….
“PHÁP LỆNH SINH TỒN”
Không dưng mà các Cụ nhà mình ngày xưa lại răn đời bằng những tư tưởng “bá đạo” như vầy: “Thương thì cho roi cho vọt, ghét thì cho ngọt cho bùi” rồi kết lại một câu vô cùng mất bình đẳng giới tính và cực kỳ gia trưởng là “Con hư tại mẹ, cháu quấy tại bà”. Có thể với thời nay, cái phương pháp luận về sự giáo dục kỹ năng sống của người xưa ấy là lạc hậu, cổ hủ, lỗi thời và vi phạm quyền con người. Nhưng suy cho cùng thì sự ngọt bùi, sự yêu thương vô bờ bến, sự bất chấp hết tất cả, hy sinh tất cả để dành cho con cái trong mọi ngữ cảnh của người Phụ Nữ (Mẹ/ Bà và kể cả những người Cha mà “dịu dàng như người Mẹ”)… thật sự là có góp phần vào sự hư hỏng của cái bọn gọi là “Nhất quỉ nhì ma…”, cái bọn “Ngựa non háu đá”… mà nói theo ngôn ngữ của văn học là một lũ “Tuổi trẻ ngông cuồng và khờ dại”. Cái đám mà muốn chúng trưởng thành và cứng cáp không bị vấp ngã với mọi cám dỗ của trường đời là phải “quất” cho chúng vài trận chí tử từ những người Cha nghiêm khắc và dũng mãnh….
Người phương Tây không có những câu tực ngữ về phương pháp giáo dục như vậy là vì họ có cách giáo dục trẻ con tính tự lập từ lúc mới sơ sinh. Họ giáo dục bọn trẻ tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ sòng phẳng trong mọi giao tiếp xã hội, sự công bằng, rạch ròi giữa cống hiến và hưởng thụ. Không dưng mà một nhà nghiên cứu về Tâm lý trẻ em của nước Đức lại phải thốt lên khi được tham quan nền giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam… phải thốt lên đại khái rằng: Trẻ em ở Trung Quốc và Việt Nam sau thời kỳ trải nghiệm Học thuyết “Muốn xã hội phát triển thì mỗi gia đình chỉ nên có một con” thì quả thật “chúng” (Trẻ em) đúng là những “Ông hoàng bà chúa”. Trước lúc chúng trưởng thành và độc lập từ khoảng 30 tuổi trở lên, thậm chí có “trẻ” đã 40 đến 50 tuổi rồi, mà chúng vẫn “bú mớm” hút cho đến cạn kiệt giọt sức lực và xương máu cuối cùng của cha mẹ chúng thông qua con đường yêu thương, chiều chuộng một cách thái quá của Phụ huynh…”. Tuy phát biểu cực đoan đó không phù hợp với “thuần phong mỹ tục” của người Á Đông, và cũng không thật sự chính xác lắm… nhưng chúng ta cũng phải công nhận Nhà tâm lý học này không phải là không có lý nhỉ?…hì hì…
…Lang bang những chuyện “vớ vẩn” như nói trên trước khi đi vào phần kết của phần tự truyện “Tượng Đài Lòng Cha”, là cũng một phần để lý giải cho việc tôi thường đề cập đến những trận đòn roi “vô tiền khoáng hậu” mà Cha tôi đã dành cho tôi trong thời thơ ấu bằng một giọng điệu khá trào lộng, không hề có một chút oán trách. (Kể cả trong thiên truyện Thời hoang dại).
Nhiều lúc bây giờ tôi ngồi ngẫm lại, nếu tôi là Cha của tôi, tôi cũng không biết tôi sẽ xử lý cái “thằng tôi” ngày ấy ra sao nữa. Thời ấy, tôi bướng bỉnh, ham chơi và rất lỳ lợm… Lỳ đến nỗi mà Cha tôi nói với bà nội tôi rằng “Nếu hắn chỉ cần rơi một giọt nước mắt hay rên la lên một tiếng đau thì tui sẽ ngừng roi ngay”. Không dưng mà Cha tôi một tay quất roi vào lưng, vào mông của tôi, một tay vừa lật báo hay sách để đọc. Hoặc vừa quất những làn roi “rút ra là phọt máu” vừa đánh nhịp cho một bài hát nào đó…
Có hai cái tội mà đã từng đưa cảnh giới đòn roi của tôi lên thành “huyền thoại”. Hai cái tội này gắn liền với hai thuật ngữ mỗi khi tôi bị Cha tôi “khảo” đó là tội “lận sách truyện dưới sách giáo khoa” gắn liền với thuật ngữ “Cú lủng sọ”. Tội thứ hai là cái tội gắn liền với những dấu ấn trưởng thành của cả cuộc đời tôi là tội không thể viết được chữ Quốc Ngữ, tội này gắn liền với thuật ngữ “Gõ què tay” …
…Có hai thứ mà thuở sinh thời Cha tôi coi là “Pháp lệnh” đối với 4 đứa con còn lại của ông kể từ khi Mẹ tôi mất đó là “Tính tự lập” và “Học đến nơi đến chốn”. Không phải chỉ có tôi mà tất cả anh chị em chúng tôi đều bắt buộc phải tuân thủ theo một lập trình sống với những qui tắc và thời gian biểu vô cùng khắt khe do Cha tôi lập ra.
Chuyện mà Cha tôi bắt buộc chúng tôi phải học những kỹ năng sinh tồn dưới nước và trên rừng với những bài học có giáo trình, giáo án hẳn hoi. Hoặc là chuyện phải làm thế nào tự kiếm sống, tự tồn tại trong hoàn cảnh éo le nhất mà chúng tôi bắt buộc phải làm việc có lương dưới hình thức khoán sản phẩm, có thưởng có phạt từ lúc chúng tôi mới 4 đến 5 tuổi là chuyện bình thường không đáng nói. Còn như chuyện Cha tôi áp đặt những kiến thức hiện đại theo kiểu Tây học mà ông đã thu nhận được từ giáo trình Tú tài ở trường Bưởi đối với những đứa trẻ chưa kịp lớn ở một làng quê nghèo đèo heo hút gió thì có vẻ như không hợp thời lắm. Chỉ riêng cái vụ Ổng nói mọi thứ bệnh tật bắt đầu từ cái miệng mà vào, vì vậy phải chăm sóc răng miệng bằng cách súc miệng nước muối thường xuyên trước lúc đi ngủ cũng đủ để gây áp lực cho chúng tôi không ít rồi. Đứa nào không thực hiện, hoặc quên làm động thái này trước lúc đi ngủ thì những chiếc roi làm bằng cành dương liễu cắm sẵn trên phên cửa sẽ “xé gió” vút lên lưng mông của chúng tôi bất cứ lúc nào. Vụ này thì tôi thực hiện hơi bị ngon, hình như bị đòn vì quên súc miệng bằng nước muối trước khi đi ngủ thì chị Cả tôi là người trải nghiệm nhiều nhất.
Ngược lại về vụ học thì tôi là đứa trải nghiệm về “Pháp lệnh” của Cha phải nói dày dạn nhất. Có hai thứ hình phạt mà Cha tôi càng đánh đòn thì tôi lại càng phạm tội nhiều hơn đó là đọc sách trộm và chữ viết. Không biết tại sao ngay từ nhỏ tôi lại bị chứng nghiện đọc sách. Tôi đọc sách, đọc báo mọi lúc mọi nơi. Đọc sách trộm trong giờ học ở trường là chuyện nhỏ. Sách lận dưới cuốn tập hoặc sách giáo khoa trong giờ học bài ở nhà mới là chuyện lớn. Giờ học bài ở nhà của chị em chúng tôi bao giờ cũng có qui định rất rạch ròi. Có cái khổ là trong giờ học bài, mỗi đứa chúng tôi ngồi một gốc bàn, còn Cha tôi thì cầm cây roi cứ đi đi lại quanh nhà. Giờ học bài của chúng tôi mà ổng thức canh như canh ngục. Đứa nào sơ sẩy ngủ gục hay nói chuyện là…vút… Tôi là đứa trẻ hiếu động, chỉ có thể ngồi yên một chỗ khi có sách, vì vậy giờ học bài ở nhà của tôi là một cực hình, vì vậy tôi tìm trăm phương nghìn kế để lận sách truyện đọc trong những giờ này. Đối với tôi roi đã trở thành chuyện “nhỏ như cái đinh”, vì vậy khi phát hiện ra tôi lận sách, thì chỉ có cú vào đầu theo phong cách “cú lủng sọ” hì hì… Vụ “cú lủng sọ” này tôi đã trải nghiệm không phải là hàng trăm mà phải nói là hàng nhiều ngàn lần. Có thể vì vậy mà giờ này, nếu tôi cạo trọc đầu, thì cái hộp sọ của tôi nó lồi lõm, chập chùng như đồi núi chăng?.
Có một điều mà Cha tôi không thể thực hiện động thái tịch thu sách của tôi được, là vì chỉ có tôi mới có khả năng kiếm ra được sách truyện để đọc. Nếu Cha tôi thực hiện động thái tịch thu sách của tôi, thì sau đó tôi sẽ không cho ổng đọc ké sách nữa, vì vậy khi tôi phạm tội “lận sách” thì ổng chỉ có một nước “đi” là cú đầu thôi… hì hì…
Nếu về sự đọc tôi là đứa trẻ nghiện ngập đúng nghĩa. Không những thế tôi còn nổi tiếng trong vùng là đứa trẻ có tài kể chuyện kiếm hiệp. Không chỉ có các bộ sách kinh điển như Tam quốc chí, Đông chu liệt quốc, Phong thần, Thủy hử… mà ngày đó tôi còn có cả Kim Dung do các chú bộ đội mang từ trong Nam ra nữa. Tôi gần như thuộc làu các bộ sách đó và có thể ngồi kể cho đám bạn học nghe từ ngày này qua ngày khác không sót một chương hồi nào. Đọc thì quả như “thần đồng” nếu nói không ngoa, nhưng trời không cho ai tất cả. Cho đến những lớp cuối cùng của cấp 3, tôi vẫn không viết được chữ Quốc Ngữ (Chữ có gốc la-tinh), nhưng lại viết và đọc được chữ Hán-Nôm hoặc chữ tượng hình. (Không những viết được mà là còn viết được chữ Nôm như rồng bay phượng múa nữa mới kỳ chứ). Vì vậy nếu về đọc và kể chuyện tôi “khét tiếng” trong vùng bao nhiêu thì về chữ viết của tôi lại nổi tiếng hơn gấp bội nhờ những trận đòn chí tử “Gõ cho què tay” của Cha tôi, khi Cha tôi bắt tôi tập viết chữ Quốc Ngữ. Cho đến tận khi tôi đã bắt đầu tuổi dậy thì, những trận “Gõ cho què tay” đó vẫn còn dữ dội.
… Ngày tôi trốn nhà đi học chuyên nghiệp, khi bám cửa tàu chợ từ ga Mỹ Trạch ra Bắc. Tàu xình xịch chạy ngang qua chân cầu Mỹ Trạch, tôi vẫn thấy Cha tôi co ro đứng đó, nước mắt lăn dài trên má, vô vọng đưa mắt tìm tôi trên đám người bu nghẹt ngoài cửa tàu. Tôi chạnh lòng vươn người đu tòng teng ra ngoài, đưa tay vẫy vẫy và hét lên: “Ba ơi, Ba yên tâm đi, con đã viết được chữ rồi, con sẽ nên người”. Tiếng tàu xình xịch quá lớn nên tôi không nghe được Cha tôi căn dặn điều gì, chỉ thấy hình như Ổng đang hét lớn một câu gì đó.
Tôi bỏ nhà ra đi vào tháng 7 năm 1977, Tết đó tôi không có tiền để về quê, nên ở lại trường chuyên nghiệp trong mấy ngày Tết. Cha tôi ra chân cầu Mỹ Trạch đợi tôi cả mấy tuần đầu năm, rồi ông kiệt sức gục xuống chân cầu, mấy ngày sau thì mất. Năm đó tôi vừa tròn 18 tuổi…
(Còn nữa)
Bài đọc thêm:
– “Nuốt ngược vào trong” (Thời Hoang Dại”
– “Không Số Báo Danh” (Mối tình đầu của tôi)
https://www.facebook.com/thuannghia.le/posts/2873135119449411
02.12.21
Thuận Nghĩa
Đêm đó tôi ở lại khách sạn của nhà Hới. Sau khi dùng bữa tối , .tôi bảo Hới gọi cho Huyền. Đằng kia Huyền hỏi, ai đó. Tôi trả lời Nghĩa. Huyền lại hỏi Nghĩa nào. Tôi cười, bộ em quen nhiều người tên Nghĩa lắm hả….Tôi nghe đằng kia có tiếng nấc nghèn nghèn cùng tiếng trẻ nhỏ hỏi….Bà nội làm sao đấy….
Ngày hôm sau, tôi cùng vợ chồng Hới, và Huyền ra Ba Đồn thăm thầy Hứa và Cô….Thầy đã trên 90 tuổi không còn nhớ tôi nhiều lắm. Còn mẹ của Huyền thì không quên một chi tiết nào….Bà cứ tuồn tuột kể hết chuyện của ngày xưa…. Tôi quay sang hỏi Huyền, bộ chuyện gì em cũng kể cho Mẹ nghe hết hả. Huyền bảo đâu có. Cái Hới hất mái tóc hoa râm cười hì hì nói…em kể cho Mẹ nghe đấy. Tôi cú đầu Hới nói, em thì biết gì mà kể. Hới xuýt xoa…ui chao, sao anh cú đầu em mạnh thế…dù gì sang năm em cũng có cháu nội rồi đấy nhé….
Hì hì hầu như tất cả những người tôi có nhắc tên trong câu chuyện “Không Có Số Báo Danh”..đều là Fan Faceebok hiện nay của tôi….có người còn siêng comment ra phết…
“KHÔNG CÓ SỐ BÁO DANH” (ChuyệN đờI)
Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn nằm mơ thấy mình đi thi. Ở trong mơ, khi thì đi thi cái này, khi đi thi cái nọ. Nhưng giấc mơ nào cũng có chuyện tôi bước vào phòng thi muộn vì không có số báo danh.
Chỉ thỉnh thoảng mới nằm mơ thế thôi, nhưng bao giờ cũng để lại cảm giác bất an và ấn tượng sợ hãi rất mơ hồ.
Tôi có Diplom về Phân Tâm Học của Đức, nên cũng khá quan tâm đến hiện tượng này. Vì vậy khi nào có giấc mơ này, tôi đều ghi chép lại, ngày tháng của đêm nằm mơ, và ghi lại những sự kiện của đời sống trong những ngày gần đó.
Có một điều chắc chắn là hầu như tất cả những lần tôi nằm mơ về loại giấc mơ này, giấc mơ vào phòng thi muộn và không có số báo danh ấy, đều nhằm vào thời điểm trăng tròn. Có nghĩa đều nhằm vào 3 ngày: 14, 15, và 16 Âm Lịch.
Tôi thuộc vào hệ người chiếm tỉ lệ 12% dân số trái đất, là những người có mắc một căn bệnh khá mơ hồ gọi là Hội Chứng Trăng Tròn (Vollmond Syndrom).
Những người có hội chứng này vào những đêm trăng tròn thường hay bồn chồn mất ngủ, trạng thái tâm lý rất nhạy cảm và có phần yếu đuối. Những người mắc chứng này, nếu có bệnh về phong thấp, bệnh suyễn..hoặc bệnh kinh niên thì đến thời điểm trăng tròn lại trở nặng.
Tôi thuộc loại bị chứng này khá nặng. Hầu hết những người bị hội chứng này biết bệnh rất muộn, hoặc là không để ý đến nhịp điệu sinh học của mình nên không biết mình bị chứng này. Nhưng tôi thì biết mình bị chứng này rất sớm, từ khi tôi còn nhỏ, Ba tôi đã nói với tôi điều đó. Có lẽ là ông nói theo kinh nghiệm dân gian thôi, chứ khái niệm bệnh lý này trong các sách Y khoa kinh điển rất ít nhắc đến.
Tôi ngủ rất ít, mỗi ngày trung bình từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Ngủ ít nhưng giấc ngủ sâu. Đây không phải là bệnh mất ngủ. Mà ngủ ít nhờ luyện tập. Cũng cỡ khoảng 25 năm nay đã như thế. Nhưng riêng 3 ngày trong thời điểm trăng tròn tôi hoàn toàn không ngủ. 3 ngày không ngủ này mới thực sự là bệnh lý của hội chứng trăng tròn.
Vào thời điểm trăng tròn, tính tình tôi có thay đổi chút ít, có thể gọi là bị trầm cảm nhẹ. Nhu cầu được sẻ chia tăng cao, yếu đuối và nhu nhược hẳn đi. Thông thường đúng dịp trăng tròn do nhu cầu được sẻ chia tăng cao nên tôi viết khá nhiều. Thường trong dịp này tôi viết trung bình khoảng 100 đến 300 trang viết, và khoảng 15 đến 20 bài thơ.
Những trang viết trong giai đoạn này đa số là cảm xúc về dĩ vãng, hoài niệm và buồn. Còn thơ “sản xuất” ra trong dịp này thì rối rắm khó hiểu và không có hệ thống. Đa số thơ post ở vnthuquan.net và vietshare.com của tôi đều có tên chung là “Thơ Ngày Hội Chứng Trăng Tròn” và đánh số theo ngày tháng Âm lịch.
Thực sự trong mấy ngày trăng tròn, tôi điên thật. Cũng có thể đó là “cơn điên” sáng tạo. Vì những bức tranh bán được giá, những thành quả của nghề nghiệp và kể cả những bế tắc của đời sống đều được hóa giải có hiệu quả trong giai đoạn này.
Một đặc điểm của riêng tôi nữa là “hội chứng trăng tròn” của tôi càng trở nên thậm tệ vào những dịp trăng tròn của mùa Thu.
Quay trở lại giấc mơ “không có số báo danh” của tôi. Giấc mơ đó có lẽ là ám ảnh của quá khứ, ám ảnh của ngày tôi đi thi đại học. Ám ảnh đó được khơi dậy lúc trạng thái tinh thần của tôi yếu đuối nhất. Vì vậy mà những giấc mơ kiểu ấy, thường xảy ra trong dịp trăng tròn.
Tôi được đi học lại lớp 10 (lớp cuối cấp 3 ở miền Bắc thời bao cấp) là do một quá trình bền bỉ thuyết khách kiểu “tam cố thảo lưu” của Thầy chủ nhiệm với Ba thôi. Vì quá nể sự nhiệt tình của Thầy mà Ba tôi cho tôi tiếp tục đi học lại. Tôi vào học lớp 10D cấp 3 Lệ Thủy (Lớp này do lão Sao Hồng làm bí thư chi đoàn và thằng Hoàn làm lớp trưởng).
Nhưng rồi, học gần hết học kỳ 1 thì Ba tôi lại đốt hết sách vở không cho tôi đi học nữa, với lý do chữ tôi viết quá xấu, đằng nào thi cũng trượt, học làm gì cho tốn cơm (Mặc dầu ngày ấy tôi có một trí nhớ cực siêu, nhưng tôi không thể nào viết được chữ Việt quốc ngữ. Ngược lại tôi viết chữ Nôm và chữ Hán cực đẹp trong khi không hề học qua một trường lớp nào về chữ tượng hình, tôi hiểu và viết được chữ Nôm là do đọc sách cổ…hè hè ..)
Bỏ học giữa chừng, tôi về đi đốt lò vôi và đúc gạch bê tông cho HTX Thủ Công Nghiệp.
Thầy chủ nhiệm vốn rất thương tôi, thầy khuyên tôi nên tập viết lại a,bc, trong sách vỡ lòng. Tôi nghe lời thầy. Và từ đó ngày thì làm xã viên HTX, tối đến tôi đóng giấy bao xi măng lại từng tập và bắt đầu tập viết từ Ò Ó O…và: ..a.. cờ..a..cờ..cờ a.. CA, cho đến ênh lênh khênh, cái gì cao lớn lênh khênh, đứng mà không tựa ngả kềnh xuống sân….Hoặc là: Chó bảo gà, gà định vào vườn rau, chó bèn sủa gâu gâu, công lao người trồng trọt, gà không được vào đó, để phá hoại hoa màu…Tập viết đi viết lại hoài, cho đến bây giờ đã gần 40 năm rồi tôi vẫn còn nhớ như in từng bài trong cuốn tập đọc vỡ lòng của hồi ấy.
Thằng Hào (Sao Hồng) và thằng Hoàn theo lệnh Thầy chủ nhiệm, làm hồ sơ cho tôi được dự thi thí sinh tự do. Lần đó nhờ gần 6 tháng trời tập viết chữ, tôi thi đậu tốt nghiệp phổ thông
Tôi bị buộc bỏ học, vì vậy việc thi tốt nghiệp phổ thông và làm hồ sơ thi vào Đại Học hoàn toàn được giữ bí mật. Việc này chỉ có Thầy chủ nhiệm, thằng Hào, thằng Hoàn và thêm thằng Diệu và Thiên biết nữa mà thôi.
Đến ngày thi Đại Học. Vì phải xuống tận Đồng Hới để thi, nên tôi không có điều kiện đi. Vừa đi vừa về, vừa thi cử nữa ít nhất cũng phải mất 3 ngày. 3 ngày đó phải đem theo gạo, tiền và tìm nhà ở trọ ở dưới ấy. Tôi trốn đi thi nên không có gạo mang theo.
Thằng Diệu được lệnh của Thầy, mang hồ sơ đi thi đến cho tôi. Tôi nói, e tau không đi được mì nờ. Hắn hỏi vì sao, tôi nói, không có gạo. Hắn hỏi mi nhịn không được à. Tôi nói, nếu tau được ăn một bụng no thì tau có thể nhịn được 3 ngày, nhưng đã mấy ngày ni tau ăn được có mấy chén bo bo thôi, chừ còn đói thấy mạ đi đây, mần răng nhịn được 3 ngày. Thằng Diệu thở dài, bớt phần mang theo của nó cho tôi mấy loong.
Tiền không có xu nào trong túi, tôi đành nhảy tàu chợ lậu vé xuống Đồng Hới. Dưới đó chẳng có ai quen, hơn nữa có quen cũng không dám ở nhà người ta, vì có mỗi 3 loong gạo, làm sao mà dám mở miệng nhờ cậy.
Vậy là tối đó khi cuốc bộ từ ga Đồng Hới lên tới thị trấn Cộn, tìm đến được trường cấp 3 trên Cộn, nơi mà tôi có giấy báo thi ở đó. Hình như trường đó gọi là trường cấp 3 Nghĩa Ninh thì phải. Trường nằm bên tay phải từ chợ Cộn đi lên, qua khỏi ngã tư Đồng Sơn, chỗ trường Sư Phạm 10 cộng 3 và hiệu sách Đồng Hới nhằm hướng đài Nghĩa Trang Liệt Sĩ ở cuối đường.
Tìm được trường rồi, nhưng tối đó tôi không biết ở đâu, vậy là lòng vòng đi lại mấy lần chờ trời tối hẳn, tôi lên nghĩa trang, bẻ lá bạch đàn lót dưới đất nằm ngủ với mấy chú Liệt Sĩ . Đêm đó trước khi đem gạo sống ra nhai, tôi còn biết rãi ra xung quanh một nắm, và cầu mấy Chú phù hộ cho thi đậu.
Sáng, vào trường tìm phòng thi, tìm mãi cũng không thấy có tên mình. Tôi hốt hoảng chạy đôn chạy đáo hết chỗ này đến chỗ khác. Cuối cùng ban giám thị nói, không có số báo danh.
Tôi sững sờ thất vọng, ôm mặt khóc, và thầm nghĩ chắc tối qua ngủ ở Nghĩa Trang, xúc phạm gì mấy chú Liệt Sĩ, nên mấy chú trù hại mới nên nông nỗi vậy. Tôi chấp tay khấn mấy chú liên hồi. Cuối cùng hình như cũng có hiệu nghiệm. Ban giám hiệu tìm ra số báo danh của tôi trong số thí sinh tự do.
Buổi sáng thi Toán, chiều thi Lý, còn môn Hóa sáng hôm sau mới thi. Tối đó tôi không dám lên Nghĩa Trang ngủ nữa, sợ mấy Chú trù, nên tôi lang thang đi về phía sân vận động Cộn.
Phía sau sân vận động, có con đường đi lên phía rừng đồi, hình như đường 15 thì phải. Là một trong những con đường nổi tiếng trong chiến tranh, là con lộ chính của đường mòn Hồ Chí Minh.
Tôi lang thang ra đó tìm nước uống để chiêu với gạo, nhai cho dễ nuốt.
Qua khỏi sân vận động một đoạn, đến đoạn đường vòng quanh một cái hồ lớn. Có một dòng suối nhỏ bắt nguồn từ cái hồ ấy chảy xuôi về phía Nghĩa Ninh. Tôi ngồi bên hồ vừa nhai gạo vừa bụm nước uống cho qua bữa.
Trời mùa hè, đêm xuống chậm, tôi lại tiếp tục lòng vòng dọc con đường đó đi về phía núi. Đi khoảng độ 1 cây số thì gặp 2 em gái nhỏ bày hàng bán bên đường. Một đứa khoảng bảy tám tuổi, một đứa khoảng 10 tuổi. Các em bày bán các thứ hoa quả trong vườn và bán nước chè xanh. Hoa quả chủ yếu là chanh, ổi và khế.
Tôi sà xuống bên các em và trò chuyện. Tính tôi hay bông lơn, lại có biệt tàii kể chuyện sách từ nhỏ, nên chẳng mấy chốc mà quen thân. Các em hỏi tôi ở đâu làm gì ở đây. Tôi kể cho các em chuyện tôi đi thi, chuyện ngủ ở Nghĩa Trang và đến đây để tìm nước uống. Các em cứ há hốc mồm hỏi, ngủ trên Nghĩa Trang có gặp ma không. Tôi trêu các em là được mấy Chú ma Bộ Đội mời ăn một bữa no nê. Hai đứa cười rất hồn nhiên
Bé lớn ghé tai bé nhỏ thì thầm mấy câu, rồi lấy cho tôi hai trái ổi. Tôi không lấy, chỉ xin các em bát nước. Bé lớn cứ bắt tôi phải lấy, em nói là của vườn nhà, chứ không phải buôn bán nên không sợ lỗ vốn. Đang đói bụng, các em lại quá nhiệt tình nên tôi đành miễn cưỡng lấy.
Nhưng lấy không của các em thì ngại. Sẵn các em có con dao nhọn cắt hoa quả. Tôi mượn và tiện một nhánh bạch đàn gần đó. Tôi vốn có hoa tay, thích đẽo gọt từ hồi bé. Vì vậy tôi hỏi các em sinh năm nào. Em lớn sinh năm 1966 là năm con ngựa. Tôi gọt cho em một con ngựa bé xíu bằng ngón tay, rồi gọt cho bé nhỏ một con lợn vì em sinh năm 1971.
Bé nhỏ thấy tôi tiện nhanh mà đẹp quá nên nói, anh tiện cho chị Huyền con cọp đi, chị Huyền sinh năm 1962. Tôi hỏi chị Huyền nào, em nói là chị của em, năm nay học lớp 8.
Vì trời đã tối các em phải dọn hàng và tôi cũng không thấy đường gọt nữa, nên tôi hẹn các em ngày mai thi xong sẽ ra gọt con cọp cho chị Huyền.
Tối đó, tôi lại bẻ lá bạch đàn trải ở một gốc sân vận động nằm ngủ. Có hai trái ổi của các em cho nên cũng ấm dạ.
Hôm sau thi xong, tôi lại đến chỗ các em để gọt con cọp trả nợ cho các em. Đến nơi, thấy ngoài các em ra còn có một người đàn ông trung niên và một cô bé trạc khoảng mười lăm, mười sáu gì đó nữa.
Người đàn ông trung niên nét mặt hiền hậu đó chính là Ba của các em, còn cô bé kia là chị Huyền của các em. Người đàn ông thân mật kéo tôi ngồi xuống bên quán và hỏi chuyện. Ông ta nói, nghe các em về kể, hôm qua cháu đi thi Đại Học không có chỗ trú phải ngủ ở Nghĩa Trang và nhai gạo sống phải không. Tôi bẽn lẽn gật đầu. Ông ta rơm rớm nước mắt. Và cô bé kia thì khóc hu hu và chìa ra 1 cái cặp lồng cơm.
Người đàn ông đó là thầy Nguyễn Văn Hứa. Giáo viên bộ môn Tâm Lý Học của trường Sư Phạm 10 cộng 3 Đồng Hới. Tôi có rất nhiều bạn học cũ, tốt nghiệp từ trường này ra . Sau này tôi hỏi, ai cũng biết Thầy.
Thầy Hứa có đến 7 cô con gái lận. Huyền là con thứ 3, em bé lớn mà tôi kể tên là Tứ, thứ 4, và em bé nhỏ tên là Hới, thứ 5.
Buổi chiều hôm đó, tôi gọt cho Huyền một con cọp bé bé xinh xinh cũng từ cành bạch đàn, và từ giã họ ra về. Dù mới quen có một phút chốc ngắn ngủi đó, nhưng chúng tôi ra vẻ quyến luyến lắm. Thầy Hứa bảo Huyền lấy xe đạp chở tôi ra ga, nhân tiện ghé lại chỗ Mẹ của Huyền làm việc ở trạm máy kéo trên đồi Mỹ Cương lấy rau về luôn thể.
Huyền về lấy xe đạp chở tôi ra ga. Trước lúc nhảy lên tàu, tôi gọi với lại, nhớ giữ mấy con thú anh gọt nhé, một ngày nào đó anh sẽ về thăm, xem các em nuôi chúng lớn như thế nào.
Mấy tháng sau, tôi có giấy báo đi học chuyên nghiệp. Và tôi đã làm một cuộc đào tẩu, rời khỏi quê hương, mảnh đất mà hồi ấy tôi ra đi với lòng oán hận. Vì ở đó đã chất chứa lên tuổi thơ của tôi sự cay cực, đói rét, đòn roi và côi cút.
7 tháng sau khi tôi trốn nhà đi học, Ba tôi buồn phiền và gục xuống trong một cơn đột quị bên đường tàu, khi ông đứng đó ngày này qua ngày khác để đợi tôi về. Ông trút hơi thở cuối cùng khi bàn tay còn viết dở dòng chữ lên phản, trăng trối với các anh chị tôi, hãy chăm sóc em các con dùm ba, ba có lỗi với nó.
Ba mất, sợi dây cuối cùng nối tôi với nơi chôn rau cắt rốn đã đứt. Từ đó tôi dấn thân vào kiếp giang hồ. Quê Hương trở thành vời vợi trong nỗi nhớ. 35 năm nay, tôi chưa trở về lại đó. Tôi sợ những ký ức buồn đau thưở ấy lại dồn về.
Mùa hè năm 1978 tôi trở lại Cộn thăm thầy Hứa và mấy em gái nhỏ. Bát cơm “Phiếu Mẫu” ngày nào và hai trái ổi ân tình ấy đã làm cho tôi gắn bó với mảnh đất Đồng Hới.
Dạo đó tôi đã bắt đầu rơi vào dòng xoáy của dân bụi đời. Nhưng sợ thầy Hứa thất vọng về tôi, sợ các em sụp đổ niềm tin yêu, nên tôi giấu kín thân phận. Chính vì vậy mà có dạo tôi bỏ đi biền biệt như mất tích.
Huyền được thầy Hứa đồng ý và chu cấp lộ phí đi tìm tôi khắp mọi nẻo đường của đất nước. Khi thì ở Vinh, khi thì ở Hà Nội, khi thì ở Playku… khi ở Huế, nơi đâu có in dấu giang hồ của tôi đi qua, Huyền đều đến đó để tìm. Lần thì không có duyên để gặp, lần thì tôi đang ở tù nên tôi ngại gặp. Vì vậy không có lần nào Huyền gặp được tôi.
Sau này tôi gặp được ân sư, được người dìu dắt về con đường chính đạo. Khi theo Thầy đi tìm cây thuốc ở vùng núi Quảng Bình, tôi có ghé lại thăm gia đình Thầy Hứa. Lúc đó Huyền đã đi học Sư Phạm Mẫu Giáo ngoài Phủ Lý.
Ngày tôi dừng bước giang hồ và lập nghiệp ở Huế. Tứ (em kế Huyền, thứ 4) có đến chỗ tôi trú ngụ để thi Đại Học.
Sau này Hới (thứ 5) cũng vào chỗ tôi ở để ôn thi Đại Học.
Ngày tôi đi xuất ngoại, tôi không về quê mà chỉ ghé về thăm thầy Hứa rồi đi. Ngày đó chỉ còn Hới ở nhà. Tứ đã lấy chồng và lập nghiệp ở Buôn Mê Thuật. Huyền cũng đã lấy chồng và có 2 con trai, lúc ấy đã xây nhà riêng ở dưới Hải Thành.
Thầy Hứa, pha trà mời tôi uống và nói cho tôi một bí mật. Ngày Huyền đi lấy chồng, Huyền nói với Thầy, khi nào tôi ghé về thăm thì nhắn với tôi rằng, Huyền mãi mãi chôn chặt mối tình đơn phương và mang xuống tuyền đài với con hổ được gọt bằng gỗ bạch đàn.
Đã mấy lần tôi định nhờ Mục Đồng Đoàn Hải thăm dò tin tức của những người ấy cho tôi. Vì từ khi tôi xuất ngoại đến nay tôi đã mất liên lạc với họ. Nhưng tôi nghĩ, rồi một ngày nào đó tôi sẽ về, và tự tôi đi tìm họ. Nên không nhờ Mục Đồng nữa.
Thỉnh thoảng hay đôi khi, vào mùa trăng tròn, mùa mà ký ức hay dồn về. Tôi lại nhớ họ, nhất là Huyền.
Số tôi vậy đó, lúc nào cũng gặp được người hiền lành ân nghĩa và dịu dàng. Nhưng có lẽ định mệnh đã bắt tôi “Không Có Số Báo Danh” trong cuộc thi quan trọng nhất của đời người là “Cuộc Thi Hạnh Phúc Hôn Nhân”.
Tôi tin rằng nếu định mệnh cho tôi “Số Báo Danh” trong cuộc thi này, chắc chắn tôi sẽ thi đậu để dành cho mình chức “Trạng Nguyên” của hạnh phúc.
16.07.11
TN