…Để thay lời khai mạc, chào mừng cuộc huân tập “Khí công Trung đẳng lần 2” của Khí công “Truyền nhân của Hơi thở” toàn Thế giới do TN-DSĐ tổ chức vào ngày 26, 27 tháng 12. Tôi sẽ thay mặt toàn anh chị em trong BT.C của các Phân đường trên khắp các vùng, miền… biểu diễn bài “hát/hét/rống…” bản “Lục tự Khí công ca” này.

Và lời khai mạc bằng bản “Lục tự Khí công ca” này sẽ được phát công khai trên công cụ “Phát trực tiếp” của Facebook: Thuannghia Le vào lúc 8 giờ 00 ngày 26.12 (Theo múi giờ Việt Nam, giờ châu Âu là 2 giờ sáng ngày 26.12).

…..

“LỤC TỰ KHÍ CÔNG CA” (Bài ca về Lục Tự Quyết”.

“Lục tự khí công” là đệ tứ (xếp hàng thứ 4) trong “Ngũ tuyệt đại Khí công”. Bao gồm:

– Đệ nhất: “Dịch cân kinh”. (Thiền tông Phật gia)

– Đệ nhị : “Bát đoạn cẩm”. (Khí công Phật gia)

– Đệ tam: “Ngũ cầm hí”. (Đạo gia)

– Đệ tứ: “Lục tự khí công”. (Y gia)

– Đện ngũ: “Ngũ hành khí công”. (Y gia)

Ngày nay có hàng nhiều ngàn môn Khí công đang được lưu hành, phổ cập, tập luyện trên thế giới. Nhưng riêng 5 môn được liệt vào hàng “Kim cổ tuyệt đại khí công” nói trên là được giới Hành giả Khí công cả Tây và Đông cũng như Khoa học thực nghiệm đánh giá cao tính diệu dụng, tính phổ cập và hiệu quả vô đối của nó với số đông cộng đồng trong nghệ thuật dưỡng sinh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. (Hiện nay Trung Quốc đã đề nghị Unesco chấp nhận 3 môn, bao gồm “Thái cực quyền”, “Bát đoạn cẩm” và “Lục tự Khí công” là tài sản “Văn hóa phi vật chất” của nhân loại).

Riêng đối Y thuật Cổ truyền Á đông thì “Lục tự khí công” (Hay còn gọi là Lục tự quyết) chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong nghệ thuật Dưỡng Sinh.

Trong trước tác của các danh y như Hoa Đà, Biển Thước, Lưu Bá Ôn, Trương Trọng Cảnh… cũng đều nhắc đến “Lục tự khí công” như một “Thần dược” cho việc tích lũy Khí lực, bồi bổ chính khí, và cân bằng cũng như điều tiết sự hoạt động thống nhất của “Lục phủ nhủ tạng”. Ở Việt Nam, trong pho Y thư kinh điển “Hải Thượng Lãn Ông Y tâm lĩnh”. Danh Y Lê Hữu Trác đã dành một chương dài nói về “Lục tự khí công” đối với nghệ thuật “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Và chính tôi cũng đã có hàng ngàn trang viết, hàng chục Video clip, diễn giải và phổ cập môn Khí công vô đối này của Y gia rồi. (Các bạn gõ vào thanh công cụ tìm kiếm của Google từ khóa “Ngũ hành khí công”, thì sẽ thấy hiễn thị hàng ngàn bài viết về môn Khí công này).

“Lục tự Khí công” vốn là một môn “Tĩnh Công”, dùng chấn động của Dao động âm thanh tương tác vào lập trình chức năng hoạt động của Lục phủ ngũ tạng đã bị rối loạn, và sai lệch. Tương tác chấn động “nội âm” này ngoài tác dụng rung động vật lý như massage nội tạng mà còn có tác dụng kích thích sự hoạt động tích cực của các trung tâm năng lượng, kích hoạt và điều phối hoạt động các trung tâm nội tiết, tương tác, kích hoạt sự linh hoạt, nhạy bén của các khớp nối nơ ron thần kinh..v..v…

Ngày nay Khoa học đã chứng minh được tác dụng vi diệu của Dao động Âm thanh trong nghệ thuật chữa lành, và đã đưa vào trong rất nhiều lĩnh vực trị liệu của Y học.

Đặc biệt trong cuộc chạy đua về vũ trang. Các nước phương Tây, đã đầu tư nghiên cứu và sản xuất nhiều loại vũ khí hủy diệt hàng loạt bằng các loại sóng Âm cao tần.

Tàn phá, hủy diệt, đập nát… thì nhanh và dễ dàng, nhưng khôi phục, bồi đắp, xây dựng lại và bảo tồn…thì khó khăn và lâu hơn rất nhiều. Chính vì vậy mà những chấn động Âm thanh vi tế, có mục đích khôi phục, bảo vệ, bồi đắp… của “Lục tự Khí công” lại ít được nhiều người biết và chấp nhận làm công pháp chữa lành.

Muốn cho “Lục tự Khí công” được cộng đồng xã hội hiện đại thừa nhận, không phải là việc đi chứng minh tác dụng hiển nhiên của nó, mà phải làm cho nó trở thành một môn luyện tập dễ dàng, hấp dẫn, và gần gũi với đời sống xô bồ hiện đại. Đó cũng là trách nhiệm của các bậc Đại sư và Hành giả Khí công Y gia của thời nay.

Trong các bài tập đơn giản mang tính phổ cập cộng đồng mà tôi đã chia sẻ bằng hình thức trực tuyến vào các ngày 21, 23, 24 tháng 12 năm nay, (Là các bài tập quản lý huyết áp và nhịp tim, phòng chống nguy cơ đột quị cho người có bệnh nền về “tim mạch” và bị hội chứng mất ngủ). Tác dụng kỳ diệu, và kết quả nhanh chóng của các bài tập này chủ yếu là dựa vào sự khai thông hai mạch Nhâm- Đốc thông qua sự vận động tương ứng của các cách phát âm các “Tự Quyết” của “Lục Tự Khí Công”. Đó là các tự quyết “SUY”, “HƯ” và “HU” trong 6 tự quyết “Hư- Ha- Hô- Hi- Suy- Hu” của “Lục tự Khí công” (LTKC).

“LTKC” là một môn Khí công thuộc vào phạm trù “Tĩnh”. Tác dụng của nó là nhờ vào những chấn động “Nội âm” (Âm thanh chấn động bên trong- Không nghe được bằng tai thường), thông qua khẩu hình phát “Ngoại âm” (Âm thanh vang ra bên ngoài, tai người bình thường nghe được).

Việc tập luyện chấn động “Nội âm” khá phức tạp qua hình thức “Tĩnh công” (Gần như kiểu trì chú- Tantra), cộng với việc tập luyện “Ngoại âm” rất ồn ào, phiền phức và gây “bất ổn” cho những người xung quanh. Cho nên việc phổ cập tập luyện môn Khí công dưỡng sinh diệu dụng này gặp khá nhiều khó khăn. (Ngay cả những “đệ tử ruột” cũng khá khó khăn trong việc lôi kéo họ tập luyện rốt ráo môn công phu này- Đừng nói chi “người ngoài”).

Đã từng trì luyện “Lục tự Khí công” hàng chục năm nay, cho dù biết rõ về tác dụng phi thường trong việc bảo vệ sức khỏe của môn công phu này, nhưng tôi cũng khá dè dặt trong việc truyền dạy theo hướng chuyên sâu về LTKC.

Để dễ tiếp nhận, dễ phổ cập, và có sức lôi cuốn, gây hứng thú cho học viên và môn đồ, chúng tôi phải “đơn giản hóa”, “động công hóa” và còn “nghệ thuật hóa”, “âm nhạc hóa” LTKC để cho dễ dàng tiếp cận với cộng đồng người yêu thích Sức khỏe.

Và “Lục tự Khí công Ca” là một “bài hát” tôi viết ra trên nền tảng khẩu hình “ngoại âm” của “Lục tự quyết”. Viết riêng cho nhạc cụ Handpan, một loại nhạc cụ mới phát mình sau này, mang đầy đủ các loại âm sắc phong phú của bộ gõ, như cồng, chiêng, trống…và cả của bộ hơi và bộ dây nữa (Nó được mệnh danh là loại nhạc cụ hàm chứa Âm thanh của toàn Vũ trụ).

“Lục tự khí công ca” viết ra cho lời hát (Khẩu hình “ngoại âm”), có các quảng âm từ thấp lên cao của nhiều thang âm (Oktove) khác nhau.

Một quảng âm bao gồm có 6 nốt theo thứ tự của vòng “Lục tự quyết”: HƯ- HA- HÔ- HI- SUY- HU. Và sự biến thiên của tiết tấu cũng theo thứ tự thang âm từ: Cực thấp- Rất thấp- Thấp- Trung bình- Cao- Rất cao- Cực cao”. Có nghĩa là cao độ của “Lục tự Khí công Ca” phải được phát ra âm lượng tròn vành, rõ chữ qua 7 quảng âm khác nhau. (Mỗi quảng âm cách nhau 7 nốt, gọi nôm na là quảng 7, có nghĩa từ Hư/ Ha/Hô/Hi/Suy/Hu/Hư là 7 nốt, và phải trải qua 7 nốt đó cho 7 quảng âm cao- thấp khác nhau.)

Đối với người mới tập “hát/ hét/ rống…” “Lục tự Khí công Ca”, thì chỉ yêu cầu “rống” qua được 3 quảng 7 là được rồi (quảng 7 Thấp/ quảng 7 Trung bình/ quảng 7 cao).

…Để thay lời khai mạc, chào mừng cuộc huân tập “Khí công Trung đẳng lần 2” của Khí công “Truyền nhân của Hơi thở” toàn Thế giới do TN-DSĐ tổ chức vào ngày 26, 27 tháng 12. Tôi sẽ thay mặt toàn anh chị em trong BT.C của các Phân đường trên khắp các vùng, miền… biểu diễn bài “hát/hét/rống…” bản “Lục tự Khí công ca” này.

Và lời khai mạc bằng bản “Lục tự Khí công ca” này sẽ được phát công khai trên công cụ “Phát trực tiếp” của Facebook: Thuannghia Le vào lúc 8 giờ 00 ngày 26.12 (Theo múi giờ Việt Nam, giờ châu Âu là 2 giờ sáng ngày 26.12).

(Lưu ý: “Lục Tự Khí Công” tầng trung đẳng nâng cao cũng là một phần trong nội dung cuộc tập huấn lần này- Các học viên tham gia tập huấn lưu ý).

15.12.20

Thuận Nghĩa

SHARE