Home Ký sự Chuyện Đời MA BÀ LƠI…“(ChuyệN ĐờI)

MA BÀ LƠI…“(ChuyệN ĐờI)

2065
0

(Hôm nay 14 Âm lịch, nhằm ngày lẽ Vu Lan, gặp lại Thảo. Nó vẫn vậy như 3 năm về trước trong câu chuyện đời mình viết về vợ chồng nó. Chuyện này hơi dài lê thê nhưng vẫn muốn post lại cho những người có chung kỹ niệm, nhớ về một thời quen nhau)

MA BÀ LƠI…“(ChuyệN ĐờI)

Chủ nhật tuần trước, (19/05/2013), nhằm ngày mồng 10 tháng tư, âm lịch. Chùa Hamburg tổ chức lễ Phật Đản.

Phật Giáo ở Đức khác mọi nơi trên Thế Giới là tổ chức trai đàn và các ngày lễ hội, khánh, tiết…không vào ngày chính thức như lịch định, mà tổ chức vào các ngày cuối tuần, và các Chùa khác nhau, cũng tổ chức vào các cuối tuần khác nhau. Ví dụ, thứ bảy, chủ nhật tuần trước nữa, Chùa Hannover đã tổ chứ lễ Phật Đản, thứ bảy, chủ nhật tuần rồi, thì chùa Hamburg, tuần này thì Chùa Berlin, tuần sau là Chùa Frankfurt….v..v…Người ta làm vậy, để tụ hội Phật Tử, và các đà na thí chủ thập phương về dự lễ được tập trung, cho có phần đông đúc.

Tôi có người bạn cũ hồi ở trại Tỵ Nạn, sau này xuất gia, nay đã là Thượng Tọa. Thấy Thầy cứ triền miên phải đi làm Pháp Sự ở các trai đàn của các Chùa Chiền, Tịnh Đường..trong các mùa lễ tiết quanh năm, tôi có hỏi, bạch Thầy, dăm bảy tuần lễ hội Phật Đản như vậy là đến mùa lễ hội Vu Lan, rồi dăm bảy tuần lễ hội Vu Lan thì đến mùa lễ hội Nguyên Đán, vậy thì Thầy còn thời gian đâu nữa mà tịnh tu, mà kiết hạ trai đàn nữa, thưa Thầy…Thượng Tọa, mỉm cười nói, nước Đức thực sự là một cái chợ, khó nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu Chùa.. mình tu chợ thế này là cao rồi đấy chứ. Tôi gật gật thì thầm với chính mình, ồ ồ..hóa ra tu chợ là vậy….

Lại nói, tuần rồi, chùa Hamburg làm lễ Phật Đản, có Quí Thầy từ chùa Huế bên Pháp sang tham gia làm Pháp Sự. Thứ bảy làm lễ chính thức, và chủ nhật thì làm lễ phóng sanh. Nghe nói, năm nay làm lễ phóng sanh lớn, chuẩn bị cả gần chục ngàn con cá nước ngọt, để cho Phật Tử thả xuống dòng suối sau Chùa.

Vì bận việc theo lịch hẹn, nên năm nay tôi không tham gia được lễ Chùa. Nhưng đến cuối ngày chủ nhật tôi cũng cố tới được đến Chùa để dâng hương trong mùa Đản Sinh. Tôi đến lúc xế chiều, lễ hội đã tan, nên Chùa không còn ai, vắng lặng như thường lệ. Sau khi dâng hương trên chánh điện xong thì tôi mon men đến dòng suối sau Chùa, cố vớt vát tý công đức rơi vãi của lễ phóng sanh đình đám.

Ngồi miên man nghĩ về mấy ngàn con cá con nhỏ như đầu đũa, om nuôi từ trong bể kín nước ngọt, được mua về để phóng sinh vào dòng suối, liệu có còn được mấy con sống sót trong môi trường nước lợ hoag dã này. Một phần vì mối thương cảm với những sinh linh nhỏ bé, bị làm vật tế đàn cho việc gieo duyên lòng nhân từ vào thời mạt pháp, tràn dâng trong tôi. Một phần vì sự thu hút như bùa mê của các dòng suối đối với tôi, nên tôi thõng cả chân giày xuống nước như chuẩn bị lội xuống. Vừa lức đó thì có tiếng thất thanh la lên, …này..này, chú kia làm gì đó, dừng lại ngay, đừng có làm chuyện dại dột…

Tôi chưa kịp định thần xem có chuyện gì xày ra, thì đã thấy một phụ nữ đứng tuổi ào tới, túm lấy áo tôi kéo trượt lên bậc thềm của bến nước. Biết người ta hiểu nhầm, nên tôi bình thản quay lại ôn tồn trấn an họ. Chưa kịp nói lời trấn an với người phụ nữ đang ôm ngực thở hổn hà hổn hển này, thi tôi nhận ra Thảo, một người quen cũ. Tôi cười hề hề nói, ây Thảo, mi nghĩ tau tự tử hả Thảo.

Thảo cũng nhận ra tôi, càu nhàu, cái ông trời đánh này, làm tui tưởng có người đang có ý làm chuyện dại dột. Tôi hỏi lại, nếu tau cũng có ý dại dột thì sao. Thảo nhăn mặt, cục lựu đạn rét nhà ông mà tự tử thì có mà tận thế à. Tôi khùng khục, mi chỉ được cái nói đúng.

…Tôi quen vợ chồng Luân Thảo vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Có thể nói đó là thuở hàn vi của tôi.

Hồi đó tôi lâm cảnh gà trống nuôi con. Vì hoàn cảnh đặc biệt, mẹ thằng nhóc nhà tôi đi lấy chồng, lúc thằng nhóc mới tròn 11 tháng. Nhờ lúc đó tôi đã rời trại tỵ nạn và đã đi làm, có bảng lương, có nhà ở, nên nhận được quyền nuôi dưỡng.

Vào thời kỳ đó, vì nhu cầu của công việc, và cũng vì nhu cầu quyền cư trú, tôi đã theo học nghề Y, đầu tiên là học hệ chính qui, nghề trợ lý bác sĩ. Vừa phải đi làm, vừa đi học, tối lại phải chạy thêm Job rửa bát trong các nhà hàng, nên không có thời gian chăm sóc con. Vì vậy tôi phải đưa nó đi gửi ở một nhà người Việt ở tận Usla, cách thành phố tôi ở hơn hai chục cây số. Tối chủ nhật đưa con đi. Nó ở đó gần cả tuần, tối thứ sáu lại đón về. Cha con chỉ gặp nhau vào dịp cuối tuần.

Một hôm vì bận công việc đột xuất, tôi đến đón thằng nhóc muộn. Lúc về, thì hết xe bus về lại Göttingen. Lúc này chỉ còn có tàu làng đang chạy mà thôi. Mà từ trung tâm phố đến nơi có bến tàu phải xa đến bốn năm cây số gì đó. Tôi ôm thằng nhóc ngồi nghĩ ngợi tính toán trong bến bus. Thỉnh thoảng lại móc bóp ra, đếm đếm rồi lại đút bóp vào thở dài. Thằng nhóc, cứ dục hoài, mình về đi Papa…

Tôi lấy hai tay ôm má thằng nhóc, trừng mắt hỏi, con có phải đàn ông không. Thằng nhóc thò tay xuống dưới bóp bóp rồi bảo, dạ phải. Thế thì con có đi bộ được không. Dạ được, nhưng mình đi đâu hả Papa. Mình đi bộ ra bến tàu. Nhưng vì sao mình không đi xe hả Papa. Tôi móc bóp chìa cho nó xem, mình chỉ còn chừng này tiền, chỉ đủ để tuần sau nộp tiền giữ trẻ cho con thôi, nên không đủ tiền đi taxi con ạ. Thằng nhóc, lấy cái túi ba lô con cóc trên vai nó xuống, móc móc một hồi rồi đưa ra năm đồng loại 5 DM chìa ra bảo, con có tiền đây này, mình đi xe đi Papa.

Tôi nhìn năm đồng tiền 5 DM trong tay thằng nhỏ, không mừng mà giận. Tôi trừng mắt hỏi nó, tiền đâu con có. Nó không trả lời. Tôi gạn hỏi mãi, nó vẫn lặng thinh. Bực quá, tôi phát vào đít nó mấy cái, hỏi, nó cúi gằm mặt, bặm môi, không khóc cũng không trả lời. Buồn quá tôi, túm vai nó, nhìn vào mắt nó, mắt tôi rơm rớm nước mắt, con à, dù có đói chết cũng không được lấy cắp đồ của ai nghe chưa, Ba đã dặn con bao nhiêu lần rồi.

Thằng nhỏ thấy nước mắt tôi lăn dài trên má, nó òa khóc lên nức nở, rồi cầm tay tôi kéo đi. Nó dẫn tôi đến quảng trường trong phố. Khi tới gần một xe immbis bán đồ ăn nhanh của hai vợ chống người Việt Nam, nó chạy đến ôm lấy chân người phụ nữ đang dọn bàn ghế gần xe immbis, khóc nấc lên bảo, cô ơi, không phải con không nghe lời dặn của cô, mà vì Papa khóc, nên con phải nói.

Người phụ nữ bán thức ăn nhanh ấy, cúi xuống ôm lấy thằng nhỏ vào lòng vỗ về nó, nước mắt cũng lưng tròng cô ta ngước mắt nhìn tôi cáu gắt, ơ hay, cái ông này làm gì thế, có chuyện gì đâu mà ông bắt nạt thằng bé thế, suốt cả tuần biến đâu mắt mặt, mới gặp con có tý xíu đã hất hủi nó thế này rồi à.

Tôi ngậm tăm nhìn hai cô cháu nó một hồi rồi chìa mấy đồng 5 DM ra hỏi, chị cho nó tiền đó à, trẻ con đừng cho chúng tiếp xúc với tiền sớm quá, dễ hư hỏng lắm.

Người phụ nữ đó chính là Thảo. Thảo nói, chuyện bé tý như con kiến ấy, có gì đâu mà anh làm to chuyện lên thế, thấy thằng bé dễ thương, suốt ngày chạy nhảy đùa giỡn giữa quảng trường, thỉnh thoảng chạy đến chào cô, chào chú ạ, rồi nhìn vào chảo mì xào nuốt nước miếng, hỏi ăn không cô cho, nó bảo, cháu thích ăn lắm, nhưng Papa dặn không được ăn đồ của người khác, nói xong nuốt nước miếng cái ực, miệng là lá la hát, nhảy cò cò ra ngoài quảng trường, chồng em thấy vậy thương quá, dụ mãi mới cho được nó mấy hào lẻ, bảo, con thích ăn kem hay gì đó lấy tiền mà mua, nhưng đừng nói cho Papa biết là cô chú cho nhé, có lẽ vì tụi em dặn thế nên nó không dám nói với anh đó thôi, tội nghiệp, mà nó có gì đâu chứ, tiền vẫn còn y nguyên đây này, có gì mà anh mắng nó.

Tôi tiến lại, kéo thằng nhỏ vào lòng, vuốt ve an ủi nó, thôi Papa xin lỗi con nhé, con giữ chữ tín vậy là được, nhưng lần sau con không được nhận tiền của người khác nữa nhé. Thằng bé gật đầu. Hôm đó tôi ở lại làm quen với vợ chồng Thảo và Luân.

Vợ chồng Thảo Luân không phải người tỵ nạn, mà là dân xuất khẩu lao động hồi DDR cũ, khi nước Đức thống nhất, họ tràn sang phía Tây làm ăn.

Thời ấy, rất hiếm cặp vợ chồng nào hạnh phúc đề huề như vợ chông Thảo Luân. Họ quen nhau từ thời mới sang DDR lao động, gắn bó với nhau chừng ấy năm cho đến giờ, không hề rời nhau nữa bước. Họ có hai đứa con gái. Dù bận việc làm ăn đến đâu, nhưng họ luôn luôn thay nhau, dành cho con cái sự chăm sóc rất chu đáo và tử tế.

Sự đầm ấm hạnh phúc của gia đình họ, cùng với trà ngon của thằng Luân là dân Lạng Sơn chính gốc, đã giữ tôi lại bên họ trong hầu hết những chiều thứ Sáu hàng tuần khi tôi xuống Usla đón con. Cho đến khi thằng nhóc đủ lớn để vào lớp 1, dù không còn gửi con dưới ấy, nhưng thỉnh thoảng cuối tuần tôi vẫn đưa con đến chơi với họ như chỗ thâm giao.

Hai vợ chồng Luân Thảo, là dân làm ăn, nhưng chân tình và thật thà. Được cả hai vợ, đều đôn hậu và hiếu khách. Có lần Thảo hỏi tôi, anh bận việc tối ngày, không ai lo việc ăn uống cho, khi nào thèm ăn cái gì, nói để tụi em làm cho. Tôi nhìn hai khuôn mặt phúc hậu của vợ chồng họ, buột miệng nói, thèm ăn bánh đúc.

Vậy mà cuối tuần sau tôi đến thăm họ, có bánh đúc ăn thật. Thảo còn nói, tụi em chưa nấu bánh đúc bao giờ, anh Luân gọi điện thoại về nhà hỏi khắp nơi, trầm trật mãi mới nấu được một mẻ thành công dành cho anh đấy. Lần đó tôi bị ăn một trận bánh đúc đến rợn người, đến giờ nhắc đến bánh đúc còn rùng mình..he he he…

Khi tôi rời khỏi Göttingen, di dời về vùng Ruhrgebiet, thì ít còn liên lạc với nhau. Cho đến khi, cách đây 4 năm, khi đã về định cư ở Hamburg từ lâu, thì nghe tin thằng Luân về Việt Nam cưới vợ bé, bỏ bê mẹ con Thảo ở bên này. Tôi không tin chuyện này, vì thằng Luân không phải là tạng người trăng gió, bỏ bê gia đình.

Tôi phóng xe xuống Usla, hỏi cho ra nhẽ. Ai ngờ, Thảo cũng công nhận điều đó, và bảo Luân đã lấy vợ khác và đã hồi hương về Việt Nam làm ăn rồi. Tôi hỏi, vậy nó có lấy tiền bạc gì đi theo không. Thảo bảo, hồi trước, có dành dụm được ít tiền, bọn em đem về mua được mảnh đất nho nhỏ ở Sơn Tây. Ảnh về không lấy theo cái gì, vẫn để lại hàng quán, xe cộ, tiền tiết kiệm và nhà cửa lại cho mẹ con em, chỉ xin mảnh đất đã mua làm vốn sinh nhai thôi. Năm trước, Sơn Tây hợp nhất với Hà Nội, đất lên giá vùn vụt, bạn bè ai cũng bảo anh Luân trúng đậm, khuyên em nên về lấy lại một ít, đừng để nó lấy tiền bao gái, em vẫn chần chừ chưa đi, theo anh thì em có nên làm vậy không.

Tôi sưng sỉa, bố khỉ cái thằng khốn nạn, trước đây nhìn hắn suốt ngày cung cúc bên vợ con, không thể ngờ, có ngày sinh ra đổ đốn như vậy, về chuyện tranh chấp tài sản, anh không có ý kiến, nhưng nó vì chuyện gì thì không sao, nhưng vì chuyện gái gú, thì em cứ thẳng thừng mà làm cho phải đạo.

Thảo nói, thoạt đầu em cũng định làm theo lời mọi người khuyên, nhưng cuối cùng nghĩ lại, khi tình nghĩa đã hết, gặp lại tranh chấp những thứ phù du làm gì, chỉ tiếc những ngày vợ chồng đồng cam cộng khổ, khuya sớm có nhau, vậy mà anh ấy, đột nhiên trong phút chốc phủi bỏ tất cả, kể cả tình cha con, có lẽ, sự trừng phạt lớn nhất với anh ấy là sự coi thường và oán hận của hai đứa con. Vậy là đủ rồi.

Kể từ buổi nói chuyện hôm đó, tôi và Thảo không gặp lại nhau. Cho đến hôm chủ nhật tuần rồi mới gặp lại cô ấy.

Thảo trong lạ lắm. Khuôn mặt vẫn tròn trịa phúc hậu như xưa. Cho dù tóc đã điểm bạc, nhưng không phải vì việc đó mà nói Thảo khác đi nhiều. Thảo vẫn nhẹ nhẹ, lành lành như trước, nhưng thần sắc có gì đó không còn vẻ đậm đà đảm đang nữa. Mà có gì đó, nửa như buông xuôi, nửa như trầm mặc siêu thoát vậy.

Tôi ngồi xuống cùng Thảo bên thềm bến nước sau Chùa, ân cần hỏi, chuyện của em thế nào rồi, có tin gì của thằng Luân không.

Thảo im lặng, hai tay chấp trước ngực, đôi mắt xa xăm nhìn vào khoảng trời vô định trước mặt. Hình như Thảo đang nguyện cầu hay khấn vái một điều gì đó.

Hồi lâu, Thảo quay sang tôi nói, anh Luân hả, anh vẫn ở đây mà anh. Tôi hỏi giật, nó trở lại Đức rồi hả, bọn em quay lại với nhau rồi hả. Thảo vô hồn nói, dạ vâng, mà bọn em có bỏ nhau bao giờ đâu mà quay lại. Nói xong như không thể nào kìm nén lại được nữa, Thảo òa khóc nức nở.

Khóc xong Thảo kể, không phải Thảo muốn tìm lại Luân để tranh chấp tài sản, mà vì Thảo muốn gặp lại Luân để Luân ký tên vào tờ khai thủ tục nhận lại tiền tiết kiệm mà Luân đứng tên. Tiền tiết kiệm này đóng hàng tháng theo kiểu tiết kiệm đầu tư, từ khi con út của họ mới 1 tuổi cho đến khi 18 tuổi. Bấy giờ đã đáo hạn truy lĩnh. Nên cần có chứng nhận ủy thác của Luân, mới làm được thủ tục truy nhận.

Thảo kể, khi về Lạng Sơn tìm Luân, thì không một ai biết Luân ở đâu. Họ hàng bà con của Luân cũng không hề biết Luân đi đâu. Thảo hỏi dò, biết được Luân chỉ còn một người anh trai, lập nghiệp ở Hà Nội. Tìm đến gia đình anh trai Luân hỏi, họ cũng trả lời không biết Luân ở đâu. Thảo định bỏ đi, bởi nghĩ rằng chắc họ tưởng mình về tranh chấp chuyện cũ, nên muốn bảo vệ thân nhân của em út họ. Nhưng mỗi lần Thảo gạn hỏi anh trai Luân về Luân, thì thấy chị dâu Luân cứ ôm ngực nghẹn ngào chực khóc. Linh tính mách bảo có điều gì đó bất ổn, nên Thảo ở lại Hà Nội thêm vài ngày nữa. Biết được Thảo vẫn chưa lập lại gia đình khác, ở vậy nuôi hai đứa nhỏ khôn lớn nên người. Anh trai Luân cầm lòng không được. Một buổi sáng, sau khi quần áo chỉnh tề, anh trai Luân bảo Thảo, cô theo tôi, tôi chỉ chỗ thằng Luân ở cho cô.

Nơi anh trai Luân đưa Thảo đến là một nghĩa địa trên Sơn Tây. Đến trước một ngôi mộ, anh trai Luân cúi xuống vái mà nói, không phải tại anh không giữ được lời hứa với chú, nhưng thấy em dâu thế này, anh không thể nào cam tâm giấu cô ấy được, thôi thì chú sống khôn, thác thiêng, chú bỏ qua cho anh, anh không thể nào làm tròn được lời hứa với chú được…

Nghe Thảo kể xong chuyện, tôi trầm ngâm, nhưng mà vì sao mà thằng Luân chết.

Thảo không trả lời, thò tay vào cổ kéo lên một cái túi gấm đeo trước ngực. Thảo lấy trong túi gấm ra một bức thư ố màu đưa cho tôi đọc. ) Đó là thư của thằng Luân gửi cho anh trai của nó, trong thư có đoạn viết

„..Bác Cả, bệnh tình em đã hết phương cứu chữa rồi, em biết được điều này từ hồi ở bên Đức lận, về quê chữa chạy bằng thuốc lá cỏ cũng chỉ là cầu may. Sống chết có số rồi, nhưng em không thể nào tưởng tượng ra được cảnh mình phải giã từ những người mà em hằng yêu thương như thế nào cả, nỗi đau của người ra đi, rồi sẽ chấm dứt khi hơi thở ngừng, nhưng nỗi đau thương của những người ở lại thì dai dẳng suốt cả đời. Em lấy tiếng về quê chữa bệnh, thức ra là chạy trốn họ, những người mà suốt đời em hết mực thương yêu. Em làm cho họ ghét bỏ, thù hận, khinh bỉ em, cũng để họ dễ chịu hơn khi phải gánh chịu nỗi đau mất mát mà họ không thể ngờ tới. Một người chịu đau đớn trong chốc lát, còn hơn để cả nhà phải chịu khổ lụy suốt cả năm tháng còn lại …Mảnh đất hồi vợ chồng em mua, nay bán được giá, em đã bán đi mua được một ít vàng, em gửi anh để dành lại đó, khi nào các cháu con em khôn lớn, lập gia thất, thì nhờ anh đưa lại cho các cháu làm của hồi môn. Chuyện của em xin anh giữ kín dùm em, đừng cho vợ con biết sớm mà họ đau khổ. Mai này thời gian nguôi ngoai, các cháu đã trưởng thành, gặp lại các cháu và Thảo, nhờ anh chuyển lời, là em yêu thương họ khôn nguôi đến hơi thở cuối cùng…“

Đọc đến đó cổ họng tôi như tắc nghẹn lại, và không biết tại sao cứ ngắc ngứ thốt ra những từ vô nghĩa „Ta bà ha, Ma bà lơi…“.

Bên cạnh Thảo cũng im lặng, chắp tay trước ngực, khấn nguyện điều gì đó. Khi trở lại thực tại, tôi hỏi, rồi sau đó thì sao. Thảo nói, thì làm sao nữa, em và con em đau đớn đến tột cùng. Bọn em không thể nào nhận lại số vàng mà anh Luân để lại, nó chỉ gợi lại cho tụi em nỗi đau của sự mất mát mà thôi. Em đã đem số vàng đó, gửi lại một thầy lang trên Hà Giang, người có những toa thuốc bí truyền chữa trị bệnh ung thư vòm họng, hy vọng thầy sẽ dành số tiền đó trong việc tìm cây thuốc cứu trị được những người bị bệnh xấu số như anh Luân. Thảo còn nói, kể từ ngày đó, Thảo qui y Tam Bảo, và lúc nào có lễ hội gì, ở bất cứ Chùa nào trên nước Đức, Thảo cũng theo đến sám hối và ăn mày cửa Phật

Lúc chia tay Thảo, nghe Thảo nói, tuần rồi theo lễ Phật Đản dưới chùa Hannover, tuần này Chùa Hamburg, tuần sau Berlin, tuần sau nữa Frankfurt. Tôi cúi đầu trước Thảo muốn nói một điều gì đó nhưng cổ họng cứ ngắc ngứ một câu hầu như vô nghĩa ấy: „Ta bà ha, Ma bà lơi…“

Cho đến hôm nay đã qua khỏi tuần trăng tròn mùa Đản Sinh mà tôi cũng thể nào lý giải được, tôi học được câu ấy từ chỗ nào, và tại sao cổ họng tôi lại cứ ngắc ngứ phát ra một cách vô thức khi đọc bức thư của Luân và nghe chuyện của Thảo.

26.05.13

Thuận Nghĩa

SHARE