Trời trở lạnh và tuyết rơi nhiều vào tháng 2. Mấy rồi đi lại có người đem xe tới chở đi, nên cũng đã nhiều ngày trên vai đeo vác không đủ nặng, chặng đường đi bộ không đủ dài vì vậy mà thấy nhơ nhớ. Nhơ nhớ và cảm thấy thiếu hụt, thiếu hụt như kiểu người tình xa cách lâu ngày không gặp vậy… hì hì…

Thứ bảy tuần rồi, Hamburg lạnh âm 13 độ C, nhưng trời lại nắng đẹp, chỉ có tuyết cũ chưa kịp tan chứ không có tuyết mới rơi. Thấy dân tình đổ xô đi dạo đông, tôi cũng sắp xếp đồ đạc, cố nhét “thượng vàng hạ cám” vào gùi lưng cho đủ 62 kg rồi thơ thẩn dạo vòng vòng quanh phố tuyết.

Khi đi ngang qua phố Altona để xuống kè cảng, mới biết hóa ra trong mùa Lockdown các chợ phiên hàng tuần (Wochenmark) vẫn được nhóm họp. Tôi nhắm hướng chợ phiên đi xuyên qua đó, nhân tiện mua mấy thứ đồ ăn bio (100% là đồ vườn).

Chợ phiên hàng tuần (Wochnemark) thường nhóm ở một con đường đi bộ nào đó của một Quận, và bán đủ các thứ, từ thực phẩm, hoa quả cho đến các đồ lưu niệm và dụng cụ gia đình vặt vảnh.

Lúc đi vào chợ phiên Altona, tôi bất chợt để ý đến một gian hàng bán đồ lưu niệm, giày dép, túi xách của người Á châu. Chủ gian hàng này là một Phụ nữ tầm trung trung tuổi. Tôi chú ý đến người Phụ nữ này là vì khuôn mặt thanh tú, sóng mũi cao cao như người lai, và đặc biệt có nét hao hao giống cố nhân tháng 2 của tôi.

Có chút gì đó trắc ẩn trong tôi, khi tôi nhìn thấy người này oằn oằn, vèo vẹo lưng khi di chuyển đi lại trong gian hàng. Sợ đứng nhìn lâu bất tiện, tôi tiến thẳng đến gian hàng và giả vờ cầm xem hàng và hỏi giá các loại hàng lưu niệm làm bằng gỗ. Khi biết chủ gian hàng là người Việt Nam, qua việc cô này gọi điện thoại cho ai đó, tôi lân la vừa hỏi giá vừa làm quen bằng tiếng Việt

Tôi khá hụt hẫng, khi chủ gian hàng đột nhiên cho tôi một nắm tiền lẻ và bảo tôi đi kiếm cái gì ăn đi, đừng làm phiền cô ấy bán hàng. Tôi đã từ chối, nhưng cô ta vẫn cứ nhét vào tay tôi và phẩy tay như xua xua tôi đi chỗ khác. Cảm thấy lạ, tôi xốc lại gùi lưng và cúi xuống nhìn trang phục của mình và đột nhiên mĩm cười. Phải công nhận, cái gùi lưng và trang phục của tôi lúc đó giống hệt hình dáng thường gặp của người vô gia cư thật (Obdachlose). Tôi cúi đầu làm cử chỉ cảm tạ cô chủ gian hàng và khum lưng đi về hướng có mấy người nhập cư mới, đang ngồi chưng bảng xin tiền phía gốc chợ. Tôi chia nhỏ vốc tiền lẻ cô chủ gian hàng cho tôi và bỏ vào các khay xin tiền của mấy người nhập cư này. Vừa bỏ xong tiền thì cái cô chủ hàng kia te te chạy tới, đứng chặn ngang trước mặt tôi và nói, tôi thấy anh là người Việt Nam Obdachlose (Vô gia cư), trời lạnh thế này mà phải đi lang thang tồi tội, nên tôi mới cho anh tiền, tại sao anh lại lấy tiền tôi cho, cho lại mấy người này. Tôi chắp tay cúi đầu hỏi lại, Chị thấy tôi giống ăn xin lắm sao? Có lẽ chị hay vào mạng xem chuyện người Việt vô gia cư ở bên Mỹ lắm phải không?, bên ấy khác, ở Đức và Châu Âu, tôi đi lại rất nhiều, mà hầu như chưa thấy một người Việt nào là Obdachlose cả, sao chị lại nghĩ tôi là người Vô gia cư vậy. Cô này nhìn tôi từ đầu xuống chân rồi phẩy tay bỏ đi.

Lúc dạo một vòng ra kè cảng trở về, chợ phiên vẫn còn. Thấy cô chủ gian hàng người Việt vẫn vèo vẹo, oằn oằn lưng đi lại hít hà trong gian hàng, tôi tiến lại và móc trong ví cái card visit của mình. Mấy cái cạc này tôi rất hiếm khi đưa cho ai. Trên cái card có ghi chức danh của tôi và địa chỉ trung tâm nơi tôi đang làm việc. Khi đưa cái card visit cho cô chủ hàng tôi nói:

– Lúc nãy tôi vần vần bên gian hàng của chị là vì bệnh nghề nghiệp, chả giấu gì chị, mới thoáng qua là tôi đã biết chị đang cố gồng chịu những cơn đau thắt lưng, cơn đau thần kinh tọa dữ dội lâu ngày mà vẫn cố gượng đi lại làm việc hoặc ngồi lâu sẽ bị co kéo cơ thắt lưng và làm cho sự vận động phải oằn oằn, khom khom, lềnh lệch rất thảm hại, với cái lạnh và gió luồn lộng thế này nữa, chắc chắn tối về chị chỉ có bò thôi chứ khó mà đi lại được. Lúc nãy định làm quen với chị để cảnh báo điều này, tiếc rằng lại bị hiểu nhầm là ăn xin, đây là cái card có địa chỉ nơi tôi làm việc, nếu hết cuối tuần này, bệnh tình chị trở nặng, đi lại khó khăn, thì thứ 2 tới, tôi có làm việc tại đây, chị không cần đặt hẹn, cứ đến thẳng, bảo có hẹn trước với Dr. Le, bệnh này tôi có nhiều kinh nghiệm chữa trị bằng châm cứu và liệu pháp tự nhiên, tôi có thể giúp chị được đấy.

Cô chủ hàng cầm tấm card nghe tôi nói mà cứ nhìn trân trân vào cái gùi rườm rà trên lưng tôi. Tôi cười cười nói, không phải chỉ có chị nhầm đâu, đừng ngại, là tôi cố tình chất thêm đồ tùm lum cho đủ cân nặng để luyện tập đi bộ thôi.

Hôm nay thứ 2, Cô này đến Trung tâm tìm tôi vì những dự đoán của tôi là đúng. Tối đó về, cô ta chỉ lom khom bò mà di chuyển, chứ đau không thể nào đứng thẳng lưng mà đi được. Cô ta nói, tìm đến tôi là vì đọc thấy tên tôi trên card visit, đúng là người mà cô ta đã được người nhà ở Việt Nam giới thiệu, là người nên tìm đến để chữa trị bệnh thần kinh tọa.

Với triệu chứng bệnh này, để cắt cơn đau tạm thời, với tôi, một người đã có thâm niên hơn 40 năm châm cứu và 20 năm làm việc trong Trung tâm chữa trị đau nhức thì chả có gì là khó khăn, không bàn đến làm gì. Cái quan trọng là, sau khi hỏi thăm, tôi mới biết, hóa ra người này là vợ của một người mà tôi quen biết.

Hỏi ra, mới biết là anh chồng của Cô ta đang mắc kẹt ở Việt Nam từ cuối năm kia đến giờ chưa sang được vì dịch bệnh. Ở bên này, nhà cửa, con cái, hàng họ… đều phải một mình cô ta quán xuyến cả.

Tháng 12 năm 2019, khi tôi đang ở Việt Nam, anh chồng cô này có đưa một cô gái mang bầu đến nhờ tôi coi về chứng bệnh hay bị ngất xỉu bất chợt. Nghe nói đó là cô em họ. Thực ra tôi cũng đã có biết về mối quan hệ “em họ” này của anh ta trước đó rồi.

Dịch bệnh có phong tỏa kiểu gì, nếu muốn thì vẫn có thể trở về Đức được, nhất là những người đang mang Quốc tịch Đức. Kẹt kiểu gì mà từ cuối năm 2019 đến giờ vẫn chưa sang đến được Đức?. Nghĩ vậy nhưng tôi cũng không nói gì. Chỉ hỏi cô chủ hàng bệnh nhân: “Anh ấy kẹt không sang được, vậy rồi công việc làm ăn bên này thì sao?”. Cô ấy nói: “Không có dịch bệnh thì anh ấy cũng đi suốt vậy, bọn em không những bán lẻ, mà còn bỏ sỉ hàng nữa, anh ấy lo đầu vào hàng hóa từ Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam… còn em lo việc phân phối bên này”.

Tôi tuyệt nhiên vẫn giữ im lặng, chuyện nhà người ta, nói làm gì, dù tôi biết 100% là anh kia đã có người khác ở Việt Nam, và không chỉ có một người…

Chuyện Việt Kiều về quê làm ăn, đầu tư mà có “em họ” hay “thư ký”… là chuyện xưa nay vốn nó thế. Không phải là “vơ đũa cả nắm”, nhưng tỷ lệ và xác suất vốn cao “tận trên trời”. Nhưng khi thấy cái cô này oằn vẹo cả lưng vì đau nhức giữa giá tuyết, và liên hệ với cái cảnh anh kia ôm eo, dìu bà bầu trẻ ở Việt Nam, thì tôi cũng có cảm giác uất uất làm sao ấy. Nhưng rồi cuối cùng cũng phải tặc lưỡi nghĩ thầm: “Con bà nó! Vậy mới gọi là đời chứ… bố khỉ, tháng 2 lạnh thật….”

16.02.21

Thuận Nghĩa

SHARE