Home Ký sự Khỏa Thân Vì Xã Tắc (phần 3)

Khỏa Thân Vì Xã Tắc (phần 3)

1252
0

Tính mình viết chuyện làm thơ hay trò chuyện tam phào chí phổi cũng vậy cũng bị ảnh hưởng cái thuật dụng huyệt ở trong nghề châm cứu. Cứ miên miên man man như thể Man Thiên Quá Hải Dương Đông Kích Tây rồi bất chợt tùy thủ thuật bổ hay tả mà nương theo thuận nghịch là Thấu Thiên Lương hay Thiêu Sơn Hỏa cũng bất chợt nhằm Mẫu-Tử tùy chứng mà phóng một phát trúng ngay vào đại huyệt đắc khí trong chớp mắt mà đại cáo công thành.

Hôm nay gặp mấy thằng trời đánh bị chúng nó lừa đi tắm hơi tươi mát bực bội trong người đã trả thù một quả dùng khí lực Sư Tử Hống bắt chúng vô tình Động Tiếu mà mất gần quá nửa chân khí. Thấy chúng vô tư không biết gì nên trắc ẩn định kể mấy câu chuyện vui cho chúng nó  hồ hởi lấy lại nguyên lực đã bị thất tán qua trận cười cù huyệt tiếu. Ai dè mình bốc phét mấy chuyện tào lao mà mấy thằng có vẻ đăm chiêu quá nên cũng ngại.

Mấy thằng này là dân kinh tế chỉ có thằng Phong là có tý đầu óc thao lược trên thương trường còn lại mấy thằng kia chỉ là dân chụp giật thích ăn xổi. May mắn sao ngáp được mấy vụ có tý tiền xủng xoẻng mà thành danh thương gia hay nhà đầu tư. Cái này là khi đóng bộ mua mấy cái áo có mạc kèn (Marken) rồi về phép ở Việt Nam ra vẻ thế thôi chứ bên này cong đít chổng mông làm cu ly bỏ xừ đi chứ thương gia đại gia con mẹ gì đâu.

Nói chuyện với dân “gạo chợ” mình cũng phải trôi nổi tý “nước sông”  một tý chứ cứ chàng ràng thắt nút mở nút mở đề thân bài kết luận …theo đúng luật văn chương chúng nó lại nói mình là dân “mài đũng quần” “buôn dưa lê” thêm rách việc.

Vì vậy khi thằng Hiếu hối mình đi đờ rếch vô chuyện khỏa thân vì xã tắc là mình nhập ngay thân bài không thôi nó lại ông ổng lên là mình làm mất thời gian vàng ngọc của nó.

      Huyện miềng (mình) nằm đúng khúc eo nhất của nước Việt từ biên giới giáp Lào ra đến biển chỉ độ năm chục cây số đường chim bay. Không kể người thiểu số Vân Kiều sống rải rác trong đại ngàn thì hầu hết dân Kinh đều an cư lạc nghiệp nơi châu thổ của sông Kiến Giang. Ngoại trừ mấy xã đặc biệt như Tân Thủy Trường Thủy Thái Thủy..là dân nương rẫy Ngư Thủy Thanh Thủy Cam Thủy  là dân cát dân biển còn lại mấy chục xã khác đều làm nghề ruộng nước đói no ấm lạnh gì cũng từ sông Kiến Giang mà ra. Sông Kiến Giang ào nước bạc về coi như lụt: mất trắng mùa. Sông Kiến Giang sặc nước ròng coi như hạn: hạt thóc ròm như đầu tăm. Bởi vậy đói no của làng nước đều dựa vào cái tài trị thủy biết nương theo con nước điềm mây mà gieo mạ xuống bùn lật đất đúng thời khắc là thắng. Ngoài ra còn dựa vào tài sức của trai đinh trong làng xã có đủ sức tang bồng với sông nước hay không.


thuyền đua


thuyền bơi

Chính vì điểm đó mà đến ngày hội sông dân huyện mình dựa vào thuyền Đua-Bơi mà định cái thế hơn thua “một miếng giữa làng” với Lệ Thủy.

Thuyền Đua nhỏ hơn thuyền Bơi do thiếu nữ trong làng chọn ra những người eo ả lưng thon sức trường thế vững đứng một hàng giữa thuyền mà gắn chèo lên thi nhau khua mái cho đến đích.

Thuyền Bơi dài mấy chục thước làm bằng thứ gỗ từ một cây cưa ra thành ván mà ghép lại. Thuyền Bơi do trai đinh trong làng tuyển chọn ra những tay vạm vỡ cường tráng sức lực dẻo dai 12 cặp ngồi xuống bên mạn theo tiếng mõ khua nhịp mà cúi đầu cắm cổ chầm mái  chầm cho đến hết cuộc thi với chiều dài mấy chục cây số dọc sông.

Thắng thua của thuyền đua không quan trọng lắm vì thuyền đua là do phụ nữ chèo. Những thành công xưa nay của đàn bà đều là thứ yếu. Luật xưa là vậy.

Thắng thua của thuyền bơi mới là mặt mũi của làng xã.

Việc về nhất về nhì về ba về tư …về  bét hay đứt cuộc giữa đường của thuyền bơi năm nào là định được cái thế vượt trội hoành tráng của làng xã năm đó.

Là dân sông nước cho nên tất cả sự sang hèn tài nghệ đều thể hiện và phát tiết lên trên mạn thuyền. Thuyền làng xã nào xếp thứ hạng về đích cao thì coi như tráng đinh làng đó mạnh bạo để có sức vượt qua mưa lũ bô lão làng đó có cái trí thao lược trên sóng dữ mưa nguồn. Tinh hoa của làng đó có tuyệt chiêu trong việc đóng thuyền khảm nôốc* . Bởi vậy thắng thua của thuyền bơi là danh dự bậc nhất trong các loại danh dự mà làng xã vùng Lệ Thủy có được. Xưa cũng vậy mà nay cũng vậy. Cho dù có truy tặng là xã anh hùng (như Ngư Thủy chẳng hạn) hay là làng Thi Đua thậm chí giả dụ Liên Hợp Quốc có danh tặng là miền đất văn minh nhất trái đất đi chăng nữa mà ban tặng cho một xã của Lệ Thủy thì cái danh tặng đó cũng chẳng là cái đinh rỉ gì cả so với cái danh dự Thuyền Bơi về nhất.

Xếp thứ hạng thuyền bơi là nâng bậc sang hèn cho cả một vùng. Chả thế mà con gái người cày mướn ở làng Xuân Lai có thuyền bơi về nhất không thể gã cho con trai người Địa Chủ ở làng Uẫn Áo có thuyền bơi về bét được vì thế là không môn đăng hộ đối về danh vọng.

Cứ sau lần hội sông nhằm vào tết độc lập (2/9). Là đến ngày tựu trường. Học sinh cấp 3 của những xã có thuyền bơi xếp thứ hạng thấp bỏ học phân nửa vì nhục. Bởi vậy mà đã rất nhiều lần Hiệu Trưởng trường cấp ba đệ đơn xin thôi không bơi chải kẻo học sinh các xã thua bỏ học hết.

Rồi trai gái các xã yêu nhau đã có khi dạm hỏi hứa hôn nhưng nếu như năm đó lỡ như thuyền bơi của xã này về bét thì nhất định trai làng xã này sẽ nhận lại được sính lễ do gái làng xã kia trả lại. Vậy đó hơn thua danh dự dữ lắm.

 

Ganh đua

nguời hâm mộ trong ngày hội sông

Theo truyền thống thì các thuyền bơi của Xuân Lai Xuân Bồ Đại Phong An Xá Tuy Lộc An Thủy An Hòa…là thường có thứ hạng cao trong mùa bơi còn các thuyền như Qui Hậu Uẫn Áo Mỹ Thủy Quảng Cư …thì thường bị xếp hạng thứ hạng thấp. Bởi vậy mà lớp trẻ khi đi thoát ly khi gặp đồng hương hỏi nguyên quán đứa nào ở các làng có thuyền bơi xếp hạng cao bao giờ cũng vênh mặt lên trả lời rất hoành tráng còn mấy đứa ở làng có thuyền bơi thua thường gầm mặt xuống lý nhí không dám nói tên làng mình sợ nhục.

– Mà tớ nói về tên làng xã các chú có biết đếch gì đâu nhỉ- Kể đến sự vinh nhục của thắng thua trong bơi chải của các làng xã Lệ Thủy mình dừng lại hỏi dò tụi nó mới nghe hỏi thằng Hiếu đã đông đổng la lên:

     –   Ừ bác cứ gạch đầu dòng. Vì sao khỏa thân khỏa thân như thế nào đi chứ quả thật cứ rong rê từ làng này qua xã kia sốt ruột lắm.

 

     –   Ừ đem tên tên làng xã của một vùng quê chúng mày chưa đến bao giờ ra nói thì quả thật là vô duyên thật. Nhưng câu chuyện khỏa thân vì xã tắc có liên quan đến hai cái làng ở Lệ Thủy mà tớ nói không ngoa là sự tích của hai làng đó có liên quan đến cả vận mệnh của Nước Việt thời hiện đại đấy.

    –   Ối giời ơi!- Thằng Phong réo lên- Bác bốc phét thì cũng bốc phét vừa vừa thôi chứ hai cái làng ở nơi khỉ ho cò gáy ấy thì ảnh hưởng chi đến vận mệnh của Quốc Gia

     –   Chúng bay tối tăm thì để cho anh mày khai mở cho tý sự thật nhé có lẽ chúng mày đã bị u mờ trước những gì mà lịch sử trải bày trên trang giấy nên nhiều khi không biết đâu là thực đâu là hư hết. Trong 10 vị tướng lĩnh từ cổ chí kim mà các chuyên gia quân sự thế giới đánh giá là những vị tướng xuất chúng có tài thao luợc làm ảnh hưởng đến cục diện của Thế Giới có một vị tướng của Việt Nam là Tướng Giáp ông ấy xuất thân từ làng An Xá ở Lệ Thủy đấy. Các chú đừng tưởng Trung Quốc được mạnh danh là Đại Hán kiêu hùng với những pho chuyện Hán-Sở tranh hùng Đông Chu Liệt Quốc Tam Quốc Chí mà ngỡ Trung Quốc lắm hiền tài. Họ chỉ có cái tài tưởng tượng ra những trang hảo hán như Quan Công Gia cát Võ hầu Ngũ Tử Tư Tôn Tẫn Bàng Quyên…chứ thực ra trong các cuộc chiến họ chỉ ỷ số đông dùng sách lược “lấy thịt đè người” chứ chẳng tài giỏi gì đâu. Tướng lĩnh hào kiệt của họ chỉ có ba cái mưu của phường thảo khấu chứ đâu có ai là danh kiệt vang danh bốn bể như nước Nam ta. Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ chỉ cần nhấc vó ngựa đã bình định hết cả Trung Nguyên. Vua Kim miền hoang mạc chỉ nhăm nhe nhổ trại hành quân tác chiến là họ đã vội vàng dâng hết nửa nước Trung Hoa. Trần Hưng Đạo ta chỉ cần phất ngọn cờ tiết chế 3 lần quân Nguyên Mông tháo chạy không còn một mảnh giáp. Nguyễn Huệ mới vén tà áo vải đã tan tác 20 vạn quân Mãn Thanh. Tướng Giáp với một tiểu đội tuyên truyền giải phóng quân nơi gốc đa Tân Trào cũng làm nên một Điện Biên Phủ rung động cả trời Tây. Khi nhìn nhận lịch sử dưới con mắt của những nhà thao lược thì không thể nào phủ nhận được vai trò của cá nhân đâu các chú ạ.


Vào những năm đầu thập niên 60 khi tổng thống Diệm và nội các miền Nam thực hiện chính sách Phụng Hoàng bình định nông thôn thì lực lượng giải phóng miền Nam bật bãi không có chỗ dựa. Tính dân tộc chủ nghĩa của dòng họ Ngô bắt đầu thu hút được rất nhiều lực lượng trí thức yêu nước để tiến hành kế hoạch lấp sông Bến Hải.

Vào thời điểm đó cả lầu Năm Góc và bộ máy CIA cũng như những thế lực quân sự khác trên thế giới ngơ ngác trước việc chính quyền Hà Nội điều động một vị tướng lĩnh tài ba và cấp bậc thuộc loại cao nhất trong quân đội Việt Nam về nông thôn phát động phong trào phân bắc phân xanh.

 Đại Phong ngọn cờ đầu nông nghiệp của Miền Bắc xã hội chủ nghĩa do chính vị tướng kia về phát động phong trào. Tại sao? Trong lúc dầu sôi lửa bỏng vận mệnh quốc gia đang hồi khốc liệt tranh chấp trên chiến trường thì một vị tướng tài xuất thân khoa bảng có trí thao lược tầm cỡ như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lại về vùng Đại Phong lo việc phân bón và máy cày. Câu hỏi này phải chờ đến một lúc nào đó lịch sử mới lý giải được.

Đó là chuyện của Lịch sử của chiến lược và sách lược của nhà cầm quyền.

Còn dân gian có cách lý giải của dân gian. Sự thật như thế nào không biết nhưng những lý giải đó đã trở thành huyền thoại trong dân chúng.

Việc tướng Thanh về Đại Phong phát động phong trào nông nghiệp dân gian truyền tụng rằng đó là một đòn đánh vào tâm thức huyền linh của dòng họ Ngô làm cho những người cầm đầu của chính quyền miền Nam lúc bấy giờ như Ngô Đình Diệm Ngô Đình Nhu Ngô Đình Cẩn…những người xuất thân từ Khổng học phải nơm nớp lo sợ bất an mà tự phá sản với kế hoạch Bắc tiến của mình.

Dòng họ Ngô với chính sách gia đình trị thao túng hết quyền lực miền Nam lúc bấy giờ xuất thân chính là ở làng Đại Phong cách làng An Xá quê hương của tướng Giáp không xa.

Miền quê lặng lẽ bên dòng Kiến Giang này chính là nơi xuất thân của hai nhà lãnh đạo tối cao của hai thể chế. An Xá là nơi xuất thân của tướng Giáp vị tướng huyền thoại của Thế Giới lúc bấy giờ là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Bắc Việt còn Ngô Đình Diệm xuất thân từ làng Đại Phong cách làng An Xá chỉ một con kênh và một cánh đồng nhỏ của làng Tuy lộc lúc đó là đương kim tổng thống miền Nam

Dân gian truyền tụng rằng hai dòng họ này phát lộc phát phước là nhờ mồ mả của dòng họ được chôn nơi Cát Địa đúng vào long mạch phát tướng trên đỉnh đồi An Mã một ngọn đồi cao như bức bình phong trên  thượng nguồn dòng Kiến Giang.

Mồ mả nhà họ Ngô an táng nơi đất phát Lộc vì vậy mà mấy đời đều làm quan thượng thư đầu Trào.

Mồ mả dòng họ Võ an táng nơi phong thủy phát về Phước Thọ vì vậy mà dòng dõi đều phát về tướng khoẻ mạnh sống lâu con cháu đầy đàn chức tước cao sang và  có học thức.

Sau việc tướng Thanh về Đại Phong không bao lâu những người biết thiên tượng trong vùng nhìn lên An Mã thấy mây mù ảm đạm phong khí u tối trên vùng mồ mả của dòng họ Ngô chôn ở đỉnh đồi. Họ nói rằng long huyệt dòng họ Ngô bị yểm phá. Ngẫu nhiên sau đó một thời gian ngắn cả gia đình họ Ngô bị chết bất đắc kỳ tử đến tuyệt tử tuyệt tôn không còn có người nối dòng.

Tất nhiên đó là chiến lược xâm lược của Mỹ muốn thanh toán họ Ngô có tính dân tộc để thay bằng đệ nhị cộng hòa phụ thuộc Mỹ và làm bù nhìn cho họ.

Nhưng sự trùng hợp ngẫu nhiên đó đã đi vào trong dân gian bằng một huyền thoại khác là long mạch nhà họ Ngô trên đồi An Mã bị trù yểm nên dòng họ Ngô mới bị thảm tử và vận mệnh của Nước Việt thống nhất quay sang một cảnh giới khác.

Đó là chuyện gần đây của hai cái làng trên dòng sông Kiến Giang ấy nhưng lui về thế kỷ thứ 19 và có lẽ là lâu hơn nữa. Làng  An Xá và đã có một sự thật mà có thể gọi là huyền thoại độc đáo nhất thế giới về Cổ Động Viên Thể Thao.

Huyền thoại liên quan đến bơi chải Lệ Thủy và 100% là sự thật.


Chuyện kể lại rằng làng An Xá của Lộc Thủy  là làng có truyền thống bơi chải rất hay và  hầu như năm nào cũng được xếp thứ hạng cao. Nhưng có mấy năm liên tục thuyền bơi của An Xá không biết vì sao không được về nhất ngược lại còn về trong tốp chót. Bô lão buồn phiền ngã bệnh mà chết trai làng nhục nhã bỏ xứ mà đi gái làng góa bụa không ai cưới hỏi. Có một thiếu nữ trong làng vì thương cảm mà nguyện hy sinh thân mình. Rạng ngày bồng phao thi bơi thiếu nữ đến nói với trai chải làng mình rằng khi thuyền bơi qua chỗ phao trở gần làng thì tất cả cứ phải nhắm mắt lại cúi đầu mà chầm bơi thì tất được về nhất.

Đến khi đoàn thuyền bơi đến chỗ đó thiếu nữ kia đứng giữa chỗ bờ gần nơi quay thuyền mà tuột quần tồng ngồng chường ra tất cả chỗ kín trước bàn dân thiên hạ. Trai chải các thuyền khác trố mắt nhìn ôm bụng cười mà lơi tay chầm. Riêng thuyền An Xá nhắm mắt mà bơi vì vậy năm đó về nhất.

Trong khi làng xóm An Xá đang hoan hỉ ăn mừng thắng lợi thì thiếu nữ kia ra giữa dòng Kiến Giang trầm mình quyên sinh tự vẫn.

Dân trong vùng cảm kích sự vì xã tắc mà quên thân mình của Cô và hâm mộ tinh thần vì thể thao của Cô mà lập nên đền thờ gọi là đền thờ Bà Lỗ (Ở Lỗ tiếng địa phương là ở truồng). Có nghĩa là đền thờ người đàn bà ở truồng. Có lẽ đây là đền thờ người đàn bà khỏa thân đầu tiên trong lịch sử Á Đông và cũng là đền thờ Cổ Động Viên Thể Thao đầu tiên trên trái đất này.


Đền thờ Bà Lổ (Bà Khỏa Thân) ở An Xá Lộc Thủy Lệ Thủy

(Đền nhìn từ phía bờ sông)

–       Ha ha..hi..hi hô hô – cả bọn cười lên sặc sụa. Thằng Hiếu tru lên.

 –     Bác có bịa không đấy chuyện như thế này sao sử sách không thấy ghi lại đền thờ một Cổ Động Viên Thể Thao đầu tiên trên thế giới như thế sao không thấy trong các di tích văn hóa của nước ta nhỉ

   –    Ừ tớ cũng cảm thấy lạ không biết bọn trẻ làm văn hóa văn nghệ của huyện tớ chúng nó làm việc gì một di tích hoành tráng như thế với một sự thật kiêu hãnh và lãng mạn đếnnhư thế mà chúng không thèm để ý đến chắc chúng nó cứ nghĩ rằng chỉ có nhà cao cửa rộng xe hơi nhà lầu như phương Tây  mới là văn minh văn hóa chăng- Mình rầu rầu trả lời bọn nó và thở dài kết thúc câu chuyện Khỏa Thân Vì Xã Tắc.



Phụ Chú:


Năm rồi đúng dịp 2/9 anh Tấn Định nói với mình không về quê coi bơi chải được đang buồn thúi ruột. Trong dịp bơi chải anh ở Hà Nội cứ mở di động 24/24 để nghe tin người nhà báo tình hình. Khi An Xá về nhất anh gọi ngay cho mình réo lên:

    –   Nghĩa ơi An Xá về nhất rồi Xuân Bồ của em phạm luật nên thua chia buồn nhé.

Mình cũng hét lên trả lời:

     –  Em đâu có phải fan của Xuân Bồ em là fan của con cháu Bà Lỗ.

    –   Hì hì…An Xá về nhất là vì năm nay bồng phao có đốt một cái sớ Lục bát dài mấy ngàn câu trên đền Bà Lỗ nên bà phò trợ cho đấy- Anh hỉ hả cười như trúng số độc đắc vậy.


Hamburg
07.01.10

SHARE