1
Rừng ở Đức và Châu Âu có một loại nấm thuộc họ nấm linh chi (Ganoderma applanatum). Nó là loại nấm Linh chi dẹt. Tiếng Đức gọi là Flache Lackporling (Nấm sơn dẹt). Cũng có khi nó còn được gọi là “Nấm họa sĩ” . (Thuật ngữ tiếng Anh thường gọi là “Artist’s Conk” hoặc “Designer’s Mushroom”).
Vụ nấm linh chi màu này tôi đã có đôi ba lần khuyến cáo mấy học trò có máu hội họa của tôi, và cũng đã có lần khuyên đứa cháu, con anh ruột của tôi là một Họa sĩ khá nổi tiếng ở Việt Nam là nên tạo ra một “trường phái” hội họa riêng biệt là sử dụng màu vẽ bằng nguyên liệu 100% là màu hữu cơ tự nhiên từ cây cỏ. Vừa có thể đáp ứng được nhu cầu sáng tạo, vừa có thể làm ăn kinh tế một cách rất “xanh” được, vừa đảm bảo được sức khỏe khi tiếp xúc với phẩm màu hóa học cực độc và có rất nhiều chì, thủy ngân và kim loại nặng. Chúng không tin tôi, vì chúng nói phẩm màu 100% tự nhiên như tôi nói không thể đáp ứng được ý tưởng sáng tạo, màu sắc khó bảo toàn theo thời và rất khó để phát triển thương hiệu riêng.
Tôi làm tranh ghép màu bằng hoa lá (Collage) đã hơn mấy chục năm nay, tôi biết có một phần dân số Trung lưu và Thượng lưu ở Âu-Mỹ rất chuộng loại hình nghệ thuật tự nhiên này. Và qua quá trình tìm hiểu phương pháp bảo quản màu sắc tự nhiên khỏi bị phong hóa theo thời gian, tôi đã nắm rõ phương pháp sử dụng phẩm màu tự nhiên của người cổ đại, khi họ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật trên vách đá và đồ vật thờ phụng (Phương pháp này có thể bảo quản màu sắc tự nhiên qua hàng vạn năm vẫn không đổi sắc). Vì bọn “đệ” không tin tôi, nên đã có lần tôi sử dụng các loại phẩm màu trên bào tử nấm của loại nấm “Flacher Lackporling” này và ra quảng trường ngồi vẽ, tô màu lên các bức họa có phong cách “Mạn đà la”. Chỉ ngồi quẹt màu sơ sơ lên các phác họa đã vẽ sẵn thôi mà người hỏi mua và đặt hàng làm đã “râm ran” với giá “trên trời” rồi. Huống hồ gì là làm nên một tác phẩm nghệ thuật thực sự…
Nấm linh chi dẹt (Flacher Lackporling), có các bào tử màu sắc khác nhau rất phong phú, tùy theo cây chủ mà nó ký sinh và đặc điểm môi trường của thảm rừng mà nó phân bố. (Xem hình đính kèm). Có điều nó hơi khó kiếm tìm và đôi khi phải tùy duyên mới tìm được loại màu mình mong muốn. Vì đa số màu sắc của loại nấm này chủ yếu là có màu nâu vàng. Chỉ riêng khi loại nấm mọc trên thân cây sồi đỏ già, hoặc gốc mục của loại cây này mới cho các loại bào tử màu có gam màu xanh. Đặc biệt là gam màu Blue (Xanh biển) thì cực hiếm. Màu có từ mặt dưới của nấm linh chi dẹt, nếu biết cách xử lý, thì có thể cứ cầm cả tai nấm, quẹt cọ lên đó mà phối màu vẽ. Phải nói là “thần diệu” vô cùng.
Ngoài ra thân loại nấm linh chi dẹt này còn có tác dụng đối với sức khỏe không thua kém gì các loại nấm linh chi đang hiện hữu trên thị trường. Đôi khi nó còn diệu dụng hơn nữa là đằng khác, nhờ vào tác dụng phong phú và đa dạng hơn. Mỗi loại nấm Flacher Lackporling mọc trên một loại cây chủ khác nhau thì có tác dụng bồi bổ vượt trội về một khía cạnh nội tạng nào đó khác nhau….(Vụ này nói sau…)
2
Mùa thu năm nay tôi cần có một số cây nấm linh chi dẹt mọc trên cây sồi đỏ hoặc cây phong đỏ, nấm có gam màu Blue, để sử dụng trong nhiều việc, kể cả cho vấn đề nghiên cứu về sức khỏe và cả về nghệ thuật. Vì vậy tôi rắp tâm lên kế hoạch đi tìm kiếm chúng khi mùa thu đã chớm.
Thằng bạn người Đức của tôi, vốn là “người rừng” (Người đã tìm ra cho tôi “cụ” Thủy linh chi 80 năm tuổi), nói với tôi rằng, rừng Schwarzwald ở cụm biên giới phía Nam dọc Đức-Pháp- Áo-Bỉ-Thụy sĩ có rất nhiều sồi đỏ và phong đỏ, khí hậu ở đó ẩm ướt có thể có loại Flacher Lackporling mà mày tìm. Cuối tháng 9 tôi có lập kế hoạch đi về vùng này uống trà và nhân tiện thám hiểm vùng này luôn. Kế hoạch này thất bại. Tôi trở về Bắc Đức. Gã “Người rừng” lại nói, đâu đó vùng rừng ở Ostsee hắn đã từng gặp loại linh chi dẹt mà tôi mô tả, nhưng hắn quên mất là ở chỗ nào rồi. Hắn cho tôi địa chỉ một số rừng mà người ta hay đi hái nấm. Tôi đã đi 2 lần qua các rừng mà gã “Người rừng” giới thiệu nhưng chỉ tìm ra được các loại linh chi dẹt trên cây sồi thường, không có loại tôi muốn kiếm. Tôi vẫn không nản, với tâm niệm, có khát vọng cháy bổng ắt sẽ có duyên gặp…Tôi vẫn sắp xếp thời gian để lãng vãng ở các bìa rừng vùng Bắc Đức này.
Hôm lang thang ở các thảm rừng ở vùng Wismar. Khi đang ngồi mệt nghỉ ở bìa rừng thì gặp em. Em cũng đang xách cái giỏ mây đi tìm nấm. Thấy một em trẻ, xinh tươi như mộng, một mình đi trong rừng, trong tôi chợt lóe lên câu truyện cổ tích của người Đức: “Công chúa ngủ trong rừng”. Tôi lân la hỏi chuyện. Em rất thân thiện và cũng có phần thánh thiện, hồn nhiên hơn tôi tưởng. Hỏi em tên gì, em nói tên là Nguyệt Thảo họ Lâm, Lâm Nguyệt Thảo. Tôi ngạc nhiên và khen tên em hay và hỏi trêu rằng: Hôm nay em làm “Công chúa ngủ trong rừng” hay là “Nữ chúa rừng xanh” vậy?. Em lưỡng lự một hồi rồi nói : Em muốn mình là “Nữ chúa rừng xanh”. Tôi cười hì: Nếu em là Nữ chúa rừng xanh thì cho ta xin một điều ước được không?. Em hồn nhiên nói: Anh ước có cây Flacher Lackporling màu Blue chứ gì?. Tôi giật mình hỏi lại: Sao em biết hay vậy?. Em lấy trong giỏ mây ra cho tôi một mảnh giấy gấp nhỏ. Tôi lật mảnh giấy ra đọc rồi lẳng lặng trầm buồn hỏi: Em từ chỗ gã Ô Lang đến à. Em gật đầu. Tôi không nói gì, ngồi lặng một hồi lâu rồi hỏi tiếp: Em cho ta nắm tay một cái được không?. Em chìa tay ra. Tôi nắm chặt tay em một hồi khá lâu rồi buông tay em nói: Tay em nuột nà như sương khói vậy. Em cười. Tôi ngồi nhắm mắt hờ, lắng nghe tiếng gió rì rào, hồi lâu lại nói: Em cho ta ôm một cái được không?. Em không trả lời mà dang tay ôm tôi vào lòng. Em cao hơn tôi, rộng hơn tôi, nên cái ôm thật đầy và ấm áp. Tôi lại nói: Em mềm dịu như vầng trăng. Em cười…
3
…Tôi bỗng nhiên bật lên cười khùng khục và tự rủa mình: Bố khỉ, mình khéo tưởng tượng thật, thế mà cũng trở thành một giấc mơ đẹp.
Lặn lội qua mấy khu rừng vẫn không tìm thấy thứ mà mình muốn. Tôi ngồi tựa mình vào một gốc bạch dương và ngủ thiếp đi trong chốc lát. Giật mình tỉnh dậy thấy trên tay mình vẫn cầm cái cặp tóc và cái thìa làm bằng gỗ sồi đỏ. Lão Olap (Ô Lang) nói với tôi rằng, không phải cứ tìm là gặp được đâu, Flacher Lackporling muốn gặp được thứ mình muốn là phải đi 2 người, một Nam một Nữ, nắm tay nhau mà đi tìm, họa may ra còn gặp. Tôi không tin những gì gã người rừng này nói. Thấy tôi vẫn nhất định đi tìm kiếm một mình, Olap đưa cho tôi cái cặp tóc và cái thìa ăn làm bằng gỗ sồi đỏ nói: Nếu mày đi một mình thì thử cầm cái cặp tóc này trong tay, coi như đang nắm tay một cô nàng nào đó cho có dáng âm dương hòa hợp may ra thì có thể gặp. Tôi cười nhạo gã “Người rừng” là mê tín. Cười hắn, nhưng tôi vẫn cứ cầm mấy thứ hắn đưa và đi tìm thử. Cuối cùng vẫn chưa gặp được Lâm Nguyệt Thảo (Tên tôi đặt cho nấm linh chi dẹt màu xanh biển).
… Mùa thu sắp hết rồi, trăng lại sắp tròn rồi. Có “đứa nào” chịu cho tôi nắm tay đi tìm Lâm Nguyệt Thảo không. Dù có tìm được hay không, tôi cũng hứa sẽ tặng lại cho người đó cái cặp tóc làm bằng gỗ sồi đỏ. Còn cái thìa thì tôi nhất định sẽ giữ lại làm “vật định tình” …he..he..he…
17.10.21
Thuận Nghĩa