Sau cơn ngập của “đỉnh lũ” bao giờ cũng thường có cơn “lụt hậu” (Lũ sau) kèm theo mưa dông và bão giật. Theo quan niệm của người xưa để mô tả hiện tượng tự nhiên này là do Ông Trời giúp Dân gian “Xối bùn và rửa phù sa”.

“Lụt hậu” thường không lớn hơn “đỉnh lũ” nhưng mức độ nguy hiểm thì không kém hơn, vì có mưa dông, bão giật… và sau “đỉnh lũ”, nhà cửa, gốc rễ của cây cối, và đường sá…khá “xộc xạch” và “rệu rạo”. Và kể cả con người, qua mấy ngày ngâm nước, chạy lũ cũng đã kiệt quệ sức lực và dinh dưỡng.

Trong thời gian ẩm ướt và bị ngâm nước “toàn tập” này, có đủ thóc gạo, mì tôm, bột mì, và các loại lương thực phẩm khác, kể cả tiền cũng không làm gì ra được một bữa ăn có thể “nuốt được”, vì mọi thứ đều ướt, kể cả bếp núc và điện, củi….

Dân vùng rốn lũ, ngập nước mấy ngày, đói do ngập rét, và rét do đói… Họ cần bổ sung một nguồn năng lượng từ thức ăn tươi nóng, để có sức chống chọi với “lụt hậu” và dịch bệnh do lũ ngập gây ra. Mì tôm, các loại thức ăn đóng sẵn, sấy khô… bánh chưng, bánh tét, các sản phẩm làm từ gạo nếp, dừa, trứng… được, bị và bắt buộc phải “nhét” vào dạ dày lúc này là một “thảm họa” cho họ. Những thứ này ăn vào và sau đó ngâm trong mưa lũ tiếp tục sẽ tạo nên sự nóng bụng “Nội nhiệt” và ợ chua (nếu nhẹ). Còn ăn nhiều, liên tục, trong khi đói bụng mà phải ngâm nước tiếp tục sẽ bị nhiệt bế mà sinh ra “nhiệt lị”, “tả lị” và “nhiệt thống”… v..v…

Tôi vô cùng cảm phục, vì có những người bản địa, nhà cửa còn cao ráo chun chút, và ở vùng lân cận các nơi bị ngập nặng, họ âm thầm tổ chức những “bếp cơm” cấp tốc, họ không cần livestraem, và làm youtube, không cần có tiền hô hậu ủng…rầm rộ thuyền ghe, họ chỉ cặm cụi ngay bếp lửa nhà họ để nấu những thứ nóng và tươi, thực hiện đúng nghĩa “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Họ làm đúng cách “Cấp bách nhất và thiết thực nhất” theo kinh nghiệm sinh tồn của dân vùng rốn lũ.

Theo tôi được biết có rất nhiều các loại “bếp cơm” kiểu này đang hình thành trong các chòm xóm, trong các xã ngóc ngách… ở chỗ “cao cao hơn một chút”. Họ cũng không dư dã nhiều lắm. Vì vậy ACE đồng hương vùng rốn lũ nên liên lạc với các chủ “bếp cơm” này để hỗ trợ họ một cách làm thật cấp bách và thiết thực ngay lúc này, hơn là tổ chức các nhóm, đoàn rành rang đi phát tiền và đồ khô. Việc này mai hậu hẵng làm vẫn chưa muộn…

Như đã nói “Lụt hậu” còn có nguy cơ rình rập rất khó lường. Những đoàn cứu trợ rình rang nhiều người, lại không có kinh nghiệm sinh tồn nơi sông nước, dầm mưa, dầm nước bạc, bị mòng muỗi côn trùng cắn sinh bệnh là nhẹ, gặp nơi nước cuốn, nước xoáy, đất lỡ… lại trở thành gánh nặng cho các đoàn cứu hộ chuyên nghiệp khác nữa thì không hay lắm.

Vài lời với các anh chị em cũng đang bối rối vì ở xa là vậy…vậy… cũng vì mấy chữ “cấp bách và thiết thực”. Không có ý gì khác.

21.10.20

Thuận Nghĩa

SHARE