2 „..Thế Thời, Thời Phải Thế….“
Nhìn các bức ảnh đính kèm dưới bài viết. Các bạn nghĩ đó là cái gì. Tất nhiên đó không phải là họa đồ cho một bức gấm hoa.
Đó là thành tựu của của một Bác Sĩ Đông Y Học Đường. Một Thạc Sĩ Y Khoa, và có thể là một Tiến Sĩ và Giáo Sư sau này của Đông Y trong các trường Y Khoa Hiện Đại.
Đó là kết quả của thủ thuật giác hơi trong Y Học Cổ Truyền được một Bác Sĩ Đông Y thuộc hệ thống „Châm Cứu Công Nghiệp“ thực hiện đấy.
Và cũng đương nhiên lúc đưa những hình ảnh này lên, tôi không nhằm mục đích so sánh, đánh giá Y Thuật của giới này hay giới kia. Nhưng để minh chứng rằng, chính những Y Thuật của Đông Y đã được thực hiện kiểu „Công Nghiệp“ như thế này bởi chính „Người Của Đông Y“. Cho nên đó cũng là một phần trong các nguyên nhân làm cho Y Học Cổ Truyền chính thống bị „tận diệt“ dưới tính thực dụng của Y Học Hiện Đại. Nói một cách nôm na, chính chúng ta (Người của Y Học Cổ Truyền), tự giết „Nghiệp Y“ của chúng ta.
Với hình ảnh y thuật đã minh họa trên. Đó không phải là thành tựu của tất cả. Và có thể đó chỉ là một tai nạn…Nhưng thực hành Y Học Cổ Truyền kiểu tương tự như thế này, hiện đang „nở rộ“ ở cả các nước „Mẫu Quốc“ của Đông Y và kể cả ở các nước Phương Tây phát triển.
Các bạn đừng vội phẫn nộ và phỉ báng vị Bác Sĩ Đông Y kia. Vì thực ra họ cũng nằm trong cái trào lưu bắt buộc „..Thế thời, thời phải thế…“. Nên mới thế…
Trong bài viết ở phần 1. Tôi có nhắc đến 3 nguyên nhân chính để làm cho thủ thuật Châm Cứu vi diệu của Y Học Cổ Truyền bị thất truyền và có nguy cơ bị tận diệt. Là bao gồm 3 nguyên nhân cơ bản. 1/ Kỹ thuật quá phức tạp, khó lĩnh hội và đòi hỏi kiến thức thâm sâu. 2/ Không có giá trị kinh tế. 3/ Y Đức cổ truyền không được coi trọng.
Thực ra cả 3 nguyên nhân chính này cũng chỉ xoay quanh một vấn đề chính là Không có giá trị thực dụng về lĩnh vực kinh tế.
Các bạn đừng khoan nói đến chữ “Tâm” của người hành nghề Y lúc này. Vì đó là một phạm trù, không liên quan rốt ráo đến vấn đề mà tôi đang đề cập.
Vả lại khi cả nền Văn Minh của Nhân Loại đều được đặt dưới thước đo của Vật Chất. Sự phát triển của Xã Hội, gắn liền với sự phát triển của việc sản xuất và lưu thông hàng hóa. Y Khoa là một Nghề Nghiệp. Nó cũng không thể nào thoát ra khỏi vòng xoáy tất yếu này của Hàng Hóa. Bác Sĩ hay chuyên viên trị liệu, nhân viên Y Tế, các nhà Khoa Học Y Dược… cũng phải sống, phải ăn, phải mặc… như mọi người trong xã hội.
Hình ảnh một Thầy Lang, lang thang trong rừng, ngắt ngắt, ngửi ngửi, móc móc, bới bới… ở bờ suối lùm cây. Hình ảnh một người già râu tóc bạc phơ, mang tráp đồ nghề…ngồi vân vê từng cái kim hàng tiếng đồng hồ, phì phò, thở ra hít vào vận công vào kim…để cuối cùng nhận gói xôi, nải chuối, chục trứng, đấu gạo….độ nhật qua ngày….đã không còn phù hợp với thời đại của @, thời đại của Bitcoin…Nếu không nói là lố bịch, và dị hợm….
Có một vài Y Luật, Y Đức… bất thành văn của người Châm Sư cổ truyền mà ít ai biết đến từ ngàn xưa cho đến thời cận đại. Đó là có thể thu lại tiền thuốc, tiền công bào chế thuốc …nhưng không được phép thu lệ phí cho việc Châm Cứu. Hoặc có thể châm cứu cho bất kỳ ai, nhưng nếu chưa phải lúc thập tử nhất sinh, thì Châm Sư không nên châm cứu cho người ruột thịt trực hệ đang cùng chung sống…..
Tại sao laị có luật lệ bất thành văn này?. Đó là ngoài việc theo quan niệm cổ truyền, người làm nghề Thuốc là thực hiện Nghiệp cứu người, đi ngược lại luật Nhân- Quả của Trời Đất. Châm cứu đã làm đảo ngược lại sự sắp xếp, trừng phạt.. của Tạo Hóa, nếu còn trục lợi từ Y thuật này thì lại càng tổn Phước thêm. Cũng bởi lý do này mà Châm Sư tránh thực hiện thuật châm cứu trên người thân là vậy.
Ngoài lý do có hơi hướng mê tín này ra. Việc không thu lợi từ châm cứu của người xưa còn có nguyên nhân khác rất tế nhị. Đó là vì Y Thuật này cực kỳ vi diệu. Lúc thực hiện Y thuật châm cứu, người châm sư không những phải vận dụng hết kiến thức Y Lộ mà một đời họ phải học hỏi đúc kết, mà còn phải dụng tâm, vận khí rất hao tổn nguyên lực. Vì vậy y thuật này không thể đánh giá bằng vật chất được. Nói cách khác nó là vô giá. Vì không ai buôn bán Nguyên Khí của mình cả. Và nếu có sòng phẳng để ngả giá…thì bao nhiêu cho vừa…Vì vậy mà các Châm Sư ngày xưa, thực hiện thuật Châm Cứu không bao giờ lấy tiền hay vật chất quí giá thay thế là vậy.
Với thời đại Hàng Hóa ngày nay mà vẫn muốn thực hiện cái Y Thuật vi diệu của Châm Cứu Cổ Truyền như đã trình bày ở phần 1, đó là điều mà tôi đã nói là cực kỳ khó, nếu không nói là hoang tưởng.
Tôi chỉ có hy vọng, Y Thuật Châm Cứu vi diệu của Y Học Cổ Truyền Chính Thống, sẽ được bảo tồn, như người ta đã từng bảo tồn các Di Sản Văn Hóa phi vật chất khác mà thôi….
(Còn nữa….Mời các bạn xem tiếp phần 3, là phần ghi chép lại những câu chuyện có thật 100% để minh họa cho chủ đề: „Thế thời, thời phải thế…“ )
Phần 1 ở link đính kèm:
https://lethuannghia.com/tra-lai-ten-cho-em-khao-luan-ve-y…/
08.03.18
LY. Lê Thuận Nghĩa