1

Dự là khi quyết định nghỉ phép 10 ngày trong giai đoạn công việc thuộc vào cảnh giới “nước sôi lửa bỏng” tôi sẽ cố gắng sắp xếp để làm một phát “ngủ xuyên lục địa”. Lâu lắm rồi tôi chưa có dịp để thực hiện cuộc ngủ này. “Ngủ xuyên lục địa” là kiểu ngủ mà tôi tự đặt tên. Một khi nào đó có dịp rảnh rỗi hoặc đã quá mệt mỏi vì công việc căng thẳng, dồn dập… có nguy cơ uy hiếp sự thoải mái, khoan khoái của đời thường thì tôi sẽ làm một phát “xuyên lục địa”, vậy là xong. Ngủ xuyên lục địa là ngủ xuyên từ đêm này qua ngày nọ, ít nhất là 72 tiếng đồng hồ. Có nghĩa là 3 ngày, 3 đêm không ăn không uống, chỉ có khò…

Tháng 5 của châu Âu vốn là tháng “thảm họa” của các “ông chủ” của các cơ sở kinh doanh nhỏ. Nói vậy, bởi vì tháng 5 là tháng có nhiều ngày nghỉ lễ nhất trong năm. Ngoài ngày lễ Quốc tế lao động mồng 1 tháng 5 ra thì còn ngày lễ Đức Chúa về trời, tức cũng là ngày của Cha (Christi Himmelfart) rơi vào thứ Năm tuần thứ hai của tháng, và thêm ngày lễ Cầu nguyện thứ Hai (Pfingstmontag)… những ngày lễ này rơi vào ngày thường trong tuần và tất cả các cửa hàng, công sở, trường học… đều phải đóng cửa. Công nhân, nhân viên, người làm… thì được nghỉ, nhưng chủ vẫn phải trả lương nên mới gọi là “thảm họa” của các “ông chủ” là vậy…

Từ ngày lễ “Đức Chúa về trời” cho đến ngày lễ “Cầu nguyện thứ Hai” vừa tròn 10 ngày. Tôi quyết định lấy phép năm trong khoảng thời gian này để đi đến nơi “không có loài Người” làm một phát nghỉ xả hơi. Dự là sẽ làm một cuộc “ngủ xuyên lục địa” như đã nói trên, nhưng vì còn “nợ” tầm soát trực tuyến quá nhiều, nên tôi giảm xuống chỉ còn “ngủ bán lục địa”. Có nghĩa là chỉ ngủ 48 tiếng mà thôi.

Lái xe đi suốt gần cả ngàn cây số, đến Học viện vào sáng thứ Năm, ngày 13 tháng 5, tôi làm một phát từ lúc đó cho đến sáng thứ Bảy, ngày 15 tháng 5. Tuy chỉ có 48 tiếng, không ăn, không uống, không cả đi tè… nhưng cũng đủ để “phê ngất ngây con tê tê”…hì hì…

Bắt đầu từ sáng thứ Bảy trở đi, nói là nghỉ phép xả hơi, nhưng công việc lại dồn dập không có cả thời gian để “hớp hít”. Tuy không có việc cọ xát trực tiếp với loài Người (Toàn là loài Người bị bệnh tật… hehehehe…) nhưng cũng phải “cọ xát” qua trực tuyến, online. Mệt vãi!!!

…Vào tối thứ Sáu ngày 21.05 khi tôi đang gằm mặt vào compute để tầm soát online trên Thiền đường ở tầng 2 của Học viện, thì tự nhiên có tiếng vỗ nhè nhẹ trên vai, tôi quay lại thì thấy Em. Tôi kinh ngạc thốt lên, ơ Em vào đây vào đường nào vậy?. Em cười ỏn ẻn, e ấp nói, cửa dưới tầng 1 Chàng có khóa đâu!. Tôi lại hỏi, mà Em sang từ lúc nào thế, dịch bệnh, lockdown thế này mà đi kiểu gì sang được thế. Em không nói, quay người nhẹ một vòng cho xòe tung chiếc váy cổ trang lạ lẫm, rồi lại cười ỏn ẻn, thì em đã có bên Chàng đây rồi nè. Tôi hơi cau mặt, thôi bỏ cái kiểu xưng hô ấy đi, mặc váy xống kiểu này, rồi lại chàng chàng, nàng nàng nghe kinh bỏ bu đi được. Em cười, lâu rồi mới gặp, sao Chàng lại quạu với Thiếp vậy. Tôi rùng mình, sởn gai óc, quạu gì, ăn mặc kiểu này, lại xưng hô kiểu ấy, cứ như đang ở trong chuyện của Kim Dung vậy, bố khỉ, Lão Phu không quen cái kiểu thảo mai này. Em vuốt nhẹ vào má tôi nói, thôi mà, đừng có xưng Lão Phu với em nhé!. Trước nụ cười dịu dàng, đẹp như thu giáng của em, tôi mềm lòng, OK, chỉ lần này nữa thôi nhé, mà này, em có mang đàn sang không vậy, ta đang kẹt mấy cái xảo thuật của tay trái, nàng có thể chỉ giáo lại cho ta không?. Em nói, thì cây đàn em tặng chàng trước đây đâu rồi, em nghĩ chàng có đàn sẵn nên em đâu có mang theo. Tôi hất đầu lên gác xép, nơi tôi gọi là “mật thất” và cũng là chỗ tôi nằm ngủ hàng đêm ở trên ấy nói, thì vẫn ở trển, để ta lên lấy xuống. Em đứa tay cản tôi, thì mình cùng lên trển chơi cũng được. Tôi ngập ngừng. “Mật thất” của tôi hầu như không ai được phép “nghía” qua, chứ đừng nói chi được bén mảng lên trển, vậy mà trước vẻ hồn nhiên, dịu dàng đến ma mị của em, tôi đồng ý.

Bày cây đàn tranh và mấy bộ móng “gia truyền” của tôi ra, tôi bảo: Em thử lướt một bản gì đó có kỹ thuật tay trái thật lão luyện cho ta nghe thử coi. Ngồi xuống bên cây đàn tranh cổ làm từ gỗ cây ngô đồng của tôi, em đột nhiên như hóa thân thành một người khác, dịu dàng, ngọt lẫm như một đóa thần tiên. Hai bàn tay em bắt đầu lướt trên cung đàn, tôi thẫn thờ, ngơ ngác trước giai điệu thánh thót đến nao lòng. Em vừa dứt bản phổ, tôi hỏi ngay, bản này là bản gì nghe lạ mà hay quá vậy. Em trầm ngâm nói:

– Đó là khúc Lãng nguyệt và Thôi phong. Tôi nghi ngờ:

– Xưa nay ta chỉ mới nghe có khúc “Lưu thủy” và “Hành vân” chứ đâu có nghe ai nói đến “Lãng nguyệt”, “Thôi phong” đâu?

– Dạ, chúng vốn là một bộ Tứ tuyệt thiên âm, dành riêng cho các loại cổ cầm như tranh, nguyệt, nhị, tỳ… nhưng vì Lãng nguyệt, Thôi phong đã bị thất truyền nên người đời chỉ còn lại có Lưu thủy, Hành vân. Vì cảm thấy khiếm khuyết nên người đời sau thêm vào Kim tiền, Dạ cổ cho đủ bộ tứ tuyệt đó ạ.

– Ồ, thì ra vậy, nhưng ta nghe thì vẫn cảm thấy Lưu thủy, Hành Vân, Kim tiền, Dạ cổ cũng tròn trịa thanh âm đó chớ, nhưng nàng hãy nói cho ta nghe là vì sao Lãng nguyệt, Thôi phong đã bị thất truyền, tại sao nàng lại biết và chơi được xuất thần đến vậy?

– Dạ, ngày xưa khi Lão tướng Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi làm cuộc binh biến “Kinh đô thất thủ” hiệu triệu Cần vương ra Bắc kỳ có mang theo dàn Kinh kỳ nhã nhạc đi theo, đến khi bất thành đại nghiệp, Người lánh nạn sang phương Bắc làm “Ông già chém đá”. Trong đám người hầu đi theo có một người là nhạc công chơi đàn tranh trong đám nhã nhạc. Người này mang trong mình tuyệt kỹ của cả Tứ tuyệt, nhưng cũng vì bất đắc chí như chủ nhân, nên chọc mắt cho bị mù mà chơi nhã nhạc. Sau này những người mắt sáng học được ngón huyền âm, chỉ học được có Lưu thủy, Hành vân mà không học được Lãng nguyệt, Thôi phong, vì hai khúc này phải là người mù mắt chơi mới hết cung bậc huyền mị của nó. Đời sau có người phương Bắc, vì mê đàn tranh mà chọc mắt cho đui mù để học cho được Lãng nguyệt, Thôi phong. Người này sau cách mạng Tân Hợi, lánh nạn sang Đài Bắc, vì thế mà 2 khúc, Lãng nguyệt, Thôi phong trở thành hai khúc gia truyền của giới cổ nhạc Đài Bắc, chỉ là người trong dòng tộc họ Lý mới biết nguồn gốc xuất xứ của hai khúc này là có từ phương Nam, thiếp là truyền nhân của họ Lý, cho nên dù không chơi được hai khúc này siêu thần, nhập hóa như người mù, nhưng cũng coi như đã thấu ngộ được nốt.

Nghe nàng nói xong, tôi bán tin bán nghi:

– Ta vốn quen biết rất tâm đắc với những bậc thầy của ngón đàn tranh, kể cả những người thuộc vào hạng đệ nhất Thập lục cầm và những tay chơi hạng nhất của giới Nhã nhạc Cung đình, nàng đừng có mà lòe ta nhé, sau này gặp lại họ, ta sẽ hỏi cho ra nhẽ vụ này, nếu như chuyện không phải vậy, nàng chớ trách ta là phũ phàng nhé, nhưng dù sao thì nàng cũng cứ dạy lại cho ta hai phổ khúc này trước đã. Em lại nở nụ cười ma mị như ma nữ nói, thì em đến đây cũng chỉ vì chuyện ấy, chàng nhập đàn đi để thiếp chỉ ngón cho.

Em cẩn thận, nhẹ nhàng chỉ cho tôi từng nét đưa tay. Có cái lạ là em lại chỉ cho tôi về kỹ thuật bật lẫy khua tay phải nhiều hơn là kỹ thuật nhún, vuốt tay trái. Thấy lạ, tôi hỏi:

– Xưa ta học Thập lục với các bậc thầy nọ, họ nói với ta, cái quan trọng nhất để đạt đến cảnh giới vi diệu của Thập lục cầm là ở kỹ thuật nhún vuốt, vỗ ngân… của tay trái, chứ không phải là kỹ thuật khảy khua điêu luyện của tay ngón phải, họ nói, ngón phải là để tạo ra âm thanh, còn nuôi dưỡng âm thanh là ở ngón trái, ngón trái từ Tâm mạch mà tuôn chảy Khí lực làm rung dây đàn, vì vậy mà mọi buồn vui, tâm trạng của người chơi mới phổ lên được dây đàn mà tạo nên cung bậc của tâm tư… vậy sao nay nàng lại dạy ta chú trọng quá nhiều đến tay phải, hà cớ là sao vậy?

– Dạ, với người đã chơi đàn là vậy, nhưng với người mới học đàn thì không vậy ạ, tay của chàng lướt phím còn cứng như thợ đánh búa, thì làm sao mà lướt được ngón trái như đã nói, chàng chưa tạo sinh ra được tiếng đàn tròn trịa, thanh trong, ngọt ngào từ ngón phải, thì làm sao mà nuôi dưỡng được âm thanh phiêu hóa từ ngón trái được, muốn nuôi dưỡng, tôn tạo âm sắc được như nước chảy, mây bay, trăng tan, gió đẩy… thì đầu tiên phải có âm thanh ngọt lẫm như một cặp môi gần từ ngón phải đã chứ, vì vậy thiếp mới chú trọng đến ngón phải của chàng trước đã. Tôi nghe vậy gật gù:

– Nàng nói cũng phải, tay ta vẫn còn quá thô lậu trên phím đàn, móng khảy chưa thành âm mà đã đòi lã lướt.

– Dạ, bởi vậy, khi dạy luyện công, chàng luôn cau mày, bậm môi, hò hét môn sinh đến khản cả giọng là thả lỏng, thả lỏng, vô lực, vô lực… vậy mà khi đánh đàn, tay chàng lại gồng cứng như đánh võ, là sao?. Tôi ỉu xìu:

– Ta cũng không biết vì sao nữa, chắc là vì ta quá rốt ráo cưỡng cầu chơi Thập lục cho ra ngô, ra khoai nên khó có thể thả lỏng khớp vai khớp cổ tay để múa ngón chăng?. Em gật đầu:

– Có lẽ là vậy, hay chàng, nằm xuống đây để thiếp ru chàng một khúc cho bớt căng thẳng rồi dậy tập tiếp. Tôi đồng ý ngay:

– Phải rồi đấy, nhưng nàng nhớ lướt lại 2 khúc Trăng khua, Gió đẩy ấy nhé, chút ta thức dậy bịt mắt chơi, biết đâu lại lãnh ngộ được kỹ xảo của cả hai tay…hì hì…

Em dạ, và bảo tôi nằm kê đầu gối lên đùi em mà ngủ. Tôi không chút ngại ngùng, xoãi người kê đầu lên đầu gối của em và nhắm hờ mắt. Chợt nghe thoang thoảng đâu đó mùi hương quen, tôi ngước mắt lên hỏi em, mùi của “Lạc dạ túy phiên hương” phải không?. Nàng, dạ. Tôi bật dậy nhìn em kinh ngạc:

– “Lạc dạ túy phiên hương” là ngoại đan trấn môn của Yên Như bảo chủ, vốn không truyền cho người ngoài, tại sao em lại có. Nàng xoa đầu tôi nói:

– Thì thiếp cũng là người của Yên Như Bảo mà, chàng thắc mắc làm gì chuyện cỏn con ấy, thôi nằm xuống ngủ đi.

Nói xong em ấn nhẹ đầu tôi xuống rồi chậm rãi thả ngón trên cung đàn. Mắt tôi díu lại ngay. Mùi hương của Lạc dạ túy miên hương và ngón đàn kỳ tuyệt của em làm tôi không thể nào cưỡng nổi giấc ngủ. Tôi chìm ngay vào một thế giới đầy lạc thú và an nhiên. Rất hiếm khi tôi lạc vào cảnh giới này, trừ một vài lần được Sư phụ và Sư huynh dìu vào cõi định của một số độ Thiền…

2

Đang miên man trong giấc nồng nàn không thể nào an yên và khoái lạc hơn, thì bỗng nhiên tôi nghe tiếng sập cửa cái rầm. Tôi choàng thức dậy, chẳng thấy em đâu, chỉ thấy mình đang ôm cây đàn tranh gục mặt vào đó mà thiếp ngủ. Tôi đưa tay quẹt nước dải còn động nhoét lại trên môi, bực bội thốt lên: Con bà nó, hóa ra là mình nằm mơ!!!.

Nhưng kỳ lạ là tôi vẫn còn nghe mùi của Lạc dạ túy phiên hương còn phảng phất đâu đó trong mật thất. Rõ ràng là lọ Lạc dạ túy phiên hương, tôi để lại dưới xe mà.

Hôm trước dự định là ngủ xuyên lục địa 72 tiếng, nên tôi mới pha một lọ loại hương liệu này để nhằm ru mình cho đãy giấc 3 ngày không mộng mị. Sau đó vì công việc, chỉ sắp xếp được 2 ngày để ngủ xuyên, nên tôi để lại ờ dưới xe mà không đem theo vào Học viện. Hà cớ gì lại có giấc mơ này, cộng thêm mùi hương không thể có loại thứ hai này lại phảng phất còn dư lại quanh đây. Vô lý!!!.

Bực mình, tôi khoác áo xuống xe để xem sự thể ra sao. Xuống tầng trệt, tôi hú hồn, vì cánh của chính vào Học viện chỉ khép hờ chớ không khóa. Chắc lúc chiều, khi đi ra ngoài về, tôi quên khóa lại.

Tôi mở cửa xe đậu trước Học viện để kiểm tra xem cái lọ “Lạc dạ túy phiên hương” như thế nào, thì càng bất ngờ hơn, tôi sững người vì cái lọ phiên hương thì vẫn còn đó, nắp đậy vẫn còn vặn kín mít nhưng tinh dầu trong lọ thì đã vơi hết một nửa. Kỳ!!!.

Thấy kỳ, nhưng rồi tôi cũng phẩy tay đi vào. Từ ngày thỉnh thoảng xuống Học viện đến nay, tuy rằng mỗi tháng chỉ dăm bảy ngày, nhưng lần nào cũng có chuyện kỳ dị khó giải thích xảy ra. Mà tính tôi thì kệ. Cho dù người ta có thì thầm nhỏ to là cái Học viện này do tôi thuê lại khi người sửa chữa lại một ngôi nhà để hoang, dễ cũng đã trên trăm năm rồi. Ngôi nhà hoang này nằm bên cạnh một nhà thờ đất nung, nó cũng có khá nhiều lời đồn thổi ma mị.

Tôi chỉ hơi lăn tăn chun chút, là cái Em tôi nằm ngủ mơ thấy lúc nãy vốn là một em có gái có thật ở bên Đài Loan, dạo đó tình cờ chúng tôi có đến thăm một nhà hàng có cái cái đàn tranh cổ có rất nhiều truyền thuyết ma mị về nó. Hôm đó cái đàn ma mị đó chỉ có duy nhất tôi và Em là có thể khảy dây bật ra tiếng. Em tên là Lý Yên Nhi, người Đài Bắc, nhưng rất thích loại đàn tranh 16 dây có phím cao của Việt Nam…

Việc tôi thiếp đi khi tập đàn nên sinh ra mộng tưởng là chuyện nhỏ. Nhưng tại sao Em lại hiện về trong mơ để dạy tôi 2 phổ khúc thất truyền là khúc “Lãng nguyệt” và khúc “Thôi phong”. Nghĩ đến đó, tôi chạy lên mật thất thử nhắm mắt khảy lại 2 bản phổ đó xem sao. Kỳ thay, khi nhắm mắt lại thì tôi dạo 2 bản phổ kia khá thành thục, mà cứ mở mắt ra thì không thể nào nhớ nốt và nhún dây được. Lại bực mình, tôi phủi tay: Thôi kệ bà nó! Ngủ nướng thêm phát nữa, chút tính tiếp…

3

….

(Còn nữa)

26.05.21

Thuận Nghĩa

SHARE