nghe tin tôi buồn thấu xương thấu cốt. Ra đứng ngoài ban công gào lên như chó điên. Và gục đầu xuống kêu tên Thầy mình mà nức nở.

Nhớ ngày theo Thầy đi tìm thuốc khắp núi rừng Việt Nam. Thầy cứ dặn đi dặn lại câu nói của Tổ sư Gia Nghề Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác “Rèn luyện dưỡng sinh nâng cao chính khí phòng bệnh mới là diệu sách chứ chờ khi mắc bệnh mới ra toa tìm phương thì có khác chi giặc đến nhà mới tất tưởi đi rèn đúc khí giới đâu “.

Rồi khi trước khi Thầy qui tiên có dặn đi dặn lại về Ngũ Lộ Y Đạo.

Thầy nói dùng Y Đức mà hướng người bệnh tự rèn luyện dưỡng sinh bồi bổ chính khí đó là Thánh Đạo. Dụng thuốc lấy sự bồi bổ chính khí làm gốc để xua đi bệnh tật là Vương Đạo. Có bệnh mà bốc thuốc dập tắt triệu chứng là Bá Đạo. Phải dùng đến những kỳ phương diệu dược mới đẩy được bệnh là Quái Đạo. Còn khi bất đắc dĩ mà phải dụng đến các thuật để ma mị người bệnh nhằm chờ khi tìm cho được diệu toa đó là Ma Đạo. Đó là Ngũ Đạo trong Chính Y Đạo. Thánh Đạo thì nên dùng vì đó là phương tối thượng nhất trong việc phòng chống bệnh tật. Vương Đạo phải cần dùng vì đó mới là thuật y của bậc Từ Mẫu. Bá Đạo thì bất đắc dĩ mới dùng khi chưa có thời cơ để dụng Thánh Đạo và Vương Đạo. Rất hạn chế dùng Quái Đạo vì nó quí hiếm đắt đỏ và không phải con bệnh nào cũng thích ứng dễ mang đến chuyện tiền mất tật mang cho con bệnh. Còn Ma Đạo nếu là bậc Y thuật cao minh thì không nên dùng. Còn ngoài ra tuyệt đối không được dùng một  phương toa Tà Đạo nào khác. (Tà Đạo là các phương toa chưa được soi sáng bằng Y Lý của Tiền Nhân.)

Thất Diệp Nhất Chi Hoa là loại thảo dược có ghi trong cổ thư. Rừng núi nước mình có vô khối.

Hồi đi theo Thầy tôi thấy ở vùng Quảng Bình miệt Tuyên Hóa vùng rừng núi Bố Trạch Lệ Thủy có nhiều lắm. Nhiều nhất có lẽ là vùng Quì Châu Quì Hợp Con Cuông Mường Xén ngoài Nghệ An. Còn miệt ngoài Hòa Bình Sơn la thì cũng chẳng thiếu nhưng cây hoa ngoài miệt ấy cao hơn cứng hơn và mọc rải rác hơn.

Thầy theo thư cổ đi tìm một loại Thất Diệp Nhất Chi Hoa có tính giải độc và tiêu ung cực mạnh là loại có hoa kết trái như hình quả thận màu đỏ bầm như máu đông. Trên đài hoa có các sợi tua dài như tua cây phất trần.

Trong y thư cổ ghi là cây Phất Kim mọc ở vùng Tam Điệp.

Ngày đó theo Thầy tìm kiếm chưa có duyên thấy. Sau này lưu lạc ra vùng Đò Lèn Nga Sơn tôi phát hiện ra nó. Và lấy làm vui mừng lắm. Có lấy mẫu và mang sang bên này chiết mẫu gen làm giống. Định mai này về Tam Điệp sắm cái trang trại gieo trồng đại trà.

(giống TDNCH – Phất Kim ở Tam Điệp giống y chang thế này nhưng tua nhiều hơn)

Năm trước về Việt Nam có quen biết với người có thế ở Ninh Bình định hỏi dò tìm một mảnh đất nào đó re rẻ ở Tam Điệp hồi hương về nuôi hươu trồng thuốc an hưỡng tuổi già chơi. Ai dè người ta nói đất Tam Điệp bây giờ còn đắt hơn cả Hà Nội nghe nói thế sợ vãi cả linh hồn im thim thít chẳng dám hó hé nữa.

Vì có duyên với cây Phất Kim một loại cực hiếm cực quí cực diệu dụng trong chi thực vật Trọng Lâu (Thất Diệp Nhất Chi Hoa). Nên tôi quan tâm rất nhiều đến cái giống cây này. Tôi đã từng ngâm cứu tìm đọc tài liệu về giống này khá nhiều. Trong đó có nhiều tài liệu của Tàu Đài Loan Nhật Đức Pháp Đan Mạch và Thổ Nhĩ Kỳ….Chỉ có tài liệu về tiếng Việt thì không có. Tại sao nhỉ?

Trong lúc tìm hiểu về giống cây này tôi có lần đã nổi hứng kiếm hiệp và viết một thiên chuyện giải trí là “Huyền Tích Lá Phất Kim”.

Lấy bối cảnh của đời Tiền Lê và Nhà Lý để “bịa” ra cái huyền thoại nguồn gốc cây Thất Diệp Nhất Chi Hoa có huyền thoại từ Nàng Công chúa lừng danh của đất Tam Điệp. Công Chúa Phất Kim con gái vua Đinh Tiên Hoàng chị Vợ của Lý Công Uẩn Ông tổ của Thành Thăng Long bây giờ.

Mời bấm vào đây đọc chơi.

Phần 1 Huyền tích lá Phất Kim: xem ở đây
https://lethuannghia.com/huyen-tich-la-phat-kim/
_________

Phần 2  Huyền tích lá Phất Kim: Xem ở đây
https://lethuannghia.com/huyen-tich-la-phat-kim-phan-2/
______

Phần 3  Huyền Tích là Phất Kim: xem ở đây:
https://lethuannghia.com/huyen-tich-la-phat-kim-phan-3/
________

Phần 4  Huyền tích lá Phất Kim: xem ở đây:
https://lethuannghia.com/huyen-tich-la-phat-kim-phan-4/

_______

Trước khi trình bày các tư liệu của các nước Âu- Á về  cây Thất Diệp Nhất Chi Mai cho phép tôi kể lại một câu chuyện vui hồi theo Thầy đi tìm cây Phất Kim ở rừng núi Tam Điệp mong hầu được quí vị một tiếng cười ngày cuối tuần.

Hồi đó tôi theo Thầy đi khắp miền Trung chỉ đi bộ thôi. Tôi học thuốc học Đạo chủ yếu là ở trên những con đường thiên lý ấy.

Hôm đó lặn lội khắp vùng núi Nga Sơn trời đã sắp xế chiều tôi mệt lắm muốn tìm chỗ trú nghỉ. Nhưng Thầy cứ  cắm cúi đi. Thầy vừa đi vừa đọc Thơ. (Tôi cũng học thuốc và học Đạo chủ yếu là qua những câu thơ thầy xuất ra theo nhịp di hành ấy).

Có lẽ vì sự ảnh hưởng ấy nên sau này mới nghiện thơ và nghiện lục bát đến thế đó. Và đương nhiên đến thời điểm ngày nay. Nếu tôi không làm thơ  đọc thơ  thì cái nghiệp y nó cũng bị tụt thủ pháp Y cũng kém đi…hì hì…

Tôi thì lê từng bước mỏi mệt còn Thầy cứ khoan thai nhơn nhơn rảo từng bước rất đại định. Ông vừa đi vừa đọc:

Thất diệp nhất chi mai
Trọng lâu thiết đăng đài
Phất kim Tam Điệp hận
Tảo hưu đáo Phong nhai

(Thất điệp nhất chi mai là một tên khác của thất diệp nhất chi hoa Trọng Lâu Thiết Đăng Đài Phất Kim Tảo Hưu cũng là tên gọi khác trong Y thư cổ của cái giống cây 7 lá một hoa này. Ý bài thơ này Thầy nói  Tảo Hưu thì ở  Phong Nhai (động Phong Nha) đã có bây giờ vẫn hận là chưa tìm được cây Phất Kim ở Tam Điệp)

Nghe thầy đọc thơ tôi họa theo:

Độc cước hà xa thảo
Thất tử nhất chi liên
Ba rít bô ri phiên
Bây chừ con cởi áo

(Độc cước Thảo Hà Xa là một tên gọi khác của cây 7 lá một hoa. Ba rít bô ri phiên là tôi đọc trại ra như tiếng Phạn đọc kinh cái tên khoa học của giống này “Paris Polyphylla”. Vì mệt và nóng nên tôi vừa cởi áo vừa đọc họa với Thầy.)

Thầy phì cười nhưng ông vẫn cứ đi và vẫn cứ đọc:

Thất diệp nhất chi hoa
Độc cước giải độc xà
Phất trần phất điệp điệp
Mãn nhật vọng hằng nga

(Tạm dịch: cây  7 lá  1 hoa Độc cước (cũng là tên gọi khác của Thất diệp nhất chi mai) có thể giải được độc rắn. Cây Phát kim như cây phất trần phất lên trùng trùng điệp điệp. Cứ đi và chờ đến cuối ngày để ngắm trăng)

Tôi lại tiếp:

Thảo hà xa quá xa
Chi hoa đầu chi hoa
Bây chừ con doọc doọc
Đăng đài sướng chi là

(Thảo hà sa Chi đầu hoa Đăng đài liên đều là tên khác trong y thư cổ của cây 7 lá 1 hoa này. Ý đoạn này là tôi chơi chữ ý nói  con đường tìm Thảo hà sa còn rất xa   Chi đầu hoa cũng vậy thôi bây giờ con mệt (doọc- tiếng miền trung) lắm rồi muốn lên giường nằm cho nó sướng (đăng đài= đăng đài liên)

Thầy vẫn cứ ung dung:

Thất diệp nhất chi liên
Phước báo đáo nhãn tiền
Tiêu ung đà chỉ thống
Sinh tử tử sinh tiên

(Thất diệp nhất chi liên cũng là tên của 7 lá 1 hoa. Tìm được nó thì nhu tích phước đẻ được quả báo Thiện trước mắt. Cây này có tác dụng làm tan khối ung và chống đau nhức. Cũng giống như làm việc phước đức chống đau đớn khổ hạnh cho dân gian thì đời sống mới vui vẻ an nhiên ở cõi sinh tử này)

Tôi uể oải tiếp lời:

Tiên tiên tiên tiên tiên!!!
Đi nữa con chết liền
Không trọng lâu trọng bụng
Phúc phệ mới phước hiền

(Cú này tôi lại chơi chữ nữa vì trọng lâu cũng là tên của 7 lá 1 hoa mà cũng có nghĩa là coi trọng cái đầu (đầu nặng) ý tôi nói là không trọng cái đầu bây giờ con chỉ  coi trọng cái bụng cồn cào thôi. Phúc phệ cũng có nghĩa là bụng xệ (phúc là bụng cũng có nghĩa là Phước)
Tôi nói bụng xệ mới có tướng của người có phước hiền nhân như Phật Di Lặc vậy)

Lần này thì thầy dừng lại chờ tôi bước tới và xoa đầu tôi nói:
– Mi ngó rứa mà ngộ còn hơn thầy nữa hè!

Mỗi lần thầy hài lòng vì tôi về điều gì đó ông thường gọi tôi là “mi” (một cách gọi cực kỳ thân mật của người dân dã miền Trung). Và ông không bao giờ nói lời khen ngợi chỉ biểu hiện bằng cách xoa đầu tôi…

(Mời xem tiếp tư liệu Quốc Tế về cây Thất Diệp Nhất Chi Hoa ở phần 2)
_____
05.06.10
QN- Lê Thuận Nghĩa

 

SHARE