Home Ký sự Lấy Ngắn Nuôi Dài

Lấy Ngắn Nuôi Dài

1315
0

Năm  1979 tôi theo Thầy lên vùng Thanh Chương Đô Lương thuộc Nghê An để sưu tầm những cây thuốc Nam có trong ghi trong cuốn Thanh Long Dược Thảo Kỳ Phương. Ông  Tổ của Thanh Long phái vốn xuất thân từ huyện Hương Sơn nên trong trước tác để lại có ghi rất nhiều loại cây thuốc có ở vùng Thanh-Nghệ. Vì vậy khi Thầy tôi lánh nạn ra Vinh coi như cũng là một cơ duyên để Thầy trò tôi có dịp ngao du sơn thủy vùng đất nổi tiếng là Linh Địa của nước Nam để tập kết lại những vị thuốc có ghi trong y thư.

Khi đi đến xã Võ Liệt thuộc huyện Thanh Chương gặp trời dông bão. Thầy trò tôi xin vào tá túc trong nhà một người thợ rèn. Người thợ rèn này vốn là một nghệ nhân ngành kim khí. Đặc biệt là môn gò đồng. Trong nhà ông trưng bày rất nhiều tác phẩm nghệ thuật do chính tay ông  làm ra từ nguyên liệu đồng. Những con thú như long phụng hạc hổ chim muông v..v.. được Ông gò thúc từ những ống đồng to như ngón tay mà thành. Có nghĩa là từ một khúc ống đồng cở như ngón tay ông có thể gò thúc dàn mỏng ra và tạo dáng thành các loại hình thú và chim muông cực kỳ tinh xảo. Ngoài ra những lọ hoa và những vật dụng trang trí khác được Ông gò từ những vỏ đạn đồng có những hoa văn và hình trang trí chạm nổi hết sức tinh vi và nghệ thuật. Trong số sản phẩm ấy có một cặp đèn dầu hình quả đào tiên  tuyệt đẹp. Thấy tôi cứ mê mẫn ngắm nhìn mãi cặp đèn đó ông cho biết là cả cái thân đèn uốn lượn như quả đào ấy được gò thúc từ một miếng đồng phẳng như bàn tay mà nên. Có nghĩa là bằng một miếng đồng phẳng ông dùng kỷ thuật thúc búa kê đe để cho miếng đồng thắt miệng lại chỉ bằng cái bấc đèn còn trong lòng quả đào là rỗng để đựng dầu. Nói nôm na là từ miếng đồng phẳng làm thế nào mà trở thành một khối tròn rỗng và  kín không có vết cắt ghép. Đây là một kỷ thuật rất tinh xảo trong nghề gò. Tôi hết sức kinh ngạc với cái tài bắt sắt thép phải uốn lượn theo ý mình chỉ bằng một cái búa nhỏ như ngón tay cái.

Thấy tôi ngơ ngẫn suốt đêm với những sản phẩm bằng đồng của ông ấy sáng ra còn quyến luyến chần chừ không muốn đi Thầy tôi quyết định ở lại Võ Liệt 3 ngày.

Trong 3 ngày đó tôi đã theo ông thợ rèn ấy học nghề gò mỹ nghệ. Ông thấy tôi quá đam mê nên rất tận tình chỉ bảo cho tất cả các bí quyết của kỹ xảo thúc búa.

Học 3 ngày với nghề ấy chỉ là như cưỡi ngựa xem hoa mà thôi. Vậy mà lúc lên đường vào rừng Thầy tôi cứ tủm tỉm cười nói: „Giá như con học thuốc mà cũng nhanh như học gò đồng thì Thầy đỡ khổ biết mấy”. Tôi không hiểu ý Thầy hỏi lại „con học gò mới biết mấy đường búa sơ sơ thôi răng Thầy lại nói rứa”. Thầy tôi cười nói: „thấy con học mà như bửa não nhét đồng nhét búa vô trong đó hết rứa thì răng mà không thấu được nghề nhanh sao được”. Lúc đó tôi nghĩ chỉ là học cho biết thế thôi chứ 3 ngày làm sao mà  thấu được nghề. Cứ nghĩ Thầy trêu cái tính ham học bạ gì cũng muốn học của tôi nên tôi cũng cười cười chống chế „hì hì biết đâu được sau ni hữu dụng cũng nên Thầy ạ”. Thầy tôi nghe tôi nói thế nghiêm mặt nói: „Chứ bộ Thầy ở lại Võ Liệt với con 3 ngày để chơi à”.

Học xong rồi để đó đâu có dịp dùng tới mà cũng chẳng có dịp nào để ra tay thực hành. Rồi cho đến năm 1981 khi Thầy tôi tác động cho tôi trở về Huế và xin về Trung tâm Dạy nghề Hướng Nghiệp. Lúc đến trình diện Ông giám đốc Trung Tâm hỏi tôi biết nghề gì. Tôi nói nghề cơ khí nghề nào cũng làm được. Ông nói các môn bộ cơ khí đã đủ giáo viên rồi. Tôi buột miệng nói „Rứa bộ môn gò mỹ nghệ cũng đã có người rồi hay răng Thầy”. Ông giám đốc trố mắt lên hỏi „Môn gò mỹ nghệ là răng”. Lúc đó tôi mới  diễn giải hắn mần như  ri nì như  ri nì. Ông giám đốc thấy khoái vì Huế vốn là thànhh phố nỗi tiếng với nghề gia công đồ mỹ nghệ nếu giảng dạy một môn mỹ nghệ là hợp lý nên nhận tôi vô làm thử. Hôm sau ông đưa cho tôi một tấm đồng nói „em làm cho tôi một sản phẩm để tôi đem lên sở Giáo Dục  làm bằng chứng xin em về đây chứ dạo này xin về làm và nhập khẩu thành phố khó lắm”. Hôm đó tôi hơi run vì thực ra tôi đã thực hành bao giờ đâu mà biết. Sau tôi nghĩ cứ gò đại một bức ảnh của một người nỗi tiếng là được. Người nổi tiếng thì ai mới nhìn vô cũng biết mình gò có ít giống họ cũng nhìn ra. Vậy là tôi quyết định gò tượng Bác Hồ. Vì Bác Hồ thì ai cũng biết hơn nữa ở mình cơ quan công sở phòng ốc nào  mà chẳng có ảnh có tượng Bác ảnh Bác. Nhìn mãi nên hình ảnh đã nhập tâm một cách vô thức lúc nào không hay rồi.

Vậy là trong chưa đầy một buổi với một cái búa bằng ngón chân cái cứ ngước mắt nhìn ảnh Bác và cúi xuống gõ tôi hoàn thành được bức phù điêu gò nổi hình Bác lên tấm đồng.

Tôi được nhận vào Trung Tâm Hướng Nghiệp thuộc bộ phận Gò-Hàn- Rèn phụ trách giảng dạy môn gò mỹ nghệ. Bộ môn gò mỹ nghệ giảng dạy được mấy khóa học trò không ai theo nổi nên chỉ lèo tèo có vài học sinh sau đó thì dẹp. Tôi chuyển sang dạy môn hàn và đúc kim loại màu.

Bẳng đi một thời gian rất lâu cho đến khi tôi sang Đức. Đúng vào thời kỳ tôi theo học lại nghề y bên này vì bận lo thi cử lại một mình nuôi con dại phải thuê người trong nom. Nên tiền bạc rất khó khăn. Vì lo học tôi phải bỏ mất mấy Job rữa bát ở nhà hàng Tàu nên tình hình chi tiêu khá khốn đốn. Một hôm đi ngang qua một cửa hàng đồ cổ thấy có bức phù điêu bằng đồng cổ bị hư hại rất nhiều chổ. Đọc cái lý lịch thấy khá hoành tráng là kỷ vật của hoàng gia Đan Mạch tặng cho hoàng cung Hannover vậy là tôi đánh bạo vào hỏi bà chủ tiệm có muốn phục chế lại bức phù điêu không. Bà trả lời muốn và nói nếu tôi phục chế lại bán được thì tôi được hưởng 10%. Vậy là sau một tuần tôi phục chế lại hoàn toàn như bản gốc cũng chỉ nhờ vào cái búa bằng ngón tay cái. Bức phù điêu đó bán dược 120 ngàn Đức Mã tôi được chia phần 12 ngàn. Nhờ số tiền đó mà tôi ung dung xông xênh và lấy được cái bằng.

Rồi từ đó cho đến nay cũng gần 15 năm rồi không sử dụng đến búa nữa. Hôm rồi thấy ông bạn thân cứ băn hăn bó hó không biết mua quà gì cho có ý nghĩa để tặng Bố đại thọ 80 tuổi. Ông già vốn là một chính khách khá cộm trong bộ máy chính quyền nước mình giờ đã về hưu. Con cái làm ăn phát đạt vì vậy mà vào dịp đại thọ mấy ông con không biết tặng gì cho thật có ý nghĩa. Thấy ông bạn cứ thắc thỏm băn khoăn tồi tội tôi mới nổi cơn ngứa nghề gò nói: „hay là tạc một bức phù điêu bằng đồng của ông ta rồi khắc lên đó một bài thơ chúc  thọ chỉ có cách ấy mới là món quà độc nhất vô nhị thôi”. Ông bạn thở dài nói. „Nhưng mà kiếm đâu ra thợ tạc phù điêu bây giờ”. Tôi cười cười chỉ vào mình nói „hè hè..trước mắt nhà ngươi là một „đấng” thợ gò đấy”. Thằng bạn cười ré lên: „Thôi đi cha ông lo đi phóng kim của ông đi đừng có mà vớ vẫn”.  Tôi nghiêm mặt nói „không giởn chơi đâu đi mua một tấm đồng về anh mày làm cho một bức quẳng cho anh một tấm ảnh nen nét của Ổng  là đủ”

Hôm nay khi tôi gò xong bức tượng phù điêu mừng thọ có khắc chạm một bài thơ chúc thọ riêng. Lúc trao bức truyền thần gò nổi trên đồng lá cho thằng bạn. Hắn cứ trố mắt lên trầm trồ nói „chỉ có một cái búa con con mà ông gò được một bức truyền thần nổi lên đồng được thì chắc ông gò cái gì mà chẳng được nhỉ”.

Tôi trả lời hắn : „ừ tao gò cái gì cũng được chỉ riêng cuộc đời tao tao gò mãi mà hắn vẫn méo”.

Thấy tôi gò được phù điêu có mấy người cũng muốn gò tượng cho người thân làm kỷ niệm. He he..trong thời buổi khó khăn này không khéo cái nghề học lóm 3 ngày mấy chục năm về trước lại giúp được tôi lọt vào cái thế „lấy ngắn nuôi dài” để có thể tiếp tục nhưng công trình bỏ dỡ của mình.
Chính như  những lúc này tôi mới càng cảm phục sự tiên liệu như thần của Thầy tôi. Tôi mới hiểu tại sao mấy mươi năm trước vô cớ mà Thầy tôi ở lại làng Võ Liệt 3 ngày. Có lẽ ông cũng đã biết trước được nhờ 3 ngày ấy mà tôi sẽ được giải thoát qua nhiêu tình huống ngặt nghèo trong tương lai.
________________

Ông Cụ trong ảnh có tướng người phương phi vạm vỡ khuôn mặt phúc hậu tai dày thỏng là tướng phát  công danh nhưng chí công liêm khiết tướng của người Hiền kẻ sĩ có tâm huyết và chí Nhân.

Cụ này nổi tiếng trên chính trường Việt Nam về thân hình cao to lực luỡng như một hộ pháp

SHARE