Trong các bài viết về Y khoa nói chung và Đông Y nói riêng, tôi thường nhắc đến hai chữ „Y thuật“. Đó là một thói quen do ảnh hưởng của „Cổ học“ khi nhắc đến các „Phương pháp trị bệnh“. Mặt khác tôi không sử dụng cụm từ „Phương pháp trị liệu“ (Liệu pháp) „Kỹ thuật Trị liệu“…mà sử dụng từ „Y thuật“ là vì từ „Y thuật“ còn mang ý nghĩa bao quát hơn: „Y thuật“ là các Liệu pháp, Kỹ thuật điều trị bệnh theo một Nguyên lý mang tính Học thuật của Y khoa. (Đại khái hiểu nôm na là như thế để tiếp cận dễ dàng hơn với nội dung của bài viết)

…Cổ nhân thường nhắc đến một thành ngữ trong các Y kinh (Kinh sách nói về nghề Y/ Y khoa) : „Bệnh cập tựa sơn đảo, Bệnh thoái hầu đẩu ti“, câu này có nghĩa là: bệnh đến thì dữ dội như núi sập, bệnh lui thì phải từ từ, cẩn thận như kéo sợi tơ vậy.

Tôi đưa ra một ví dụ rất đơn giản cho dễ hiểu. Ví như bạn mang giày dép quá cao, chỉ trong một tích tắc sơ ý khi bước lên cầu thang…, bạn bị vấp té và trật khớp hay bong gân (Cũng có thể sẽ giản dây chằng khớp cổ chân chẳng hạn..). Lúc này chỉ trong tích tắc sơ sẩy đó, bạn sẽ không thể nào đi lại di chuyển được…. „Quả núi“ thân thể của bạn tựa hồ như đã „sụp đổ“. Muốn để cho gân cơ của bạn hồi phục để đi lại như ban đầu, bạn không thể chỉ trong tích tắc tương tác một cái „cụp“ như khi bạn trật chân để phục hồi được. Mà phải qua một thời gian rất lâu, tìm đúng cách, như đắp thuốc, châm cứu, bấm huyệt, mát xa, bó bột…v..v… có khi hàng tháng trời phải ngưng hoặc hạn chế vận động thì mới hồi phục lại được. Quá trình „kéo tơ“ này đòi hỏi sự chăm chút, cẩn thận, chu đáo thường xuyên trong một thời gian khá dài.

Thực ra khi bạn „thấy“ được „núi sập“, cơ thể tự nhiên của bạn đã có cả một quá trình „kéo tơ“ miệt mài không ngưng nghỉ rồi. Chỉ khi cơ thể của bạn không còn „kéo tơ“ được nữa, vì bị áp lực quá nặng nề và triền miên của „nguồn bệnh“, thì khi đó bệnh lý mới hiện hiện ra bằng các triệu chứng khác thường, khi đó bạn mới biết rằng „núi đã sập“. Chính lúc này bạn mới đôn đáo đi tìm các cách „kéo tơ“ từ bên ngoài…

Lựa chọn loại „Thiết bị“ nào, „Khung cửi“ nào… „Qui trình“ vận hành nào… Và ai sẽ là người cùng với bạn „vận hành“ lập trình „kéo tơ“ này có hiệu quả nhất để xây dựng, tái lập… lại „quả núi“ đã bị sập tan tành của bạn. Đó cũng là một loại „Hành trang“ khá quan trọng cho việc sống chung với nhiều „cơn lũ“. Trong đó có cả Cơn lũ „Thần Y“, „Thần Dược“… đang „đâm chồi nảy lộc“ như hoa lá mùa Xuân, trong thời buổi mọi giá trị Xã hội hầu hết đều qui về „Tiền“…

Nói tóm lại có hiểu biết về Nguyên lý cơ bản của các Phương pháp trị bệnh, bạn mới có thể định hướng chính xác, mình nên lựa chọn Phương pháp trị liệu nào thích hợp với cơ địa bệnh lý của mình. Có định hướng được Phương pháp trị bệnh thích hợp, thì lúc đó bạn mới có cơ sở để lựa chọn Bệnh viện, Cơ sở trị bệnh, Bác sĩ, Thầy thuốc, Chuyên viên trị liệu… có chuyên môn phù hợp với bệnh lý.

Câu thành ngữ „Có bệnh thì vái tứ phương“ không còn phù hợp với thời đại Văn minh kỹ thuật số nữa. Nếu vẫn giữ nguyên câu thành ngữ ấy làm „cứu cánh“, bạn sẽ rất dễ dàng trầm mình từ „cơn lũ“ này đến „cơn lũ“ khác nguy hiểm hơn.

Từ việc chọn lựa nên „theo“ Tây y/ Y học Học đường hay theo Y học Cổ truyền/ Y học Tự nhiên, hoặc cả Đông- Tây y kết hợp…, cho đến việc chọn lựa Phương pháp can thiệp bệnh lý cụ thể, hay Bệnh viện, Y- bác sĩ nào… ngày nay là có khả thi, có thể nằm „trong tầm tay“ sự lựa chọn của bạn. Vì vậy tìm hiểu những kiến thức theo định hướng này là rất cần thiết.

Loạt bài nằm trong phần „Nhận Diện Y Thuật“ này là những chia sẻ theo kinh nghiệm cá nhân của tôi trong gần 50 năm theo đuổi nghiệp Y của mình, hầu giúp các bạn phần nào nhận diện nhanh nhất loại „Khung cửi“ hợp lý và „Người“ đồng hành cùng bạn, cho việc „kéo tơ“ được hiệu quả nhất…

(Còn nữa)

05.07.20

Thuận Nghĩa

SHARE