Như trong statut “Tản mạn về Ngôn ngữ” ở phần trước. Tôi có nhắc đến sự ranh giới mỏng manh như “tơ bấc” giữa cái “Đúng” và cái “Sai”, giữa sự cái “Tốt” và cái “Xấu”, giữa “Thiên thần” và “Ác quỉ”

Hãy bỏ qua phạm trù vĩ mô của Ý thức hệ phân biệt đối đãi, có thể thay đổi ý nghĩa của các cặp phạm trù Tốt- Xấu, Đúng- Sai… theo giai cấp khác nhau, theo thế hệ khác nhau, theo tôn giáo khác nhau, theo chủ nghĩa khác nhau…v..v… Bây giờ ta chỉ cần quan sát những mạc định Ngôn từ (Phần cốt lõi của Ngôn ngữ để diễn đạt Ý thức- Tư duy) của những “chuyện thường này” để biết thêm cái ranh giới của các phạm trù đối lập kia nhiều khi rất trái ngoáy, mập mờ, đảo lộn một cách cực kỳ “tào lao”. Ví dụ:

1- Mạc định từ đồng nghĩa thành 2 phạm trù khác nhau, cho nên dẫn đến quan niệm “Đúng” hay “Sai” cũng từ một hiện tượng, cùng một ngữ cảnh giống nhau:

Mấy hôm nay tôi theo dõi rất kỹ càng phần tranh luận và phản biện giữa Đại hội Đại biểu Quốc hội Việt Nam với các thành viên của Chính phủ. Trong các phần tranh luận và phản biện này, thì hầu hết (gần 100%) các Bộ trưởng, các Quan chức của Chính phủ khi trả lời chất vấn của các ĐBQH, đều rất hay thường xuyên sử dụng cụm từ “Rà soát” để phản biện. Chỉ có một vị Phó thủ tướng là nói “Rà sát”. Vậy thì “Rà soát” hay là “Rà sát” là đúng. Bây giờ ta hãy tra cứu “từ nguyên” để xem ai nói đúng ai nó sai, hay cả hai đều đúng nhé

Muốn phân biệt cụm từ này, chúng ta hãy tìm hiểu cụm từ tương tự có truy xuất từ một nguồn gốc. Đó là cụm từ “Kiểm Sát” và “Kiểm Soát”

“Kiểm sát” là một từ khá phổ biến trong đời sống hiện đại nhất là trong lĩnh vực tố tụng và pháp lý. Tuy vậy nó cũng bị sử dụng một cách lẫn lộn với từ “Kiểm soát”

Hồi mới bắt đầu có chữ Quốc Ngữ, Khi ông Mục sư Alexan Đờ-rốt sáng tạo ra chữ Việt như hiện nay, đã có nhắc đến từ này. Đặc biệt là hơn trăm năm về trước trong cuốn „Đại Nam Quấc Âm tự vị“ xuất bản năm 1895 có định nghĩa ở trang 538 là “Kiểm sát“ có nghĩa như là “Kiểm điểm“ có nghĩa là: Xem xét, coi đi coi lại thật kỹ càng. Đến năm 1931 thì cuốn „Việt Nam tự điển“ ở trang 264 cũng giảng nghĩa tương tự, „Kiểm“: xét lại, lục soát lại, „Kiểm sát”: Là xem xét lại kỹ càng, sát sao

Trong từ điển Việt Nam của Thanh Nghị xuất bản năm 1958, trang 622 mới xuất hiện từ “Kiểm soát” nhưng không phân biệt ý nghĩa của 2 từ “Kiểm soát” và “Kiểm sát” và cũng cho chúng đồng nghĩa, không khác nhau…

Mới ở thời cận đại trong thời kỳ hình thành và tồn tại Nhà nước CHXHCN Việt Nam mới xuất hiện từ “Kiểm sát” có ý nghĩa riêng biệt. Và đặc biệt được phân biệt rất rõ ràng trong các vân bản của bộ luật tố tụng.

Thời kỳ đầu của sự hình thành và phát triển chữ Quốc Ngữ, hầu như văn viết và văn nói, đều không biệt ý nghĩa của 2 chữ “Kiểm sát” và “Kiểm soát”. Tất cả đều dùng chung ý nghĩa giống nhau. Cho đến khi xuất hiện Hiến pháp VNDCCH ra đời năm 1959 thì ngày 15/7/1960 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được ban hành. Do danh từ “Kiểm sát” được trưng dụng để trở thành thuật ngữ “Kiểm sát” để diễn giải các Ngành kiểm sát, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên…, nên mới cần có minh bạch, ngữ nghĩa, cũng như đảm bảo các tính chất Pháp lý, rõ ràng, cần thiết cho thuật ngữ của Pháp luật. Cũng vì thế 2 từ “Kiểm sát với ý nghĩa: “Kiểm tra, giám sát” việc thực thi pháp luật, để phân biệt hẳn với “Kiểm soát” là: “Ngăn chặn những gì trái với qui định, trái với ước lệ, trái với kỹ luật, giới luật… và đặt nó trở lại trong phạm vi quản lý và hành động, quyền, sự bắt buộc, nghĩa vụ phải thực hiện của cá nhân hay một tổ chức cộng đồng“.

Bởi vì từ “Kiểm sát” là từ của Luật pháp, bắt buộc phải rõ ràng, chính xác, đặc biệt là trong bộ luật tố tụng, vì vậy nên từ này phải được định nghĩa khái niệm ở một phạm trù ý nghĩa mang tính đặc thù riêng của Luật pháp, và Công vụ, Công tố….

Vì vậy hầu hết các sáchtừ điển ngày nay đều giảng rất chính xác về “Kiểm sát”. Ví dụ trong “Từ điển tiếng Việt“ của Hoàng Phê xuất bản năm 2003, trang 253 đã phân biệt rõ ràng như sau:

– Kiểm sát: kiểm tra và giám sát việc chấp hành pháp luật của nhà nước

– Kiểm soát: Ngăn chặn những gì trái với qui định, đặt trong phạm vi quyền hành của mình

Hiện nay, điều 2 Luật tổ chức VKSND năm 2014 qui định: “VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước CHXHCN Việt Nam”.

…“Quyền công tố: quyền của một số cơ quan nhà nước được phép điều tra, truy tố, buộc tội cá nhân, tổ chức trước pháp luật (tòa). Công tố có nghĩa là quyền được truy tố của Nhà nước, do đó “công tố” tức là thay mặt Nhà nước, Chính quyền để tố cáo, buộc tội người phạm tội, kẻ xâm hại, làm sai với luật pháp do Nhà nước đề ra

Cũng chính vì lý do đó mà từ “Kiểm sát” chỉ được sử dụng trong văn bản, tổ chức, và là ngôn ngữ của người Nhà nước, của Hành pháp và Lập pháp như: “Viện kiểm sát”, „Kiểm sát viên”, “Kiểm sát nhân dân”… chứ không có ai lại nói “Viện kiểm soát”, hay “Kiểm soát viên”. Ngược lại trong đời sống thông thường, bình dân, người ta lại dùng từ “Kiểm soát” chứ không dùng “Kiểm sát”, ví dụ như “ Kiểm soát hàng hóa”, “Kiểm soát hành lý”, “Kiểm soát tuần tra”… chứ không ai nói “Kiểm sát hành lý”, “Kiểm sát tuần tra”… cả.

Bởi vì lẽ đó mà các Bộ trưởng, các Quan chức Chính phủ… khi phản biện với các Nghị viên (ĐBQH) là ngôn ngữ giao tiếp của “Thượng tầng”. Là đối thoại giữa Cơ quan Lập pháp và Cơ quan Hành pháp thì phải nên dùng ngôn ngữ tương ứng của các Cơ quan này. Vì vậy đáng ra phải nói là “Rà sát” chứ không phải là “Rà soát”…

Nhưng…he he he… cho dù là từ gì thì dân đen chúng mình cũng hiểu 2 từ ấy đều có ý nghĩa giống nhau. “soát” hay “sát” gì cũng vậy, cái quan trọng nhất là các Ngài ấy có thực “rà” hay không, và “rà” như thế nào thôi..hay lại…rà… rà lần lượt vào “lò” của bác Tổng…. Hì hì….

(Còn nữa)

09.11.20

Thuận Nghĩa

SHARE