Đại Chu Thiên Ca

1.1
phía Cực Tuyền em chớm mùa thảo mị
đầu Thiếu Xung anh nhóm đốm mặt trời
chưa đủ cháy ngọn nồng cho ngày lụi
dưới Thần Môn lá vẫy hú tìm nơi

1.2
khúc Tiểu Trường nỡ sao em đành đoạn
cho Thiếu Trạch lãng vội Thính Cung âm
em có biết trong ngợp màu hạ đỏ
có bàn chân lạnh ướm một bàn chân

1.3
tận chót đỉnh Tinh Minh còn chiếu rọi
anh vẫn còn ngóng mãi mái nhung huyền
dòng nhiệt thủy Chí Âm chờ hạnh ngộ
mấy lần xuân cố níu một lần duyên

1.4
em có biết anh bao lần cúi xuống
ngửa Dũng Tuyền rưng rưng hứng giọt mơ
em thuôn nuỗn cuộn ấm tầng Du Phủ
để nao nao nhược thủy cuối xa mờ

2.1
và cứ vậy nơi Thiên Trì nũng nịu
xiêm áo nhòa không đủ nghĩa non tươi
da thịt mịn mởn mơn màu lừng lựng
nhuốm Trung Xung hơn hớn đẫm nụ cười

2.2
em chưa thấm đủ ba tầng thủy tụ
đã Quan Xung mở nẫu chín tao lời
anh lụi cụi vét dọc ngang khe rảnh
vọng Ty Trúc Không chẳn tiếng à ơi

2.3
mắt trẻ lạc ám buốt hồn Đồng Tử
uốn cành cong em bẫy mũi tên nhung
khiếp sợi thừng dáng xà run Túc Khiếu
anh chùn chân ngao ngán cửa vô cùng

2.4
bởi xanh lá màu trời khum nét nhạt
lụy muôn trùng nên gió cuốn mây bay
nương thảo dã Đại Đôn ghìm thác loạn
khép Kỳ Môn đành hãm vó mê say

3.1
dang phiến mộng thỏa cánh đời hạc nội
trắng phù du lởn quởn gạ mây ngàn
anh còn nợ ở đầu nguồn Thiếu Phủ
cuối Thiếu Thương sầu trả mối ly tan

3.2
đừng phỉnh nịnh chiều Thương Dương tóc rối
so đo gì chẳng nghĩa lý vàng thau
nhất dạ tạc Nghinh Hương về bên lối
ráng trăng khuya cũng rớm bạc sắc màu

3.3
xin lần nữa Thừa Khấp ngưng giọt đắng
cho Lệ Đoài khỏi vướng kiếp rưng rưng
và em ạ nẻo người này quá nặng
thì chua cay thôi đừng hỏi đã từng

3.4
lần nữa thôi cho anh ngày tạ tội
vắng môi cười lối cũ khuyết bàn chân
gốc Ẩn Bạch có lần nào run mỏi
lòng Đại Bao coi như thể kề gần

4.1
rất có thể đốm mặt trời anh nhóm
sẽ mai này nồng đượm chốn thiên nhai
khúc ngàn ca trên Cực Tuyền lại nối
vòng thiên thu liễu nhiệm tháng năm dài….
…..

29.04.14
tn

Chú Thích Thơ

Là dân Y Học Cổ Truyền nói chung và dân Khí Công Y Gia nói riêng thì không ai là không biết đến Vòng Luân Chuyển Khí Huyết trong cơ thể theo từng giờ trong 12 Kinh Mạch. Vòng luân chuyển Khí Huyết này trong kinh điển Y Học Cổ Truyền gọi là vòng Đại Chu Thiên. (Nói xin lỗi nhé, tôi đã test dân Khí Công Y Đạo Việt Nam, có lẽ cả trăm người đang hành nghề, may lắm có được một hai người có trải nghiệm về Vòng Đại Chu Thiên…hì hì…khó hiểu thật. Càng khó hiểu hơn nữa, khi test dân Châm Cứu, thì tỷ lệ càng khiêm tốn hơn. Họ Châm Cứu theo Nguyên Tắc nào nhỉ..???. Thật là một câu hỏi lớn khó giải đáp thật….)

Vòng Tiểu Chu Thiên là vòng khí huyết lưu chuyển trong hai mạch Nhâm- Đốc. Tức là mạch Nhâm, là Mẹ của tất cả các đường Kinh Âm, chạy phía trước bụng. Và mạch Đốc, là Cha của tất cả đường Kinh Dương chạy giữa sống lưng.

Vòng Đại Chu Thiên bao gồm 3 vòng Đoạn Chu Thiên nối lại với nhau liên tục. Một vòng Đoạn Chu Thiên, là khởi đầu từ lồng ngực, bắt đầu từ một Kinh Âm Ngắn, chạy phía trong cánh tay xuống đầu ngón tay rồi nối với một Kinh Dương Ngắn bằng Lạc Mạch rồi chuyển hướng chạy từ phía ngoài cánh tay lên mặt. Kinh Dương Ngắn này lại nối với một Kinh Dương Dài bằng một lạc mạch khác, rồi chạy lên đỉnh đầu, chạy tiếp xuống sau lưng và đổ xuống ngón chân. Từ ngón chân lại nối lạc mạch với một Kinh Âm Dài, chạy phía trước bụng lên lại lồng ngực. Kết thúc một vòng Đoạn Chu Thiên ở Ngực.

Vòng Đại Chu Thiên là một vòng lớn nối 3 vòng Đoạn Chu Thiên như thế liên tục. Cụ thể như sau.

Vòng Đại Chu Thiên bắt đầu từ Kinh Tâm, xuất phát từ huyệt Cực Tuyền nơi chỉ nách trước lồng ngực chạy trong lòng cánh tay phía ngón út, chạy xuống phía trong ngón út và kết thúc ở huyệt Thiếu Xung (đoạn Thơ 1.1.) Kinh này thuộc hành âm Hoả, màu Đỏ (Đầu Thiếu Xung anh nhóm đốm mặt trời…). Kinh Tâm nối với Kinh Tiểu Trường ở đầu phía ngoài nón tay út tại huyệt Thiếu Trạch, từ đó chạy phía ngoài cánh tay lên mặt và kết thúc tại huyệt Thính Cung trước cửa tai (đoạn thơ 1.2). Kinh này cũng dương Hỏa (em có biết trong ngợp màu Hạ đỏ..). Từ huyệt Thính Cung, kinh Tiểu Trường bắt lạc mạch nối với kinh Bàng Quang tại huyệt Tinh Minh nơi chân mày. Từ huyệt Tinh Minh kinh Bàng Quang chạy lên đỉnh đầu, ngoặt ra sau lưng và chạy xuống hai vạch có các Du Huyệ sau lưng, rồi chạy xuống chân phía ngoài ngón chân út và kết thúc tại huyệt Chí Âm (đoạn Thơ 1.3). Kinh Bàng Quang thuộc hành dương Thuỷ (anh vẫn còn ngóng mãi mái nhung huyền…). Từ huyệt Chí Âm, kinh Bàng Quang bắt lạc mạch nối với huyệt Dũng Tuyền của kinh Thận dưới lòng bàn chân, rồi từ đó chạy phía trong chân, chạy lên bên cạnh rốn và chạy tới dưới xương quay xanh dưới cổ, kết thúc ở huyệt Du Phủ (đoạn thơ 1.4). Kinh Thận thuộc hành âm Thuỷ (để nao nao nhược thuỷ dưới xa mờ…). Đoạn Chu Thiên thứ nhất (Đệ Nhất Đoạn Chu Thiên) kết thúc ở đây

Đoạn Chu Thiên thứ 2 (Đệ Nhị Đoạn Chu Thiên) bắt đầu từ lạc mạch nối huyệt Du Phủ của kinh Thận đến huyệt đầu của kinh Tâm Bào là huyệt Thiên Trì, cách vạch nách trước ngực cỡ một đốt ngón tay. Kinh Tâm bào bắt đầu từ huyệt Thiên Trì chạy phía trong cánh tay xuống ngón giữa của bàn tay, kết thúc tại mé ngón giữa hướng phía ngón út tại huyệt Trung Xung. (Đoạn thơ 2.1) Kinh tâm bào cũng thuộc hành âm Hỏa (da thịt mịn mởn mơn màu lừng lựng …) Từ huyệt Trung Xung khí huyết bắt lạc mạch, chạy dọc giữa khe ngón giũa và ngón áp út đến huyệt Quan Xung của kinh Tam Tiêu, ở phía ngoài ngón nhẫn, rồi từ đó chạy phía ngoài cánh tay, chạy vòng sau tai, lên mặt, kết thúc tại huyệt Ty Trúc Không, nơi vàng tai trên giáp với mặt. (Đoạn Thơ 2.2). Kinh Tam Tiêu thuộc hành dương Hỏa, nhưng lại chủ về Thuỷ Đạo trong cơ thể (em chưa thấm đủ ba tầng thủy tụ….). Từ huyệt Ty Trúc Không, kinh Đởm bắt lạc mạch nối với huyệt đầu là huyệt Đồng Tử Quan ở mé đuôi mắt, rồi chạy lên vùng trán, ngoặt ra bên mé đầu chạy ra phía sau hông lưng, rồi chạy xuống ngoài chân, kết thúc ở ngón áp út chân tại huyện Túc Khiếu Âm (đoạn thơ 2.3). Kinh Đởm thuộc hành dương Mộc (uốn cành cong em bẫy mũi tên nhung….). Từ huyệt Túc Khiếu Âm của kinh Đởm, kinh Can nối lạc mạch với huyệt Đại Đôn ở phía mé trong ngón chân cái, rồi chạy phía trong nhượng chân chạy qua bẹn háng rồi ngoặt lên dưới sườn bụng. Kết thúc ở huyệt Kỳ Môn ở mạng sườn đoạn thơ 2.4. Kinh Can thuộc hành âm Mộc (bởi xanh lá màu trời khum nét nhạc….). Đoạn Chu Thiên thứ hai kết thúc tại đây.

Đoạn Chu Thiên thứ 3 Đệ Tam Đoạn Chu Thiên, bắt đầu từ lạc mạch nối từ huyệt Kỳ Môn của Can kinh chạy ôm đầu nhũ hoa và bắt với huyệt đầu tiân của kinh Phế là huyệt Thiếu Phủ, nằm trên lồng ngực phía trên chỉ nách cỡ 2 đốt tay. Từ huyệt Thiếu Phủ, kinh Phế chạy phía trong cánh tay, hướng ngón cái, và kết thúc tại mé trong ngón tay cái tại huyệt Thiếu Thương (đoạn thơ 3.1). Kinh Phế thuộc hành âm Kim màu trắng (trắng phù du lởn quởn gạ mây ngàn…). Kinh Đại Trường bắt lạc mạch từ huyệt Thiếu Thương đầu ngón cái, chạy sang đầu ngón trỏ tại huyệt Thương Dương, rồi chạy qua hổ khẩu nơi Hiệp Cốc rồi chạy theo mé ngoài cánh tay, chạy lên mặt, kết thúc ở huyệt Nghênh Hương bên cánh mũi, (đoạn Thơ 3.2). Kinh Đại Trường thuộc hành dương Kim (ráng trăng khua cũng rớm bạc sắc màu…). Từ huyệt Nginh Hương, kinh Vị bắt lạc mạch trên mặt, nối với huyệt đầu là huyệt Thừa Khấp. Riêng kinh Vị là kinh Dương duy nhất chạy xuống chân bằng đường trước bụng, rồi ngoặt ra ngoài cẳng chân chạy xuống bàn chân, kết ở huyệt Lệ Đoài mé ngón thứ 2, giáp ngón cái, đoạn Thơ 3.3. kinh Vị thuộc hành dương Thổ. Từ Lệ Đoài, kinh Tỳ bắt lạc mạch sang huyệt đầu là huyệt Ẩn Bạch ở, mé ngoài móng ngón chân cái, từ đó chạy phía trong cẳng chân, chạy lên bẹn và chạy lên trước hông sườn trước bụng, kết thúc ở huyệt Đại Bao tại đó, (đoạn Thơ 3.4) . Tỳ kinh thuộc hành âm Thổ. Vòng Đoạn Chu Thiên thứ 3 kết thúc tại đây, và cũng là nơi kết thúc một vòng Đại Chu Thiên trọn vẹn (bao gồm 3 vòng Đoạn Chu Thiên nối lại liên tục)

Từ huyệt Kỳ Môn, lạc mạch lại nối ở vùng mé ngực sang huyệt Cực Tuyền của kinh Tâm, và bắt đầu một vòng Đại Chu Thiên mới như từ đầu đoạn (thơ 4.1).

Bài CHU THIÊN CA, là một trong những khổ thơ nháp ở trên tàu. Được viết ra từ cảm hứng Đại Chu Thiên Tả Chưởng Đồ, hay là Quảng Nhẫn Tả Chưởng Đồ. Một trong những cách học Đông Y bằng cách bấm đốt ngón tay do chính Lão Phu sáng tạo ra, nhằm giúp cho học viên học Châm Cứu và Khí Công dễ thâu tóm bể học mênh mông của Y Học Cổ Truyền.

Tả Chưởng Đồ, bao giờ cũng được truyền dạy trong những bài học đầu tiên về Khí Công Y Gia. Và luôn luôn nhắc học viên không được lơi lã bỏ quên vòng Sinh Khí Đại Chu Thiên. Khi muốn trì luyện cấp độ cao của Khí Công Y Gia.

Lần này lão phu quá Giang Hồ, cả 3 miền Bắc Trung Nam, những ai đã theo lão phu học nghệ đều phải bị test lại Đại Chu Thiên Tả Chưởng Đồ. Nếu ai không tự tin, lúc đến khảo nghiệm, nhớ mang theo cái tô, để đề phòng lão phu tức, hộc máu ra có cái mà đựng,,,hehehhhehe….

NHÁP Ở TRÊN TÀU 1 đọc ở đây :

https://lethuannghia.com/nhap-o-tren-tau/

10.05.17
Quảng Nhẫn Lê Thuận Nghĩa

SHARE