Home Ký sự Chuyện Đời MUÔN TRÙNG CHỜ ĐỢI (Chuyện đời)

MUÔN TRÙNG CHỜ ĐỢI (Chuyện đời)

802
0

1

Từ nhà tôi đến chỗ làm việc cách khoảng 3 cây số. Đi phương tiện gì cũng lỡ cỡ. Đi ô tô thì vừa chưa đạp lún chân ga thì đã tới nơi. Lúc về, lòng vòng cả tiếng chưa chắc đã tìm ra chỗ đậu xe. Đi xe bus thì mất công móc vé ra trình, rồi trèo lên chưa kịp yên vị đứng ngồi gì thì đã phải trèo xuống. Vì vậy mưa nắng hay gió tuyết gì tôi cũng quyết định đi bộ cho nó có “phẩm vị”.

Người Đức có cái lạ là đẳng cấp thứ bậc phẩm vị đáng trân trọng của những người đi làm không phải là ở chỗ bạn làm chức vụ gì, và lương, thu nhập nhiều hay ít. Mà phẩm vị được đánh giá cao nhất của người đi làm có đóng thuế là dành được bao nhiêu thời gian cho việc nghỉ nghơi và có bao nhiêu thời gian tiếp cận được với thiên nhiên.

Ở Đức bạn không lo thiếu đồ ăn ngon, không lo thiếu áo quần đẹp, không lo không có chỗ ở, và bạn cũng không phải cần lo lắng cho việc học hành sinh hoạt của con cái. Nếu bạn không nghiện ngập một cái gì đó thì cuộc sống cỡ gì cũng OK. Tất cả đều có nhà nước lo. Ở Đức nhà đông con, hay hưởng trợ cấp xã hội có cuộc sống sung túc hơn, tiêu pha xả láng hơn người đi làm là chuyện bình thường.

Trong hàng phẩm vị cao (Những người đi làm có đóng thuế) thì thứ hạng phẩm vị được đáng giá qua phương tiện đi làm.

Người được trân trọng nhất là người đi bộ đi làm, kế đến là người đi xe đạp, sau đó là người đi làm bằng phương tiện công cộng, cuối cùng mới là người đi làm bằng ô tô cá nhân. Các bạn nghĩ là tôi nói ngược cho vui chăng. Không đâu, sự thật là như vậy đấy. Người Đức rất sợ áp lực của Stress, cho nên ai không có điều kiện đi bộ, đi xe đạp đi làm hoặc bắt buộc phải đi làm bằng ô tô cá nhân thì khá tội nghiệp, vì họ sẽ có rất nhiều áp lực về kẹt xe và áp lực về chỗ đậu xe trong thành phố… Bởi vậy mỗi lần bệnh nhân hỏi tôi đi làm bằng phương tiện gì, tôi trả lời là đi bộ với một thần thái rất tự hào, và họ cũng có chút ghen tỵ. Chỉ có những người có sức khỏe và yêu sức khỏe mới đi làm bằng xe đạp hoặc đi bộ, và phải là cực kỳ may mắn mới có cơ hội, nơi làm việc và nhà ở gần đến độ có thể đi bộ được.

Vậy đó, tôi nói đi bộ đi làm cho có phẩm vị là vì vậy đó… hì..hì…

Ngặt nỗi, đường bộ đi làm của tôi khi nào cũng phải đi băng qua một trạm xe bus và tàu điện, mà trạm này lại là trạm đầu mối nằm ngay ngã tư giao thông quan trọng nhất của quận Antona của thành phố tiểu bang Hamburg.

Ngoài việc lượng người đi lại đông đúc ra, thì ở ngay hướng đường tôi phải đi qua lại có 2 tụ điểm của người vô gia cư thường tụ tập để bia rượu và hút xách. Khá bất tiện và không được thoải mái khi phải đi xuyên qua tụ điểm của đám người này. Tuy họ rất lành, không gây hại hay cản trở gì, nhưng ở nơi họ thường tụ tập có một trường năng lượng rất bẩn và ô trược. Có đạt trình vô nhiễm đến đâu, khi còn nhìn, còn nghe, còn có cảm xúc thì vẫn có cảm được thứ gì đó không an lành lắm khi đi ngang qua chỗ đó. Trường năng lượng này không đến nỗi tàn hại như trường năng lượng của sự ghen tuông đố kỵ… nhưng cũng không được sạch sẻ an bình, nó thuộc vào loại nên tránh càng xa càng tốt…

Trong đám người vô gia cư thường tụ tập xung quanh nhà hát Neuer Flora ở ngã tư này có một người tôi quen là anh Peter. Chuyện về Peter tôi đã có kể trong một vài Statut chuyện đời rồi. Chỉ bởi mấy tuần nay tôi không thấy bóng dáng Peter đâu, nên hôm qua đi làm về, tôi có lân la đến chỗ mấy người đang ngật ngừ tụ tập ở đây để hỏi tin.

Một người trong đám họ, giọng nhừa nhựa hỏi tôi có phải là Herr Le không. Tôi gật. Người này đưa cho tôi cái bật nắp chai có cán bằng sừng hươu, và nói của Peter gửi lại. Tôi hỏi Peter đâu. Anh ta vẫy tay bảo tôi đi theo. Ra đến vườn cây phía sau nhà hát, người này chỉ vào cái ghế đá, phía dưới có đặt mấy ngọn đèn cầy và vài nhành hoa héo, bảo Peter đấy. Tôi thoáng rùng mình hỏi lại, Peter chết lúc nào. Người này nói vào cuối tuần thứ 3 của tháng 8. Tôi sững sờ, hèn chi lâu lâu rồi tôi không gặp và không gật đầu chào anh ta mỗi khi đi làm ngang qua ngã tư này…

2

Chuyện về Peter tôi đã kể nhiều lần, nhưng có lẽ cũng nên nhắc lại một chút.

Tôi biết Peter cách đây khoảng 10 năm về trước. Hồi nhà hát Flora vẫn đang còn trình diễn vở nhạc kịch Vua Sư Tử . (Nhà hát này diễn một vở diễn cũng phải vài ba năm. Riêng vở nhạc kịch Vua Sư Tử phải diễn lâu đến gần 15 năm mới chuyển qua vở khác).

Lúc tôi đi làm, có để ý đến một người đàn ông, tay cầm chai bia mở nắp, bên cạnh có thêm một chai chưa khui, ngồi bên này ngã tư nhìn chăm chăm sang nhà hát như không hề chớp mắt. Buổi sáng đi làm cũng thấy tư thế đó, buổi chiều đi làm về cũng thấy tư thế đó, chỉ khác hơn là chai bia thứ hai đã mở nắp mà thôi.

Nhiều ngày như vậy, thấy lạ nên tôi mới lân la làm quen. Hỏi ra mới biết là anh ta đang đợi một người. Tôi ngạc nhiên, đợi ai mà đợi ngày này qua ngày khác vậy. Anh ta kể…

Anh ta tên là Peter, là kỹ sư chế tạo máy làm ở hãng Airbus A380. Một lần đi xem nhạc kịch ở nhà hát này. Trong lúc xem đến đoạn cao trào, anh ta được một khán giả ngồi bên cạnh cầm lấy tay, và có hôn anh ta một nụ hôn khi tình tiết của vở kịch ở lúc xúc động nhất. Tan kịch, người khán giả ngồi cạnh ấy xin lổi về sự đường đột. Peter tỏ ra rất hạnh phúc và nói với cô gái ấy rằng, chưa có khi nào trong cuộc đời anh ta có cảm giác hạnh phúc lâng lâng đến như vậy. Lúc chia tay, Peter bịn rịn, xin nắm tay cô gái ấy một lần nữa và hỏi có cơ hội gặp nhau nữa không. Cô gái ấy nói nhất định sẽ gặp lại vào những vở diễn sau.

Khi nhà hát đổi vở diễn, Peter ngày nào cũng đến đây ngồi đợi. Đợi ngày này qua ngày khác. Đợi cho đến khi Peter xin nghỉ thất nghiệp để ngồi đợi kẻo sợ lỡ bỏ cơ hội.

Nhà hát lại đổi vở diễn mới. Peter từ hưởng trợ cấp thất nghiệp chuyển sang trợ cấp xã hội. Từ chỗ một Kỹ sư có công ăn việc làm ổn định, có nhà cửa đàng hoàng trở thành một người gia nhập vào cộng đồng vô gia cư.

Khi thấy Peter đã tăng 2 chai bia lên thành 5 chai, rồi 7 chai theo năm tháng chờ đợi của anh ấy… tôi rất bất bình, trách cứ Peter tại sao lại phá hỏng cả đời mình vào một sự chờ đợi vô vọng đến vô lý vậy. Peter mỉm cười nhìn tôi nói, tại sao là vô vọng, tại sao lại vô lý… Peter nói, anh ta rất tin tưởng vào lời hẹn gặp lại của cô gái ấy, và anh ta cảm thấy rất an lành và vui vẻ hạnh phúc khi chờ đợi ngày cô ấy xuất hiện trở lại.

Tôi hỏi Peter rất nhiều về cô gái đã có lời hứa làm cho Peter phải phá hỏng đời mình vì chờ đợi. Cho dù Peter diễn tả, diễn giải cỡ nào tôi cũng cảm thấy rất mơ hồ. Mỗi lần thấy tôi tỏ vẻ không tin tưởng vào sự chờ đợi của Peter, anh ta khá bực mình và luống cuống lấy chai bia này bật nắp chai bia kia liên tục, nhưng không uống. Có lần Peter lôi trong túi cái mở nắp chai mà tôi tặng anh ta ra nói: “Cũng như việc cậu tặng tớ cái mở nắp chai này vậy, cậu hoàn toàn không hiểu gì về người uống bia cả, không phải là tớ không có tiền mua cái mở nắp chai, mà cái thú của người uống bia chuyên nghiệp là khoảnh khắc chờ đợi những hớp bia khi lấy cái chai này kê bật nắp của chai bia kia, bụp… tung nắp và từ từ từng hớp mát lạnh… đó là sự sung sướng, cậu không hiểu nên mới mua cái mở nắp này tặng tớ. Cũng như cậu không hiểu gì về hạnh phúc, nên mới không tin vào sự chờ đợi.”. Tôi cứng họng.

Cho đến khi sau 7, 8 năm gì đó, khi thấy loạt chai không để bên cạnh chỗ ngồi đợi của Peter có vẻ hơi đông đông và thần thái của anh ta cũng như đơ đơ. Tôi sợ anh ta sẽ lại như đám người vô gia cư kia, lại thất thần vì hút bồ đà nên tôi ủ một âm mưu. Tôi hỏi rất kỹ về vóc dáng, tóc tai và cách trang phục của cô gái mà Peter chờ đợi

Rôi tôi tìm Klara, một cô gái mà tôi quen biết. Cô này cũng có một lần sa vào sợ chờ đợi ngớ ngẩn như Peter. Cũng mất nhiều năm chờ đợi một bóng người trên một chuyến tàu làng. Để rồi cuối cùng cũng tỉnh ngộ ra hạnh phúc mong mênh đã hoang phí tuổi xuân của mình. Tôi kể cho Klara nghe chuyện của Peter, và nhờ Klara đóng một vở kịch để thức tỉnh Peter.

Ban đầu Klara từ chối, vì nói việc làm của tôi vô ích. Nhưng vì tôi năn nỉ quá nên Klara nghe theo.

Một hôm tôi bảo Klara xuất hiện bên kia cửa nhà hát lúc tan kịch, bên này tôi giả vờ hốt hoảng vỗ vai Peter chỉ sang phía Klara. Peter lắc đầu. Tôi thì khẳng định chắc chắn, và chạy sang kéo Klara sang chỗ Peter. Peter chào hỏi Klara xong quay sang vỗ vào tôi nói: “Xin lỗi cô, chỉ vì ông bạn tốt bụng của tôi mà đã làm phiền đến cô”. Klara mỉm cười nói: “Tôi cũng đã từng như bạn, nên tôi hiểu cảm giác của bạn”…

Dự đoán của tôi không sai, mấy năm gần đây Peter không chỉ nghiện bia mà còn nghiện luôn hút bồ đà. Peter đã thay đổi rất..rất nhiều, chỉ duy có niềm tin chờ đợi là không thay đổi….

3

Từ đầu năm nay đến giờ, nhà hát thực hiện luật giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, nên không có suất diễn nào. Tôi thấy Peter suy sụp hẳn đi. Tôi đã lo lo. Vì cho dù có mơ hồ đến đâu, nếu nhà hát còn suất diễn thì sự chờ đợi của Peter vẫn còn có cơ sở để hy vọng. Nếu nhà hát không có suất diễn, thì sự chờ đợi của Peter sẽ trở nên vô vọng, mà sự chờ đợi này vốn là nguồn sống duy nhất còn lại của Peter. Không còn sự chờ đợi, tôi e rằng Peter sẽ sụp đổ hoàn toàn.

Và lo ngại của tôi đã thành sự thật. Peter đã gục chết trong muôn trùng chờ đợi vào ngày 22.08.

Tôi đặt hoa và đèn cầy lên chiếc ghế đá phía sau nhà hát, nơi người ta đã có đặt sẵn mấy cây đèn cầy và hoa để tưởng niệm Peter. Nghe nói người ta phát hiện ra Peter nằm chết trên chiếc ghế đá này.

Vậy là Peter đã kết thúc được sự khắc khoải chờ đợi của mình. Không biết Peter có hạnh phúc không, nhưng tôi tin rằng khoảng thời gian hơn 10 năm chờ đợi này của Peter là khoảng thời gian ấn tượng nhất của cuộc đời anh ấy.

Tôi lôi cây Thất thương tiêu luôn mang bên mình ra, ngồi xuống trên thảm cỏ và tùy hứng thổi một khúc nhạc. Trong tiếng tiêu hôm nay của tôi, hình như tôi mơ màng thấy có hình ảnh của Peter ôm chầm lấy người mình chờ đợi….

02.09.20

Thuận Nghĩa

SHARE