Từ ngày tôi về làm  ở chổ mới việc di chuyển đi lại rơi vào tình trạng dở dở ương ương. Từ nhà tôi ở đến nơi làm việc đi bộ mất khoảng độ 15 phút. Nếu đi xe bus thì phải qua hai trạm từ trạm này đến trạm kia xa chạy chỉ mất 2 phút nhưng khổ nổi từ nhà ra bến xe lại mất hết 4 phút từ bến xuống đi đến chổ làm lại mất hết khoảng 3 phút nữa. Tính sít sao thì đi xe bus cũng không nhanh hơn đi bộ. Nếu đi xe máy thì khá tiện lợi vì chỉ ngồi lên xe vút độ hai tay ga là tới nơi. Khổ nổi xe mình lại là xe phân khối lớn mỗi lần lên xe phải rườm rà khoác cho đủ bộ áo quần bảo hiểm tới viện lại phải rùng rình cởi ra. Phóng xe mất có 3 phút mà thời gian đóng bộ áo quần mất hơn cả chục phút phí cả công mặc. Suy đi tính lại hơn thiệt tôi quyết định di chuyển bằng phương tiện cổ điển nhất là đi bộ. Vừa đỡ tốn tiền xe bus vừa đỡ khỏi rườm rà cởi ra mặc vào. Vì đôi khi kẹt thời gian mình có thể cứ bộ đồ trắng đi thẳng một mạch từ cửa nhà mình đến tận cửa phòng điều trị khỏi phí thời gian thay đồ. Mặt khác trong thời gian đi bộ còn có thể túc tắc vừa đi vừa lẩm nhẩm tìm ra được vài tứ thơ cho ý tưởng chợt nảy ra đâu đó trong thời gian làm việc. Lợi đủ điều tội gì không chơi.

Con đường từ nhà tôi đến viện rất nhiều cây vào mùa hè xanh um mát rượi như rừng đại ngàn. Ngày đi về hai lượt trên con đường đó lại lúc nào cũng vơ vẫn treo ngược hồn thơ trên tán lá vừa đi vừa lẩm bẩm tìm vần nên vô hình chung con đường đó đã  trở thành một khoảnh trời rất riêng biệt trong đời sống của tôi. Có lần nghĩ lại hình ảnh cụ Trung Niên Thi Sĩ vừa đi vừa kéo mấy cái hộp sữa bò lẻng kẻng sau lưng vừa lẩm bẩm đọc thơ tôi chợt nảy ra ý định gọi con đường này là con đường Bùi Giáng. Và từ đó với một số bạn bè thân thích và một vài bạn thơ tâm đắc   con đường ấy cũng được họ gọi là đường Bùi Giáng luôn.

Trên đoạn đường đó có rất nhiều cửa hàng đủ loại và nhiều nhất là cửa hàng ăn uống. Vì đây là khu vực công sở cho nên người ta chú trọng đến việc phục ăn nhanh vào bữa trưa cho đối tượng khách là công nhân viên chức của các công sở xung quanh. Trong đó có một quán ăn mang nhãn hiệu Tàu tên là Shanghai  Expres. Dù là tiệm ở dạng immbis (tiệm ăn nhanh) nhưng nhìn mấy cái chữ Tàu vàng choé trên cái cổng có hoa văn rồng lượn rồng chầu trong cũng hoành tráng ra phết.

Tôi vốn là người ghét ngồi quán lại không biết chủ quán ấy là người nước nào. Dù là quán mang nhãn hiệu Tàu nhưng chủ quán và đầu bếp thì thùng bất chi thình lắm có khi là người Việt có khi là người Mã Lai hay thậm chí là người Sirilanka hay Pakistan cũng nên vì vậy tôi đi ngang qua đó thường xuyên nhưng ít khi để ý tới.

Cho đến khi có một ngày  thấy quán chưng ra cái biển khuyến mãi món Vietnamesische Reiznudeln có chua thêm một chữ to đùng là PHO (phở). Tôi đoán chắc chủ quán đó là người Việt bụng bảo dạ khi nào ghé vào thử món phở quán này xem sao. Nghĩ vậy nhưng lần lữa mãi cũng chưa có dịp ghé.

Mấy tháng trước một hôm tôi nghĩ làm sớm túc tắc đi ngang qua đó đang mơ màng với mấy câu thơ thì có người gọi giật lại:

•-       – Anh  ơi thấy anh đi ngang qua hoài mà sao không thấy lần nào để mắt vào quán tụi em vậy

Tôi giật mình quay lại thấy một người đàn ông đang đứng tựa cửa  hút thuốc tôi ngập ngừng trả lời:

•-     –  À cũng bận bận hơn nữa không biết chủ quán là người nước nào nên cũng ngại

•-      – Ấy thế bác không thấy em đề chữ phở to đùng thế kia à?. – Anh ta vừa nói vừa cười có vẻ là người dễ gần gủi

•-      – Hì hì..thấy viết không dấu mình lại nghĩ khác cơ- Tôi nói bông lơn để gây thiện cảm

•-      – Hô hô..bác lại trêu em rồi ý bác là nói phò chứ gì- Anh ta vừa cười lả chả vừa tiến tới bắt tay tôi- Bác ghé tụi em làm chén trà đi em có mấy lạng trà Thái ngon lắm.

Nghe đến trà Thái mắt tôi sáng lên hỏi:

•-      – Sao biết mình nghiền trà Thái mà mời vậy.

•-      – Ôi giời ơi chỉ tại bác không để ý đến tụi em đó chớ chứ bác thì tụi em biết bác từ lâu rồi. Ai đến chổ bác trị bệnh mà có ký trà Thái là bác hết mình chữa trị ngay

•-      – Ấy chết ai mà độc miệng vậy trời nói thế tôi là tôi ăn hối lộ à

•-      – Hà hà…đùa bác tý cho vui thôi chứ bác là người nghiền trà có tiếng nên ai cũng biết huống chi quán tụi em lại ở gần chổ bác

Anh ta cầm tay vừa kéo tôi vào quán vừa vừa bô bô nói như thanh minh:

•-      – Quán mấy bữa nay đúng dịp học trò nghĩ hè   ế ẩm lắm   vào giờ này cứ coi như là vắng teo anh em mình tha hồ mà nhâm nhi

Chỉ cái bàn mời tôi ngồi xong anh ta quay vào trong gọi to lên:

•-     –  Má nó nấu ấm nước pha bình trà nhé nhà có khách đấy

Nghe anh ta gọi vợ pha trà tôi hốt hoảng buột miệng:

•-      – Ấy   sao lại thế trà ngon mà để phụ nữ rớ tay vào thì coi như là đi đứt đấy

Nghe tôi nói vậy anh ta trố mắt lên nhìn nói :

•-      – Chí ní chí ní cứ để đàn bà mó tay vào là hỏng

Biết mình lỡ lời tôi chống chế:

•-      – Là tôi nói phụ nữ họ không biết cách om trà làm nó nhạt hương đi thôi

•-      – Thì đúng vậy phụ nữ mó tay vào cái gì mà chả nhạt hương- Anh ta tiếp lời và lại gọi rống vào trong- Thôi để đó cho bố vào bố tự làm lấy nhé!

Anh ta vừa nói xong thì có một phụ nữ từ trong bếp chạy ra có vẻ ngạc nhiên hỏi:

•-      – Anh nói gì ạ anh tự pha trà lấy sao?

•-      – Ừ nghe rồi còn hỏi biến mẹ nó lên nhà đi

Người phụ nữ lại tất tưởi đi vào trong và có tiếng lộp cộp leo lên cầu thang

•-      –  Ai vậy vợ anh à sao anh nói với chị ấy bổ bã thế

•-      – Vâng nhà em đó bác ạ bọn em ở đây luôn căn hộ ở trên gác quán bé chỉ có em và vợ em là đủ thời buổi khó khăn mình là mèo còm bắt chuột nhỏ hai vợ chồng nhì nhằng làm đủ ăn qua bữa là được rồi. Mấy chuyện ăn uống nước nôi thường là bà ấy làm em chẳng mấy khi đụng tay hôm nay chắc thấy em nói để mình tự làm nên bả mới hốt hoảng thế đấy em phải nặng lời thế mới trấn an bà ấy được

Tôi rất ngạc nhiên với cách trấn an kỳ dị của anh ta nhưng là chuyện gia đình họ mình không nên xía vào vì vậy cứ yên tâm ngồi uống trà và tán gẫu với anh ta vài ba câu chuyện tầm phào rồi chào ra về.

Anh ta nắm tay tôi có vẻ như rất thân mật nói:

•-      – Mới gặp bác lần đầu nhìn cách uống trà của bác biết bác là người lành rảnh rỗi mời bác cứ ghé tụi em uống trà bác nhé. Thứ 7 chủ nhật  công sở họ nghĩ làm quán tụi em vắng khách nên chuyển sang nấu đồ ăn Việt phục vụ bà con mình quanh đây. Có mấy tay  nghiền trà tối thứ 7 nào cũng ghé đây làm vài ấm đấy   nếu có hứng thú bác ghé tụi em tán gẫu cho vui.

•-      – Ừ nhất định nhất định trà quán anh khá lắm. Nên phải ghé chứ

Sòng phẳng mà nói trà của anh ta không đến nỗi tệ hương trỗi mà vị đằm nếu anh ta biết cách om trà nghệ hơn tý nữa thì cũng không phí công ngồi nhâm nhi

Và từ đó tối thứ 7 nào tôi cũng ghé lại đó uống trà. Tuy rằng trà ở đó không thật sự tuyệt hảo như thứ trà mình đang dùng nhưng khi chính mình tự tay pha thì cũng tạm thời uống được. Hơn nữa mấy người bạn trà cũng không thật sự thân thiết lắm nên uống thứ trà ở cấp độ đó cũng hạp rồi. Trà ngon thì uống với bạn hiền thâm giao cố đế thì cái vị cái hương của nó mới thăng đến đỉnh được. Uống với người không thâm giao mà dùng trà tuyệt hảo thì cái chất trà cũng vơi đi vài phân ngon.

Trước đây tôi có ông Phú Thọ có quán ở ngoài cảng là người tâm đắc nên thỉnh thoảng bí trà có uống thứ trà dở hơn cũng đỡ nhạt đi phần nào. Từ ngày ông chuyển đi vùng khác thì tôi hay uống cùng với gã chủ quán trong phố Altona cái gã mà tôi có nhắc đến trong chuyện bức tranh của Trịnh Cung. Nhưng từ ngày kinh tế suy thoái quán làm ăn có phần sa sút vợ ông ta sinh ra đổ đốn nói năng bổ bã không được tinh tế lắm vì vậy tôi cũng ít ghé. Đang uống trà ngon mà có tiếng phụ nữ mắng chó chửi mèo càm nhàm vì chuyện gì đó thì cũng mất hứng làm phí công pha uổng đi trà ngon uống oải cả mồm vì vậy tôi cũng không ghé đó nữa

Bây giờ có cái quán này trà uống được   lại tiện đường nên đối với tôi cũng là một may mắn trong nghiệp uống của mình.

Đến uống với mấy người bạn mới mấy lần thấy cũng hay hay vì mấy người này tâm địa hiền lương không nổ banh trời xoi mói tọc mạch và câng câng hằm hè như những người Việt bình thường khác trên đất Hamburg này. Có lẽ hầu hết những người biết uống trà đều vậy họ đằm hơn bình dị dễ gần gủi và chân thật hơn những người nghiền thứ thức uống khác.

Có một điều làm tôi hết sức băn khoăn là quan hệ vợ chồng của anh chủ quán. Tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi mối quan hệ mà người ta thường gọi nôm na là quan hệ vợ chồng của anh ta như thế nào nữa.

Anh ta đối xử với vợ không những rất độc đoán và gia trưởng mà còn có cái gì đó thiếu văn hóa. Vừa ngược đãi một cách thậm tệ bằng những câu chửi bới thô tục hoàn toàn ngược lại với cách ăn nói nhã nhặn của anh ta đối với bạn bè cũng như khách hàng vừa sổ sàng hất hủi một cách khắc nghiệt có phần như ác độc. Nghe nói rằng anh ta còn đánh đập chị ta thường xuyên vì ghen tuông nữa.

Trong khi đó chị ta lại là một phụ nữ đẹp phải nói là rất đẹp nữa là đằng khác không những là vẻ đẹp đơn thuần của thẩm mỹ đời thường mà còn có một vẻ đẹp khá hoàn hảo theo tướng số. Bề ngoài đã đẹp còn cách cư xử nhủn nhặn ăn nói dịu ngọt và cử chỉ đoan trang hiền thục chịu đựng. Chứng tỏ đây là một phụ nữ có ăn học sống có đạo lý có hồn người. So sánh về cả hai khía cạnh hình thức và cách cư xử cũng như nếp sống văn hóa thì quan hệ của họ thật sự phải đúng như câu Ca dao “con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu”. Nhưng trong thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Anh ta như một ông hoàng như một ông chủ còn chị ta thì đích thị là một nô lệ một con sen

Thú thật thì từ lâu tôi đã mất phương hướng về phụ nữ. Cái khái niệm một người vợ một người bạn đời trong tôi  mù mờ nhạt nhẻo không rõ ràng là cái gì và như thế nào mới đúng nghĩa.

Mà đàn bà không để làm vợ làm mẹ thì còn có gì để gọi họ là phái đẹp nữa. Tính tôi thì ham đẹp cái gì đẹp mới có hứng thú. Họ không còn đẹp nên mình cũng không có hứng thú nữa. Bởi vậy mà sinh ra thờ ơ với phụ nữ. Từ chổ thờ ơ đó sinh ra mấy cái tật xấu nhất là có một vài người hâm mộ mình người thì nói mình lãnh cảm nhẫn tâm kẻ thì nghi ngờ mình là dân lại cái.

Cũng chả phải lỗi tại tôi mà tại sự đời nó đưa đẫy tôi nên nông nỗi thế. Hồi mới lớn khi bạn bè ai cũng có bạn gái thì tôi đang có thân hình nhỏ thó như con nít nên mặc cảm lỡ có phải lòng ai cũng không dám hó hé. Lớn lên chút nữa thì có duyên gặp Thầy tôi là một vị Thiền sư do ảnh hưởng của Thầy nên sắc dục trong tôi cũng có phần nhạt nhẻo. Ngày Thầy tôi muốn tránh cho tôi hiểm họa khủng bố tôn giáo sau 1975 kiếm cớ đuổi tôi ra khỏi sư môn ném trả tôi lại với đời thường. Lớ ngớ thế nào vớ phải một cuộc tình trớ trêu   đến giờ vẫn còn ngai ngái đau. Rồi từ đó phiêu bạt sang phương Tây xui xẻo thế nào toàn gặp chuyện trái tai gai mắt đạo lý đảo điên. Khi thì thấy cặp vợ chồng này vì tiền mà oánh lộn khi thì thấy đôi vợ chồng nọ vì chênh lệch thu nhập mà tan đàn sẽ nghé. Lại có lần nghe ông bạn ấy lúc say khai thật ra là mỗi lần muốn ngủ với vợ phải chìa ra mấy chục đồng tiền túi …cứ vậy mỗi thứ một tý chồng chất lại dệt lên trước mắt tôi một tấm màn u ám ảm đạm mỗi khi nhìn nghĩ về đàn bà. ..

Nhưng vợ của anh chủ quán này lại trả lại cho tôi những định nghĩa màu hồng về phái yếu.  Với khuôn mặt trầm hiền như một làn sương mỏng cuối chiều thu cái nét thánh thiện với nụ cười cam chịu của chi ta để lại cho người đối diện một cảm giác nhẹ nhàng khoan dịu. Kể cả cái chau mày như thể bị đau đớn khi bị chồng hành hạ miệt thị trước đám đông cũng bao trùm lên người chứng kiến một tha lực độ lượng bao dung buông xả nhẹ nhỏm vô cùng.

Nghe người ta kể anh này  đối xử với chị ta rất vô lại đánh đập chà đạp sĩ nhục không hề biết thương hoa tiếc ngọc. Thoạt đầu tôi không tin. Vì tôi nghĩ rằng làm gì có người mù mờ ngu muội đến mức không biết đến vẻ thật thà thánh thiện của chị ta. Nhưng qua một vài lần tự mình chứng kiến tôi mới tin đó là sự thật.

Ví dụ có lần tôi và anh ta ngồi uống trà chị vợ đang lui hui dọn mấy cái bàn khách vừa ăn để lại ở đằng xa góc quán xa. Thình lình anh ta rống lên một cách vô cớ:

•-     – Ơ hay không thấy bố mày đang uống trà với thầy Lê à sao còn léng phéng ở đó cút mẹ mày lên gác đi cho bố mày yên loạng quạng bố cho một dép bây giờ.

Chị vợ đang lóng ngóng với chồng bát dĩa bẩn chưa kịp đi thì anh ta đã lột dày nhằm chị ta ném tới trúng vào vai cái bộp. Chị ta không có phản ứng gì vừa lấy tay xoa vai vừa lủi thủi đi lên gác.

Lần đó tôi rất khó chịu nên có cằn nhằn anh ta:

•-      – Ông làm gì mà quá đáng thế chị ta có làm gì đâu mà ông sừng sộ dữ vậy làm mất cả hứng uống trà

•-      –  Xin lỗi thầy con vợ em phải thế nó mới nghe được ạ loại đầu đất này không có vũ lực là sinh tật ngay.

Từ ngày anh ta biết tôi là ân nhân cứu mạng người đã từng cưu mang nâng đỡ anh ta trước đây. Người đó đối với tôi cứ một dạ hai bẩm lúc nào cũng thầy thầy em em ngọt xớt nên anh ta cũng theo đó cũng gọi tôi bằng thầy hơn nữa lại theo cái ông kia mà kính nể tôi luôn thể. Vì vậy lời nói của tôi đối với anh ta có trọng lượng hơn chút đỉnh.

Nên khi có mặt tôi ở quán anh ta cũng ít hằm hè với vợ. Nói là ít khi có mặt tôi thôi còn thì lúc nào cũng chứng nào tật ấy. Ví như hôm trước cũng là tôi với anh ta đang làm cử trà chiều chị vợ thì lục cục soạn đồ đặc trong bếp. Anh ta không la hét như mọi khi mà đi vào trong sau đó nghe chị vợ hét uí cha một tiếng rồi có tiếng lụp cụp vội vã bước lên cầu thang. Tôi đoán là anh ta lại nể mặt tôi không chửi mắng mà vào nhéo vợ một phát rồi đuổi lên lầu.

Không những tôi không hiểu mà nhiều người cũng tỏ rất rất ngạc nhiên không biết tại sao người đàn bà hiền dịu đoan trang xinh đẹp thế mà phải cung cúc cam chịu sự ngược đãi bạo ngược của anh chàng vũ phu này. Người ta đoán già đoán non đủ điều

Người thì đoán có lẽ vì chị ta ham cái ngón nghề điêu luyện trên giường của anh ta nên nhắm mắt chịu đấm ăn xôi

Kẻ thì gật gù nói có lẽ chị vì ham anh ta có tiền nên qua sông phải lụy đò

Có người còn tung ra một giả thuyết nghe ra có vẻ có lý lắm. Họ nói rằng trong một lần về phép anh ta đã vung tiền ra cứu người mẹ của chị ấy đang bị thập tử nhất sinh nên chị ta lấy anh ta trả ơn và mới cam chịu như vậy.

Nói tóm lại tất cả mọi sự giả đoán đều nhằm lý giải cái nghịch cảnh thậm đại vô lý là con cóc ngược đãi Hằng Nga trong quan hệ vợ chồng của anh ta

Ai nói gì thì nói cái nghịch cảnh đó vẫn cứ xảy ra hàng ngày trong sự thít tha thương cảm của nhiều người.

Còn tôi thì khác tôi có chiều sâu nghiên cứu khá kỹ lưỡng về hình thể phân tâm học lại có chút hiểu biết về tướng số tự trong thâm tâm tôi tự lý giải mọi sự đồn đại kia đều vô lý. Vì anh chàng có nước da sậm tái này quầng mắt hơi thâm sủng chứng tỏ là người khí hư thận nhược làm gì có đủ sinh lực dồi dào mà bảo là thiên tài chăn chiếu. Vã lại chị kia có cái tướng đoan trang thục nữ không phải là người đam mê tình dục cái giả thuyết thứ nhất coi như bỏ. Cách nhẫn nhục cam chịu ấy không phải là tính cách của người hám tiền giả thuyết thứ hai cũng trật lất. Còn cái giả thuyết hàm ơn và trả ơn cũng không đúng nốt vì sự hàm ơn bao giờ cũng dính liền với người có lòng tự trọng cao. Sự chà đạp nhân phẩm như vậy không thể kéo dài sự cam chịu được lâu. Ở đây nhất định phải có một yếu tố tâm linh gì đó xen vào. Ví dụ như là nghiệp báo chẳng hạn nói nôm na là người đàn bà kia vì kiếp trước mang nợ người đàn ông này nên kiếp này oan nghiệt phải trả. Chỉ có lý lẽ ấy mới có thể lý giải được mối quan hệ phi lý này. Cách lý giải này cũng tương tự như thuyết duyên số vậy

Trong thâm tâm tôi nghĩ thế tôi nghĩ người đàn bà này đang trả nghiệp báo của mình hoặc đôi khi đó là hiện thân của một vị La Hán nào đó đang đầu thai trở lại nhân gian để tu lại cái  đức buông xả hòng tiến xa thêm trong cảnh giới của Thập Thiện (Bồ Tát Giới). Nghĩ vậy nên tôi cũng tạm thời bằng an với chuyện trớ trêu ấy.

Cách đây không lâu có lần tôi đến quán uống trà. Nhằm lúc quán còn có khách anh chồng nấu bếp chị vợ phục vụ bên ngoài. Lúc đưa đồ ăn ra cho khách là hai người đàn ông lịch lãm. Có một người đứng dậy đón dĩa đồ ăn từ tay chị và cúi đầu làm một cử chỉ có vẻ rất cung kính và mang ơn nói:

•-      – Bữa ăn này đối với chúng tôi rất đặc biệt vì được chính tay một người phụ nữ đẹp và hấp dẫn như bà đây phục vụ.

Chị vợ mặt thoáng ửng hồng đưa mắt liếc vào phía trong rồi cụp mặt xuống như lo lắng sợ sệt kiểu như đoán trước bão tố sẽ nỗi lên sau đó.

Nhìn thấy tình cảnh ấy tôi thấy thương cảm vô cùng. Tôi thấy người đàn bà này cũng như mọi người đàn bà khác trên thế gian đều thích mọi người biết đến sự kiều diễm thu hút vì sắc đẹp của chính mình. Chị vẫn mãn nguyện và vui mừng khi có người khen mình đẹp như mọi người phụ nữ khác. Nhưng rồi lại ngậm ngùi cúi đầu không dám tỏ ra thái độ vì biết sau những lời khen ngợi ấy chị lại phải chịu sự ngược đãi phủ phàng vì sự ghen tuông quái đản của chồng. Mặc dầu chị không có lỗi gì cả ngoài sắc đẹp mượt mà óng ả và nhẹ nhàng đằm thắm như sương khói của chị.

Hôm ấy sau khi khách về anh chồng ra ngồi tiếp trà tôi. Nhân khi anh ta hứng khởi vui vẻ tâm trạng tôi cũng nhẹ nhàng vô ưu thoải mái và an lành. Tôi nói với anh ta:

•-      – Nếu như được cậu cho phép tớ nắm tay vợ cậu một lần có lẽ không có bữa trà nào có thể ngon như bữa trà hôm nay được đâu.

Sau một thoáng kinh ngạc khuôn mặt anh ta đổi sắc mấy lần khi nghe tôi nói vậy.  Mặt anh ta khi thì có vẻ hằn lên như ghen tuông khi thì như thể trầm xuống như nhường nhịn rồi chuyển sang tái nhợt vì tức tối tiếp đến bất ngờ rạng rỡ tự hào. Hồi lâu anh la lí nhí hỏi như ngậm bồ hòn:

•-       – Tại sao? tại sao thầy lại muốn nắm tay vợ em!

•-      –  Vì vợ cậu là một người đàn bà rất đẹp cậu có biết điều đó không? Không những thế bà ấy còn có một vẻ thánh thiện như Đức Mẹ thân thiết bao dung độ lượng như Phật Bà hôm nay tâm tớ bất an vì nhiều chuyện biết đâu được nắm tay vợ cậu tớ lại được một sự cứu rỗi nào đó.

Anh ta cúi đầu không nói gì nữa chỉ thấy đưa trà lên miệng nhấp uống liên tục tuồng như lòng dạ bất an xáo trộn vô cùng.

Lâu lắm vì bận việc đi xa tôi không ghé lại. Hôm nay là 14   ngày mai là 15 tháng 9 là ngày sinh nhật tôi vừa chẳn chòi năm chục tuổi. Bạn bè sơ giao thì không biết bạn tri âm tri kỷ thì cách xa ngày sinh nhật sơ thọ của tôi chắc chắn cũng chỉ có mấy lời chúc sáo rỗng của bạn đồng nghiệp. Biết vậy nên tôi ghé lại quán tự chúc mừng tuổi tri thiên mệnh của mình bằng một tách trà ngon.

Khi tôi vừa yên vị ngồi xuống bàn và gọi với vào trong chào vợ chồng họ. Anh chồng đon đã vui mừng la toáng lên “tới ngay tới ngay có trà ngon cho thầy ngay ạ”.

Lát sau tôi hết sức kinh ngạc thấy anh chồng tháp tùng chị vợ bưng khay trà tiến tới chổ tôi. Đây là lần đầu tiên qua nhiều tháng quen biết tôi đối diện trực tiếp gần chị vợ của anh ta như vậy. Điều lạ lùng nhất mà chưa bao giờ xảy ra ở đây là đích thân chị vợ của anh ta mang trà ra cho tôi.

Bỏ khay trà xuống bàn chị vợ  rất cẩn trọng nhẹ nhàng dùng cả hai tay nắm úp lấy một bàn tay của tôi và nhìn thẳng vào mắt ôi tha thiết nói:

•-       – Cảm ơn thầy mà cũng không biết cảm ơn vì cái gì nữa thầy ạ. Chỉ biết dạo này anh ấy rất hiền lành nhẹ nhàng và đối xử với em rất mực thương yêu và trìu mến. Em nghi ngại có chuyện gì bất thường xảy ra tra gạn mãi thì anh anh ấy nói   chờ khi nào thầy đến pha trà mời thầy và nắm lấy bàn tay thầy mà nói một lời cảm ơn thì rõ. Dạ chí không phải nếu được thì thầy có thể cho em biết chuyện gì xảy ra không ạ?

Tôi rút bàn tay tôi ra khỏi tay chị ta và ngước nhìn anh chồng. Anh chồng cũng nhìn tôi đăm đăm nhưng trong ánh mắt không còn vẻ bất an hoảng loạn như hôm trước. Mà trên khuôn mặt anh ta  thoáng hiện lên một thứ ánh quang của sự hạnh phúc sự hài lòng sung sướng vô ngại. Cái thứ ánh quang này chỉ có trên những khuôn mặt đã thấu ngộ được ý nghĩa của sự bao dung độ lượng mà thôi.

Tôi không trả lời chị ta mà cất tiếng cười thật sảng khoái anh ta cũng cất tiếng cười  không kém phần hỷ xả họa theo. Chị vợ đứng cạnh cũng hòa vào chúng tôi bằng hình ảnh của khuôn mặt hiền lành thánh thiện mượt mềm long lanh óng ả như một tách trà được nước.

Bữa trà hôm nay quả thật là bữa tiệc sinh nhật vui vẻ  hoan hỷ mà tôi chưa bao giờ có được. Họ thật hạnh phúc. Hình như tôi không còn nhìn thấy khuôn dáng bề ngoài thật sự của họ nữa chỉ thấy họ đứng bên nhau   sóng sánh kiêu sa như Kim Đồng Ngọc Nữ và cái vẻ đẹp đôi hoành tráng của họ như toát ra từ một nguyên lực sâu thẳm từ sự bao dung độ lượng có  trong tâm hồn của họ

Còn tôi thì lâng lâng với một niềm khoái lạc rất khó tả. Không biết là vì cảm giác lần đầu tiên được một người đàn bà đúng nghĩa là Phụ Nữ Đẹp nắm tay hay là vì cảm thấy sự tồn tại của mình ở  trên thế gian này không còn vô nghĩa nữa.


15.09.09

thuận nghĩa

SHARE