Anh ngồi vắt sổ nỗi buồn

Để may lại cánh chuồn chuồn ngày xưa

Tháng ba nắng thiếu mưa thừa

Cao thấp biết mấy mới vừa cánh bay

Anh ngồi vắt sổ lại ngày

Ước rằng có thể vá may cuộc tình….

Chuyện cũ post lại:

VẮT SỔ LẠI NỖI BUỒN (Chuyện Đời)

Dạo trước về Hà Nội cùng với mấy người bạn. Tất cả thống nhất ý kiến, đi đâu cũng phải đi chung. Cả bọn dẫn nhau ra Văn Miếu thề cho chắc ăn. Ra đó. đứa nào cũng phải đưa tay lên trời thề: „ Tiên sư bố thằng nào đi đánh lẻ“. Mình lớn tuổi nhất, được thề sau cùng, mình thề: „ Tiên sư bố vợ thằng nào đi đánh lẻ“.

Văn Miếu là chốn linh thiêng, chả thằng nào dám làm trái lời thề. Riêng mình thì vô tư, vì mình đâu có diễm phúc được làm chủ cái loại „quái vật nhanh già lâu chết miệng kêu chiền chiền ấy“…hehehehe….

Mình lừa cả mấy thằng xuống Linh Đàm ăn vịt cỏ. Cả bọn gọi bia, nhậu om xòm. Mình bảo, bố đéo uống được bia, bố đi kiếm quán trà chén, quất vài phát cho đỡ ghiền. Nói xong mình ra đường, bắt xe ôm phắn xuống Hà Đông tìm em Phượng.

Em Phượng là con nhà Hoa Kiều, sau vụ 1979 gia đình em gặp nạn. Bố mẹ em đang làm cán bộ nhà nước tự nhiên bị sa thải. Em đang học Kiến Trúc năm 2, cũng phải bỏ học về xoay xở kiếm ăn phụ giúp gia đình trong cơn bĩ cực.

Em xoay xở thế đếch nào mà cuối cùng lại dạt ra Ngã Tư Sở làm gái. Hồi đó mình cũng phiêu bạt giang hồ ra ngoài đó, nên quen biết em.

Em không đẹp lắm, nhưng thân người đậm đà, có duyên, mặt tròn tròn, mắt một mí. Tuy mắt một mí, nhưng khi nào cũng ươn ướt như sắp khóc, cộng lại với đôi môi như trăng lưỡi liềm úp sấp, nên nhìn em gợi cảm và lúc nào cũng cảm thấy tồi tội, thương thương.

Đi làm gái mà em lại ghiền đọc tiểu thuyết dịch và rảnh lúc nào cũng thấy lang thang ở mấy chỗ triễn lãm hội họa và mỹ thuật. Có lần mình hỏi, sao mày chỉ có đọc tiểu thuyết nước ngoài không vậy, bộ văn chương trong nước không hay à. Em trả lời tỉnh rụi, mấy lão nhà văn nước mình chỉ viết sách cho lãnh đạo và con ở đọc thôi, đọc chỉ tổ phí mắt chứ bổ béo giề. Mình hỏi, chứ bộ chỉ có nhà văn nước ngoài mới viết sách cho điếm đọc à. Em biết mình hỏi đểu, nhoẻn cười hiền lành, thì cũng làm nghề giống nhau cả thôi, một đằng là điếm chữ, một đằng là điếm trôn.

Mình nhớ có lần em ôm cuốn Chuyện Thường Ngày Ở Huyện của nhà văn Liên Xô tên là Cốp Cốp gì đó ngồi dưới tán xà cừ ở Ngã Tư Sở say sưa đọc. Mấy nhà thơ, nhà văn Liên Xô lúc nào cũng có tên Xít Cốp.. Cốp hay Xít Ky..Ky, nên mình chỉ nhớ được tên sách, chứ tên tác giả thì chả nhớ được ông nào ra ông nào. Không biết cuốn sách đó viết gì có liên quan đến nghề của em không mà có mấy mối khách quen đến tìm em, em đều từ chối hết để ngồi úp mặt vào trang sách.

Mình thấy thế đến khều khều vào áo em hỏi, bộ biết chê tiền rồi sao. Em cáu, đi chỗ khác chơi cho bà đọc, cuốn này viết hay cực, bà mới giật trên tay con bạn học cũ, mai nó tới xiết lại rồi đấy. Nói xong, em lại gằm mặt vào cuốn sách.

Mình thấy em tồi tội, nên buông tiếng thở dài, nếu tao có mấy chỉ vàng, tao cho mày làm vốn, mở cái tiệm bán sách báo, khỏi phải làm nghề này, lại được thoải mái tha hồ mà đọc truyện. Em nghe mình than vãn vậy, lại ngước mắt lên đong đỏng, ông còn không lo được cho cái thân ông, cứ đòi vác tù và lo chuyện hàng tổng, thân mang hàng bồ kinh sử vậy mà cũng còn phải đi buôn nước bọt cơm cháo qua ngày, ông mà có mấy chỉ vàng thì trời sập mẹ nó rồi. Mình nghe em nói, xịu mặt, ngồi im re chẳng còn dám hó hé gì nữa.

Đâu cỡ 1 tháng sau, mình vào cầu một quả thuốc tây đậm. Đang chuẩn bị chia chác thì bị cớm chộp. Mình bị túm, mấy tay đầu nậu bắn tin, ông nhận, chỉ mình ông chơi, bất quá xộ khám vài tháng, rồi tụi này lo lót cho ông ra. Mình đồng ý, với điều kiện, tiền chia chác mấy quả trước phải giao đủ hết cho em Phượng.

Mấy tay giang hồ Bắc Kỳ giữ chữ tín ra phết. Mình xộ khám đâu được non tháng thì bọn chúng lo lót cho mình trắng án. Sau đó cũng bọn ấy lo lót ở Tổng Cục Dạy Nghề cho mình được nhận nhiệm sở ở Liên Hiệp Công Nông Lâm Krong Hà Nừng trong Pleyku. Chả là lúc ấy mình mới ra trường đang nằm chờ phân bố công tác ở Tổng Cục Dạy Nghề. Từ đó cho đến khi về lại Hà Nội, cũng đã ngót nghét hơn 20 chục năm, mình chưa gặp lại em Phượng lần nào.

Về lại Hà Nội lần đó, mình hỏi dò lại mấy tay bạn giang hồ ngày xưa, biết được em đã lập nghiệp dưới thị xã Hà Đông. Bởi thế, mình mới lừa tụi kia xuống nhậu vịt cỏ dưới Linh Đàm và kiếm cớ phắn đi tìm em.

Em có một cửa hàng vật liệu xây dựng to đùng ngay chính giữa thị xã Hà Đông. Lại được gọi là Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn, nghe oách phết. Mình chả biết cái trách nhiệm hữu hạn khác với trách nhiệm vô hạn như thế nào. Nhưng thấy em là tổng giám đốc là mình quá nở mày nở mặt rồi.

Em gặp lại mình, đứng sững như trời trồng, hồi lâu mới lập bập thì thào hỏi, ông mất tích đi đâu từ dạo ấy đến giờ, lúc cần gặp ông thì không được, lúc không muốn gặp thì lại xuất hiện. Mình cũng giả bộ nghiêm mặt thì thào, tại sao giờ lại không muốn gặp. Em nói, ông ngu bỏ xừ, bây giờ tôi đã có gia đình cơ nghiệp đàng hoàng, lại sắp làm bà ngoại, chuyện ngày xưa không hề có ai biết, chả nhẽ tôi lại muốn có người xoi mói chuyện cũ sao. Mình cũng trả đũa, bà cũng ngu bỏ bu đi được, bà nghĩ tôi đến để xoi bà sao.

Em cười hì hì, ông chả khác xưa thế nào, bây giờ nói chuyện ở đây không tiện, chiều tối nay, ông đợi tôi ở cái quán gió ngoài Hồ Tây, nơi mà ngày xưa có lần tôi đãi ông bánh tôm í, quán í nay vẫn còn, mà dạo này ông làm gì, vợ con ra sao rồi, đi ra đây một mình hay cả gia đình. Mình giả bộ thuỗn mặt ra, vợ con gì bà ơi, nghèo kiết xác, đói thối mồm, có con nào thèm để ý mà vợ với con, nhưng mà tôi đếch nhớ cái quán ấy nó nằm đâu đâu nhé, hay là tôi đợi bà dưới quán Hải Xồm nhé. Em ừ ừ, lẩm bẩm, đến làm gì mấy chỗ hỗn tạp í, nhưng mà thôi, ông cứ đợi tôi chỗ đó, rồi tôi đưa ông đi chỗ khác yên tĩnh hơn.

Em đến thật, đi xe hơi, có tài xế đưa đón hẳn hoi. Mới ngồi chưa nóng đít, em đưa cho mình một cái bọc nói, nhờ mấy chỉ vàng của ông ngày xưa, tôi bỏ nghề, hùn vốn làm ăn, trầm trầy ba chìm bảy nổi chín lênh đênh mới được như ngày hôm nay đấy. Mình cầm cái bọc vải lụa em trao, nhấc nhấc hỏi, bao nhiêu đây bà. Mười cây. Sao nhiều vậy, tôi nhớ ngày xưa bọn í đưa cho bà có 7 chỉ thôi mà. Thì xem như tôi trả lãi cho ông, ông coi mà lo chuyện gia đình đi, chứ bộ long bong mãi vậy sao, nếu cần giúp chuyện làm ăn, ông cứ nói với tôi một tiếng.

Mình nghe em nói thế, trả lại cái bọc gấm cho em và bật cười lên ha hả, làm em xuỵt xuỵt mấy lần mới nín được. Lúc nghe mình bộc lộ thân phận thật sự của mình, em lại thút thít sụt sùi. Mình quạu, bà này lạ nhỉ, lúc mình nói mình nghèo kiết xác, mặt bà cứ nhơn nhơn, lúc mình nói mình là người thành đạt, bà lại khóc là vì sao. Em lau nước mắt, rồi cười, tôi khóc là tôi mừng đã cất được gánh nặng trong lòng mấy chục năm nay. Mình nghe nói thế lại quạu, thôi đi bà ơi, nợ nần chó gì nhau đâu, dẹp xừ nó chuyện ấy lại, bây giờ nhậu một trận cho đã đời. Em trợn tròng nhìn thẳng vào mặt mình hỏi, ông đã biết nhậu rồi à. Mình cười hề hề, bà nhậu bia, tôi nhậu trà.

Mình nói ngày kia mình lại bay lại sang Đức. Em hỏi muốn mang quà gì sang để em mua. Mình nói, bà ở Hà Đông, nên bà có thể mua cho tôi một bộ đồ Tàu bằng vải lụa chính tông được không. Em nói dễ ợt.

Hôm sau, em mang đến cho mình cả chục bộ. Tất cả đều là lụa tơ tằm chính mác con nai vàng.

Mấy bộ đồ em mua tặng, mình mặc đến tận bây giờ chưa hết. Đồ Tàu bằng lụa tơ tằm, mặc cực bền, chảy, bóng lưỡng, mềm mại, chỉ tội là đường may hơi tệ, nên hay sổ chỉ đường tà. Bởi vậy, khi muốn mang bộ mới ra dùng, mình lại phải chạy lại hết các đường chỉ mới chắc ăn.

Sắp tới, mình có cuộc thi cử cực quan trọng. Mình muốn đem một bộ mới của em Phượng mua tặng ngày ấy ra mặc trong ngày thi cho nó hên. Vì vậy mới mất gần cả tiếng đồng hồ, ngồi chần lại các đường may.

Mình vừa ngồi may, vừa nhớ tới em. Mình lại bất chợt có mấy tứ thơ: Anh ngồi vắt sổ nỗi buồn/ Để may lại cánh chuồn chuồn ngày xưa/ Tháng ba nắng thiếu mưa thừa/ Cao thấp biết mấy mới vừa cánh bay/ Anh ngồi vắt sổ lại ngày/ Ước rằng có thể vá may cuộc tình….

Chả biết sao, mỗi lần mơ ước đến cái gì ngọt ngào êm dịu, mình lại cứ nghĩ đến Phượng. Hình như chỉ có Phượng mới làm cho mình có đủ lòng tin vào sự dịu dàng thùy mị nết na của người phụ nữ. Mặc dầu hồi quen biết Phượng, cô ta chỉ là một cô gái điếm. Và mình chưa hề một lần nắm tay cô ta.

Hamburg 14.03.12

TN

SHARE