Home Ký sự Chuyện Đời TÊN EM ẤY LÀ TRÂM MỐC ( Chuyện Đời)

TÊN EM ẤY LÀ TRÂM MỐC ( Chuyện Đời)

2790
0

Người Đức (Về lĩnh vực Y khoa) có một đặc tính cực “dã man” với các toa thuốc Thảo dược có nguồn gốc xuất xứ từ các nước khác, nhất là từ các nước Tây Á và Đông Á.

Có phương toa nào hay, tốt có khả năng loại trừ gốc bệnh của một loại bệnh lý đặc biệt nào đó từ một loại cây cỏ, thảo dược nào đó là họ xăm xổ bỏ ra một lượng tiền cực lớn để mua bản quyền và mua luôn độc quyền nguyên liệu đó. Nhưng họ mua bản quyền rồi thì đừng có nằm mơ họ sẽ sản xuất ra một thứ thuốc để có thể loại trừ tận gốc một chứng bệnh nào đó. Họ không dại gì để làm một việc làm tổn hại đến ngành kinh tế Hóa dược của họ. Không bao giờ…..

Các hãng thuốc mang danh nghĩa thuốc Thảo dược tự nhiên, hay Thực phẩm chức năng, muốn khai thác tác dụng của các phương toa này, “anh” chỉ có thể chiết xuất từng loại hoạt chất riêng lẽ, và thành phần của thành phẩm không được phép vượt quá 250 mg hoạt chất chữa bệnh. Vì vượt qua giới hạn này thì loạị thuốc thảo dược này có khả năng chữa bệnh quá cao, vượt trội hơn cả các loại thuốc Hóa dược. Điều này là không được phép, là vi phạm luật bảo vệ công nghiệp Phacmaci.

Một toa thuốc thảo dược có khả năng loại trừ gốc bệnh sẽ cũng bị loại trừ ra khỏi nền “Công nghiệp chữa bệnh” của họ.

Toa thuốc trị bệnh tiểu đường từ lá cây Trâm mốc, Chùm ngây, Bạch quả và Lá ổi…của các Dân tộc Tây Á và Đông Á cũng không được ngoại lệ với người Đức giàu có và bệnh hoạn.

Cây Trâm mốc tên khoa học là Syzygium cucini (Tiếng Đức là Jambulbaum) một loại cây thân gỗ của vùng nhiệt đới gió mùa, lá của nó thuộc vào loại “Thần dược” chữa bệnh tiểu đường, quả và rễ cũng là “Thần dược” để phục nguyên Thận khí. Nguồn gốc xuất xứ và nơi sinh sống nhiều nhất là ở Banglades, Nepal, Ấn độ, Miến điện, Pakistan, Siri Lanka, Indonesia, Việt nam, Lào, Campuchia, Thái Lan…..

Những người làm thuốc như chúng tôi, khi đã biết về tác dụng của các vị thuốc của toa thuốc mà lá Trâm mốc (Vối rừng) làm chủ vị, nhìn vào cái hộp thuốc chiết xuất độc vị Trâm mốc đang lưu hành trong các tiệm thuốc Tây ở Đức và Phương Tây. Chúng tôi cực kỳ đau lòng. Vì chúng tôi biết rằng, cho dù họ có quảng cáo đến mức nào đi nữa thì thứ thuốc có chiết xuất Syzygium cumini chưa đến 200mg này chỉ có tác dụng cầm chừng bệnh tiểu đường chứ không thể nào có khả năng phục nguyên lại Tỳ và tuyến Tụy để loại trừ gốc bệnh Tiểu đường như toa nguyên thủy được.

Hồi theo Sư phụ đi tầm thuốc, chúng tôi có đánh dấu vùng thổ nhưỡng mà cây Trâm mốc, hay còn gọi là cây Trâm vối, cây Vối rừng có tác dụng chữa bệnh cao là các vùng ở Cẩm thuỷ, Bá thước (Thanh Hóa). Quì châu, Quì Hợp (Nghệ An), Hương Khê (Hà Tĩnh). Tuyên Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình). Vùng phía Nam Trung Bộ như Quảng Nam, Gia Lai, Kontum cũng có loại cây này rất nhiều, nhưng không tốt bằng các loại cây này sinh sống ở vùng Bắc Trung Bộ, và vùng có nhiều gió Lào.

Hồi ấy, thấy cây ra hoa đẹp, vòm lá sum sê, trái chín thơm ngon, tôi có nói với Sư Phụ là tại sao người ta không trồng làm cây cảnh hay phát triển thành cây ăn trái, lấy lá làm cây thuốc. Thầy nói, có mấy ai biết bệnh Đái tháo đường là gì đâu, vả lại cây tuy phát triển ở vùng nhiệt đới gió mùa, nhưng lại là loại cây háo nước, khó nhân giống ở vùng bình địa, sau này khi người ta quan tâm đến bệnh đái tháo đường nhiều hơn, thì cây sẽ có duyên phát triển thành đồn điền.

Thầy tôi chỉ nói đúng một nửa. Thời này người ta bị bệnh tiểu đường nhiều hơn. Bệnh đã phát triển thành một căn bệnh của thời đại. Nhưng khi tôi cần lá Vối rừng cho việc sản xuất thử nghiệm một loại bánh dùng làm thức ăn trị bệnh cho người bị bệnh tiểu đường, thì phải trầy vi tróc vảy mới kiếm ra được. Vì nhờ người ta tìm hộ, nhưng chẳng ai biết cây Trâm mốc là cây gì…. Cuối cùng phải ship từ Nepal sang.

Có người quen có mấy chục héc ta dự án rừng ở Quảng Bình, hỏi tôi nên trồng loại thảo dược gì. Tôi bảo nhân giống cây Vối rừng mà làm đồn điền, mấy chục năm sau ắt thành triệu phú. Nó cười ré lên, rứa mấy chục năm ni con cháu tau cạp đất mà ăn à. Tôi cũng phải cười gượng gạo theo hắn…..

Hôm nay có một bệnh nhân người Việt, tên là Trâm đến thăm bệnh. Cô ta bảo bị Bác sĩ phán đường máu quá cao, phải bắt đầu uống thuốc tiểu đường, và sẽ uống trọn đời, đến xin tôi tư vấn làm thế nào để khỏi bị uống thuốc. Tôi trả lời, luật Y tế của Đức là các Bác sĩ thuộc vào Y Học tự nhiên và Y học cổ truyền cấm không được điều trị bệnh tiểu đường, anh chỉ tư vấn cho em cách ăn uống như thế nào để làm giảm lượng đường trong máu thôi, và anh sẽ giới thiệu em đến một Bác sĩ khác là bạn của anh, cô Bác sĩ này trực tiếp trị liệu cho em, tình trạng của em mới chớm bệnh, sẽ có khả năng không phải dùng thuốc đâu. Trả lời xong tôi cười cười nói, da em trắng quá giá như mốc mốc một chút thì dễ trị hơn. Cô ta kinh ngạc hỏi, da trắng và da mốc thì có ảnh hưởng gì đến liệu pháp điều trị. Tôi nói, em cứ sang ngay bên cô Bác sĩ mà anh giới thiệu ắt sẽ biết vì sao.

Cô ta đi rồi, tôi nhắc điện thoại gọi cho cô bạn đồng nghiệp dặn dò cách ra toa trị liệu cho cô này khi cô ta đến thăm khám.

Khi cô này đến bên kia thăm khám xong gọi về cho tôi hỏi, anh ơi, em đã có đơn thuốc rồi, nhưng sao chẳng liên quan gì đến da trắng và da mốc cả. Tôi cười khì khì, cái đơn thuốc Glycowohl mà cô Bác sĩ kia cho cô là chiết xuất của cây Trâm mốc đấy, chả phải là Trâm mốc là thuốc còn Trâm trắng là bệnh à…..Em cứ dùng loại thuốc ấy đều đặn và làm theo chế độ ăn uống như anh hướng dẫn, thì em sẽ không bị uống thuốc nữa đâu. Cô ta thở phào nói, anh vui tính thật đấy. Tôi cũng thở dài nói lại với cô ta, vui tính cởi mở đến vậy mà còn chữa chưa hết bệnh cho người, huống hồ gì cứ mặt hầm hầm, đố kỵ lẫn nhau, thì làm sao mà trở thành Thầy Thuốc được…..

(Xem hình ảnh và tư liệu về cây Trâm mốc ở các hình ảnh đính kèm)


11.06.19
TN

SHARE