„…Đêm cứ về từng thớ trăng lơi

Anh dựa vào giấc mơ

Mà tô lại khung mình đang lở lói mạch đau

Anh sẽ vẽ lại trên cành khô thêm từng chiếc lá

Cho mây khỏi rách qua tầm nhìn

Cho thăm thẳm mãi trong veo trên màu gối lạ

Cho mỗi sáng mai khỏi trằn mình qua nhớ

Mà hư cấu bầu trời…“

(trích trong bài thơ Khung Rêu- 2016)

Rõ ràng đó là cảm giác của „Nhớ“. Không đau, không buồn, không vui, không hồ hởi, không quyến luyến… hình như chỉ có một chút gì đó bồi hồi, là lạ len vào trong giấc ngủ. Nửa đêm giật mình thức giấc cứ ngồi nghĩ mãi không ra, vậy thì xúc cảm của „Nhớ“ thuộc vào phạm trù nào trong trong 7 trạng thái của Tư Duy (Thất Tình trong „Thất tình, Lục dục“). Nó thuộc vào „Hỷ“ hay „Bi“, thuộc vào „Ưu, Tư“ hay „Kinh, Hãi“… Quả thật là rất khó để phân giải.

Ngồi nghĩ mãi… cuối cùng rút ra kết luận, muốn giải mã „Nhớ“ thuộc vào phạm trù nào thì phải tìm cho ra „đầu vào“, có nghĩa là phải biết đối tượng của „Nhớ“ định hướng đến là „vấn đề“ gì thì mới „hạ hồi phân giải“ Nhớ thuộc vào phạm trù nào của „Tư Duy“ được. Từ kết luận này lại nảy sinh ra với tôi một „vấn nạn“ khác…

Rõ ràng đó là cảm giác „Nhớ“. 100% là „Nhớ“… Nhưng khi tôi cứ cúi gằm mãi vào trong hơi thở để đưa mình đến cảnh giới định tâm cao nhất mà cuối cùng vẫn không xác định được đối tượng „Nhớ“ của mình là cái gì. 100% là „Nhớ“ nhưng không biết mình nhớ cái gì, hay nhớ đứa nào…Khổ!!!!

Ngồi nghĩ mãi vẫn không ra, bực mình tôi lại văng thề ra với các „Cụ“:

– Con bà nó!, rõ ràng là cảm giác „Nhớ“ đóng một vai trò khá quan trọng trong hệ thống tư duy tình cảm của con người, không lẽ „Nhớ“ thuộc về Bản năng, chứ không thuộc về Ý thức, bởi vậy nên chả có „Cha“ nào liệt kê „Nhớ“ vào thứ „Tình“ gì của Tư Duy để phân định nguyên nhân gây nội thương của nó khi bị thái quá…

Nghĩ mãi vẫn không ra, nên thôi kệ, cứ ngủ lại phát đã, biết đâu có được giấc mơ, trong giấc mơ biết đâu lại có „đứa nào“ về nhắc „Anh nhớ em đấy“… he…he…he…

24.07.20

Thuận Nghĩa

SHARE