1

„…NGỌN GIÓ HOANG VU THỔI SUỐT XUÂN THÌ…”

Mẹ tôi mất năm 1967 vì bom Mỹ oanh tạc vào giữa một đêm mùa hè. Anh Ba tôi lúc đó cùng với hai em tôi đang ở với Mẹ. Hai em tôi thì chết tại chỗ, Mẹ tôi bị thương nặng và mất vào rạng sáng hôm sau vì mất máu quá nhiều, còn anh Ba thì bị thương rất nặng, toàn thân từ tay, chân, mình mẩy đến đầu… đều bị dính mảnh bom.

Anh Ba bị thương nặng, chân tay phải bó bột đến hai ba năm sau mới lành. Trong thời gian anh Ba bị bó bột ngồi một chỗ, tôi là người luôn ở bên cạnh anh ấy. Chỉ có điều tôi là đứa trẻ rất hiếu động, hở ra một chút là có thể biến mất dạng ở một nơi nào đó trong làng. Anh Ba không thể tự mình đi lại được, nên rất sợ tôi trốn đi chơi để ổng ở lại một mình. Phần thì vì buồn chán không có ai chơi cùng, phần thì vì lỡ như các vết thương ngứa ngáy khó chịu, không có ai giúp ổng lấy que khều mấy con dòi đang lúc nhúc ở nơi các vết thương nằm sâu trong đống bột bó ấy ra, vì vậy anh ấy phải lụy, chiều, nịnh tôi, để tôi ở chơi thường xuyên với với anh ấy. Nịnh, chiều lụy, năn nỉ mãi nên sinh ra nể sợ, và sự nể sợ chiều chuộng ấy cũng lớn dần theo tuổi đời của chúng tôi. Một phần vì nể sợ ấy, một vì thương, chiều chuộng và không chấp với thằng em út hiếu động như tôi nên trong mối quan hệ anh em, tôi luôn ở “kèo trên”. Và cái “kèo trên” này vẫn kéo dài cho đến bây giờ…hì hì…

…Mùa hè năm 1978 tôi ghé lại thăm anh Ba ở trường Sư Phạm nâng cao gì đó ở Km 14 trên Đường 9, cách thị xã Đông Hà mấy chục cây số. Tôi tìm đến trường ấy vào lúc chập choạng tối. Người ta chỉ cho tôi chỗ anh Ba tối nào cũng tập trung vài người bạn ra đó đàn sáo hát hò. Trong 4 chị em nhà tôi, tôi là người ít có năng khiếu văn nghệ nhất. Cả chị Cả, anh Hai và anh Ba đều thừa hưởng từ Cha tôi năng khiếu âm nhạc, mấy người kia ai cũng học được ngón đàn ghi-ta, măng- đô-lin và hát hò từ Cha tôi, duy chỉ một mình tôi thì không. Có thể là do mỗi lần tôi quậy, “phá làng phá xóm”, Khi bị Cha tôi đánh đòn, ông thường vừa quất roi đánh nhịp vào mông tôi vùa hát “…cành đào tím tím lá xinh xinh…” hay là “le bay le bay tiểu đoàn le bay…”… cho nên tôi bị “dị ứng” với vụ đàn sáo hát hò.

…Hôm đó vì đi bộ từ Đông Hà lên đã mệt lại tìm mãi mới thấy anh Ba đang đàn đúm hát hò, gì mà “..Bao nhiêu năm rồi, còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” um lên cả bìa rừng nên tôi nổi quạu, hằn học với anh Ba: “Về, hát gì không hát lại hát mấy bài phản động đó…”. Anh Ba không phản ứng gì, chỉ cung cúc nghe lời tôi, bỏ về không hát hò nữa. Về đến phòng ở, anh ấy mới nhỏ nhẹ hỏi tôi: “Bài nớ có chi mô mà mi nói phản động hè”. Tôi cau có nói nói: “Nói tóm lại là ba cái đồ mà người ta liệt vào văn hóa phẩm đồi trụy là không được hát”. Anh lại nói: “Bài nớ trữ tình chớ có đồi trụy chi mô hè”. Tôi dứt khoát: “Không hè hè… gì hết, đã nói không là không”. Anh Ba thấy mặt tôi long lên hung dữ nên gật gật: “Ừ, không thì không”. Thực ra lúc đó tôi cũng muốn nói với anh Ba lắm về vụ sơ yếu lý lịch bị xã Xuân Thủy đã chứng nhận trong hồ sơ của tôi, và nhớ lại lời Cha tôi nói với Bà nội của tôi sau vụ Cha tôi đá tôi chết ngất vì không chịu rơi lệ trong lễ truy điệu Bác Hồ vào mùa thu năm 1969. (Lần đó cả trường cấp 2 làm lễ truy điệu ngày Bác Hồ ra đi, cả trường ai cũng khóc như ri, chỉ riêng tôi dù bị anh Ba cấu véo nhắc nhở, nhưng tôi cũng không thể nào làm cho mình rơi lệ được. Sau đó anh Ba về mách Cha tôi. Cha tôi biết được thấy tôi vừa lò mặt về nhà, ổng đá tôi một phát bay qua hàng rào và chết giấc mất mấy phút. Tỉnh dậy, nghe Cha tôi đang phân trần với Bà nội tôi, khi bị Bà trách là ra đòn quá nặng với tôi vì một chuyện không đâu. Cha tôi nói: “Nhà mình đã mang tiếng là Địa chủ, đi đâu cũng bị trù dập, chừ hắn không khóc trong lễ truy điệu lãnh tụ, người ta qui chụp thêm là phản động thì mần răng mà ngóc đầu lên được”. Bà nội nói: “Hắn mới con nít ranh biết chi mà phản động”. Cha nói: “Con nít ranh mới có chín mười tuổi mà người ta phong được anh hùng diệt xe cơ giới, thì con nít ranh như hắn cũng qui được là phản động chơ răng”). Không phải là tôi không biết mấy bài hát đó không có gì là phản động, nhưng trong thời buổi nhạy cảm, lý lịch gia đình lại không ổn, anh Hai dù đã thi đậu đại học, nhưng vì lý lịch mà họ không cho đi, bắt đi bộ đội rồi, tôi thì cũng trầm trật lắm mới vào học được trường Cao đẳng, anh Ba thì may mắn đã được làm Giáo viên, lỡ như hát hò mấy bài hát của chế độ cũ, người ta qui chụp phản động thì làm sao mà sống. Nghĩ vậy, nhưng tôi không nói ra, sợ anh Ba buồn và lo nên làm ra vẻ ương gàn mà hoạnh họe ăn hiếp anh ấy như vậy.

…Mùa hè năm 1981, tôi từ Liên hiệp Công- Nông- Lâm nghiệp Kông- Hà- Nừng trên sông Ba của Playku trở về, có ghé thăm anh Ba, lúc đó anh đang dạy học ở trường Tiểu học xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Sau khi tốt nghiệp ra trường, ai cũng được đi nhận công tác ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các thành phố lớn ở miền Nam. Tôi thì không biết vì lẽ gì mà chẳng có nơi nào nhận. Ban giám hiệu gọi lên nói, tạm thời trả về địa phương chờ nhận công tác. Tôi trình bày với Ban giám hiệu là tôi sinh ra một nơi, lớn lên ở một nơi, lúc làm hồ sơ đi học lại ở một nơi khác, cha mẹ giờ đều chết hết rồi, anh chị em thì ly tán mỗi người mỗi nơi, nhà cửa thì không có nên giờ không biết về đâu. Ban giám hiệu cũng không biết gửi tôi về địa phương nào, nên họp bàn làm hồ sơ cho tôi đi xuất khẩu lao động theo tiêu chuẩn của Tổng cục dạy nghề. Khăn gói ra Ngã tư sở ngoài Hà nội chờ 6 tháng, vật vã, đói khát, ăn bờ, ngủ bụi với giang hồ Thủ Đô. Thấy mấy người cùng làm hồ sơ với mình đã đi hết, còn mình thì chưa được đi. Cố gắng thượng đài làm bị cát cho mấy sới quyền Anh, kiếm được ít tiền làm quà nhờ người lên Tổng cục dạy nghề hỏi, thì được trả lời là vì lý lịch nhạy cảm không cho đi xuất khẩu được. Nhờ cậy chạy chọt lắm người ta mới sắp xếp cho vào nhận công tác ở trong Tây Nguyên. Lại khăn gói, nhịn đói, nhảy tàu lậu, đi xe nhờ đến được nơi nhận công tác ở cái Liên hiệp Sông Ba. Dù ở đó đang thiếu Giáo viên dạy nghề, nhưng vì tình hình lúc đó tổ chức phản động Fun-rô đang hoạt động ráo riết, nên họ không muốn nhận một người có lý lịch thành phần nhạy cảm là Gia đình Địa chủ cường hào, ác bá…. Lại lúc cúc trở về xuôi, ngang qua Đà Nẵng, nhờ mấy lần thượng đài đấu võ thuê mới đủ tiền mua vé trở ra Quảng Trị để về thăm anh Ba.

Lội bộ mấy chục cây số trên trảng cát bạc mới tìm đến Triệu Trạch lúc chạng vạng tối. Đến nơi lại thấy anh Ba đang ôm đàn cùng với các Thầy cô trong trường ngồi nghêu ngao ngoài bờ biển: “…Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt… đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng, ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì…”. Hì hì… tôi lại bực mình cáu gắt: “Mấy năm rồi mà vẫn cứ đi đâu đâu cho đời mỏi mệt rứa hả eng”. Anh Ba thấy mặt mũi tôi tím bầm vì thượng đài trong Đà Nẵng, cũng xuýt xoa hỏi lại: “Rứa mi cũng đã mấy năm rồi, khi mô gặp mặt mũi cũng sưng vù rứa đó hè…”. Hôm đó tôi không đôi co vì vụ hát hò với anh ấy mà lẵng lặng ngồi nghe. Tôi ngồi mơ màng nghe các anh ấy hát….Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì…ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì…ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì….tự nhiên mắt tôi cay nhòe, tôi nhớ Cha tôi, tôi nhớ lần tôi về ngồi bên mộ Cha suốt ba ngày ba đêm, nơi đó cũng có những ngọn gió hoang vu thổi rì rào trên những cây dương trong nghĩa địa ở một làng quê hẻo lánh, hôm đó tôi đã được khóc, nước mắt tôi đã biết rơi khi ngồi kể lể, sám hối bên mộ của Cha tôi….

(Còn nữa)

(Ảnh đính kèm là ảnh của anh Ba và tôi, hình như là chụp vào năm 1976 thì phải. Vụ này phải nhờ anh ấy comment vào mới biết chính xác là năm nào được)

29.21.21

Thuận Nghĩa 

SHARE