Lâu lắm rồi tôi mới có dịp về thăm lại Viện Phật Học. Đi cùng tôi là một người bạn đạo, cũng là một học viên khí công. Người này chỉ nhỏ hơn tôi độ chục tuổi, đạo hạnh tu tập cũng tinh tấn lắm, có khi còn vượt trội hơn cả tôi, nhưng vì là học trò khí công, nên mỗi lần cùng tôi “vân du” đâu đó đều tự nguyện làm vai trò của một “thị đồng”.

Chúng tôi đến Viện vào buổi chiều tối. Tối đó nghỉ ngơi, sáng mai mới làm việc.

Sáng hôm sau, người bạn “thị đồng” pha trà vấn an xong, hắn hỏi tôi, thầy ngủ có ngon không. Tôi bảo ngon cực.

Thực ra lúc hắn lái xe chở tôi đi, trên xe tôi đã làm một giấc lèo lèo đến cổng Viện mới thức dậy, nên tối đó tôi ngủ rất ít.

Lúc lấy phòng tá túc, tôi đã dặn hắn là xin đăng ký phòng ở chỗ nào vắng vẻ, ít ảnh hưởng nhất trong Tu Viện để đêm về tôi còn thổi tiêu. Tôi biết sẽ không ngủ được vì đã bắt đầu mùa trăng. Đêm hôm đó tôi thổi tiêu gần như cả đêm. Nhưng vì là “giấc trăng”, nên tôi thức hay ngủ đều giống nhau, không có biểu hiện của sự mệt mỏi do thiếu ngủ. Lúc người bạn “thị đồng” bất dĩ hỏi, tôi nói ngủ ngon là hắn tin ngay.

Hắn có vẻ “ganh tị” khi tôi cười hề hề nói, thầy ngủ ngon cực, ngủ một lèo chẳng mộng mị gì cả. Hắn rầu rầu nói, con ngủ không được, tối nằm mơ lại thấy có bọn trẻ đến quấy, thức dậy rồi ngủ lại vẫn mơ thấy bọn trẻ đến hát hò, bực quá con bật đèn sáng trưng nên chợp chờn ngủ không có ngon. Tôi hỏi, sao con nói là “lại thấy..”. Hắn nói, vì lúc nào con về Viện ngủ ở khu vực này cũng đều có giấc mơ giống nhau vậy không à.

Câu chuyện giấc mơ có bọn trẻ đến vui chơi hát hò… không phải là lần đầu tôi mới nghe ở Tu Viện này. Nhiều người đã kể và cũng có nhiều người đã hỏi tôi có mơ thấy gì không khi đến ngủ ở đây. Tôi là người có vía “hoằng dương”, đến cúng lễ, ma chay…còn bị người ta không cho đến vì sợ hồn vía người đã khuất không về, huống chi là những giấc mơ mang nặng tính ám ảnh đó.

Tôi nói là những mộng mị mang tính ám ảnh, là vì khu Tu Viện này có sự tích. Tu Viện vốn mua lại và hoàn thiện từ một khu di tích của người bản địa. Đây là khu di tích tưởng niệm. nơi những đứa trẻ thiếu may mắn, tật nguyền đã bị Đức Quốc Xã sát hại trong đệ nhị thế chiến.

Khu nhà nghỉ của khách thập phương được xây dựng bên trong khu nhà tưởng niệm này. Bởi vì Tu Viện vốn vắng vẻ, ẩn nấp dưới những tán phong già, nên đêm xuống thường có những tiếng gió xua lá xào xạc rất ảo não. Vì vậy mà người đến tá túc ở đây hay liên tưởng đến sự tích cũ mà ám ảnh thành những giấc mơ mang đầy tính huyền bí ma mị.

Nghe người bạn đồng hành kể về giấc mơ của anh ta, tôi cười khè khè bảo, nếu tối nay con có nằm mơ thấy lại tụi nó đến phá quấy nữa, thì con bảo tụi nó qua bên phòng thầy chơi, thầy mở sẵn cửa chờ nhé. Hắn ta cũng cười hì hì, và dạ rất ngon lành.

Đêm đó là đêm trăng14. Tôi có một ngày làm việc và bàn luận rất căng thẳng cho đến khuya gần 12 giờ mới đi ngủ. Đương nhiên cũng như mọi mùa trăng khác tôi đâu có ngủ được.

Đêm đó lại có khách từ phương xa đến làm lễ cầu siêu. Họ cũng tá túc ở các phòng xung quanh nơi tôi ở, nên dù không ngủ được nhưng tôi cũng không tiện thổi tiêu khuya, sợ làm phiền họ.

Tôi pha một ấm trà thật đậm, gật gù ngồi ngắm trăng và lắng nghe tiếng gió đêm ù òa trên khóm lá của những hàng đại thụ.

Đêm không ngủ mà không có gì để làm, quả thật là dài. Tôi chợt nghĩ, nếu có một cái gì đó thật sự như lời đồn đoán và trí tưởng tưởng của người đời, thì tại sao mình không trực tiếp đến đó để trải nghiệm, Nghĩ vậy và làm ngay, tôi đóng bộ dạ hành lững thững đến phòng tưởng niệm những linh hồn trẻ thơ xấu số.

Phòng tưởng niệm bọn trẻ nằm ở gần trung tâm gian đại sảnh dài hun hút của Học Viện. Ở đó các quí Cô, quí Thầy của Tu Viện đã trang trí thành một nơi cúng thờ rất lãng mạn. Họ treo lơ lững hàng trăm trái tim bằng giấy đủ màu sắc tượng trưng cho những thiên thần bé nhỏ bị Đức Quốc Xã sát hại ngày xưa.

Những trái tim bằng giấy màu treo lơ lững, dập dờn lay động trong căn phòng khuya tĩnh mịch cũng có vẻ “hồn ma bóng quế” lắm. Nhưng với tôi không hề có một cảm giác hoang vắng ma mị nào ngoài có chút cảm xúc thương cảm của lòng trắc ẩn mà thôi.

Tôi ngồi xuống trước bàn thờ của ṭụi nhỏ, dưới những trái tim bằng giấy lơ lững trên đầu và bắt đầu một độ tọa thiền. Quá trình ngồi tĩnh lặng và cho đến khi xả thiền đứng dậy tôi cũng không thấy một hình ảnh gì, dù đã cố liên tưởng và tưởng tượng. Chả thấy hình ảnh hay âm sắc gì nhạy cảm cả ngoài cái tiếng réo rắt của cái bụng đói vì thức khuya…hì hì….

Uống trà chát và thức khuya bụng cồn cào nhưng không có gì ăn. Ban đầu tôi định đi lên mé đồi sau Tu Viện để hái táo rừng cuối mùa ăn, nhưng lại nghĩ, đêm hôm khuya vắng mình mò lên đó người ta lại tưởng đạo chích hay thú hoang, họ đòm cho một phát thì toi, nên lại thôi.

Ngẫm nghĩ mãi, trong đầu tôi chợt loé lên hình ảnh những bông hoa thược dược trắng ngần trước của Đại Bi Tự mà chiều trước khi mới đến tôi đã nhìn thấy. Tôi lại lững thững đi đi về hướng Đại Bi Tự, vừa đi vừa nuốt nước miếng ừng ực khi nghĩ đến những cánh hoa trắng ngần ấy thấm tan dưới răng lưỡi của mình.

Đang định thò tay ra bứt cánh hoa thì có tiếng la thất thanh vang lên: “Này chú kia, chú không được bẻ hoa ăn đâu nhé”. Tôi giật mình quay lại thì thấy hai vị Ni Sư, một già một trẻ mặc áo tràng màu vàng đang đi tới. Người la trách tôi là vị Ni Sư trẻ. Vị Ni già đến trước tôi, chấp tay niệm Hồng Danh Phật A Di Đà chào tôi, và quay sang quở trách vị Ni trẻ: “ Sao em biết thầy này hái hoa ăn mà lại trách cứ nặng lời vậy”. Vị Ni trẻ, chấp tay: “Bẩm Sư Chị, chú ni nổi tiếng phá vườn, có lần chú đến thăm Sư Phụ của tụi mình hồi còn trên Huyền Cốc, chúng đệ tử của bổn Tự phải viết phướn cắm bên các khóm hoa trong vườn Chùa là: Hoa tươi để cúng Phật, không nên hóa đường, có thế mới ngăn được chú hái hoa ăn hết đấy ạ.

Nghe vị Ni trẻ bẩm báo tội đồ của tôi, vị Ni già chấp tay niệm Hồng Danh Phật ôn tồn nói với tôi Hoa tươi để dùng cho Phật sự, nếu thí chủ có đói thì ráng chịu đến mai, bổn Ni sẽ cho các Sư em mang táo cuối mùa của vườn nhà đến cho thí chủ hóa đường. Tôi nghe Ni Sư nhỏ nhẹ khuyên bào, đành đoái nhìn đóa thược dược trắng ngần lung linh dưới ánh rằm nuốt nước miếng cái ực rồi lủi thủi về phòng, chờ trời rạng sáng mang tiêu ra thổi cho đỡ đói…

Sáng hôm sau gã thị đồng, mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ, lúc pha trà xong lại vấn an, thầy ngủ có ngon không. Tôi cười khùng khục bảo, ngon cực, nhưng sao không thấy tụi nhỏ con bảo sang chơi với thầy đâu cả. Hắn ngao ngán, con lại mơ thấy chúng, lần này lại dẫn thêm bọn lớn hơn đến nữa, quậy con cả đêm, mà lúc mơ con lại quên mất vụ bảo sang chơi với thầy, lúc nhớ ra thì trời đã sáng, bọn chúng đi mất tiêu rồi. Tôi hì hì….làm thầy chờ cả đêm chả thấy đứa nào sang chơi cả, buồn thấy mồ, lại đói bụng nữa chớ.

Lúc tôi và chú em thị đồng đang ăn trưa để từ giả ra về thì có một vị Ni Trưởng cùng một vị Ni trẻ khệ nệ xách hai cái túi xách tới. Vị Ni Trưởng ôn tồn chắp tay nói với tôi, “Dạ, có ít táo cuối mùa là loại táo sạch 100%, tươi ngon, sáng nay các Sư em vừa đi hái ở đồi về, mang biếu thầy và chú Tiếp Hiện đem về dùng dần.”

Tôi chắp tay đảnh lễ cảm ơn vị Ni Trưởng của Học Viện và hỏi nhỏ. “Dạ thưa Sư Cô, học viện mình có vị Ni Sư nào trạc tuổi của của Sư Cô thường mặc áo tràng màu vàng không ạ.”. Vị Sư Trưởng trả lời là không có, và hỏi tôi có việc gì không và muốn tìm vị nào. Tôi đảnh lễ cảm ơn và nói không có gì, chỉ hỏi vậy thôi.

Cho đến khi soạn đồ để về, khi khép cửa phòng, tôi thấy trước cửa phòng tôi tá túc có gắn một tấm bảng ghi danh người cúng dường xây dựng phòng VIP này là tên hai vị Sư Trưởng Thích Nữ….Tôi có biết hai vị Sư Trưởng này. Cả hai vị này đã viên tịch từ lâu. Chạy đến trước của phòng của gả Thị Đồng thì thấy tấm biển đề người cúng dường là Sư Bà ĐL..là một vị Ni Sư rất nổi tiếng ở Quốc Nội trong lĩnh vực cứu vớt, chăm sóc và siêu độ cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.

Thấy tôi nhìn tấm bảng đề phương danh cúng dường rồi gật gật, chàng kia chạy lại hỏi có việc gì không thầy. Tôi không nói gì chỉ tủm tỉm cười.

Lúc ra xe, tôi bảo anh kia đi lấy nước uống, rồi tranh thủ chạy đến trước cửa Đại Bi Tự. Thú thật là tôi có điều không phục với ngữ cảnh đêm qua.

Rõ ràng là tôi không phải mộng du, mà mọi ngữ cảnh là do tôi tự sắp xếp để dạ hành trong đêm. Nhưng cái vụ vị Ni trẻ nói tôi đã từng đến thăm một ngôi Sơn Tự nào đó mà chúng đệ tử ở đó phải cắm phướn cảnh báo,bảo vệ hoa cỏ kẻo sợ tôi hái ăn là chưa từng xảy ra trong thực tế. Vả lại theo như lời Ni Trưởng của Phật Học Viện, thì trong Viện không hề có lệ mặc áo tràng màu vàng, trừ khi đắp Y làm Phật Sự quan trọng mà thôi.

Vì bất phục vụ này nên tôi kiếm cớ quay lại Đại Bi Tự. Khóm thược dược trắng ngần vẫn lung linh dưới nắng trước cửa Đại Bi Tự. Tôi đến bên khóm thược dược và trầm tư suy ngẫm. Bất chợt có điều gì đó xui khiến tôi ngước nhìn ra xa xa. Tôi phát hiện ra gần đó có một khóm hoa hồng. Khóm hoa hồng khá kỳ vĩ nhưng chỉ còn có hai đóa hoa đại đóa màu vàng nở tung rực rỡ. Tự nhiên lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, tôi đến bên khóm hoa hồng vàng, chắp tay trước hai đóa vàng đại đóa và thốt lên, “Ồ, hoá ra là quí vị.”… Tôi nói xong thì có một cơn gió mạnh thổi đến, từ trong khóm hoa có hai con bướm ngài có cánh rực rỡ sắc màu bay vụt lên chao liệng cùng những chiếc lá thu rồi khuất dần sau lưng đồi sau Tu Viện.

Câu chuyện tôi kể lại trong mùa trăng này, tuy có phần liêu trai chí dị, nhưng tôi thề là tôi không hề thêm thắt cho có phần văn học như mọi chuyện liêu trai khác mà tôi đã từng viết đâu. Người còn đó, cảnh vật còn đó, cả cái túi táo mà vị Ni Trưởng của Học Viện biếu tặng vẫn còn y nguyên đây. Và người học trò làm thị đồng bất đắc dĩ cho tôi vẫn có đó. Trước những học trò có phẩm hạnh đức độ như vậy tôi không bao giờ nói thêm thất gì, vì sợ sẽ làm tổn thương sự mến mộ của họ.

Nói tóm lại là câu chuyện nhuốm màu sắc huyền bí, nhưng nó là sự thật 100%, dù đó chỉ là những sự kiện ngẫu nhiên bị xâu chuỗi lại trong một ngữ cảnh hoàn toàn tự nhiên. Có lẽ người đời bị cuốn hút vào cái thế giới mê tín đầy ma mị cũng do bị trải nghiệm những ngữ cảnh ngẫu nhiên mang tính huyền bí như tôi đã từng trải nghiệm như thế. Hì hì…nhưng tôi thì không!!!

(Mà tôi cũng thề luôn là tôi chưa bao giờ ăn được một thứ táo nào ngon như những trái táo từ Phật Học Viện này đâu. Nhất là loại táo trắng ở những cây cần cỗi như cay bonsai ở mé đồi dốc sau lưng Học Viện. Loại táo trắng này vị ngọt thanh và có một mùi thơm vô cùng đặc biệt. Cắn một miếng táo này, mùi thơm lập tức lan toả vào ngay trong tận cùng tâm thức, tạo nên một cảm giác an lạc đến lạ lùng. Cảm giác an lạc còn hơn cả một độ thiền nhập đại định nữa đấy. Mấy cây táo này vẫn còn sai trĩu quả và người ta cũng để cho khách vãng lai hưởng dụng thoải mái mà không cần phải xin phép. Ai có điều kiện ở gần đó nên đến hái mà trải nghiệm. Trái táo nhỏ, quăn queo không đẹp mắt, nếu không hái dùng thì họ cũng để rụng xuống, mất công dọn dẹp của họ thêm mà thôi.̣)

24.10.18
TN

SHARE