Phần Phụ Lục này tôi xin trả lời một số câu hỏi khá quan trọng của người đọc trong bài Mẹo Vặt …Giải Khát, link đính kèm:

(https://lethuannghia.com/meo-vat-giai-khat/ )

Câu hỏi liên quan đến vấn đề sức khoẻ cần thiết phải giải đáp trong bài nói trên là câu hỏi về một cuốn sách đã xuất bản và đã phổ cập rộng rãi trong cộng đồng của một Phụ Nữ nào đó.

Người hỏi, hỏi tôi nghĩ như thế nào khi tác giả của cuốn sách kia, bằng sự trải nghiệm của mình khi sinh con. Lúc vừa lâm bồn xong, nữ tác giả được một Bác Sĩ người Mỹ cho uống một ly nước đá, tác giả uống xong cảm thấy rất thoải mái. Vì vậy mới viết ra kinh nghiệm này để chị em phụ nữ làm theo.

Khi đọc xong câu hỏi, tôi chợt nghĩ, người phụ nữ, tác giả cuốn sách “đẻ xong nên uống ngay nước đá” này là một người cực kỳ phi thường. Vì chắc chắn người này với sự thoải mái khi uống nước đá sau khi vừa sinh con xong, sẽ đem cái trải nghiệm thoải mái nước đá của mình đi tắm nước lạnh ngay…Cái phi thường của người này ở chỗ, là làm vậy mà vẫn sống được đến bây giờ để viết sách cho chị em phụ nữ “chết” theo…he…he…he……

Ngôn ngữ của dân gian Á Đông và Việt Nam chỉ người phụ nữ đang trong thời kỳ nghỉ dưỡng sinh đẻ là “Ở Cữ”. Người miền Trung, Việt Nam có nơi còn gọi là “Nằm Than”.

Phụ Nữ trong thời kỳ sinh đẻ được gọi là “ở cữ”, là vì trong thời gian sau sinh đẻ, người Phụ Sản bắt buộc phải kiêng cữ rất nhiều thứ. Trong đó có 3 thứ bắt buộc phải kiêng cữ triệt để nhất trong vòng 1 tháng sau khi sinh. Đó là kiêng ra gió, kiêng lạnh và kiêng nước. Ngoài ra còn phải kiêng “ăn nằm” với chồng trong vòng 3 tháng sau khi sinh.

Đó không phải là tập tục “cổ hủ và lạc hậu”, mà đó là kinh nghiệm “sống còn” bảo vệ sức khoẻ của người Phụ Sản, đã được trải qua hàng ngàn năm kinh nghiệm đúc kết lại.

Không phải là ngày xưa, mà ngay thì hiện tại, bà con ta ở nông thôn vẫn có nơi vẫn còn giữ tập tục mang tính kinh nghiệm sống còn này.

Và hầu hết tất cả các cư dân U40 trở lên của người Việt, khi được sinh ra từ thế kỷ trước, vẫn được nuôi nấng bằng những người Mẹ “ở cữ” hay “nằm than” này.

Cho dù là mùa đông gió bấc lạnh giá, hay mùa hè nóng cháy da cháy thịt. Những Người Mẹ của thế kỷ trước vẫn cứ nằm xông than khi lâm bồn cho đến khi con mình vừa đầy tháng.

Cho dù nhà có nghèo đến như nào, là nhà tranh vách đất bốn bề gió lộng hay ở trong túp lều rách nát đi chăng nữa, thì nơi nằm ngủ và nghỉ dưỡng của Phụ Sản cũng phải được quây kín gió. Và không thể thiếu lò than củi ở dưới gậm giường với đủ các thứ lá thảo dược để xông, bóp, lót, kê….

Thức ăn của người Phụ Sản cũng được đặc biệt chú trọng chọn lựa những loại giàu chất dinh dưỡng, mang tính Dương/ Nóng, hoạt huyết, và loại bỏ toàn bộ các thứ thực phẩm mang tín Âm/Hàn. Và lúc chế biến hạn chế tối đa các loại thức ăn có nước. Đa số thức ăn của họ đều chỉ được kho khô, với gia vị chủ yếu là tiêu, ớt và nghệ….

Sở dĩ Phụ Sản bị “cưỡng chế” kiêng cữ và được sự chăm sóc, kiểm tra kỹ càng nghiêm ngặt của 2 bà Mẹ (Mẹ ruột và Mẹ chồng). Là vì họ muốn bảo vệ sức khoẻ tương lai cho người Mẹ trẻ theo kinh nghiệm gia truyền và truyền thống.

Lý do là vì người Phụ Nữ sau khi sinh thì họ như vừa trải qua một cuộc lột xác, thay máu. Cơ thể của họ cực kỳ yếu đuối, và thiếu máu một cách trầm trọng. Họ như một người đang mới được hồi sinh từ “cõi chết”. Sức đề kháng của họ cực kỳ yếu kém….Vậy nhưng họ lại đang phải có một trọng trách rất khó khăn và linh thiêng, là phải nuôi dưỡng hài nhi bằng dòng sữa giàu dinh dưỡng, chiết ra từ chính cơ thể yếu đuối của họ.

Bởi vì lẽ đó mà họ cần sự ấm áp. Ấm áp theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu họ không được bảo bọc bằng những sự kiêng cữ cổ truyền ấy thì gió lạnh, gió độc, sự ẩm uớt… của thời tiết nhiệt đới khắc nghiệt rất dễ thâm nhập vào cơ thể yếu sức đề kháng của họ. Và sau này họ rất dễ bị phong hàn nhập lý mà sinh ra các chứng phong, tê thấp, đau nhức, thiếu máu..ung kết…..

Thức ăn của họ, khô, nóng, cay… cũng nhằm mục đích hoạt huyết sinh tinh, bù đắp lại khí huyết hao hụt khi sinh nở. Họ không được tắm, hoặc ngâm nước trước một tháng, mà chỉ được phép lau rửa, gội đầu bằng khăn tẩm nước nóng nấu từ các loại thảo dược chống phong hàn.

Tất cả sự kiêng cữ đó đã giúp họ phục hồi sức khoẻ nhanh chóng, tránh được các chứng phong hàn, phong thấp, nhức mỏi, ung kết… sau này. Có thế, người Mẹ ngày xưa mới có thể sinh 5-7 người con mà họ vẫn không sao, vẫn phăng phăng làm lụng nặng nhọc cho đến khi đầu bạc răng long.

Còn những người Mẹ trẻ thời hiện đại thì sao. Bởi vì họ không biết những kiến thức tối thiểu của sự kiêng cữ mang tính sống còn đó. Cho nên họ mới đẻ một hai đứa con. Tuổi đời chưa đến 30, 40 tuổi mà cơ thể của họ đã rệu rã. Và hầu như tất cả họ đều bị đau thắt lưng và đau cổ gáy. Tỷ lệ bệnh lý về Phụ Khoa thì vượt ngưỡng. Tỷ lệ ung kết ở ngực, ở dạ con, buồng trứng… thì quá cao.

(Hầu như 100% Phụ Nữ Việt, sinh sống và làm việc, học tập ở Châu Âu và Phương Tây sau khi sinh con đều bị đau buốt kinh niên vùng thắt lưng và hay bị tê bại chân. Nguyên nhân là không có chế độ kiêng cữ, gió, nước và lạnh…. Không kiêng đã đành, mà còn quá lạm dụng nước, và đồ lạnh, gió… sau khi vừa sinh, nên phong nhàn nhập lý, hình hại ở tỳ và thận, nên gây nên chứng dau nhức, ê ẩm thường xuyên vùng thắt lưng. Chứng bệnh lâu ngày, hàn tà không được khu trục, ung kết nảy sinh, loãng sương, mòn khớp…Bệnh do phong hàn nhập lý hình hại ở Thái Âm không biết cách chữa trị, đi khám Tây Y, cứ bị chẩn đoán là thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa…..rồi chỉ định mổ, chỉ định thuốc kháng sinh, giảm đau, bệnh nặng lại càng nặng thêm. Chứng này dân gian gọi là: “Còn trẻ mà chảnh, mới tý tuổi đầu mà đã bày đặt cũng đau lưng như người lớn”…he…he…he… )

Đừng đổ thừa tất cả cho thực phẩm nhiễm độc mới xày ra tình trạng ung thư vú, ung thư tử cung… với tỷ lệ quá cao. Góp phần để nâng cao tỷ lệ ung thư giới tính ở Phụ Nữ hiện nay cũng từ là những cuốn sách, và sự chia sẻ thiếu hiểu biết như cuốn sách “ vừa đẻ xong nên uống đá ngay” đã nói trên….

Kết luận trên của tôi là câu trả lời cho câu hỏi mà người hỏi về vụ vừa đẻ xong có nên uống nước đá hay không.

(Chuyện người Phụ Sản vừa lâm bồn xong có nên kiêng gió, kiêng lạnh, kiêng dầm nước…. hay không, có nên kiêng cữ không nên sinh hoạt tình dục quá sớm hay không…các bạn nên tìm hiểu và học hỏi thêm ở các Bà Mẹ của thế hệ trước để có thêm kiến thức về việc bảo vệ sức khoẻ cho chính mình. Dù sao tôi cũng là đàn ông, lại không phải bác sĩ Phụ Sản, mặt khác tôi cũng chưa có kinh nghiệm đẻ đái gì, nên ý kiến của tôi, các bạn cũng nên xem xét lại về mặt trải nghiệm….he…he…he….)

Nhân tiện bàn về việc sử dụng nước đá trong trị liệu. Tôi xin điểm bàn thêm về vụ “tranh cãi mãi khôn nguôi” giữa Tây Y và Đông Y về việc chườm nóng hay chườm lạnh khi bị đau nhức, sưng tấy do bị tai nạn, va đập…..

Vì chơi thể thao, hoặc bị tai nạn khi làm việc, hoặc vận động quá tải, hoặc bị va chạm mạnh với vật cứng…. Tay chân, hoặc xương khớp bị bầm tím đau nhức, hoặc bị trật gân, sưng khớp….nếu bạn đến bác sĩ Tây Y sẽ được khuyên là nên chườm nước đá thường xuyên để giảm đau. Còn bạn đến bác sĩ Đông Y sẽ được khuyên chườm nóng hoặc xoa bóp các loại tinh dầu hoạt huyết có tính cay nóng.

Vậy liệu pháp nào mới đúng. Thực ra cả 2 liệu pháp đều đúng với phương châm trị liệu của họ. Tây Y với phương châm dập tắt triệu chứng, thì đương nhiên là ướp lạnh thì giảm đâu ngay lập tức. Còn Đông Y là đào thải nguyên nhân. Mà nguyên nhân của đau nhức sưng tấy do va chạm, vận động sai lệch là do bầm máu, tụ huyết, dập giãn gân cơ… cho nên Đông Y muốn hoạt huyết, chỉ huyết tiêu ung….nên mới chườm nóng và xoa bóp dầu nóng.

Chườm đá thì kết quả có ngay, giảm đau ngay lập tức, nhưng khi hết chườm thì càng đau thêm. Và sau này lành rồi, nếu trở trời, đổi gió thì lại bị đau nhức trở lại, vì máu bầm không được hoạt thải đi mà bị co kết, nhập lý ở vùng bị tổn thương.

Còn chườm nóng và xoa bóp dầu nóng thì có thể ngay lúc đó có thể chưa bớt đau ngay, thậm chí có thể còn đau thêm, nhưng di chứng về sau không có, và nhanh lành hơn.

Nếu bị đau xương khớp do bị phong, tê thấp mà chườm lạnh bằng nước đá thì càng tệ hại hơn. Đỡ đau chút lúc đó thôi, còn về sau bệnh sẽ càng nặng thêm, cơn đau sẽ dày hơn và nhức nhối hơn khi thời tiết trở lạnh.

Riêng vụ đau nhức các khớp tay chân do bệnh Gut (Gicht), hay còn gọi là bệnh “thống phong”. Nguyên nhân là do suy thận hoặc do các hội chứng khác mà lượng đạm trong máu quá cao. Thì cả 2 liệu pháp, chườm nóng và chườm lạnh đều không nên sử dụng. Vì cả chườm lạnh và chườm nóng đều không giải quyết được việc giảm cơn đau, ngược lại sẽ làm đau thêm sau khi chườm.

Hì hì…kết thúc vụ đá điếc ở bài viết này. Nhân tiện vụ chườm chiếc tôi xin hiến thêm một kế mọn. Những người đang yêu nhau, nếu có đau nhức chỗ nào, thì nên “chườm hôn” là hiệu quả nhất. “Chườm hôn” có nghĩa là mình đau chỗ nào, bảo người kia cháp lên đó một phát hun là đỡ ngay. Liệu pháp này ứng dụng cho mọi chỗ đau nhức, trừ đau nhức do bệnh trĩ …hê..hê…hê…..

Chúc quí vị một cuối tuần vui vẻ, một mùa Vu Lan phơi phới niềm thăng hoa và ăm ắp nguồn lắng động

23.08.18
TN

SHARE