Home Ký sự Chuyện Liêu Trai “Dãy Số Huyền Bí: 2-1, 3-2, 1-4-1″…. (Chuyện Liêu Trai)- Phần 1

“Dãy Số Huyền Bí: 2-1, 3-2, 1-4-1″…. (Chuyện Liêu Trai)- Phần 1

1303
0

Rằm tháng 7 kể chuyện “Ma”


1
Hôm tối 18.07 sau khi tổng duyệt xong chương trình với các Nghệ sĩ và Họa sĩ từ Việt Nam sang, bọn tôi có buổi dùng cơm thân mật tại nhà người chuyên tổ chức sự kiện.

Bàn tiệc được chia làm 2 phe sau khi ăn xong. Có nghĩa là sau bữa ăn là đến bữa uống, cũng có nghĩa là đến phần “ngồi tám”. Bàn ăn được chia thành 2 nhóm. Nhóm uống rượu và nhóm uống trà. Nhóm uống rượu gồm người chồng Pháp của chủ nhà và Gred (người Đức “tài xế” của tôi) cùng với một nam Họa sĩ. Nhóm uống trà gồm tôi, Nghệ sĩ HP, nữ Họa sĩ HN, nữ danh họa BT và ND.

Vậy là tôi đã rơi vào nhóm “ngồi tám” với 4 Phụ nữ, tất cả đều đã là U40 trở lên. Trên sân khấu, trong các buổi triễn lãm, trên giảng đường họ là những bậc tài hoa, nhưng cuối bữa tiệc thân mật kiểu gia đình, họ “lộ nguyên hình” chân chất là Phụ nữ Việt.

Có câu ngạn ngữ nói rằng: “2 người Đàn bà ngồi với 1 con vịt sẽ thành cái chợ”. Ở đây có 4 người Đàn bà và tôi trở thành “con vịt” nên “cái chợ” của tụi tôi sầm uất ra phết …hè ..hè…

Cầm đầu cuộc tám là danh họa BT. Cô họa sĩ này người Huế, dáng người mảnh khảnh, nhỏ nhẹ, nhu mì….nói tóm lại là cực đúng chất Huế. Không biết vì say trà hay sao mà hôm đó BT lại khai chuyện tám bằng một loạt chuyện tình mang đậm chất “trạng” của người miền Trung.

Với nét mặt lạnh tanh BT kể lại chuyện chuyện tình sét đánh của một fan hâm mộ với Nghệ sĩ HP mà cô ta nói là đã tận mắt chứng kiến. BT kể rằng fan hâm mộ Nghệ sĩ HP là một doanh nhân, trong một đoàn du lịch. Ban đầu tôi ngỡ là thật, nhưng khi BT mô tả cuộc trò chuyện của các nhân vật trong mẫu chuyện tình này thì các mụ khác trong bàn cứ khúc khích cười. Cho đến khi BT mô tả màu sắc của các giai đoạn của tình yêu thì tôi đã hiểu là các cô ấy đang hùa nhau kể chuyện tiếu lâm. Biết được mình đang rơi vào “vòm chuyện tếu” của các phụ nữ vào độ tuổi sồn sồn thì tôi cũng đổi luôn thái độ. Tôi tỏ ra cực ngây ngô và thảo mai trong độ chuyện của các vị này.

Chuyện của BT kể, chủ yếu dùng các điểm nhấn nhá thắt nút bằng các từ nói lái của người miền Trung. Ví dụ như màu sắc của giai đoạn ban đầu của một cuộc tình là màu “mù” sương và các đối tác sẽ “co” mình lại. Kế đến là giai đoạn màu sắc của “màu nho”, và cuối cùng là giai đoạn màu “Pha…lê” (Nói lái lại là “Phê…la”, tức là vừa phê vừa la). Kể đến đâu các cô có hùa nhau nhìn vẻ mặt ngơ ngác của tôi mà khúc khích cười.

Tôi thì không cười nhiều với câu chuyện của các vị ấy hùa nhau kể, nhưng tôi chỉ tủm tỉm với niềm vui riêng của mình, là các cô ấy kể chuyện cười bằng cách nói lái mà không biết rằng tôi là trùm nói lái, và cũng là một tay nói tục thuộc vào hàng cự phách. Họ vui vì “dọa” được vẻ mặt thảo mai và ngây ngô đạo mạo của tôi. Còn tôi vui vì các cô ấy đã nhầm, khi múa rìu qua mắt thợ trong vụ kể chuyện tục trần …he…he…

Phụ nữ ngồi lại với nhau, chuyện trên trời dưới đất gì thì cuối cùng cũng quay về chuyện ma và chuyện bói toán. Bốn người phụ nữ này (Tôi đã gọi họ là “bốn mụ đười ươi” trong bài thơ “Ký Sự Normandy” )trong tiệc trà hôm ấy cũng không ngoại lệ. Mỗi người góp một mẫu chuyện ma mị, huyền bí mà đời họ đã từng biết tới và trải nghiệm.

Trong các câu chuyện ma mị và huyền mà các cô ấy kể, tôi có ấn tượng nhất với câu chuyện về “ma đàn” do Nghệ sĩ HP kể lại. Chuyện kể về một cây đàn tranh cổ 16 dây tại một lữ quán ở Đài Loan. Theo Nghệ sĩ HP thì đó là một câu chuyện có thật. Một người Thầy của Nghệ sĩ HP có trao tặng cho một nữ sinh Đàn tranh xuất sắc đến từ Đài loan một cây đàn tranh cổ. Cô gái sở hữu cây đàn cổ này sau đó bị tai nạn ô tô chết ở thành phố Cao Hùng. Cây đàn tranh của cô gái ấy sau đó được bán lại cho rất nhiều người, và cuối cùng được một Lữ quán ở Đài Trung mua lại. Từ khi chủ lữ quán mua lại cây đàn tranh, và để trang trí cùng bộ sưu tập các loại nhạc cụ Dân gian trong nhà hàng của mình, thì cây đàn tranh ấy không một ai có thể khảy ra tiếng được nữa. Và hàng đêm, nhất là vào các đêm trăng tròn, trong đêm khuya tĩnh mịch tiếng đàn tranh day dứt và ai oán lại bật lên những giai điệu não nùng, mặc dầu ở đó không có một ai….

2
Tôi có việc đi Đài Loan. Sau khi xong việc, tôi xin đoàn làm việc được đi tách riêng và đến đến Đài Trung. Nghệ sĩ HP có cho tôi địa chỉ ngôi lữ quán có cây đàn ma kia. Tôi rất có ấn tượng với câu chuyện mà Nghệ sĩ HP đã kể. Tôi muốn mình được chứng thực việc này và thẩm định lại một trải nghiệm khác mà tôi đã từng rùng mình nổi da gà khi chứng kiến “thái độ” của một cây tiêu Tứ đại của tôi.

Chuyện là như vầy, khi dạy học trò thổi tiêu, tôi thường nhắc họ rằng cần phải biết yêu thương, năng niu, chiều chuộng, trìu mến với cây tiêu Lục mạch thì lúc thổi nó mới ra tiếng. Vì tiêu Lục mạch không có lưỡi gà, nó chỉ là một ống trúc trống trơn, và được thổi ra bằng hơi bụng. Nếu thổi được ra tiếng với tiêu Lục mạch rồi, thì có duyên với cây nào hãy thật trung thành và sống hết mình với cây tiêu đó, thì mới có thể có thành tựu trong việc nuôi dưỡng Âm thanh được. Và từ đó những ống tiêu mà mình gắn bó sẽ có linh khí….

Tôi kể cho họ nghe câu chuyện cái tiêu Tứ Đại của tôi. Tôi vốn đã từng chơi với cây tiêu Tứ Đại này suốt 2 năm ròng rã. Rồi khi muốn ứng dụng Lục Tự Quyết vào liệu pháp trị liệu bằng Âm thanh và Màu sắc, tôi chuyển qua tiêu Lục Mạch, và gắn bó với một ống tiêu Lục Mạch khác. Khi tôi đã thổi ống tiêu nào, thì ống tiêu đó không bao giờ rời khỏi tôi. Cho dù chỉ chạy ra cửa hàng, hay chỉ đi ăn thôi, tôi cũng mang ống tiêu đó theo bên mình. Bởi vì vậy tôi phải bỏ ống Tứ đại lại ở nhà và luôn mang theo ống Lục mạch theo các cuộc hành trình.

Rồi một hôm tôi đi xa về, vừa mở cửa nhà nhà, thì nghe tiếng u u… thoát ra nơi ô cửa sổ bên cạnh dàn treo các ông tiêu của tôi. Như có linh tính gì đó, tôi nhìn ống Tứ đại treo trên tường và nói, “Ồ lâu lắm không gặp em, chắc em giận tôi bỏ bê em lắm phải không?”. Mới nói đến đó thì cái ống tiêu Tứ đại treo trên tường rơi xuống nền nhà cái kịch….Tôi rùng mình sởn da gà vì hiện tượng quái đản này. Sau vụ này, mỗi lần thổi tập tiêu các bản nhạc viết riêng cho tiêu Lục mạch, tôi thường vuốt ve và nói chuyện với cây Tứ đại, như kiểu xinh phép nó vậy, mới thổi cây Lục mạch….

Tôi kể chuyện này cho nhiều người nghe, nhưng chỉ có bọn đệ đã từng thổi tiêu Lục mạch và tiêu Shakuhachi mới tin. Vì bọn chúng cũng đã từng trải nghiệm với linh khí ở các ống tiêu mà chúng đã gắn bó.

Tôi đã có trải nghiệm linh khí với các nhạc cụ mà người chơi gắn bó với nó quá sâu sắc. Tôi biết rằng đã có một chuyện gì đó xảy ra với sự tích lũy năng lượng yêu thương vào những vật thể vô tri vô giác. Tôi không tin chuyện ma quỉ, vong linh, nhưng tôi tin vào trường năng lượng huyền bí trong sự gắn kết lòng yêu thương… Chính vì vậy câu chuyện ma đàn của Nghệ sĩ HP kể, làm cho tôi rất có hứng thú để thám hiểm cây đàn tranh huyền bí ở Đài Trung…Và tôi đã đến cái Lữ quán ở Đài Trung này. Và đây cũng là câu chuyện tôi muốn kể lại trong đêm rằm tháng 7 này….


(Mời xem tiếp phần sau…)

(Phụ Lục bài Thơ

KÝ SỰ NORMANDY….
(Tặng các Em ở Normandy)

Dòng nhạn cũ bay mấy lần biếng nhác
Chuỗi son môi lần kín những nốt chiều
Ra trước biển lòng vẫn còn bén sóng
Vỗ vào xưa mấy gợn ước mây yêu

Như tá hỏa trước lững lờ gió hẫng
Cuối trời chưa mà còn đổ màu nho
Nơi lốm đốm chợt om mùa chí mén
Mái luân khôi rẽ sợi mướt luống chờ

Em lồng lộng đến tận cùng chân sóng
Bờ pha lê ta mịn hạt cát buồn
Thôi đành vậy ôm mấy vòng Lục Tự
Gác lên xanh ru gối mộng dừng cơn

Rồi có lúc ngưng nụ đời quỉ sứ
Nhận ra mình nơi “bốn mụ đười ươi”….
Đồng cháy cỏ tưới lên chiều nắng hạn
Đóa khô xưa bỗng rười rượi nét cười

Trăng đã vạt mất nửa rằm Hạ chí
Vọng vào đâu cho đẫm lại lời ca
Bao nét cọ xanh thẫm vùng mộng ước
Vẫn còn mong tô lại vết mây nhòa

Và cánh nhạn còn in nơi đáy nước
Nhường em thực ta ở phía bên hư
Cho nốt chiều trĩu thêm lần lồng lộng
Cho màu son tô biển tựa bây giờ…..

23.07.19
TN


14.08.19
Thuận Nghĩa

SHARE