Home Y Khoa Tư Liệu Y Khoa „TRẢ LẠI TÊN CHO EM“- (Khảo Luận Về Y Thuật Cổ Truyền)...

„TRẢ LẠI TÊN CHO EM“- (Khảo Luận Về Y Thuật Cổ Truyền) – Phần 3

1957
0

3- Những Câu Chuyện „Tái Tê“ của „thế thời, thời phải thế“.

Đã gần 10 năm nay tôi rất ít dụng Châm trong chữa trị. Ít đến mức mà có đứa học trò theo học Y đã mấy năm. Khi thấy tôi trong trường hợp bất khả kháng phải dụng kim. Nó trợn tròn mắt lên hỏi: „Thầy cũng biết châm cứu à“. Rồi có một người cháu theo mợ là 1 bệnh nhân ung thư, từ nơi xa đến chỗ tôi làm việc để trị bệnh. Vì trường hợp có những hội chứng đặc biệt tôi phải tấn kim. Cô cháu này cũng trợn tròn mắt lên hỏi: „Ông cũng biết châm cứu à“. Rồi có bệnh nhân, tôi là người đã cãi tử hồi sinh cho họ bằng cách vận khí đã thông kinh mạch và điểm huyệt. Khi đã được phục dương, thấy tôi phóng kim trợ lực. Cũng mắt tròn xoe hỏi: „Thầy cũng biết châm cứu à…“

Là người thầy thuốc đã gần 40 năm dụng kim. Số kim đã dùng (kim dùng 1 lần) có thể đã lên đến hàng tấn. Đã thủ huyệt châm cứu cũng tương đương có lẽ hàng nhiều triệu huyệt đạo. Học trò theo học châm cứu bây giờ đã làm Thầy của thiên hạ cũng không phải là ít ….Bây giờ lại có người hỏi „…Cũng biết châm cứu à“ , „…Có biết châm cứu không.“..thì cũng có gì đó buồn buồn nếu không nói là „tê tái lòng Bầm…“ …he..he..he…

Nguyên nhân tôi ít dụng kim là vì tôi có một lời nguyền. Nếu không phải trường hợp thập tử nhất sinh thì không dụng kim, và sau khi tìm được truyền nhân của „Độc Giác Châm“, làm xong lời ủy thác của Ân Sư và Thầy Trần Tiển Hy, là không để cho thuật châm này của Thái Y Viện Huế thất truyền thì tôi sẽ không bao giờ dụng kim trị bệnh nữa. (Thầy Trần Tiễn Hy là một trong những danh y lẫy lừng của Huế vào những thập niên cuối của Thế Kỷ trước. Ông là cháu nội của quan Thượng Thư Trần Tiễn Thành, người cùng thời với Tôn Thất Thuyết, một danh nhân của Việt Nam của Triều Nguyễn, chủ nhân của phong trào Cần Vương vào thế kỷ thứ 19.)

Hành trình cuộc sống và „nghiệp lý“ để có lời nguyền ấy là một hành trình đớn đau tủi nhục của người Châm Sư trong cái gọi là „thế thời, thời phải thế“.

Tôi sang Đức năm 1991. Trong năm đó tôi dùng thuật châm của mình, chữa trị cho một nhân viên của Sở Ngoại Kiều tỉnh Gifhorn, miền Bắc Đức, nơi có trại tị nạn mà tôi đang cư ngụ.

Sau khi được đi lại bình thường sau 7 năm bại liệt, ngồi xe lăn vì tai nạn ô tô. Bà giới thiệu tôi với một Giáo Sư Y Khoa của Học Viện Y Khoa thuộc Universität Göttingen (Đây là trường đại học có nhiều nhà Bác Học lừng danh trên thế giới đã từng học và giảng dạy ở đây, ví dụ như Albert Einstein, Robert Koch….)

Vị Giáo Sư này ngoài giảng dạy ở Universität. Ông còn có một bệnh viện tư nhân mang tên ông. Trong đó có cả khoa TCM mà châm cứu là chính. Mặc dầu vẫn chưa có chứng chỉ hành nghề ở Đức, nhưng dưới sự bảo trợ của ông. Tôi được xem như một chuyên viên châm cứu, được mời cùng nghiên cứu đề tài „Ngưỡng Đau“ của ông. Ở đây những thủ thuật châm cứu của Y Học Cổ Truyền được tôi thi thố và chia sẻ rất thoải mái. Sau hơn 1 năm làm việc ở đây, tôi có một cuộc đụng độ với một Bác Sĩ đang làm luận án Tiến Sĩ thực tập tại đây. Cuộc đụng độ xoay quanh vấn đề, tôi phản đối kịch liệt việc sử dụng Morphine giảm đau cho một bệnh nhân ung thư do Bác Sĩ này chỉ định và đề nghị thay Morphine bằng thuật châm tê. Cuộc đụng độ có kết quả thảm não là tôi buộc phải rời khỏi bệnh viện này.

Göttingen được mệnh danh là thành phố Khoa Học của thế giới. Cũng có thể gọi là vùng đất của Nghề Y của nước Đức. Ở đây có khá nhiều Người Việt đã tốt nghiệp Y Khoa trước 1975 và có phòng mạch tại thành phố lừng danh Y Khoa này. Trong đó có một Bác Sĩ, gốc Mỹ Tho nổi tiếng với phòng mạch chuyên về châm cứu.

Mặc dầu mới đến thành phố này 1 năm, nhưng kỹ thuật tấn kim không đau của tôi đã khá có tiếng tăm. Thông thường lúc tấn kim châm, dù bác sĩ có giỏi đến đâu, thì lúc kim xuyên qua lớp da sừng, bệnh nhân vẫn có cảm giác bị đau chích. Nhưng với kỹ thuật của tôi, thì kim vào huyệt lúc nào, bệnh nhân không hề biết. Họ chỉ có cảm giác tê rần khi tôi vê kim đắc khí mà thôi.

Đã nghe tiếng của tôi, vị Bác Sĩ gốc Việt này lại đang là người rất quan tâm đến Người Việt Tị Nạn. Nên đã liên lạc và mời tôi về đó cùng làm việc.

Với vị Bác Sĩ này, tôi được ông vận động hỗ trợ cho đi học Trợ Lý Bác Sĩ, để hợp thức hóa việc hành nghề Y, và về chỗ ông thực tập hàng ngày. Ở phòng mạch châm cứu này, chỉ được phép châm Bì Phu và Nhĩ Châm, cấm được tấn kim châm sâu vào huyệt như thuật châm cổ truyền.

Bì Phu Châm là thuật châm cứu dưới da, kích hoạt lên Cân Kinh và hệ thần kinh dưới da. Nhĩ Châm là thuật châm loa tai theo phương pháp của Nore, Pháp. Với thuật châm này thì không cần kỹ thuật vê kim và châm đắc khí. Và có thể dụng một lúc nhiều kim.

Ban đầu tôi cực kỳ khó chịu với thuật châm này. Khó chịu đến mức gần như bị trầm cảm. Tôi định bỏ việc. Nhưng cuối cùng cũng thỏa thuận được với Ông Chủ là có những trường hợp đặc biệt, thì tôi được phép dùng thuật châm cổ truyền, nhưng cũng chỉ hạn chế trong giới bệnh nhân người Việt hoặc Á Châu. Nhưng cũng phải giả vờ châm thêm thật nhiều kim dưới da để làm màu. Và không được phép châm hết bệnh ngay trong 1 vài lần châm.

Châm bì phu, là tấn kim luồn dưới da, không cần đúng huyệt, không cần đúng kinh mạch, không cần thuật bổ tả… Miễn sao cứ luồn kim vào dưới da tại vùng đau và vùng liên quan, thật nhiều kim là được. Mỗi một bệnh nhân phải luồn cho được từ 50 kim trở lên, kể cả kim trên loa tai nữa thì mỗi một bệnh nhân, 1 lần châm tốn khoảng 80- 100 kim.

Mỗi ngày tôi phải luồn kim bì phu độ 30- 50 bệnh nhân. Số kim tôi dùng mỗi ngày cũng cỡ độ 3000- 4000 cái. Bạn có tưởng tưởng nổi mỗi ngày phải lụi chừng ấy kim vào da thịt bệnh nhân thì bạn sẽ ra sao không?.

Vậy mà tôi đã làm việc như vậy từ năm 1993 cho đến năm 1999 đấy. Mỗi tuần làm việc 5 ngày, mỗi tháng 4 tuần. Vậy là trong 7 năm làm việc ở đây tôi phải sử dụng đến gần 6 triệu cái kim. Kinh hoàng chưa!!!!.

Và còn kinh hoàng hơn nữa là vì kế sinh nhai, vì sự học hành để có giấy phép hành nghề ở mảnh đất Thiên Đường thực dụng này. Mỗi cái kim lụi vào bệnh nhân là một nổi tủi nhục nghề nghiệp. Vậy mà vẫn cứ phải làm. Làm cho đến khi gần như khủng hoảng tinh thần, thì tôi đệ đơn xin nghỉ làm ở đó, và về đầu quân cho một phòng mạch châm cứu khác, có vẻ cổ truyền hơn.

Ở phòng mạch mới này, tôi được phép châm cứu theo phương pháp châm cổ truyền. Nhưng lại không được phép châm dưới 10 kim. Và đặc biệt dù không nói ra trắng ra, nhưng ý của Ông Chủ Bác Sĩ cũng vậy. Cũng là không được phép chữa khỏi bệnh trong một vài lần châm. OK, cũng được đi. Vì khi châm hết bệnh rồi, mình vẫn có thể nói bệnh nhân vẫn cứ phải châm tiếp tục để bảo lưu tác dụng. Nhằm bảo vệ thu nhập của Chủ.

Nhưng…điều „đểu cáng“ nhất ở phòng mạch này là bệnh nhân sau khi châm cứu ở tôi xong, phải qua Bác Sĩ chủ phòng mạch, thực hiện thêm một liệu pháp nữa là chích thuốc giảm đau là Procain 1% hoặc Lidocain 1% vào hệ thống hệ thần kinh sau lưng. Đây là một liệu pháp „tào lao“ nhất của Y Học Tự Nhiên của Phương Tây trong liệu pháp trị đâu nhức của họ. Họ gọi là Neuraltherapie. Liệu pháp này là chích thuốc giảm đau vào huyệt và vào các điểm kích thích thần kinh để chống đau nhức. Tương tự như việc cấy chỉ vào huyệt của „Y Học Á Đông Cách Tân“ đang phổ cập hiện nay vậy.

Làm ở phòng mạch này, được khoảng 9 tháng, không chịu nổi được phương pháp chống đau nhức của ông chủ và đồng nghiệp. Và bị chê trách là hiệu quả kinh tế làm việc của tôi không cao, không đảm bảo cho thu nhập của phòng mạch. Tôi đệ đơn xin nghỉ việc. Và thề không làm nghề Y ở Đức nữa.

Năm 2001. Tôi bỏ nghề Y, với tôi là nghề chứa chấp đầy sự khủng hoảng về đi làm đầu bếp cho các nhà hàng người Việt. Cho nó thoải mái tinh thần. Mệt xác người, nhưng thanh thản về tâm lý.

Năm 2006. Vì quá nhớ nghề, tôi đầu quân về Viện Châm Cứu Cổ Truyền Trung Hoa tại Hamburg (Institut für Tradition Chemesche Akupuntur) .

Sau một vài lần thể hiện kinh nghiệm châm cứu theo phương pháp cổ truyền trị những bệnh mà Tây Y bó tay. Đầu năm 2007, Tôi được đề bạt làm Giám Đốc và toàn quyền điều hành hoạt động của viện Châm Cứu này.

Dưới sự điều hành hoạt động của tôi. Viện lúc nào cũng có khoảng từ 5- 10 Bác Sĩ Châm Cứu chính qui, cũng như Bác Sĩ TCM thực tập. Trong đó có 2 Bác Sĩ châm cứu người gốc Trung Quốc. Phương châm là phải thực hiện đúng kỹ thuật châm cứu cổ truyền và liệu pháp Khí Công cũng như thảo dược cổ truyền.

Và Viện hoạt động theo phương châm này đến cuối năm 2009 thì lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính. Đầu năm 2010 thì tuyên bố phá sản. Tôi thì xém nữa bị vướng vào vòng lao lý vì sự phá sản này của Viện…..

Và sự phá sản của Viện Châm Cứu này cũng là một trong nguyên nhân „não ruột“ để tôi phải ấm ức có lời nguyền chua xót đã nói trên….

(Còn nữa….)

12.03.18
LY. Lê Thuận Nghĩa

SHARE