Home Uncategorized Lắng nghe được âm thanh của vũ trụ

Lắng nghe được âm thanh của vũ trụ

1083
0

Chỉ có khi nào bạn lắng nghe được âm thanh của vũ trụ của thiên nhiên không phải bằng tai (Nhưng bằng một thứ gì đó thì tôi không thể nào mô tả được, có thể là bằng hơi thở hay bằng lòng bàn tay chẳng hạn…) thì khi đó bạn mới có thể chơi được thứ nhạc cụ mà bạn đang đam mê đến cảnh giới tối cao được.

Tôi đã từng gặp một vài người như thế. Trong đó thầy Vĩnh Tuấn là người làm tôi kinh ngạc nhất. Thầy Vĩnh Tuấn năm nay đã gần 80 tuổi. Thầy là một trong những hậu duệ của dòng Nhã nhạc cung đình Huế chính thống còn sống đến hiện nay. Vài chục năm trước Thầy bị một tai nạn, phải thay mấy đốt sống cổ nhân tạo, vì vậy hai bàn tay của Thầy dần dần bị cứng các khớp ngón. Vậy nhưng không biết bằng một cách gì đó mà đến nay Thầy vẫn “đằng vân giá vũ” trên các phím ngựa của đàn tranh. Đặc biệt khi nghe Thầy chơi các bản phổ Kinh, Chú của Tịnh độ tông, Phật giáo Đại thừa, thì chúng ta không thể nào tưởng tượng được vì sao giai tầng diễm lệ của các khúc phổ đó lại có thể ngân lên được từ các ngón tay cứng khớp của Thẩy.

Tôi đã từng học đàn tranh nên tôi biết ngoài sự linh hoạt đến mức vi diệu của các ngón đeo móng của bàn tay phải ra, thì một bản phổ đàn tranh muốn đi vào “máu thịt” của người nghe, hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật nhấn nhá vê vuốt… của các ngón tay của bàn tay trái, là bàn tay có tha lực từ phía trái tim. Đó cũng là điểm mà tôi kinh ngạc từ cách chơi Nhã nhạc của Thầy.

Nghe thầy Vĩnh Tuấn chơi đàn tranh, chúng ta không chỉ cảm thấy hay, mà chúng ta sẽ cảm thấy được thế nào là đẹp. Thật thế!!! Khi nghe xong một khúc phổ của Thầy chơi, tôi thấy cái gì cũng đẹp cả, không phải chỉ có “mắt môi, bờ mi, suối tóc, đường cong…” đẹp, mà tất tần tật đều đẹp. Từ ngọn cỏ, hòn cuội bên đường cũng trở thành châu ngọc. Ngay như tôi đây, rất ghét mùi cồn, và dị ứng với hơi bia rượu, vậy mà khi nghe Thầy chơi đàn tranh xong, tôi lại cảm thấy những lớp bọt bia thật là nõn nà, trang nhã và khôi nguyên…hì hì…

(Trong ảnh là tôi và thầy Vĩnh Tuấn trong một cuộc “tiêu cầm hợp tấu” nhỏ khi Thầy ghé thăm tôi năm 2019 tại Hamburg)

11.11.21

Thuận Nghĩa

SHARE