“Tất cả các nhà triết học đều là những kẻ ngây ngô, cứ tin vào những qui luật vớ vẩn, lịch sử nhân loại có phát triển theo cái qui luật đéo nào đâu…” . Hắn nói như vậy và gật gù:
– Cứ đợi đấy mà xem.
” Tất cả những dự báo về tương lai là những trò vớ vẩn, khoa học đích thực có làm ba cái chuyện đồng bóng ấy đâu…” . Hắn nhấp một ngụm trà và gật gù:
– Cứ đợi đấy mà xem
“Tất cả những Nhà Thơ là những tay thảm hại, họ cứ rít tóp má như hãm hiếp điếu thuốc, và lúc nào cũng ngầy ngầy mùi rượu, rồi cứ ngỡ khói thuốc là tóc, ngỡ cái đầu lọc là môi và viết những vần thơ : – Ôi, em ơi!… Thật ra họ làm gì có em nào. Ai mà đi yêu những gã nghèo rớt mồng tơi và lười tắm ấy…” : . Hắn lại nhấp một ngụm trà và huầy huầy cười :
– Cứ đợi đấy mà xem.
Nghe hắn nói vậy, tôi giả vờ phùng mang trợn má đứng dậy hầm hầm văng tục :
– Ây, cái Thằng Đợi Đấy chết bằm kia, mày đừng có vơ đũa cả nắm nghe, tớ đâu có uống rượu, đâu có hút thuốc mà vẫn làm thơ đó thôi.
Hắn vẫn điềm nhiên ngồi, một chân bẹt xuống nền thảm, một chân co lên, để tỳ cằm vào đầu gối, thong thả rót trà vào một cái tách, đẩy sang phía tôi :
– Uống đi cha, cha muốn nghe chuyện gì thì cứ nói, khỏi mất công khích tướng… thì phải rồi, ông không hút thuốc, không uống rượu, nên thơ ông chả có ma nào nó thèm đọc, và chả có thằng đếch nào gọi ông là Nhà Thơ cả. Nhà thơ mà không uống rượu, không hút thuốc thì lấy đéo đâu ra cảm hứng mà viết thơ tình nhiều đến thế.
Tôi hùa theo giọng lưỡi khinh bạc của hắn nói theo:
– Thì cứ vào mạng, giả vờ nai tơ, lừa một em mắt nai nào đó, nhen một mối tình khô nai nào đó, rồi lai rai nhâm nhi cảm xúc mà viết, cứ thế, thơ phọt ra cả đụn.
– Phứa! phứa…Bởi vậy, thơ cha lãng xẹt, mới đọc thấy nhạt, đọc lại thấy bạc, đọc nữa thấy loạc choạc, đọc thêm thấy nát…
Hắn bằng tuổi tôi, đi lao động ở Tiệp khắc năm 1986. Ngày bức tường Berlin mở cửa, hắn cùng mấy đứa nữa, chạy sang đây xin tỵ nạn. Hắn làm việc gì, hay nói cái gì cũng lừng khừng chậm rãi như rùa. Và lúc nào kết thúc công việc hay nói xong một câu nói cũng đệm một câu “Cứ đợi đấy mà xem”, vì thế mà hắn mới mang cái biệt danh là “Thằng Đợi Đấy”
Hắn không chỉ có cái tên, mà đời hắn cũng trải qua những chuỗi ngày “cứ đợi đấy” mà nên thật
Người ta đâm đơn xin tỵ nạn, ai cũng cố nặn ra một vài bằng chứng bất mãn chế độ, và thậm chí còn bịa ra một vài hoàn cảnh bị chế độ cộng sản áp bức, để khai với cơ quan thẩm vấn liên bang. Có thế mới không bị trục xuất sớm về nước, rồi tranh thủ thời gian kiếm cái nhà hàng Tàu nào, xin làm việc chui, kiếm chút tiền phòng thân.
Hắn thì khác, khi đi phỏng vấn, người ta hỏi lý do xin tỵ nạn, hắn trả lời ngon ơ , chính trị, chính triếc gì đâu, qua đây cho biết mùi tư bản, nhân tiện kiếm ít tiền xây cho Mẹ cái nhà.
Phỏng vấn lý do xin tị nạn chính trị mà hắn nói vậy làm ông phiên dịch cứ há hốc mồm, nhìn hắn trân trân như người từ sao Hỏa rơi xuống
Trong thời gian chờ đợi quyết định trục xuất về nguyên quán, người ta lại thuê luật sư bổ sung thêm bằng chứng có hoạt động chống đối chính quyền cộng sản. Để kéo dài thủ tục kiện tụng
Bằng chứng kiếm đâu ra, bố mẹ đều là Đảng Viên, anh chị, em út ở nhà đang phấn đấu trầy vi tróc vảy để vào Đảng. Vậy là các bác nhà ta mới quyền biến, nghĩ ngay ra cái trò biểu tình, học theo kiểu một số tay Việt Kiều bên Pháp và bên Mỹ, bày chuyện đấu tranh dân chủ, để kiếm chác tiền ủng hộ của những người nhẹ dạ, đỡ phải đi làm vất vả, mà vẫn có tiền về Việt nam đi karaoke ôm.
Mấy bác tỵ nạn chính trị giả hiệu nhà ta ở Đức không thèm cái kiểu kiếm tiền vớ vẩn ấy, nhưng cũng căng biểu ngữ đòi đa Đảng, rồi bác nào cũng kiếm vài tấm ảnh, gửi cho luật sư làm bằng chứng trong hồ sơ tỵ nạn. Cứ bác đơn một lần, lại tương thêm cho một tấm ảnh tham gia biểu tình, tốn mấy trăm Euro tiền luật sư, lại được kéo dài thêm một thời gian nữa.
Ai cũng chạy đôn chạy đáo, thậm thà thậm thụt, kiếm ảnh biểu tình. Làm sao mà chớp nhoáng chụp được ảnh, nhưng lại không bị người của Sứ Quán điểm mặt. Còn hắn thì cứ ung dung bình chân như vại, chẳng cần bổ sung bổ siếc gì cả. Hắn nói:
– Đúng là mấy thằng dở hơi, không ở thì về, mắc chi mà phải làm cái trò hề ấy, chụp cho lắm vào rồi, khi nó tống cổ về Việt Nam, lại lo sốt vó, lại chạy cửa này cửa nọ, để khỏi phải đi bóc lịch, ki cóp được mấy đồng bọ rồi cũng để đút lót cho ma nó ăn, tớ đếch thèm chơi vậy, biết đâu các bố lại về trước tớ, cứ đợi đấy mà xem.
Có mấy sô ca nhạc mời ca sĩ từ Việt Nam sang hát. Sắp đến giờ trình diễn thì người ùn ùn kéo đến giăng biểu ngữ biểu tình hô hào chống Cộng.
Mấy ca sĩ từ Việt Nam sang chẳng biết mô tê gì nơm nớp sợ xảy ra bạo loạn. Hắn cười huầy huầy trấn an:
– Các em đừng lo, thằng nào cũng thủ vé sẵn cả rồi, chụp ảnh đấu tranh cách mạng xong là các bố cuốn biểu ngữ, nhét vào đít xe, chui ngay vào xem ấy mà. Anh cam đoan là các bố đó sẽ là người vỗ tay cổ vũ các em mãnh liệt nhất, cứ đợi đấy mà xem.
Hiệp ước hồi hương được hai chính phủ ký kết, để đưa người Việt tỵ nạn đã bị từ chối quyền lưu trú trở về cố hương.
Theo nguyên tắc của luật tỵ nạn, người bị từ chối quyền lưu trú, sẽ bị cưỡng bức hồi hương. Nhưng khốn nỗi hầu như tất cả người Việt tỵ nạn thời “mở cửa” lúc khai hồ sơ đều không khai tên, và quê quán thật, nên khi chính phủ Đức lập danh sánh cưỡng bức hồi hương gửi cho chính phủ ta để kiểm chứng, thì phía ta không thể điều tra được họ là ai.
Phía ta trả lời, họ không phải là người Việt nam, chúng tôi không nhận. Tiền thì đã chi, mà ì ạch mấy năm chỉ đưa được vài chục người về. Chính quyền liên bang Đức lại vung tiền ra một lần nữa, để thuê người của Bộ nội vụ sang tận Đức, trực tiếp điều tra từng người tỵ nạn cụ thể.
Một đơn vị đặc nhiệm có biệt hiệu là A18 được cử sang cùng hợp tác với công an bảo vệ biên giới Đức, đến từng tiểu bang một, triệu tập người có trong danh sách hồi hương đến thẩm vấn.
Một số người đã chán ngấy cuộc sống vật vờ không ổn định của kiếp lưu vong, thì về hay ở không thành vấn đề nên bình thản đi thẩm vấn cho A18 xác định mình đúng là người Việt.
Một số đông nữa thì đã lập gia đình có con nên được luật ngoại kiều mới bảo vệ chuyển sang dạng cư trú hợp pháp. Còn một số người độc thân và số mới sang sau này thì lại vất vả thêm lần nữa, lại phải chạy đôn chạy đáo, lo lót để cho A18 từ chối là thiếu dữ kiện xác định Quốc Tịch.
Hắn cũng cứ như thuở nào vậy, chẳng thèm lo gì cho mệt hơi, pha bình trà ngồi nhấm nháp :
– Ối giời ơi, đời nó có số rồi, lo làm gì cho nó bạc tóc, thằng nào về là cứ phải về, thằng nào chưa phải về, có muốn về cũng không được. Như vợ chồng Hương, Lâm đấy, làm đơn xin hồi hương 2 năm nay rồi, mà đâu có được về, tháng nào lên nhận tiền trợ cấp chẳng khóc loạn cả sở ngoại kiều lên, mà hồ sơ vẫn chưa giải quyết được, tớ thì tớ tin ở cái số trời, biết đâu các bố lại phải về trước tớ, cứ đợi đấy mà xem.
Nhiều người thấy hắn, không cần luật sư, không cần bổ sung hồ sơ tỵ nạn, vậy mà cứ nhơn nhơn không ai ngó ngàng gì tới, vẫn đi làm khai giấy tờ hẳn hoi, vẫn tự thuê nhà ở được, không cần ở nhà tỵ nạn, thế mới oai chứ. Họ ngạc nhiên hỏi hắn làm cách nào mà hay vậy? Hắn huầy huầy nói :
– Tớ chả làm gì cả, mấy năm trước lúc gia hạn giấy phép lưu trú, thằng cha làm ở sở ngoại kiều hỏi tớ, đã đủ tiền xây nhà cho Mẹ chưa, tớ nói đã đủ, nhưng muốn kiếm thêm chút đỉnh về hùn vốn làm ăn, vậy là nó đóng dấu cái rụp gia hạn hộ chiếu, thật vậy đó, ai không tin thì cứ đợi đấy mà xem.
Lần lữa hoài, rồi cái ngày luật ngoại kiều lại bổ sung luật hội nhập, ai ở Đức trên 8 năm, có công ăn việc làm, nhà ở ổn định, thì được quyền lưu trú dài hạn. Mọi người lại nhốn nháo chạy loạn cả lên. Người xưa nay hưởng trợ cấp xã hội, đi làm chui, giờ mới thấy mình thiệt, hối hả xin đi làm chính thức. Người trước đây khai man tên họ, thì hớt hải chạy vạy ở Sứ Quán lo cái hộ chiếu thật để dán tem định cư. Hắn cái gì cũng có sẵn như chuẩn bị từ trước. Nghiễm nhiên có cái hộ chiếu có đóng dấu đại bàng (quốc hiệu của Đức). Hắn lại huầy huầy :
– Tớ đã nói rồi mà, cứ đợi đấy mà xem.
Mấy năm trước, có lần hắn tìm tôi nói:
– Huầy, bác có toa thuốc nào, hay có huyệt nào châm cho nó tịt không, chứ ăn uống thịt cá ứ ự thế này, mùa hè ra đường thấy chúng nó ăn mặc, thật chú ý mới thấy áo quần, người nó cứ hừng hực không chịu nổi bác ạ.
Tôi nói với hắn :
– Thì cậu cứ như mấy thằng kia, lâu lâu ra khu đèn đỏ, vứt ra mấy chục làm một chưởng giải phóng thủ đô thế là xong chứ gì, người ta văn minh cấp môn bài hành nghề cho gái điếm, cũng chỉ nhằm mục đích cân bằng xã hội cho mấy thằng như các cậu đó thôi.
Hắn gãi đầu ấm ớ nói :
– Không phải là tớ tiếc tiền, mà vấn đề là tớ thấy nó làm sao ấy, cứ như chó mèo vậy, ghê lắm, rút ra mấy chục, hự hự một cái, kéo quần ra về, chẳng ra cái thể thống gì cả.
Tôi nói :
– Thuốc thì không có, châm cho tịt thì trái với nguyên tắc nghề nghiệp, nhưng tớ có một pho nội công gọi là Cố Tinh Hoán Cốt Hóa Thần, nếu luyện được, thì không những dẹp được lửa dục, mà còn biến tinh khí thành thần lực có thể bồi bổ cho gân cốt, trẻ mãi không già đấy.
Hắn háo hức :
– Bác có thể truyền cái quả bí kíp ấy cho em út luyện tập được không.
Tôi nói :
– Đây là phương pháp khí công rất huyền nhiệm đòi hỏi phải có định lực cao, phải biết tịnh tâm và kiên nhẫn thì mới có hiệu quả, làm trái với nguyên tắc nhiếp khí, có khi không dẹp được lửa dục mà còn trở thành cuồng dâm đấy. Hắn chắc chắn :
– Bác cứ yên tâm đi, cái khoản kiên nhẫn thì tớ có thừa, cứ đợi đấy mà xem.
Mấy tháng sau hắn xách một kg trà Thái loại hảo hạng, cùng với bộ ấm chén bằng đất nung của lò gốm Bát Tràng lên tặng tôi. Tôi hỏi hắn có chuyện gì mà rình rang vậy. Hắn huầy huầy đắc chí nói :
– Cái cú bí kíp của bác vậy mà hay, bữa nay có kg trà ngon, kiếm luôn bộ ấm đất lên tạ ơn bác. Tôi hơ hớ cười :
– Trời ơi, cậu làm như tớ là người ngoài vậy, bạn bè với nhau mà cậu khách sáo thế. Hắn nghiêm mặt :
– Chuyện gì ra chuyện ấy bác ạ, cái khoản khí công này nó linh lắm, nên mình cũng phải có lễ có lạt cho nó phải đạo bác ạ, mình phụ lại gốc cội có khi nó vật mình trắng mắt ra đó bác ạ, cứ đợi đấy mà xem.
Khi chưa có giấy tờ định cư, đi tìm mỏi mắt, cũng không có một em nào. Từ khi có cái hộ chiếu đóng dấu đại bàng, hắn lại đâm ra vào cầu đào hoa mới hay chứ.
Thôi thì em thằng bạn này, cháu người quen kia, rồi các em mới theo đường dây du lịch sang ở lại xin tỵ nạn, cứ bu lấy hắn như kiến.
Chẳng phải hắn to con đẹp trai gì, nhưng được cái không rượu chè cờ bạc, làm ăn đàng hoàng, mà cái quan trọng nhất là cái tem định cư vô thời hạn của hắn. Nhiều người mồi chài hắn làm hôn thú giả với cái giá mấy chục ngàn Euro, hắn cũng không chịu. Có mấy cô tỵ nạn mới ưỡn ẹo “cho không” hắn, muốn làm gì thì làm miễn sao được dính bầu với người có giấy tờ là được, hắn cũng chẳng màng. Hắn muốn kiếm một cô vợ cho đàng hoàng, nên từ chối hết.
Cuối cùng cũng vớ được một cô, trẻ hơn gần cả chục tuổi. Rước từ trong trại tỵ nạn bên Đông Đức cũ sang, lên sứ quán đăng ký kết hôn, có cưới xin đàng hoàng.
Khi cô vợ trẻ sinh con, có giấy tờ ăn theo ổn định, thì bắt đầu trở chứng. Trở chứng theo cái kiểu phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài, coi chồng con không ra gì cả. Họ cứ ỷ vào luật pháp của nước sở tại bảo vệ phụ nữ và trẻ em rất đàng hoàng để lên mặt.
Văn hóa truyền thống của dân tộc bị khuất lấp, cộng với cái cách sống thực dụng của người phương Tây. Họ không còn là những người vợ dịu dàng của truyền thống Á đông nữa, mà họ đã trở thành kẻ thống trị tàn bạo trong gia đình. Họ ngược đãi cánh đàn ông một cách rất phi lý. Còn cánh đàn ông thì ngoan ngoãn cúi đầu như nô lệ, mọi phản ứng cương mãnh của phái mạnh, sẽ bị luật pháp chế tài ngay.
Có lần hắn đến thăm tôi, nét mặt buồn buồn, tôi hỏi vì sao, thì hắn sừng sộ như quát vào mặt tôi :
– Con bà nó, cái gì cũng tiền, tiền, nó làm như mình là cái máy in tiền vậy. Thẻ nhà băng thì nó nắm, tiền lương hàng tháng thì vào trương mục, cuối tuần chạy tắc xi cho mấy cái quán ăn, nó cũng đến xiết, được mấy đồng tiền boa nó cũng nhòm ngó. Vợ chồng mà mỗi lần muốn ngủ với nhau, không có mấy chục lót tay thì cũng khó, vậy thì có khác gì đi chơi điếm, đã thế đi làm cả ngày về mệt, còn bị càm nhàm nhức cả óc. Tôi thấy tồi tội, vuốt vai hắn an ủi :
– Phụ nữ bên này phần đông là thế, chứ phải chỉ có mình vợ cậu đâu, thôi qua sông thì phải lụy đò chứ biết làm thế nào được. Hắn vẫn cứ ưng ức trả lời :
– Cứ đợi đấy mà xem.
Và cái quả “cứ đợi đấy mà xem”của hắn, lần này đã làm chấn động cả cộng đồng người Việt ở Đức. Nhất là khơi dậy trong lòng các đấng mày râu một ngọn lửa quật cường của truyền thống con Lạc cháu Hồng.
Một hôm hắn tỏ ra ân cần với vợ, rồi tỉ tê nói, anh được cơ quan khen thưởng, tặng cho cái vé đi du lịch cả gia đình về Việt nam, tuần sau chúng mình về em nhể.
Cô vợ trẻ thấy không phải chi ra đồng nào, mà được về phép cả gia đình, mừng còn hơn cha chết sống lại.
Hôm về đến sân bay Tân Sơn Nhất, vừa ra khỏi sân bay, hắn đàng hoàng, bình thản đến bên vợ, giáng cho mấy bạt tai nẩy lửa, mặt nghiêm lại nói :
– Bố bảo cho mà biết nhé, đừng thấy bố im lặng mà tưởng bố mày sợ, bố mày không muốn dính líu đến pháp luật ở bên đó thôi, chứ không phải bố mày khiếp nhược mà không dám tẩn mày đâu, chớ có hỗn dai con ạ. Về nhà suy nghĩ kỹ đi rồi hẵng sang, không biết thì về hỏi Mẹ cô lại nhé, cái đạo làm vợ là phải như thế nào.
Oánh vợ mấy bạt tai, chửi cho vợ mấy câu xong, hắn đàng hoàng quay lại sân bay, để bay trở lại Đức, vì cái vé của hắn là vé khứ hồi trong ngày.
Sự kiện đưa vợ về sân bay Việt Nam để trút nỗi uất ức của hắn, trở thành một hiện tượng đặc biệt. Nó không những có tính trào lộng tức cười, mà có ý nghĩa giáo dục rất cao.
Vợ hắn quay trở lại Đức, lại đâm ra dịu dàng và biết điều hơn trước rất nhiều. Mấy bà vợ đành hanh nỏ mồm khác cũng nhụt đi khí thế ngược đãi chồng. Cái quan trọng là thức dậy trong lòng cánh đàn ông râu quặp ở bên này một chân lý không thể nào thay đổi được, là đàn ông luôn nằm trên.
Hắn không những trở thành một anh hùng trong mắt của cánh đàn ông, mà còn làm giàu thêm ngôn ngữ tiếng Việt ở hải ngoại. Cái câu nói: “Mua cho nó một cái vé về Việt Nam” được thay cho câu tục ngữ: “Dạy con từ thủa còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”.
Mà câu tục ngữ ấy đích thực là như thế nào nhỉ, là “dạy vợ..” hay là “dạy chồng từ thủa bơ vơ mới về”, xa xứ lâu quá rồi, tôi không còn nhớ chính xác nữa. Ai biết thì chỉ dùm, xin đa tạ.
Tháng 1 năm 2009
TN