Home Khí công TRUYỀN NHÂN CỦA HƠI THỞ- Tự Truyện- (Phần 1: “Bản Mặt Khó...

TRUYỀN NHÂN CỦA HƠI THỞ- Tự Truyện- (Phần 1: “Bản Mặt Khó Chịu Đăm Đăm…”)

3032
0

1
Một học trò cũ của tôi, đã theo tôi học Khí Công cách đây 3 năm. Hôm rồi có đến dự khán lại tại buổi truyền dạy về Bí Mật Hơi Thở Dưỡng Sinh tại Hà Nội. Cuối buổi dạy hắn đến gặp tôi và nói: “Các lớp dạy về Hơi Thở của Thầy sau này, có lớp có lang, cụ thể và rõ ràng, dễ nắm bắt hơn cho cộng đồng đông người, nhưng ít có sự kích hoạt tầng cấp cao cho các học viên Khí Công chuyên sâu. Trước đây thầy dạy Hơi Thở bằng cái tâm thái ung dung tự tại, tùy cơ ứng biến, tùy căn cơ mà phổ giảng, học trò không biết có thu nhận được gì nhiều không, không cần biết, chỉ biết ai cũng bị lây nhiễm cái nụ cười bất diệt có phần như chết tiệt của Thầy. Còn giờ đây, Thầy dạy nhiệt tình, chu đáo, cặn kẽ từng ly, từng tý nhưng Thầy khó đăm đăm, nhăn nhăn nhó nhó, cau cau có có, lớp học lúc nào cũng căng thẳng, đến nghỉ giải lao cũng không được, đừng nói chi được cười nói hỉ hả như xưa kia”.

Đến giờ tôi vẫn không biết được là cách truyền dạy “Bí Cấp” theo kiểu cổ truyền tốt hơn hay là cách chia sẻ theo kiểu logic khoa học tốt hơn cho người học Khí Công. Nhưng có một điều là thằng học trò này nói đúng. Hồi trước cái bản mặt của tôi đâu có khó đăm đăm như bây giờ. Sự nhăn nhó khó chịu của tôi làm tôi già đi một cách nhanh chóng trong một hai năm gần đây.

Đòi hỏi sự dục tốc tinh tấn trong quá trình trì luyện Hơi Thở với học trò, đã làm cho tôi khá mẫn cảm với cụm từ mà trước đây tôi thường cho nó như một cứu cánh trước các thất bại của sự truyền thừa. Đó là cụm từ “Tùy Duyên”. Tôi mẫn cảm đến mức trở thành như dị ứng với những ai lạm dụng thường hay mở miệng nhắc đến cụm từ đó. Mặc dầu trong tâm thức của tôi, “Tùy Duyên” vốn là một minh triết tối thượng trên con đường tôi đã lựa chọn để dấn thân vào đó.

Từ chỗ dị ứng với cách lạm dụng minh triết “Tùy Duyên”, để giải biện cho những thất bại ngoài vòng kiểm soát. Tôi quyết định gác lại Giáo Lý của “Tùy Duyên” để đi “Tìm Duyên”. Chỉ có cách đi Tìm Duyên mới có thể dũng mãnh đối mặt với thất bại. Bởi vì không “Tìm” thì làm sao “Có” để mà “Tùy”. “Tùy Duyên” sẽ không bao xảy ra với những “Bậc Đại Lãn”. Tôi khó đăm đăm có lẽ từ ngày tôi đã rẽ từ ngã đường “Tùy Duyên” sang lối rẽ “Tìm Duyên” trong lĩnh vực “Truyền Nhân Của Hơi Thở”

2
Tôi thường nói đùa với đệ tử và học viên của mình rằng: “Để sinh tồn một cách có chất lượng cao, chỉ có Đức Tin chưa đủ, mà cần phải có 2 tài khoản sung túc để hỗ trợ, đó là tài khoản về tài vật, tiền bạc và tài khoản về sức khoẻ. Sức khoẻ với con người thì nó hồn nhiên như qui luật của Vũ Trụ, và cũng bí hiểm khôn lường như Vũ Trụ mênh mông. Cái chìa khóa, cái Password để mở vào cái tài khoản bí mật của Sinh- Thành- Tử- Hoại- Không chính là Hơi Thở. Vì vậy làm chủ Hơi Thở chính là làm chủ Sinh Mệnh”.

Đặc biệt khi dạy về hơi thở Nội Âm của Lục Tự Quyết (Lục Tự Khí Công), tôi cũng thường nhắc nhở học viên: “Trì luyện về Nội Âm của Lục Tự Quyết là mở ra cho chính mình một tài khoản về sức khoẻ vô cùng hùng hậu”. Hình như rất ít học viên hiểu được điều tôi muốn nói. Vì chưa ai đạt được nội hàm khả dĩ của Nội Âm khi dùng hơi thở Phúc hồ lô để phát Tự Quyết….

3
Tôi khó đăm đăm ư. Cũng không hẵn như vậy đâu. Tôi cũng rạng ngời hả hê đó chứ. Ví dụ như đợt rồi tôi có gặp một học viên 9X, khi phát hiện ra cái căn cơ Nhất Nguyên ngồn ngộn trong tâm thức của nó. Tôi muốn gặp riêng nó trong lớp học nâng cao của bọn đệ tử ruột. Tôi muốn nó biết thêm nhiều thứ khác ngoài những chia sẻ trong lớp cộng đồng. Nó thẳng thừng nói: “Nghe Thầy nói nhiều nhức đầu lắm, con không học thêm gì nữa đâu, con chỉ học hơi thở Tự Tức và luyện Chèo Đò Công là đủ rồi”. Mặc cho tôi năn nỉ nó học thêm vài thứ nữa, nó vẫn một mực khăng khăng từ chối. Nó nói, tập hơi thở bụng với Chèo Đò Công là đã quá sức nó rồi. Mặc dù nó thẳng thừng nói tôi nói nhiều, thẳng thừng chê tôi ăn mặc lôi thôi…nhưng tôi hỉ hả sung sướng vô cùng, vì nó là đứa rất rất ít trong số học viên, biết từ chối học thêm những thứ khác ngoài Hơi Thở. Nó biết quí trọng Hơi Thở, và nó đã biết Hơi Thở là chìa khóa, là Password để mở cánh cửa vào Nội Thể, vào Tâm Linh và cả vào Vũ Trụ…

Trong một trường hợp khác. Trong số học trò cũ đã theo tôi lâu năm. Tất cả số đệ tử này hầu như đã có quá trình luyện tập Hơi Thở với tôi ít nhất là 3 năm. Họ đều có nội hàm khả dĩ của Hơi Thở Tự Tức, và đã có chút tinh tấn về Tưởng Tức. Tôi muốn họ đi nhanh hơn trên quá trình trì luyện Tưởng Tức và tiếp cận dần với Hành Tức. Vì vậy tôi dựa vào kinh điển của bổn môn, phổ từ Tiêu phổ “Linh Hương Phụng Hoàng Hí” ra nhiều bản tiêu phổ khác nhau để luyện tập Hơi Thở trong việc thổi Tiêu Lục Mạch (Tiêu Lục Mạch là loại nhạc khí của Mật Tông Tây Tạng, mà sau này Đông Mật của phái Hư Không Nhật Bản biến thể thành loại nhạc khí Thiền là loại tiêu Shakuhachi lừng danh).

Trong hơn 50 học viên, đệ tử đã nhận tiêu Lục Mạch. Ngoại trừ một số ít chưa thổi thành tiếng, hoặc chỉ thổi ra tiếng toe toe…chứ không phải tiếng tiêu của nội hàm Hơi Thở, thì hầu hết trong bọn họ đã làm chủ được ít nhất là 2 giải âm của Lục Tự. Tiếc rằng trong số hơn 50 học viên luyện tập hơi thở qua việc thổi tiêu Lục Mạch đó chỉ có 2 đứa là biết, việc thổi tiêu là “Chơi Âm Thanh” chứ không phải là “Chơi Nhạc”.

Có nghĩa là Tiết tấu của một bản Tiêu phổ của Tiêu lục mạch (Kể cả tiêu Shakuhachi). Hoàn toàn không phụ thuộc vào kỹ thuật của ngón bấm, và nhạc lý thông thường. Một bản tiêu phổ thổi trên tiêu Lục mạch có nội hàm cao để đi sâu vào tâm thức của người nghe và người thổi, chính là nội hàm của Hơi Thở, và âm sắc của Hơi Thở được phát tiết ra trên từng lỗ tiêu. Có nghĩa chỉ cần trên một lỗ của Tiêu lục mạch, cách đẩy và điều khiển hơi thở để tạo ra âm lượng và âm sắc khác nhau trên những giải âm khác nhau đã trở thành một Giai điệu huyền ảo và ma mị rồi. Chỉ cần 1 lỗ tiêu (1 Nguyên Âm/ 1 Chủng Tự) nếu đã đạt được cảnh giới đột phá Âm sắc tối cao, thì không cần đến ngón bấm lỗ thứ 2, thì mức công phá tâm thức của Tiêu phổ cũng đạt mức thần sầu rồi.

Trong hai đứa đệ tử nhận biết ra việc thổi Tiêu lục mạch là Chơi Âm Thanh chứ không phải Chơi Nhạc đó, thì một đứa vẫn cứ ham muốn phải có bản Tiêu phổ dài để chơi cho khỏi nhàm chán. Còn một đứa thì khi tôi đã nhận thấy sự tinh tấn hơi thở của nó qua sự tập luyện thổi Tiêu lục mạch. Tôi đề nghị nó luyện Tiêu theo Chủng Tự qua tiết tấu của Hơi Thở: 1-2-2-1. Mà phương tiện để luyện tiết tấu Âm Thanh này, theo Kinh Thư của Tiêu phổ Linh Hương Phụng Hoàng Hí, thì Lục Tự Minh Chú chính là Âm Thanh của muôn loài, là Mẹ của các Chủng Tự, rất thích hợp cho người mới thực hành đột phá Thanh Sắc trên Tiêu lục mạch.

Cấu trúc của tiết tấu Hơi Thở 1-2-2-1 là được thực hiện trên các lỗ tiêu theo cảm Âm của Lục Tự Minh Chú. Đó là 1 hơi thở cho 1 âm tiết “Om”, kế đến 1 hơi thở cho 2 âm tiết “Mani”, kế đến nữa là 1 hơi thở cho 2 âm tiết “Padme”, và cuối cùng là 1 hơi thở cho 1 âm tiết “Hùm”. Cứ vậy rãi các hơi thở đó lên từng lỗ tiêu trên các cao độ khác nhau, mà không cần chú trọng đến trường độ của âm tiết. Vì trường độ của các Chủng tự sẽ phụ thuộc vào nội hàm của hơi thở dài ngắn của từng người….

Sau khi nghe tôi chiết giải cách luyện tiêu này, thằng học trò rạng rỡ rất đắc ý, nhưng lại từ chối luyện tập. Nó nói: “Thầy thư thư cho con vài tháng nữa, vì đến giờ con vẫn chưa đột phá hết các âm thanh trên từng lỗ tiêu, con sợ lập trình hơi thở 1-2-2-1 này sẽ quá sức của con….”

…. Vậy đó, nếu học trò, học viên ai cũng như cái đứa 9x kia và cái thằng thổi tiêu từng lỗ này, thì cái bàn mặt tôi đâu đến nỗi phải luôn luôn cau có, khó đăm đăm chứ….

(Xem tiếp phần 2: “Giải Ngân Tài Khoản Hơi Thở”)

20.01.19
Thuận Nghĩa

SHARE