Home Ký sự “Tính già hóa ra non…”

“Tính già hóa ra non…”

1332
0

Giới bình dân và trung lưu của Đức có cách sống cực kỳ tiết kiệm. Nhất là những người đang có công ăn việc làm hoặc làm ăn, đầu tư, buôn bán nhỏ…. Bởi vì chế độ thuế má và chế độ bảo hiểm xã hội rất hà khắc với người đi làm. Nếu họ không cân nhắc chi li trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày thì rất có thể họ sẽ bị ra “đứng đường” vì lương không đủ đóng tiền nhà và các loại dịch vụ liên quan đến nơi ở, như điện, nước, rác thải, truyền hình cáp….

Ngay cả phương tiện đi lại cũng vậy, hầu hết các loại xe sang trọng đều của người Đức. Nhưng không như Pháp và các nước châu Âu khác, tỷ lệ người lao động Đức dùng xe bản địa thấp hơn xe nhập khẩu rất nhiều. Các loại xe sang như BMW, Mecerdes, Audi…mới đa số chỉ có giới siêu thu nhập và những người đông con hưởng trợ cấp xã hội sử dụng mà thôi. Bởi chỉ có hai giới này mới ít khi nghĩ đến hai chữ tiết kiệm.

Thông thường khi tiếp xúc, thăm khám, tư vấn sức khoẻ với bệnh nhân và học viên tôi thường khuyên họ. Có thể chổ ở hẹp đi một tý, ăn uống đạm bạc đi một tý, áo quần bớt đẹp đi một tý và bớt ngày nghỉ dưỡng Urlaub đi…nhưng có hai thứ không được phép tiết kiệm đó là giày và mắt kính. Các thứ khác thế nào cũng được, nhưng hai thứ này phải sử dụng loại chất lượng nhất trong phạm vi có thể.

Giày và kính mắt (với người có vấn đề về mắt và kính mát) là hai vật dụng luôn luôn gắn liền với sinh hoạt và làm việc. Nó là hai thứ đòi hỏi phải có chất lượng đảm bảo, đúng kích, cỡ. Mọi sự sai lệch, gò bó, chông chênh.. kém chất lượng của hai loại này đều hàm chứa những hệ lụy làm tổn thương sức khoẻ rất cao. Đặc biệt là những sai lệch về 2 loại này là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên strees cho cuộc sống. Mà stress trong đời sống hiện đại lại là một trong nguyên nhân làm suy giảm chất lượng của Sức Khoẻ và phơi nhiễm các bệnh nan y.

Đối với những người có công việc thường xuyên phải đi lại xa. Tôi thường khuyên họ nên chọn những phương tiện đi lại, chọn những hãng vận chuyển không phải trên phương châm đắt hay rẻ…mà phải lấy sự thoải mái, thuận tiện và ít phải bị stress do sự chậm trễ và chờ đợi nhất. Đối với những người có công việc liên quan đến đi lại nhiều. Sự chậm trễ, delay…sẽ gây nên một áp lực thần kinh rất nặng nề vì ám ảnh lịch trình làm việc bị phá vỡ…

…Có một lần trong một Seminar do học trò tổ chức ở vùng Bắc Đức. Khi từ Hotel đến nhà học trò ăn sáng. Đứa học trò hỏi tôi. Thầy bị lạ chỗ nên có ngủ được không?. Tôi thõng mặt buồn xo trả lời. Thầy có chỗ nào quen đâu, đời thầy toàn ngủ trên tàu và trên máy bay, ở thì phòng trọ, hotel nhiều hơn ở nhà, vì vậy chỗ lạ cũng như quen, và chỗ đáng quen thì thành lạ, nên bất kỳ chỗ nào thầy cũng ngủ ngon tuốt….he..he..he….

Khi công việc liên quan đến đi lại nhiều. Thì chất lượng của phương tiện đi lại có tầm ảnh hưởng đến trạng thái của sức khoẻ thể chất và tinh thần rất cao. Tiết kiệm để chọn phương tiện đi lại rẻ, nhưng kém chất lượng thực chất là một tính toán “phi tiết kiệm” về mức độ lâu dài.

Mặc dù hệ thống giao thông của Đức thuộc vào top hàng đầu trên thế giới. Không có một nước nào trên thế giới có thể qua mặt được nước Đức về hệ thống đường cao tốc. Không những chất lượng thuộc vào hạng siêu mà còn free, người vận hành giao thông không phải đóng lệ phí đường cao tốc như các nước Phương Tây khác. Xe hơi Đức, thì không còn phải nói. Nhưng người Đức vẫn ưu tiên chọn phương tiện đi lại bằng tàu cao tốc và tàu điện. Ngoài việc chỗ ngồi và dịch vụ cao cấp ra, hệ thống đường sắt của Đức có độ chính xác giờ giấc rất cao. Sư sai lệch, chậm trễ được tính từng giây. Nếu có sự sai lệch chậm trễ hàng phút trở lên, đều có thông báo, cảnh báo trước khi đặt mua vé, cho khách hàng tiên liệu và chọn lựa việc đi lại thích hợp.

Tôi là fan của đường sắt Đức. Mặc dầu chưa phải là khách hàng giảm giá 100% Có nghĩa là loại khách có Card đi tàu không cần mua vé. Nhưng tôi là loại khách hàng có Card giảm giá 50% kỳ cựu. Được nâng hạng VIP đặc biệt gọi là Supper Comfort. Với loại card này, tôi được giảm giá một nửa trong bắt kỳ chuyến đi nào ở Châu Âu, và cho dù trong bất kỳ một chuyến tàu nào cũng không phải đặt thêm lệ phí chỗ ngồi. Những người có card Supper Comport, đều có chỗ ngồi riêng không cần đặt trước ở cạnh toa ăn uống.
Tuy đã được giảm giá 50% nhưng so với các phương tiện đi lại khác, giá đi đường sắt vẫn cứ đắt hơn các phương tiện đi lại khác rất nhiều. Và đương nhiên là đắt hơn khá nhiều với giá đi bằng máy bay ở trong châu Âu.

Gần đây tôi có nghe nói đến một loại xe Bus đường dài gọi là Flix Bus. Giá đi lại cực rẻ và tiện nghi thuận tiện, thoải mái như đi máy bay. Ví dụ nếu chọn đúng giờ đi thích hợp có thể đi từ Hamburg đến Praha hoặc Paris chỉ có 29 EU. (Giá đường sắt dao động từ 350- 500 EU). Hoặc từ Hamburg đi Berlin có thể chỉ có 19- 29 EU tùy chuyến (Giá đường sắt là 160- 180 EU).

Thứ 7 tuần rồi tôi muốn đi Berlin để thăm ngày khai trương trung tâm dịch vụ thẩm mỹ và sức khoẻ của một học viên cũ. Vì là chuyến đi mang tính chất chơi bời chứ không phải công việc. Nên tôi phá lệ, không cần đến sự chính xác của giờ giấc, tôi thử đi loại xe Flix Bus này ra sao.

Nếu tôi đi tàu cao tốc, thì thời gian đi từ Hamburg đến Berlin mất khoảng 130 phút (ca 300 Km). Nếu đi Flix Bus thì mất khoảng 200 Phút. Vì tôi mua gấp và trực tiếp mua vé tại bến nên hơi đắt, nên cả đi cả về mất 27 EU. Nếu đi vé tàu đã giảm giá 50% thì cũng phải mất 80 EU. Còn lời chán mà… hehehehehe…

Nếu đi tàu, tôi chỉ đến ga chính rồi chuyển sang đi một tàu điện mang số M8 là đến ngay trước cửa Trung Tâm Thương Mại Đồng Xuân ngay. Còn đi Flix Bus, khi đến bến ZOB là bến dừng của loại xe này tại Berlin, tôi phải gọi và nhắn tin đến 4 người để hỏi cách đi. Cực kỳ stress. Rồi phải di chuyển tàu điện ngầm, tàu điện, tùm lum mới đến được khu thương mại Đồng Xuân. Xuất phát đi từ ở nhà là 7 giờ sáng, đến 12 giờ 20 phút mới đến nơi, tôi phải mất đến 320 phút. Vì là đi chơi nên thời gian không quan trọng lắm. Nhưng vì buổi sáng tôi ních một lúc 2 ấm trà, nên suốt hơn 5 giờ loay hoay trên tàu xe với áp lực thần kinh không ít nên nhu cầu xả nước của tôi dâng cao hehehehe…vụ này mới khá gây cấn. Đến mức độ cực điểm, tôi nhắn tin cho một người quen nói rằng: Nếu để tiết kiệm 50 EU, mà phải chuốc lấy mức độ stress này, bọ không ham….hê..hê..hê…..

Chưa hết….theo dự định của tôi là 16 giờ phải rời Đồng Xuân mới kịp đi chuyến xe 17 giờ 45 phút từ ZOB Berlin về Hamburg. Nhưng khi kết thúc công việc phát sinh ở đó, lại có mấy bệnh nhân và fan hâm mộ thơ văn đến thăm viếng, nên lần chần đến 16 giờ 30 mới rời được khu thương mại Đồng Xuân để ra được bến tàu điện. Ra được đến ZOB thì đã 17 giờ 46 phút, chậm mất 1 phút. Tôi chỉ biết đứng nhìn chuyến Bus mình sẽ đi vừa chuyển bánh. Lại phải mua vé khác mất thêm 27 EU nữa, và phải đi chuyến sau, khởi hành muộn hơn 20 phút.

Cái quan trọng nhất là vì lật đật chạy chuyển tàu cho kịp giờ. Tôi đã đánh rơi cái điện thoại di động của mình trên tàu điện ngầm. Nó là cái Iphon 6 Plus. Giá hồi mua là 700 EU. Cú stress bị mất toàn bộ dữ liệu và số điện thoại liên lạc này mới là đau.

Về đến Hamburg, gọi thử vào máy có người nghe. Họ hứa sẽ trả lại, mình cũng hứa sẽ thù lao rồi. Nhưng khi họ hẹn trả, đứa học trò mình ở Berlin ra chỗ hẹn, đợi mãi chả thấy đâu.

Mình đợi cả ngày chủ nhật, và thỉnh thoảng gọi vào máy để thử liên lạc. Máy báo tắt nguồn. Linh tính báo cho mình biết chả còn hy vọng gì. Hơi buồn buồn chút, lật nhật ký lịch trình ghi lại những sự kiện quan trọng. Lật trang mất đồ và thất lạc hành lý ra thấy có ghi. Ngày mồng 2 tháng 7 âm lịch năm 2016, đi Tiệp, bị mất cắp toàn bộ giấy tờ, bằng cấp Original. Ngày mồng 5 tháng 7 Âm lịch năm 2017 đi Pháp, mất toàn bộ tiêu sáo do bỏ quên trên tàu. Và bây giờ lại phải ghi tiếp, ngày 01 tháng 7 Âm lịch, năm 2018 đi Berlin, mất điện thoại di động, do bỏ đánh rơi trên tàu.

He he he…ghi xong nhật ký lịch trình, chui vào toilet thổi tiêu. Mới đột phá thêm một vài âm vực cho tiêu Lục Mạch, nên say sưa thổi. Lúc vào Toilet thổi tiêu là 16 giờ chiều ngày 12.08. Thổi một hồi, thấy đói bụng chui ra, nhìn đồng hồ đã thấy báo là 3 giờ sáng ngày 13.08. Kiếm vội miếng gì ăn và ngồi gõ bài này.

Dong dài vậy nhưng chốt lại cuối cùng cũng chỉ có 4 điểm sau:
1/ Thông báo với tất cả mọi người là tôi đã mất điện thoại di động với toàn bộ danh bạ liên lạc. Vì vậy xin mọi người hãy thôi, không liên lạc qua số 0049 152 515 163 52 nữa. Và bạn bè và bệnh nhân, cũng như người quen cho tôi xin lại số liên lạc, khi hôm nay tôi sẽ mua sim điện thoại mới. (Điện thoại thì không mua nữa, điện thoại cục gạch nhà còn đầy hehehehehe…).

2/ Đừng nên dùng điện thoại đắt tiền, vì lúc lỡ thất lạc rất khó có cơ hội tìm lại

3/ Với phương tiện đi lại, vật dụng cần thiết , và các mối quan hệ, đừng nên chọn loại đắt hay rẻ, quan hệ tốt hay xấu mà nên chọn loại ít gây ra áp lực thần kinh khi sử dụng, và giao tiếp…

4/ Số của mình thường mất đồ vào tháng 7 âm lịch. Hãy thận trọng khi đi lại vào đều tháng 7 âm lịch (Vụ này không phải mê tín mà chỉ là điểm đặc biệt chú ý của sự thống kê thôi.)

13.08.18
thuận nghĩa

SHARE