3- Những Khái Niệm Căn Bản/ Qui Tắc Nhiếp Thân
Có hai qui tắc mà các Danh Y tiền nhân thường sử dụng như những “mệnh đề” trong Y Thuật. Hai qui tắc này gói gọn những học thuyết căn bản nhất của Triết học Á đông để vận dụng vào trong việc truyền dạy cho người mới nhập môn Y Đạo.
Đó là qui tắc “Người Cấy Lúa” và qui tắc “Cây Lúa” .
Qui luật “Người Cấy Lúa” là dùng hình ảnh người Nông dân đang khom mình cấy lúa trên ruộng để ám định Học thuyết Âm dương qui định ở trên cơ thể con người.
Theo học thuyết Âm Dương thì Trời là Dương và Đất là Âm. Người cấy lúa đang lom khom cấy lúa, lưng ngửa lên Trời, bụng úp xuống dưới ruộng. Với hình ảnh này, cái gì của thân thể hướng lên Trời là Dương, cái gì hướng xuống Đất là Âm. Vì vậy với tổng bộ của thân thể thì phần Lưng và phần bên ngoài của tứ chi là Dương vì nó hướng lên Trời. Phần bụng và phần trong của tứ chi úp xuống ruộng nên phần ấy là Âm. Và theo qui tắc này thì tất cả các Kinh mạch chạy ở phần Âm, tức là phần cơ thể úp xuống ruộng là các Kinh Âm. Ngược lại, các Kinh Mạch chạy ở phần Dương, tức là phần cơ thể hướng lên trời và ra ngoài là các Kinh Dương.
Chỉ gói gọn trong hình ảnh của “Người Cấy Lúa”. toàn bộ học thuyết Âm Dương căn bản nhất của Triết học Á đông đã được mô tả một cách thật ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu, dễ nắm bắt nhất cho người mới học Y.
Qui tắc “Cây Lúa” có sách gọi là qui tắc “Thảo Mộc” . (Vì hình tượng cây lúa, không phải ai cũng biết, nên người tadùng hình tượng Thảo mộc/ Cái cây cho dễ hình dung hơn với những người không thuộc nền Văn hóa Lúa nước). Qui tắc Cây Lúa dùng để mô phỏng các qui luật của Tinh- Khí- Thần khi định nhiếp vào cơ thể Con Người.
Phần gốc rễ của cây lúa là nơi thu liễm tinh hoa của vật chất dành cho sự sống nên nó thuộc về Tinh. Phần thân cây là nơi tinh chất được bồi đắp để cây phát triển nên nó thuộc về Khí. Phần bông lúa là kết tinh của sự thu liễm và phát triển, tượng trưng cho sự phồn thịnh gọi là Thần.
Qui tắc Thảo Mộc/ Cái Cây cũng được lý giải tương tự. Phần gốc rễ là nơi thu tàng tinh chất nên nó thuộc về Tinh. Phần thân cây là nơi tinh chất được bồi đắp, xây dựng bổ sung để phát triển thành hình hài của cái cây gọi là Khí. Phần cành hoa quả lá cành là nơi phát tiết từ sự bồi bổ, tích tụ và thăng hoa của cái thân và gốc nên gọi là Thần.
Qui tắc này được ứng dụng vào cơ thể Con Người hoàn toàn theo nguyên lý được lý giải như ở trên. Cho dù là ở mức độ tổng thể/ vĩ mô hay là chi tiết/ vi mô, tất cả đều tuân thủ theo nguyên tắc Gốc- Thân- Cành là Tinh- Khí- Thần.
Ví dụ ở mức độ tổng thể:
– Tinh huyết là căn cơ gốc rễ của sinh mệnh nó là Âm. Vì vậy tất cả các phần Âm của cơ thể thuộc về TINH.
– Khí lực là năng lượng bảo tồn chức năng hoạt động sinh tồn của cơ thể. Khí thuộc về Dương, cho nên tất cả các phần Dương của cơ thể thuộc về KHÍ
Sự cọ xát qua lại theo thế tương hỗ của Âm- Dương (Tinh- Khí) nơi cơ thể trong tình trạng bế tắc, hư hao, thiếu hụt hay dư thừa…mất cân bằng, hoặc là đầy đủ, vượng phát, hanh thông, điều hòa… đều được phát tiết ra bên ngoài cái này gọi là THẦN
Phần thân của cơ thể từ cổ xuống bụng dưới tàng chứa những cơ quan bộ phận dùng để hấp thụ và tiêu hóa, thu nhiếp tinh chất nên nó thuộc về TINH
Phần tứ chi là biểu hiện của nội lục vận động và hoạt động… nó thuộc về KHÍ
Phần đầu mặt là nơi tàng chứa và biểu hiện của hoạt động về tinh thần và ý thức nó thuộc về THẦN
Ví dụ về Kinh Mạch:
Phần đầu của đường, tức là gốc của đường Kinh thuộc về TINH của đường Kinh, phần giữa của đường kinh, tức là thân của đường kinh thuộc về KHÍ, phần cuối của đường Kinh, tức là ngọn của đường Kinh thuộc về THẦN (Ví dụ ở tay, đường kinh Tâm chạy từ chỉ nách trong ra phía trong ngón út, nên phần kinh Tâm chạy trong bắp tay thuộc về Tinh của Kinh Tâm. Phần kinh chạy ở cùi chỏ là phần giữa của đường kinh nên nó thuộc về Khí của kinh Tâm. Phần kinh chạy từ huyệt Thần môn đầu bàn tay đến cuối ngón tay là phần cuối, phần ngọn của đường Kinh nên nó thuộc về Thần của kinh Tâm. Ngược lại kinh Tiểu trường lại chạy từ dưới ngón tay út chạy lên mặt, nên phần kinh chạy ở ngón tay lại là Tinh của kinh Tiểu trường và phần kinh chạy ở mặt lại là Thần của Tiểu trường….)
Ví dụ về Huyệt Đạo:
Đối với một huyệt, thì phần huyệt nằm sâu dưới lớp cơ, gần trong các hốc xương, gốc cơ hay là nằm sâu về phía dưới là phần Tinh của Huyệt hay còn gọi là phần Địa huyệt. Phần huyệt nằm lơ lững ở giữa ngay trong gân, cơ hoặc giữa lớp ngăn cơ, bắp, thịt và da là phần Khí của Huyệt hay còn gọi là phần Nhân huyệt. Phần nằm trong da và ngoài da của huyệt là Thần của huyệt, hay còn gọi là Thiên huyệt (Học thuyết Thiên- Địa- Nhân trong thuật Châm cứu)
Ví dụ đối với chi tiết của cơ thể:
Cứ tuân thủ theo qui tắc Gốc- Thân- Cành của Thảo Mộc, thì tất cả các bộ phận, ngũ quan của….của cơ thể đều được phân định thành Tinh- Khí- Thần cho từng chi tiết từ lớn đến nhỏ. Ví dụ
– Tuy tứ chi thuộc về KHÍ trong tổng thể, nhưng về chi tiết thì đối với Tay. Gốc tay mọc ra từ thân/ vai, nên phần cánh tay trên thuộc về Tinh của cánh tay. Cùi chõ và cánh tay giũa là thân của cánh tay nên nó thuộc về Khí. Bàn tay thuộc về phần ngọn của cánh tay nên nó thuộc về Thần.
Nếu chia nhỏ ra nữa. Ví dụ như bàn tay, thì gốc bàn tay thuộc về Tinh của bàn tay, Lòng bàn tay thuộc về Khí của bàn tay. Ngón tay thuộc về Thần của bàn tay
Chia nhỏ ra nữa thì, lóng thứ nhất, gốc của ngón tay thuộc về Tinh của ngón tay. Lóng thứ hai ở giữa thân ngón tay là Khí của Ngón tay. Ngón thứ ba là phần cuối là Thần của ngón tay.
Chia nhỏ thêm chút nữa, thì phần gốc có viền trăng lưỡi liềm là phần Tinh của móng tay, phần giữa móng là Khí của móng tay. Cái phần dài ra mà mình hay cắt tỉa đi là phần Khí của móng tay.
……
Ví dụ tuy phần đầu mặt thuộc về phần Thần của tổng thể hình dáng bên ngoài của cơ thể. Nhưng nếu chỉ riêng phần mặt thì phần miệng cằm là gốc của khuôn mặt mọc ra từ cổ nên nó thuộc về Tinh của Mặt. Phần Mũi và xung quanh ở thân mặt nên nó là Khí của mặt. Phần mắt trán phía trên nên nó thuộc vào Thần của Mặt
Chia nhỏ ra nữa thì phần gốc mũi nơi đầu mắt là Tinh của Mũi, phần sống mũi là Khí của Mũi, phần chóp, lỗ là Thần của mũi.
…..
Nói tóm lại như một cái cây (là cây lúa hay thảo mộc gì cũng vậy). Tất cả những gì thuộc về cơ thể nơi bắt đầu hình thành, nơi cái gốc thì thuộc về TINH, nơi ở giữa chi tiết đó thì là phần KHÍ của cái đó. Vùng kết thúc của cái đó là THẦN của cái đó, cứ tuân thủ theo qui tắc ấy mà nhiếp định Tinh Khí Thần cho từng chi tiết của cơ thể
Đến đây để chuẩn bị cho phần ứng dụng lâm sàng trong nguyên tắc trị liệu theo TINH- KHÍ- THẦN, các bạn đọc, nhất là học viên của Y Đạo, (Đặc biệt với học viên và môn sinh theo học lão phu thì phải bắt buộc phải thuộc nằm lòng) hãy tự mình làm một bài Test:
1- Hãy chia cơ thể ra từng phần từ lớn đến nhỏ, rồi dựa vào qui tắc Gốc- Thân- Cành của Thảo mộc, phân định Tinh- Khí- Thần cho đến từng chi tiết nhỏ nhất
2- Xác định Lục Phủ Ngũ Tạng, cái nào thuộc về Tinh, cái nào thuộc về Khí, cái nào thuộc về Thần. Vì sao?
3- Trong 3 loại Tam Tiêu, cái nào thuộc về Tinh hay Khí hay Thần….?
4- Việc luyện tập Khí Công bao giờ cũng nhắc đến Hạ đan điền, Trung đan điền, Thượng đan điền thì cái Đan điền nào thuộc vào loại nào, Tinh, Khí hay Thần. Vì sao?
(Lưu ý, đối với môn sinh của Thuận Nghĩa Dưỡng Sinh Đường đây là những hiểu biết tối thiểu cần phải biết. Đừng để lão phu phải dùng tô hoặc xô khi sát hạch.)
Xem tiếp phần ứng dụng lâm sàng….
30.10.2018
TN