Home Ký sự Chuyện Đời Môn Sinh (Chuyện Đời)- Phần 1

Môn Sinh (Chuyện Đời)- Phần 1

4166
0

1
Họ lại đến, và luôn luôn đến vào mùa thu. Không có một qui ước gì, nhưng đã thành thông lệ. Trong khoảng từ rằm tháng 7 cho đến rằm tháng 8 âm lịch hàng năm là họ lại rũ nhau đến để vấn an tôi. Mang tiếng là vấn an cho nó sang vậy thôi, chứ thực ra là họ đến để học nghệ.

Khoảng thời gian này tôi quá bận. Đúng vào những kỳ trăng tròn, tôi lại phải đi xa vì chuyện Phật Sự, nên hẹn họ sau rằm tháng 8 hẵng đến.

Mỗi lần đón họ từ sân bay về là tâm trạng tôi khá bất an. Bất an thứ nhất là cách xưng hô. Trước đây họ vốn là môn hạ của bổn môn. Sau này theo Kim Cương Thừa và đã xuất gia làm Tỳ Kheo. Cả hai người họ đều gọi tôi bằng Thầy. Vì họ là Tăng Lữ, tôi là người đời nên tôi cũng phải gọi họ bằng Thầy. Họ gọi tôi bằng Thầy xưng Con. Tôi cũng gọi họ bằng Thầy và xưng mình là Con. Cứ kiểu xưng hô như vậy khi nói chuyện với nhau nên cũng đâm ra tùm lum chả ra cái hệ thống gì cả, sinh ra khó chịu mà thành bất an.

Bất an thứ hai, là họ không phải chính thức là đệ tử truyền thừa của tôi. Nhưng họ lại là những người hiểu về con đường của tôi đi nhất. Đặc biệt là trong những thứ tôi giảng dạy và chia sẽ về Y Đạo và Khí Công dưỡng sinh, thì họ là những người nắm rõ nhất và đạt được cảnh giới khá cao về hơi thở. Kể cả đệ tử truyền thừa tâm đắc nhất của tôi cũng không ai có thể nắm rõ về kỹ thuật hơi thở như họ. Có một chút buồn, một chút ghen tức nên trở thành bất an.

2
Bây giờ họ đã là Tỳ Kheo, xuất gia theo Phật Giáo Tây Tạng. Pháp Danh đặt theo tiếng Phạn dài loằng ngoằng, chứ hồi còn theo tôi học nghệ tôi thường gọi đùa họ là Huyền Trường và Vô Tức. Giờ gặp lại tôi vẫn gọi họ theo tên “cúng cơm” là Thầy Huyền Trường và Thầy Vô Tức. Chi có điều ngày xưa tôi xưng mình là Lão Phu với họ, còn giờ thì phải xưng mình là Con.

Có lần, thấy cách xưng hô trái khoáy, tôi đề nghị, hay là chúng ta cứ mày tao cho nó dễ giao tiếp. Nghe tôi đề nghị vậy cả hai chắp tay lắc đầu nguây nguẩy, xém nữa là quì xuống tạ lỗi, tưởng tôi lại lên cơn khùng. Tôi đỡ họ dậy và nói, Quí Thầy không thích thì thôi mắc chi phải quì cho Con tổn phước. Miệng thì nói vậy nhưng trong bụng tôi nghĩ thầm, chơi với mấy tay này nỏ vui tý nào..heheheheh…

Thầy Huyền Trường theo học tôi trước. Thầy do Sư Huynh tôi trước lúc qua Nepal tịnh tu, gửi gắm cho tôi để thọc thêm Y Đạo của bổn môn. Hồi đó tôi đang thời nghiệm thấu về Tỳ Vị và hệ tiêu hóa. Xui cho Thầy, lại đúng vào lúc tôi nghiệm ngộ về Đại Trường. Thấy tôi suốt ngày chỉ nói về ruột già về tả, táo, phân tao, ỉa đái… Một hôm mặt Huyền Trường chảy dài như cái bơm nói, thưa Thầy, con thấy các vị Sư Phụ khác chỉ thuyết giảng về những điều tốt đẹp của đời sống, về những minh triết cao siêu huyền diệu, sao theo Thầy bấy lâu, chỉ thấy Thầy truyền dạy về chuyện phân tao ỉa đái vậy.

Tôi biết mình vô duyên với trò này nên ôn tồn nói, Lão Phu là dân giang hồ, nên chỉ quan tâm đến chuyện Ta Bà. Y lộ của Lão Phu cũng chỉ lo ba cái chuyện ăn, ngủ, ỉa đái..cho ra hồn của chúng sinh mà thôi, Lão Phu chẳng có điều chi hay ho mà chỉ dạy cả. Sư Huynh ta bây giờ đã nhập tịnh, thôi thì còn có Sư Tỷ ta bên Đài Loan, là người có Đạo Hạnh cao, Lão Phu sẽ giới thiệu con qua đó mà học Đạo.

Thầy Huyền Trường sang Đài Loan. Sư Tỷ là Ni Cô thấy giữ lại không tiện nên gửi cho một bậc trưởng bối khác ở Ngũ đài sơn.

Còn thầy Vô Tức thì vốn là dân võ thuật, theo gia đình định cư tại Thụy Sĩ. Thầy nghe nói tôi có chút thành tựu về Khí Công Phật Gia nên lặn lội sang Đức tìm tôi học nghệ.

Thầy chỉ sắp xếp được mỗi năm có vài bận, mỗi bận độ mươi ngày ở lại Đức để học.

Lần đầu tôi dạy thầy về hơi thở cơ bản của Khí Công. Đi lại cũng chỉ 5 loại hơi thở của Khí công Dưỡng sinh, và dạy thêm Chèo Đò Công cho Thầy trì luyện về cảnh giới Tâm Thân Ý hợp nhất. Thầy về lại Thụy Sĩ đâu được 3 tháng thì qua trả bài

Tôi lại dạy lại Chèo Đò Công, và tịnh công cách làm chủ 5 loại hơi thở. Tôi nói lần này phải làm chủ được rõ ràng “Ý đến trước dẫn Hơi Thở đến, Hơi Thở dẫn sự chuyển động của Thân thể, cái này gọi là Ý đến thì Tâm đến, Tâm đến thì Thân đến”

6 tháng sau Thầy lại sang trả bài, tôi lại dạy Chèo Đò Công, bảo rằng “lần này thì Hơi Thở đến trước, Ý đến sau dẫn sự chuyển động của Thân thể, cái này gọi là Tâm đến thì Ý đến, Ý đến thì Thân đến”

9 tháng sau Thầy sang, tôi lại cũng dạy Chèo Đò Công, lại bảo, “Ý đến thì Thân đến, Thân đến Tâm mới đến”

Mấy tháng sau Thầy sang, tôi cũng chỉ có Chèo Đò Công mà dạy, bảo rằng Thân đến trước, Ý đến sau cuối cùng là Tâm

Lần này phải cả năm Thầy mới sang lại. Tôi cũng chỉ có Chèo Đò Công mà diễn giải cách trì luyện “Thân đến Tâm đến, Tâm đến Ý đến”

Lần này Thầy trả bài nhanh đâu độ 1 tháng thì đã thấy sang. Khi sát hạch tôi sừng sộ nhăn mặt, “Làm gì luyện cả mấy năm trời mà cứ bo bo giữ lấy Ý lấy Thân vậy, giữ chúng lại làm chi, cái gì đến trước đến sau có nhằm nhò gì đâu, chỉ giữ lại Hơi Thở là được rồi, Hơi Thở là Tâm, Tâm là trống rỗng, đã trống rỗng thì còn chi Thân, còn chi Ý mà Tâm cũng cũng không luôn, đường đi của Hơi Thở có 5 đoạn, đến đây thì mới qua được đoạn thứ nhất, cứ mang vác lấy ba cái chuyện Tâm Thân Ý kè kè bên người vậy thì khi nào qua được đoạn thứ hai chứ”

Thầy nghe tôi rủa như vậy cũng phừng phừng, nghe ra xém văng tục, có lẽ đã kiềm chế lại, nhưng giọng điệu vẫn còn phũ lắm, “Nè, tôi nói cho ông biết nhé, tôi bỏ công bỏ việc sang đây để học Khí Công, chứ không phải sang đây cho ông quay tôi như dế nhé”. Thấy Thầy nổi cơn thịnh nộ, tôi lặng thinh như vẻ biết tội, cúi đầu không nói gì.

Hôm sau Thầy đến có vẻ có chút ăn năn vì chuyện xả hỗn hôm qua. Tôi bình thản nói với Thầy rất thực tâm, Lão phu đạo hạnh quá thấp, có lẽ không đủ duyên cho trò trải nghiệm và thấu ngộ chữ Nhẫn, Lão Phu có vị Sư Thúc đạo hạnh rất được nhiều người trọng vọng, Lão Phu sẽ giới thiệu cho trò, đến đó mà học Đạo, ta thân phận phàm phu, còn nhiều tục lụy đa mang, không thể chia sẻ với trò được nữa.

Từ đó thấy Thầy biệt tích không thấy sang tìm tôi nữa.

Năm 2013 có một Pháp Đàn của Karmapa Châu Âu tại Áo Quốc với đề tài “König der Verwiklicher”. Tại Pháp Đàn này tôi được mời chia sẽ về đề tài Bí Mật Của Hơi Thở.

Lúc đến ở bộ phận lễ tân ghi danh, tôi được hội ngộ với thầy Vô Tức. Thầy mặc trang phục Tỳ Kheo của phái mũ đen Phật Giáo Tây Tạng. Thấy thầy, theo tục lệ, tôi quì xuống chạm đầu vào chân Thầy đảnh lễ. Thầy đỡ tôi dậy, vẻ nặt rất điềm đạm chân tình. Thầy hỏi tôi sang dự Pháp Đàn học Hơi Thở của Kim Cương Thừa phải không. Tôi chắp tay cúi đầu: “Bạch Thầy, vâng ạ!”

Thầy đang hỏi chuyện tôi thì có một vị Lạt Ma già bước đến. Thầy Vô Tức nói với tôi là Sư Phụ của Thầy đến. Thầy chưa kịp giới thiệu với tôi, thì vị Lạt Ma già đã chắp tay cúi đầu đảnh lễ tôi. Tôi cũng cúi đầu đáp lễ lại. Vị Lạt Ma đó chính là Thầy Chökyl Chogyam, một Trưởng lão trong bổn môn. Thầy Chogyam giới thiệu tôi với thầy Vô Tức, tôi là Cư sĩ giáo thọ về Hơi Thở và gửi gắm thầy Vô Tức cho tôi chỉ dạy về kỹ thuật hơi thở của bổn môn.

Khóa học về Bí Mật Hơi Thở kéo dài 3 ngày. Điều hữu duyên là trong 245 vị theo dự khóa có cả thầy Huyền Trường. Ngày thứ nhất dự khán về Hơi Thở có đủ 245 vị. Sang ngày thứ 2 còn có 80 vị, đến ngày thứ 3 chỉ còn 23 vị. Điều may mắn của tôi là cả hai thầy Huyền Trường và Vô Tức còn trụ nổi đến hết ngày thứ 3.

Từ đó cứ đến độ trăng tròn mùa Thu là cả hai Thầy đều từ Bắc Ấn sang Am Đường của bổn môn ở Đức để học thêm về hơi thở.

3
Đón các Thầy về Am Đường, mặt tôi lúc nào cũng như quàu quạu. Lúc về đến Am Đường, thấy hai Thầy tranh nhau đem trà ra pha để vấn an tôi. Thầy này bảo, Sư Phụ của Đệ nói Thầy mình thích uống trà này vào buổi chiều, Huynh để đệ pha cho Thầy mình uống. Thầy kia bảo, không, Sư Phụ của Huynh bảo, Thầy mình thích nhất là thứ trà này, Đệ để Huynh pha cho Thầy mình uống trước.

Thấy hai vị Môn Đồ bất đắc dĩ của tôi tranh nhau pha trà, tôi bật cười khùng khục nói, Quí Thầy cứ trộn hai thứ chung lại mà pha, bình thì của thầy Huyền, chén thì dùng của thầy Vô, đằng nào trà cũng chát ngắt mà…hì hì hì..trà nào thì giờ Con uống cũng đâu có vô.

Nói là nói vậy thôi, chứ nghe hai vị ấy, cứ một là Thầy mình, hai là Thầy mình, tôi sướng râm ran cả tâm can. Vốn hay ưa nịnh, nên uống trà xong, tôi trút hết sở học của mình mà chia sẻ với họ

Khi họ về, tôi lại đưa họ ra sân bay. Lòng cũng chạnh buồn, uớc chi tôi có đệ tử truyền thừa chuyên tâm và thấu nghiệm được Hơi Thở giống họ.

Lúc sắp vào trong phòng chờ bay. Tôi đảnh lễ và ra ý chỉ: “niệm nào vừa sinh thì bắt nhốt niệm đó vào đầu hơi thở mà kéo dài niệm ra thành, tam đoạn, ngũ đoạn, vô tức đoạn theo nhịp của trường tức, kết niệm ở hơi thở ra, không ở mũi, không ở da, không ở đan điền, hơi thở kết ở vô sở trú, thì lúc đó tâm mới trống rỗng không còn cả Huyền Âm cũng không còn cả Huyền Quang, đến và đi trong vô thủy vô chung…”

Tôi điểm công xong, thì cũng là lúc tôi thấy thần thái của họ thật khác lạ, tôi có cảm tưởng như hai đóa liên hoa đang nở rộ giữa phi trường.

Tôi lại không vui mà chạnh buồn, lòng thầm nghĩ, nếu tôi có được vài ba tháng nhập thất, nếu đệ tử của tôi không bận bịu chuyện cơm áo, nếu họ có thời gian tịnh tu như quí vị thì đâu có thua kém gì quí vị đâu.

Tiếng thở dài của tôi nương bám theo bàn tay vẫy. Thôi thấy họ nhíu động nhãn quang, hình như họ muốn chia sẻ nỗi trắc ẩn của tôi thì phải….

27.09.16
QN Thuận Nghĩa

SHARE