Home Khí công KẾT- SỰ TRÁO TRỞ CỦA NGÔN TỪ

KẾT- SỰ TRÁO TRỞ CỦA NGÔN TỪ

919
0

1- Mạc định từ đồng nghĩa thành 2 phạm trù khác nhau, cho nên dẫn đến quan niệm “Đúng” hay “Sai” cũng từ một hiện tượng, cùng một ngữ cảnh giống nhau (Phần 1)

2- Mạc định từ hoàn toàn “Sai” thành thành từ cực kỳ “Đúng” (Phần 2)

3- Không biết đó là cái gì, nhưng vẫn cho đó là đúng, sử dụng đúng:

Tôi lớn lên từ lúc 1 tuổi cho đến năm 17 tuổi (Và cũng từ đó, năm 17 tuổi, tôi cất bước ra đi không hẹn ngày trở lại..) là ở ngay cái rốn lũ chồng lũ vừa rồi đấy. Là cái nơi gọi là 5 xã vùng giữa của Lệ Thủy, nơi mà anh chị em bằng hữu và môn sinh của TNDSĐ đã kịp thời cứu trợ cho những hoàn cảnh ngặt nghèo trong tình huống cấp bách nhất ấy đấy. Cái xã tôi lớn lên ở đó, là xã Xuân Thủy, đối diện bên kia sông Kiến Giang là xã Liên Thủy. Cái điệu hò “khoan khoan hò khoan…” nổi tiếng trong bài hát “Quảng Bình Quê Ta Ơi” là chính từ khúc sông này mà ra đấy.

Người QB có câu thành ngữ: “Nón Ba Đồn…”. Thực ra nón Quảng Thuận, Ba Đồn nhiều chứ không chắc chắn và chất lượng bằng nón của làng Qui Hậu ở Liên Thủy đâu. Và tơi thì có lẽ không có nơi nào ở dải đất miền Trung có loại tơi đi mưa chất lượng như ở làng Xuân Bồ xã Xuân Thủy.

Vừa rồi tôi có xem mấy cái video cứu trợ bão lụt. Đặc biệt là những cái Clip cứu trợ phát tiền của ca sĩ Thủy Tiên. Tôi thấy hàng ngàn người xếp hàng chờ phát tiền cứu trợ toàn mặc áo đi mưa bằng nilon, tuyệt nhiên không hề thấy bóng dáng một cái tơi nào. Tôi cảm thấy là lạ, không lẽ áo tơi quê tôi đã tuyệt chủng rồi chăng?. Thấy lạ, là vì không có thứ gì chắn gió, chắn mưa, tránh bấc, tránh lạnh tốt bằng áo tơi cả. Trong điều kiện mưa bão “truyền thống” này sao không thấy cái áo tơi “bảo bối” nào xuất cả là sao?

Quê tôi là rốn mưa, rốn bão, lũ lụt kinh niên là chuyện thường tình, và từ ngàn đời nay cho đến cái thời tôi bỏ xứ ra đi, thì cái áo tơi là vật bất ly thân của dân tôi trong mùa bão lũ… Nay chẳng còn thấy nữa, dù mưa lũ vẫn còn đó và ngày một tồi tệ hơn…

Cái áo tơi chằm bằng lá cọ non vốn là “đặc sản” bất ly thân của dân quê tôi, giờ không thấy nữa. Bởi vậy, nên trách chi một số Cô giáo dạy văn, nhà văn, nhà thơ, nhà ngôn ngữ học ngày nay cứ đổ vạ cho “luống mồng tơi xanh rờn” khi giải nghĩa thế nào là cái “nghèo rớt…”

Trong thành ngữ tiếng Việt có nhiều câu thành ngữ thường dùng để chỉ sự nghèo nàn khó khăn đó là “Nghèo kiết xác”, “Khố rách áo ôm”, “Không mảnh đất cắm dùi” và đặc biệt là câu thành ngữ giàu hình tượng nhất và được sử dụng thường xuyên nhất là: “Nghèo rớt mồng tơi”. Cái câu thường được sử dụng này, đa số người dùng nó, kể cả những người có nghề nghiệp liên quan đến “chữ nghĩa” đều ít ai biết xuất xứ của nó. Và hầu hết là “đổ vạ” cho dậu mồng tơi khi diễn giải.

Rau mồng tơi là loại rau dây leo, lá rất dày và xanh rờn mọng nước, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt đến đâu, dậu mồng tơi bao giờ cũng xum xuê lá… thì hà cớ làm sao lại ví cái sự nghèo cùng cực như rau mồng tơi được.

Nguyên là vậy. Cái áo tơi khi được chằm lá cọ non bằng dây mây chuốt, người ta có một khung nan tre hoặc mây song gọi là cốt áo, rồi từ các khoanh mây cốt này người ta mới chằm móc từng lá cọ non lên đó để tạo hình cái áo tơi. Cái áo tơi, từ phía vòng buộc ở cổ, có một gờ nổi lên uốn cong thành hình khum khum ôm lấy vai cổ. Cái gờ nổi lên này gọi là cái “mồng tơi” (Người miền Trung thường gọi những hình dạng có gờ nổi lên bắt thường là “mồng” ví dụ như “mồng gà”, “mồng chim chào mào”… và hình dạng của bộ phận sinh dục phụ nữ gờ lên cũng được gọi như vậy). Khi cái áo tơi dùng lâu năm, dải dầm mưa gió, lá tơi rách toe, dây chằm mục nát, cái sườn tạo dáng của cổ áo tơi cũng vì vậy mà bung ra, lá che rụng rơi toang hoác, tơi tả… nhìn rất thảm hại…Ngữ cảnh “rớt mồng tơi” là ngữ cảnh này. Vì vậy mới có câu mô tả sự nghèo túng là “Nghèo rớt mồng tơi”… Chứ mắc mớ chi với cái “dậu mồng tơi xanh rờn” mà ví nó với cái nghèo cùng kiệt được…

Nhưng xưa nay đã thế, vốn đã dùng cụm từ ấy để ám chỉ sự nghèo nàn đến cùng cực rồi. Đã mạc định thế rồi, cho nên người ta cứ dùng nó để ám chỉ, không cần biết nó là cái gì. Vẫn đúng!!!…he…he….

4- Nói một đường viết một nẻo:

Có câu chuyện kể lại rằng: Một cô giáo nọ lúc chấm bài kiểm tra Tập làm văn với đầu đề “Em hãy miêu tả một người mà em kính trọng nhất”, đã cho một bài viết 0 điểm, chỉ vì câu kết tai hại trong bài viết vô cùng xuất sắc miêu tả Cô giáo của mình như sau: “…Cô giáo em đã hy sinh hết cuộc đời của mình cho sự nghiệp chồng người …” …he he he… tội cho em học sinh này quá, chỉ vì em có thói quen nói sao thì viết vậy cho nên bị cô giáo (Hình như có tật giật mình) nên mới cho em điểm 0, dù bài viết của em khá xuất sắc.

Thói quen này có ở hầu hết người miền Bắc. Người miền Bắc hầu hết lúc phát âm không biệt được chữ “tr” và chữ “ch”. Và hầu hết họ phát âm “tr” và “ch” đều giống nhau, nhưng khi viết thì họ viết đúng. Chỉ tại em học sinh kia nói thế nào viết thế ấy nên mới “mang họa”. Đáng ra là “sự nghiệp trồng người” vô cùng cao cả, thì thành ra là “sự nghiệp của chồng người (khác), vô cùng “cặn bả”

Bởi thế mới nói ngôn ngữ có nhiều khi nói một đường mà viết một nẻo là vậy…

KẾT:

Ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết vốn là đặc trưng cốt lõi Văn minh của Loài Người (Phương tiện lý luận và tư duy), nhưng do những đặc điểm như tôi đã trình bày sơ sơ qua mấy ví dụ này:

1- Mạc định từ đồng nghĩa thành 2 phạm trù khác nhau, cho nên dẫn đến quan niệm “Đúng” hay “Sai” cũng từ một hiện tượng, cùng một ngữ cảnh giống nhau (Phần 1)

2- Mạc định từ hoàn toàn “Sai” thành thành từ cực kỳ “Đúng” (Phần 2)

3- Không biết đó là cái gì, nhưng vẫn cho đó là đúng, sử dụng đúng:

4- Nói một đường viết một nẻo:

…Thì quả thật sự “Tráo trở” bất thường của Ngôn Ngữ khó có thể tin cậy được.

Vì sao tôi lại liệt kê những mệnh đề không đáng tin cậy của Ngôn Ngữ trong phần cung cấp tư liệu cho việc luyện tập Khí Công Trung Đẳng. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là độ thiếu tin cậy trong hiệu quả và sự bền vững của “Lệnh ám thị”, và “Niệm quán tưởng”. Mà đó là “vùng đầm lầy” của công phu mà đa số Hành giả của Khí Công, và Thiền sinh rất dễ đắm chìm, sa lầy vào trong đó….

12.11.20

Thuận Nghĩa

SHARE