Home Khí công Lập Trình: “VẬN ĐỘNG TỐI ĐA, DƯỠNG KHÍ TỐI THIỂU” (Tư Liệu...

Lập Trình: “VẬN ĐỘNG TỐI ĐA, DƯỠNG KHÍ TỐI THIỂU” (Tư Liệu Y Khoa- Khí Công Trung Đẳng)

1822
0

Oxy (O2), nguyên tố Hóa học quyết định cho sự sống tồn tại, nên nó còn có tên gọi khác là: “Dưỡng khí”. Vâng! Không sai, chúng ta cần càng nhiều nhiều Oxy càng tốt, càng hít thở được càng nhiều không khí trong sạch càng tuyệt vời…

Nhưng tại sao 1 trong 3 đặc điểm quan trọng nhất của Hơi thở Phúc hồ lô (Thở bình, Thở bụng) của Nghệ thuật Dưỡng sinh lại nói rằng: “Thở càng sâu, càng chậm và càng ít dưỡng khí càng tốt” (Không được rít hơi)…. Và gần đây trong các bài viết cung cấp tư liệu cho Học viên, chuẩn bị cho cuộc tập huấn “Hành Tức” của Khí công Trung Đẳng (24, 25, 26, 27, 28 tháng 12. 2020), tôi lại đề cập đến các bài tập Vận động (Động công), chỉ nhằm mục đích hướng các Học viên, Môn sinh đến các bài tập có sự vận động tối đa của cơ bắp, xương cốt và nội tạng, nhưng lại yêu cầu phải hạn chế sự thu nạp dưỡng khí đến khả năng tối thiểu nhất. Trong đó điển hình là hai bài tập nồng cốt là:

1- “Đánh bụng” theo tiết tấu “Nhịp 6” ở thì “Ngưng” của Hơi thở 3 thì

2- Mang vác vật nặng và rất nặng, leo dốc núi (…Hoặc leo cầu thang). Hoặc đi bộ đường dài và rất dài không ngưng nghỉ (Trong khi bịt khẩu trang).

– “Đánh bụng” theo tiết tấu “Nhịp 6” ở thì “Ngưng” của Hơi thở. Giữa các nhịp “đánh bụng” có dừng lại theo các tiết tấu như 2/2/2, hay 3/3, hay 1/4/1..v…v… (Trong lúc đánh nhịp bụng không được hít vào hay thở ra: Ngưng thở hoàn toàn). Là tạo nên hiệu ứng Vận động các cơ quan Nội tạng tối đa, trong điều kiện thiếu dưỡng khí (Dưỡng khí ở mức tối thiểu). Vận động này có “Tiết tấu”, “Nhịp diệu” lặp đi lặp lại một cách đều đặn và liên tục và có thời gian tập luyện khá dài (Ít nhất là 108 Hơi thở theo nhịp của bài: “Bản tình ca Chuồn chuồn”).

– Mang vác vật nặng và nặng như có thể, leo dốc cao, hoặc đi bộ trên quảng đường dài như có thể. Nhằm tạo nên hiệu ứng vận động cơ bắp và xương cốt một cách tối đa, cũng với nhịp điệu, đều đặn, liên tục và không ngưng nghỉ trong thời gian dài (Khác với các vận động tối đa có tính chất đột ngột và không có tiết tấu, nhịp điệu). Sự vận động này đòi hỏi khá nhiều sức lực và sự đốt cháy Năng lượng, nhưng lại yêu cầu đeo khẩu trang và tiết bớt dưỡng khí khi hít vào.

Mới nghe qua, thì các bài tập này có vẻ như rất chi là “Phản khoa học” (Theo nghĩa: Cơ thể cần càng nhiều Dưỡng khí càng tốt). Thực ra các bài tập này không những đáp ứng được cách yếu quyết “cốt tử” của Nghệ thuật Dưỡng sinh Cổ truyền, mà còn là đáp ứng được các “Bí mật của Sự sống” mà Khoa học đã giải mã được trong thời gian gần đây. Chúng ta hãy cùng “giải mã” nhé:

1/ “Bí quyết” của Nghệ thuật Dưỡng sinh Cổ truyền:

– Các bậc Đại sư Khí công, các bậc Du già (Yoga), các Đạo sĩ, Thiền sư… thường tìm đến các núi cao hoặc rất cao, hay hang sâu, rừng rậm, nơi hẻo lánh, hay sa mạc khô cằn…. Những nơi có không khí loãng để tu luyện.

– Trong Thiền tông Phật giáo, cảnh giới đầu tiên (Nhất thiền) của 10 cảnh giới tối cao của Thiền định (Thập thiền) là cảnh giới “Đoạn tức” (Ngưng thở). Sau đó mới đến các cảnh giới giảm và mất nhịp tim (Nhị thiền), rồi mới đến “Ngưng mạch” (Tam thiền), kế đến mới là “Vô niệm” (Tứ thiền)….

– Trong các cảnh giới tối cao của thuật Dưỡng sinh, Trường sinh…thì cảnh giới “Nhịn thở” (Đoạn tức, Tiết tức, Qui tức…) mà vẫn sống khỏe, sống tốt…mới là cảnh giới thượng thừa, chứ không phải các cảnh giới, nhịn ăn, nhịn uống mà vẫn “Sống nhăn răng” mới là “cao thủ”….

Theo quan niệm của thuật Dưỡng sinh Cổ truyền, thì chỉ khi con người ở trong tình trạng “ngặt nghèo” nhất, thì mới kích hoạt được nguồn “Năng lượng Dự phòng” của bản năng (Năng lượng “đen”, Năng lượng bí mật). Và chỉ trong tình trạng “ngặt nghèo” nhất của sự sống, thì “Sinh mệnh Dự phòng” (Phép mầu) mới có thể trổi dậy để bảo toàn Sự sống.

….

2/ Theo Khoa học Thực nghiệm:

Không cần phải nghiên cứu nhiều cho nó “xoắn não”. Bạn chỉ cần quan tâm đến 2 Công trình nghiên cứu về “Bí mật của Sự sống”, đã được tôn vinh và trao giải Nobel Y-sinh học vào năm 2016 và năm 2019 là đủ rồi.

– Giải thưởng Y- sinh học năm 2016 là công trình giải mã về quá trình “Tự thực của Tế bào”. Đây là công trình giải mã một cách chi tiết, cụ thể nhất quá trình “tự sát” của những tế bào được sinh ra kém chất lượng. Đại ý hiểu nôm na như thế này: Trong quá trình sinh sản của tế bào, sẽ có những tế bào sinh ra kém chất lượng, hoặc sai lệch về lập trình, kể cả “tế bào lạ”… Cơ thể sẽ tự động kích hoạt một cơ chế “giải thể” các tế bào kém chất lượng đó. Hay nói cách khác, lập trình sự sống sẽ truyền thông tin đến đến Tế bào kém chất lượng, các tế bào sai lệch… đó “Tự huỷ”. Các tế bào kém chất lượng khi “nhận lệnh”, sẽ “tự sát” và phân rã thành các vật chất vi lượng. Các tinh chất phân rã từ các tế bào này sẽ được đóng gói trong một cái màng bọc hữu cơ chư những cái “túi” trôi nổi trong dịch thể của cấu trúc mô, và sẽ được chuyên chở đến cho các tế bào khác đang trong quá trình phân chia sinh sản. Quá trình này gọi là quá trình “Tự thực”. (Tự ăn).

Cũng trong công trình nghiên cứu này, họ giải mã rằng, khi cơ thể ở trong tình trạng thiếu Dưỡng khí, thì quá trình “Tự thực” lại càng được kích hoạt rốt ráo hơn. Có nghĩa là trong tình trạng thiếu Dưỡng khí, thì cơ chế “tự dọn dẹp” những thứ “rác rưỡi” hư hỏng mới càng mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

– Công trình được giải Nobel Y sinh học năm 2019 thì giải mã khả năng thích nghi của cơ thể Sống trong tình trạng Dưỡng khí thay đổi. Có nghĩa, là khi tình trạng dưỡng khí quá nhiều, hoặc quá ít, thì cơ thể sống sẽ chuyển sang những cơ chế hoạt động sinh tồn hoàn toàn khác để phù hợp với tình trạng dưỡng khí dư hay thiếu. Dù là thiếu ít, hay thiếu nhiều một cách thường xuyên, thì cơ chế cũng có thể thay đổi cấu trúc Gene cho phù hợp với tình trạng thu nạp của Dưỡng khí để bảo vệ khả năng sinh tồn lâu dài…

Như vậy thì cho dù là thuật Dưỡng sinh của Y đạo cổ truyền, hay Khoa học hiện đại cũng lý giải khả năng thích nghi “thần thánh” của cơ thể trong tình trạng dưỡng khí được thu nạp tối thiểu. Và cả hai luồng tư tưởng cũng đều đưa ra nhận định có sự “Kích hoạt” khả năng tiềm ẩn khác, ngoài lập trình của Sự sống bình thường.

Tuy nhiên… khả năng này thuộc về bản năng của sự sống, và nó xảy ra theo một lập trình tự động đã được “Tạo hóa” cài đặt trong sự Sinh tồn.

Tuy nhiên…khả năng này, cũng có thể bị thui chột, suy giảm… và kém linh hoạt… do các yếu tố của đời sống hiện đại, do môi trường sống khắc nghiệt và do cả tật bệnh, thương tích gây ra.

Và đương nhiên, con người có Trí tuệ và có cả Trí huệ, chúng ta vẫn có cách để phục hồi lại những khả năng sinh tồn bị suy giảm hay bị khuất lấp này. Ngoài ra, chúng ta vẫn có khả năng để chủ động, quản lý và điều tiết đến khả năng nhiệm mầu này, chứ không phải là “thụ động” tuân thủ theo “Lập trình sự sống bản năng”. Chủ động, quản lý và điều tiết… được bản năng sinh tồn (Tiềm năng), đó là “Phép nhiệm mầu”, “Năng lực siêu nhiên”. “Thần thông”…. Đặc biệt trong Nghệ thuật Chữa lành và Tự chữa lành… vấn đề này lại trở thành một yếu tố “cốt tử” cho các Liệu pháp Tự nhiên.

Các bài tập vận động cơ bản hỗ trợ cho việc thực hành tập luyện Hành Tức mà tôi đã đưa ra như những tư liệu cho Học viên và Môn sinh Khí công Trung đẳng tập luyện cũng không ngoài vấn đề phục vụ cho Lập trình “Vận động tối đa, Dưỡng khí tối thiểu này”.

(Bởi vậy nếu các “Lão đệ” biết dẹp bỏ cái tư tưởng “lịch lãm” tào lao và sự “sĩ diện” hão huyền để “vác bao” lên mà leo trèo, tản bộ, cũng là một cách “Tu hành” thượng đẳng rồi đấy.

Bởi vậy… nếu các bạn biết bỏ lại xe máy, phương tiện cơ giới, để leo lên xe đạp đi lại trong Nội đô, thì các bạn cũng đã là “phi thường” trong thế giới “Đông Lào” của chúng ta rồi đấy.

Cũng bởi vậy… đừng tưởng Lão Phu ta post ảnh “tay xách, nách mang”, “phiêu lãng thiên nhai” là tự sướng, “khoe nghèo, giả khổ”. Hãy đón nhận “thông điệp”: Đã nói là làm, đừng có “chém gió”. Và cứ làm đi, bạn sẽ cảm nhận được sự khoái lạc bất tận trong thế giới nội thể của bạn. Sự thoải mái, khoan khoái và dễ chịu của bạn không phải có được trong cái thế giới “ Xoi mói và Chửi đổng” mà bạn đang tồn tại ở đó đâu. Nói tóm lại là “Kệ bà chúng”, bạn cứ làm cái gì bạn thích, miễn là không phương hại đến ai là được… Hì hì..hì…)

25.11.20

Thuận Nghĩa

SHARE