“Của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Đó là câu thành ngữ ám chỉ về một cách đối nhân xử thế của người Á Đông ta. Nó diễn đạt một khía cạnh khác của lối sống công bằng như: “Có qua có lại mới toại lòng nhau”, “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”…v..v… trong đó “Biếu” hàm chứa ý nghĩa lượng “vật chất/ giá trị tài vật” do người ở “kèo dưới” đem đến cho người ở “kèo trên”. Còn “cho” hàm chứa ý nghĩa lượng “vật chất/ giá trị tài vật” do người ở “kèo trên” mang đến cho người ở “kèo dưới”. Tuy nhiên trong những trường hợp đặc biệt vì người “cho” ở “kèo trên”  khiêm nhường tuân thủ theo phương châm “Của cho không bằng cách cho”, họ có thể nói là “Biếu” hoặc “Tặng”…để tránh cho người nhận là ‘kèo dưới” khỏi bị mặc cảm…

Tất cả việc “Biếu”, “Cho”, “Tặng”, “Dâng”, “Hiến”…. Đều thuộc về lĩnh vực  “Chia sẻ” nằm trong phạm trù của lòng “Bao dung/ Rộng lượng/ Vị tha/ Từ ái/ Trắc ẩn…”. Nó không bao giờ thuộc về phạm trù “Thù hận/ Ghen ghét/ Đố kỵ…”. Vì vậy ngoại trừ  việc “Biếu- Tặng” bị lạm dụng để trá hình về “kỹ năng” của “Văn hóa Hối lộ” ra thì tất cả các việc Biếu/ Cho/ Tặng/ Dâng/ Hiến… đều hàm chứa Năng lượng tích cực, rất đáng để trân trọng.

Tuy nhiên trong nhiều tình huống, việc “Biếu” và “Tặng” lại đem đến cho cả người “Mang đến” và người “Nhận về” khá nhiều áp lực. Trong đó áp lực của người “Cho đi” là không biết nên Biếu/Tặng cho người mình Thương yêu, Trân trọng/ Kính nể/ Ân nghĩa… “cái gì” cho hợp lý. Người “Nhận về” tuy là “được lợi lạc”, nhưng áp lực buộc phải nhận “Quà” để cho người “Mang đến” được toại nguyện trong việc được thể hiện sự thương mến, quí trọng, hàm ân…cũng không phải là không có.

Những người làm nghề “Chữa lành” và “Truyền thụ kiến thức” như chúng tôi thì việc thường xuyên được/bị nhận quà biếu/tặng có khi xảy ra hàng ngày. Vào các độ lễ lạt, tết nhất…thì vụ việc này lại xảy ra với tần suất “dữ dội” hơn kể cả về số lượng và chất lượng… Đối với chúng tôi, đôi khi việc “Nhận quà” đã trở thành “Trách nhiệm”, như kiểu phải xử lý “Hệ quả” của việc “Thi ân” do bản chất của Nghề nghiệp đưa lại.

Biết và nhận thức ra được “Áp lực” ấy từ hai phía, để tìm ra cách hóa giải “Áp lực” là động thái rất cần thiết trong Văn hóa “Biếu/ Tặng”. Và cách để hóa giải “Áp lực” này tốt nhất là sự thẳng thắn bày tỏ sự mong muốn. Người biếu tặng đôi khi thăm dò và cần thiết thì hỏi thẳng người được biếu tặng là cần cái gì. Và người bị nằm trong đối tượng “bị” biếu tặng cũng nên bỏ qua những rườm rà của sự sĩ diện nên bày tỏ cho người biếu tặng là mình đang cần cái gì khi bị lâm vào hoàn  cảnh buộc phải nhận quà vì “trách nhiệm”…hì hì…

Ví dụ… trong nhiều trường hợp tôi phải nói thẳng với Bệnh nhân là tôi không uống rượu và chất có cồn, không ăn socola và không thích hoa bị tẩm chất bảo quản vì vậy thay bằng biếu tặng những thứ đó, khi đến trị bệnh thì mua cho tôi một ổ bánh mì hoặc một chai nước suối là được, những thứ này lúc nào tôi cũng cần (Có nhiều Bệnh nhân nếu không mang thứ gì đó đến cho Bác sĩ khi đến trị bệnh là họ bị áy náy và trầm cảm).

Một ví dụ khác, thông thường trước lúc mở một cuộc hội thảo hay tập huấn gì đó ở VN, tôi bao giờ cũng lên một statut có ý thông báo là tôi thích ăn đu đủ và mãng cầu xiêm, thích ăn hoa sen Đồng tháp mười… Cũng nhờ những thông điệp này mà tôi tránh được việc trước khi bay phải năn nỉ bọn đệ mang xích lô đến để phân tán quà biếu tặng không thể mang theo máy bay được như mấy lần trước. Ví dụ vậy!!!.

Những người làm nghề chữa lành hoặc nghề truyền thụ kiến thức chân chính, đúng nghĩa, thông thường theo đặc điểm nghề nghiệp là những người có tính chất “Cho” nhiều hơn “Nhận”, cho nên hệ quả để lại nhiều sự “Hàm ân” cho Bệnh nhân và Học trò. Vì vậy, thường vào dịp Noel, cuối năm, Tết ta, Tết tây…là dịp để người có “Mang ơn” có “cớ” để thể hiện sự “Tri ân”. Và đó là một “Nhu cầu” trong văn hóa giao tiếp của Xã hội. Vì vậy động thái “Yêu cầu thẳng” trong việc “Biếu- Tặng” để hóa giải “Áp lực” cho cả hai phía (Nếu người được biếu tặng nhận được một món quà có giá trị vật chất cao, áp lực đối với họ còn nhiều hơn rất nhiều đối với người đem biếu tặng). Nếu người được biếu tặng và người biếu tặng hiểu được điều này để vượt qua rào cản của sĩ diện thì động thái “Yêu cầu thẳng” là một nét Văn hóa đẹp trong Nghệ thuật giao tiếp!!!

Nói tóm lại để tránh việc “lăn tăn” cho cả người Biếu/ Tặng và người được Biếu/Tặng, vừa không bị áp lực nên tặng “Cái gì” cho hợp lý, đối với người “Cho”, vừa không bị “hoang phí” do “Khủng hoảng thừa” đối với người “Nhận”. Tôi có những “Yêu cầu thẳng” như sau:

1- Không nên biếu/tặng những thứ quà có giá trị vật chất quá lớn

2- Không nên biếu/tặng một loại quà tặng có số lượng quá nhiều

3- Loại quà tặng mà lúc nào tôi cũng cảm thấy cần và rất hoan hỉ được nhận như sau:

a/ Liên quan đến việc uống trà

– Các loại trà thuộc về Danh trà, khi biếu tặng chỉ nên biếu tặng một vài ấm là đủ

– Trà trắng Tà xùa, Trà mạn Thái Nguyên khi biếu tặng cũng chỉ nên biếu tặng vài lạng là được

– Riêng ly uống trà, ấm uống trà, tống, chén thì chỉ thích các loại làm bằng gốm, không thích các loại tráng men (Ly tách bằng đất Tử sa càng tốt….he…he…nhưng loại này đắt “lòi họng” nhé!!!). Và khi biếu tặng, không nên tặng trọn bộ, mà nên tặng riêng lẻ, hoặc một chiếc ấm, một chiếc ly hoặc một miếng lót li, một cái chén tống là đủ rồi…Và lúc nào các loại này cũng trong tình trạng “Thiếu” vì tôi đang sưu tập

– Các loại ấm cũ, bình tích cũ, chén cũ, bát xưa…đều rất hân hạnh được đón nhận

b/ Các thứ liên quan đến Nhạc cụ cổ truyền:

– Đang thiếu một bộ dây đàn Tỳ bà kiểu Việt

– Đang thiếu một bộ dây đàn Tranh

(Rất muốn có một bộ móng đàn tranh làm bằng vảy đồi mồi- Đắt lòi họng…hì..hì…)

c/ Với những người có thói quen tặng quà có giá trị cao thì mới chịu, thì những thứ sau đây tôi đang muốn có:

– Một cái đàn Đáy (Dùng trong nghệ thuật ca trù)

– Một cái đàn Nguyệt

– Một cái đàn Nhị

– Một cái đàn T-rưng Tây Nguyên

– Các loại nguyên liệu Trúc để làm tiêu

Ngoài ra tôi rất thích các loại khăn quàng, tất/vớ và túi xách bằng thổ cẩm

Hy vọng với Statut này, các Bạn (Học trò và Bệnh nhân) và tôi không còn bị áp lực trong vấn đề “quà cáp” trong dịp lễ tết này nữa nhé!!!

Trân Trọng

10.12.21

Thuận Nghĩa

SHARE