“Trực Chỉ Phương Toa…“

Những thiên ký sự nghề nghiệp…tiếp tục dưới đây, nếu người đọc chưa đọc các bài trước và tham khảo các đường link tư liệu tôi đã dẫn nguồn, thì đừng nên đọc, vì sẽ không lĩnh hội hết những gì tôi muốn chia sẻ. Mất thời gian của quí vị (Xin lỗi và Cảm ơn!!!)


Phần 4: „Mẹo Vặt Tố Vấn“ THÔNG HOẠT THỦY ĐẠO


… Thầy Vi ngắt một nhánh lá U-kuok, (tên của loại cây có lá quăn xoắn xuất xứ từ Cao Miên, dùng cai nghiện ma túy) vò vò trong tay rồi đưa lên mũi ngửi và nói:
– Thương hàn luận của Trương Trọng Cảnh viết „Tam Tiêu chính là màng mỡ khắp trên cơ thể con người, là con đường hành thủy „. Là chủ sự của kinh rạch mương máng, và điều tiết thủy lộ trong cơ thể, nhưng chữ Tiêu, nguyên nghĩa là cháy hết, cháy không còn gì, cháy tiêu tùng hết sạch, cháy khét lẹt… đó là sự thiêu hủy ngũ cốc. Tại sao không nói là phân rã mà là tiêu hủy. Sách Nạn kinh viết: “Tam tiêu là đường lối của thức ăn, là chỗ khí luân chuyển đi về”. Có nghĩa nói chức năng của Tam tiêu là đưa khí huyết, tân dịch của thức ăn đi chu lưu khắp da dẻ và tạng phủ. Đó là Hóa, là chuyển hóa.

Chương Ngũ lung tân dịch biệt luận, sách Linh khu viết: “Đồ ăn có 5 vị vào miệng đều dồn vào bể chứa của nó, tân dịch được tạo ra và theo đường lối riêng, Tam tiêu đưa khí ra làm ấm áp bắp thịt, đưa tân dịch ra nuôi dưỡng bì phu…”.

Chương Bản thần, sách Linh khu lại nói: “Tam tiêu là phủ trung độc, chỗ hội tụ của đường nước, đường nước do đó mà ra, thuộc với Bàng quang”.


Như vậy Tam tiêu không những là chủ về việc tiêu hủy, đốt cháy thức ăn, thức uống mà còn chủ cả đường nguyên khí phân bổ thức ăn uống, chuyển hóa ra vào, chủ khí, chủ thủy coi sóc toàn bộ hoạt động Khí hóa trong cơ thể con người. Tóm lại phủ Tam tiêu có 2 công năng chính: 1- Chủ trì các khí, lưu thông khí huyết, tân dịch. 2- Thông hoạt điều tiết đường nước. Cho nên có thể nói Tam tiêu mới là cơ quan chủ quản về cả „Tiêu“ lẫn „Hóa“, nó mới là „Ông Trùm“ của hệ Tiêu Hóa.

Một cơ thể cân bằng và nhu thuận, không có bệnh tật…. là cơ thể có sự thăng- giáng Thủy- Hỏa, Âm- Dương hợp lý, thuận theo tự nhiên.

Khí thủy phải được nguyên khí chưng cất từ Hạ tiêu, bùng sôi lên ở Trung tiêu, và hóa kết tưới tắm cho Thượng tiêu. Hỏa khí ở Thượng tiêu phải được giáng trầm xuống mới tích tụ được nhiệt lực sưởi đốt cho châu thân. Khí thủy không thăng hoạt lên đủ, Hỏa khí không trầm giáng xuống vừa, cơ thể ắt sẽ không cân bằng, và đó chính là mầm mống của tật bệnh.

Đại khái con đường làm „Trùm“ cả Tiêu lẫn Hóa của Tam Tiêu như sau: Khi ta ăn uống vào, Vị (dạ dày) là bể chứa và làm chín nhừ do sự tương tác của các dịch tiêu hóa từ Mật, Tỳ, Thượng thận…. Từ Vị các vật chất được hóa lỏng sẽ thấm và tản theo màng mỡ. Thấm, tản được vào trong màng mỡ là nhờ sự tuyên bổ của Phế khí. Nước từ màng mỡ sẽ thấm xuống Bàng quang, phần nước ở trong Tiểu trường cũng phát tán theo con đường của hạ tiêu vào Bàng quang khi nó chưa hóa khí.

Thủy dịch từ khi ăn uống vào đến bất cứ tạng phủ nào để giúp cho hoạt động đều có quá trình khí hóa để tạo ra dạng vật chất cho Tạng phủ đó, kể cả khi thấm vào màng mỡ, hoặc từ Tiểu trường đi ra đều bị chân Hỏa chưng cất hóa thành Khí.

Còn các loại nước, thể lỏng chưa hóa được sẽ nhập vào Bàng quang, dưới đáy Bàng quang là Khí hải cũng có tên là Huyết thất. Qúa trình Khí hóa ở Bàng quang bắt nguồn từ Huyết thất này bốc lên thành Khí (nước không hóa được sẽ được thải ra ngoài). Khí được hóa này sẽ bốc tản theo con đường của Tam Tiêu lên đến Hung cách, Yết hầu. Đây là con đường hô (thở ra ngoài). Phần khí theo màng mỡ ra ngoài đến tứ chi sẽ theo con đường cơ nhục, xuất ra ở bì mao, đó chính là Vệ khí bảo vệ mặt ngoài của cơ thể.

Như vậy ta biết rằng sự liên hệ giữa tạng phủ với nhau là do con đường của Tam tiêu. Tam tiêu lại là màng mỡ. Gốc của nó phát ra từ Thận hệ tức là Mệnh môn. Phần trên của nó quy kết ở Tâm bào lạc. Tam tiêu bao trùm cả lục phủ ngũ tạng, 12 kinh mạch là vậy, nó có những công dụng hô hấp, tiêu hóa thức ăn- uống, hấp thụ, bài tiết, hóa sinh khí huyết nên mới nói Tam tiêu cũng quan hệ với công năng Khí hóa của toàn bộ cơ thể.

Nhưng „đầu não, tổng chỉ huy“ quá trình Khí hóa này là „ai“….?

Như đã biết, gốc màng mỡ của ổ bụng tức là màng mỡ Tam Tiêu bắt đầu từ Mệnh môn thuộc về Thận tạng, và kết tụ lại ở Màng bao tim( Tâm bào lạc). Màng mỡ này bùng nhùng kết nối, xâu kéo, níu túm, giằng treo…các cơ quan, tạng phủ như Bàng quang, Thận, Ruột non, Ruột già, Dạ dày, Gan, Túi mật, Lá lách, Tim, Phổi….lại với nhau thành một „túm“. Và tất cả các sự giằng nối này lại tập trung các nốt thắt tại Thập nhị chỉ trường. (Xem hình ảnh đính kèm) Chính vì vậy, Thập nhị chỉ trường ( Hành tá tràng) là „ông trùm“, là cơ quan đầu não của Tam Tiêu…. Cho nên dụng Y thuật „HOẠT THÔNG THỦY ĐẠO, HÀNH KHÍ THÔNG KINH“ là phải „túm lấy thằng có tóc“ này…..

Nghe Thầy Vi nói đến đây, tôi không còn vỗ đùi chan chát nữa, mà nhảy lên choi choi, như được trúng số, như người nhập đồng. Thầy Vi nhìn tôi cười khật khật nói tiếp:

– Có một loại thảo mộc, trong cùng một lúc có thể kích hoạt và phục hồi lại tất cả các hội chứng biện lý của Tam Tiêu, mà tác dụng của nó chính là trực tiếp bồi bổ và phục hồi Thập nhị chỉ trường, tiếc rằng loại này rất quí hiếm, và vô cùng đắt đỏ, không phù hợp với đa số đông của cộng đồng, người nghèo không thể tiếp cận được vì đã bị thương mại hóa về những tác dụng khác của nó, đó là…


Tôi đưa bàn tay ra chặn vội thầy Vi không cho thầy nói tiếp. Tôi cười hề hề, đề nghị thầy chơi một trò chơi. Tôi nói thầy đừng nói ra vội, mà tôi với thầy cùng lúc viết ra tên của loại thảo dược này xem có trùng khớp nhau không. Thầy đồng ý. Và chúng tôi mỗi người quay ra ngược nhau, dùng que viết xuống nền đất cát pha dưới vườn tên của loại thảo dược vô song mà thầy Vi đã nói. Chúng tôi viết xong, quay sang nhìn của nhau, rồi cả hai cùng bật lên những tràng cười vô cùng thống khoái. Dưới nền đất cát pha là 2 dòng chữ không kém phần „rồng bay phượng múa“ giống hệt nhau: „SÂM NGỌC LINH“. ( Lưu ý: Sâm ngọc linh chủ về dụng Khí và dụng Thần hơn là dụng Tinh/ Thành phần hóa học. Người đời mới chỉ biết dụng Tinh vị mà giá cả đã trên trời, nếu biết cách dụng Khí và Thần của nó nữa chắc giá sẽ còn đôn lên tận 9 tầng mây xanh. Củ Sâm ngọc linh có hình dạng quăn cong y hệt Thập nhị chỉ tràng/ Tá tràng. Nhưng chỉ dùng riêng củ, vừa phí vừa không sử dụng hết tối đa tác dụng của giống cây này, nếu biết kết hợp phối toa có cả lá và thân dây nữa thì mới đúng là vô đối…)

Trong tay vốn vẫn còn nhánh lá U- Kuok, trước đó tôi đã hái khi thầy Vi hỏi tôi về hình dáng của nó giống cái gì trong cơ thể, nên tôi vò vò đưa lên mũi và nói với thầy:
– Thưa Thầy, giống này khó trồng ở phong thổ nước ta, con có nghe thầy nói nếu đem trồng ở châu thổ đồng bằng thì lá không còn quăn nữa, vả lại dược tính của nó cũng hơi bá đạo, thích hợp với việc giải độc công phạt hơn, ít thích hợp với phương pháp giải độc theo kiểu phục Nguyên. Con biết một loại cây có lá và thân giống cây này, mùi vị cũng na ná vậy, dược tính đằm hơn, mang tính bồi bổ phục nguyên nhiều hơn, tuy để sử dụng trong việc giải độc ma túy không được mạnh bạo về công thổ, nhưng kết hợp với thảo dược có tác dụng gây co thắt cơ hoành như Sử quân tử, Tầm thủy diếp… thì con nghĩ tác dụng của nó trong việc cai nghiện ma túy cũng không kém loại cây này đâu.

Lần này thì thầy Vi lại cản tôi nói và hất đầu ra hiệu viết xuống đất. Tôi và thầy lại quay ngược nhau viết xuống đất. Chúng tôi lại cười ngất, khi cái thứ chúng tôi viết ra đều cùng một tên gọi…

Cười một trận như chưa bao giờ được cười như thế. Lần này thầy Vi cười xong thì có vẻ hơi trầm mặc nhẹ giọng nói:
– Có một thứ, nó tốt không thua kém gì Sâm ngọc linh, đặc biệt còn tốt hơn Sâm ngọc linh trong việc phục nguyên „ông trùm“ Tam Tiêu nữa, nhưng lại sẵn có ở rừng núi của cả 3 miền, cũng dễ trồng, dễ gây giống nữa, bậu có muốn chơi tiếp không. Tôi hồ hởi, có chớ, có chớ…

Và chúng tôi một lần nữa quay xuống viết dưới đất. Lại thêm một lần nữa chúng tôi viết giống nhau không sai một nét.

Chúng tôi chưa kịp hùa nhau cười cho đả nư, thì quí Thầy Tu sĩ của Am trang đã đi tới, có ý mời chúng tôi đi ăn sáng. Thầy Vi, làm như vô tình ngoạch ngoạc xóa hết các dòng chữ dưới đất…

Lúc đi vào am đường trong trang trại dùng sáng. Thầy Vi nói nhỏ với tôi, không phải là thầy không tin tưởng các vị ấy, và có ý giấu họ những thứ cây cỏ mà chúng tôi ghi ra trên nền đất. Ý của Thầy là khi chưa đủ duyên, thì chưa nên công khai ra, nếu không, những thứ đó sẽ bị khai thác đến tận tuyệt không đến được tay người nghèo. Tôi hiểu và gật gật, rồi đề nghị Thầy:

– Chút nữa ăn sáng xong, mình chơi tiếp nghe Thầy.

Thầy lại cười nhênh nhếch:
– Thiếu chủ U60 rồi mà cũng còn ham chơi quá ta…

(Còn nữa)

18.06.20
Thuận Nghĩa

SHARE