Home Uncategorized ĐỒNG TỬ TRƯỜNG SINH CÔNG -VÍ DỤ VẬY… (Ngày 07.04.21)

ĐỒNG TỬ TRƯỜNG SINH CÔNG -VÍ DỤ VẬY… (Ngày 07.04.21)

861
0

Trong kho tàng Khí công của Đạo gia và Y gia có một pho Khí công gọi là „Đồng tử Trường sinh công“. Pho khí công này tôi được truyền thừa từ một Lương y vốn là dòng dõi của một Danh Y họ Lê ở xứ Hương Sơn, Hà Tĩnh. Người này vốn là hậu duệ của một Ngự Y theo phò vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết vào thời Cần Vương. Chuyện khá dông dài, có dịp tôi sẽ kể lại sau. Bây giờ chỉ nói chuyện về món „Làm đẹp và Trẻ mãi“ này trước.

Vì một vài lý do tế nhị, tôi chưa trao truyền trọn bộ Khí công này lại cho ai cả, nhưng „phảng phất“ trong các bài tập, các buổi tập huấn Khí Công, tôi đã có „chiết chiêu“ và „phối toa“ dành cho Chị em Phụ nữ một số chiêu thức chuyên biệt để điều trị một số bệnh đặc thù cho Chị em. Trong đó điển hình là các chiêu „Bạch hạc hí thủy“. „Đồng tử quan túc“. „Thái âm án ma“, „Tam đoạn Ngũ hành“… v..v…

Thực ra, nói là bộ Khí công để làm đẹp và luyện tập để trẻ lâu. Nhưng trong Câu kệ, cũng như công pháp của bài Khí công này đã hàm chứa gần như tất cả sự „vận động bên trong“ như các môn Khí công Nội gai kinh điển khác. Bài Kệ của „Đồng tử Trường sinh công“ như sau:

„Nguyệt ảnh tàng Âm tĩnh

Nhật khai liễm động Quang

Tiền diễm hòa Dung nội

Hậu nhiên lộ ngoại Nhan“

Chúng ta tạm thời bỏ qua 2 câu đầu, vì Ý chỉ của 2 câu này khá uyên sâu, tôi sẽ trình bày trong một dịp khác. Chúng ta chỉ chú ý đến 2 câu sau:

… „ Tiên diễm hòa Dung nội

Hậu nhiên lộ ngoại Nhan“

Theo nghĩa đen „Dung nội“ chính là nghĩa của 2 từ nguyên: „Nội dung“. „Nội dung“ có nghĩa là ý nghĩa hàm chứa bên trong một cái gì đó. Ví dụ Nội dung cuốn sách, Nội dung của bộ phim. Nội dung câu chuyện…v..v… Ở đây, 2 chữ „Dung nội“ trong bài Kệ, ngoài ý nghĩa là sự hàm chứa ở bên trong ra còn nói đến „Dung mạo“ tức là nói đến hình dáng của vẻ đẹp ở bên trong. Ý của 2 câu kệ này là: „Trước tiên phải điều hòa, làm cho bình ổn, diễm tuyệt bên trong đã, thì sau đó vẻ đẹp uyên nhã mới tự nhiên hiễn lộ ra bên ngoài“ (Ngoại nhan là Nhan sắc ở bên ngoài)

Ở đây tôi không bàn đến „Đạo lý“. (Hì hì…tôi vốn rất ghét chuyện „nói đạo lý“). Có nghĩa ngoài việc nói về cái Đạo lý: „Vẻ đẹp bên trong/ tâm hồn mới đáng quí và bền vững lâu dài“ ra. Thì ý nghĩa của 2 câu kệ này chỉ ra rất rõ ràng là Nhan sắc ở bên ngoài sẽ không bền vững, tự nhiên và diễm lệ được, nếu như những thứ bên trong của Nội tạng không được điều hòa, dồi dào và nhu nhuận“.

Thật ra thì ở trong đời thực cũng vậy. Dù có đẹp đến cỡ nào, chân dài đến cỡ nào… nếu nội tạng thực thể ở bên trong đã nát bươm, rã rượi… thì có trang điểm cỡ nào, bơm gọt, dao kéo kiểu gì… thì cái thần thái, khí sắc của bệnh hoạn cũng không thể nào che đậy lại được.

Tôi thuộc loại „háo sắc“ (mê cái Đẹp), nhưng để chọn lựa làm bạn giao tiếp, thì tôi vẫn thích giao du với người „ít đẹp“ nhưng luôn có nụ cười vui vẻ, thoải mái hồn nhiên hơn là giao du với những người „rất đẹp“ nhưng thỉnh thoảng lại nhét vào mồm một viên thuốc giảm đau hì hì….

07.04.21

Thuận Nghĩa

SHARE