(Mình có Ipad mini mua từ năm 2012 (đúng 10 năm chẵn), và cái điện thoại Iphon 4plus, một cái vỡ màn hình một cái vỡ camera, hiện nay vẫn dùng thoải. Có điều, có đứa mua cho cái sim khuyến mại 10 GB có 9 EU mỗi tháng, nên có ý định mua một cái Iphon mới thay cái bị vỡ camera, nhưng vẫn chần chừ chưa mua…hì hì…. Mấy thằng đệ mỗi lần thấy mình vẫn dùng cái Ipad mini “huyền thoại” ấy đều bảo mình nên thay cái mới…mình bảo không, vì không hiểu tại sao phải thay khi nó vẫn còn dùng tốt- TN)

Trích bài viết sưu tầm:

Người giàu không bao giờ chi tiền mua 5 thứ này, người nghèo cố vay để mua bằng được

Nhiều người than phiền rằng túi tiền của họ luôn vơi đi quá nhanh mà không biết đã chi tiêu vào đâu, vậy nên hãy cân nhắc bỏ bớt những khoản vô bổ mà người giàu sẽ không bao giờ chi dù chỉ 1 xu.

Norio Norio – một chuyên gia tài chính Nhật Bản đã chỉ ra sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo nằm ở cách họ tiêu tiền. Người giàu dù đã dư dả về tài chính nhưng không bao giờ họ chi tiêu lãng phí vào những thứ không đáng, trong khi đó người nghèo với điều kiện kinh tế còn khó khăn lại thường rất thoải mái khi mua đồ. Đây một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả “người giàu thì cứ giàu thêm” còn “người nghèo vẫn mãi hoàn nghèo”.

Dưới đây là những thứ mà các triệu phú từ chối chi tiền nhưng rất nhiều người dù “cháy túi” vẫn muốn đi vay nợ về mua.

1- Xe hơi mới tinh, giá đắt đỏ

Mặc dù ô tô có thể cải thiện được vấn đề đi lại của chúng ta và nâng cao hiệu quả đi lại của mọi người, nhưng chúng cũng mang lại những phiền toái cho nhiều gia đình, đây là áp lực rất lớn đối với việc sở hữu ô tô. Đặc biệt là khi “hầu hết mọi người vay tiền để mua xe”.

Người giàu thích mua một chiếc xe bền và giữ giá trị.

“Không có gì trong cuộc đời bạn lãng phí hơn là mua một chiếc xe mới, đó là quyết định tài chính tồi tệ nhất từng có trên đời này”, David Bach, một triệu phú tự thân ở Mỹ nói. “Một chiếc xe mới có vẻ hấp dẫn với nhiều người, nhưng không xứng với số tiền bỏ ra”.

Đó là vì khi vừa ra khỏi đại lý, chiếc xe đã bắt đầu mất giá. Trung bình, giá trị chiếc xe sẽ giảm từ 20-30% vào năm đầu tiên. Và trong 5 năm, chiếc xe có thể mất 60% giá trị, hoặc hơn so với số tiền mà người dùng bỏ ra ban đầu.

Vì vậy, người giàu lựa chọn mua một chiếc xe đã qua sử dụng 2-3 năm, vì chiếc xe như vậy vẫn trong tình trạng tốt và số km chưa lớn. Họ biết rằng một chiếc xe đã qua sử dụng nhưng vẫn giữ được độ bền mới là thứ giá trị lâu dài nhất. Sử dụng chiếc xe ấy càng lâu thì họ càng có thể tiết kiệm được rất nhiều.

2- Đồ hiệu, quần áo hàng hiệu

Tỷ phú công nghệ Mark Zuckerberg là người nổi tiếng với phong cách thời trang tối giản – áo thun, quần jeans tối màu hoặc quần đùi. Năm 2016, Mark từng chia sẻ trên Facebook hình ảnh tủ quần áo chỉ toàn T-shirt và áo hoodies màu xám, khiến cộng đồng mạng vừa bất ngờ vừa cảm thấy thú vị. Ông là minh chứng cho thấy, người giàu không bao giờ chi hàng đống tiền cho quần áo hàng hiệu. Cũng theo một cuộc nghiên cứu, tại Mỹ, top 1% những người giàu nhất đã bắt đầu chi tiêu ít hơn cho đồ hiệu kể từ năm 2007. Thay vì thế, họ chọn quần áo đơn giản nhưng khó lỗi mốt để không phải thay đổi tủ quần áo theo trend.

Thực tế, việc chi tiền cho một món hàng hiệu chỉ là cách để làm thỏa mãn duy ý chí nhất thời của một cá nhân khi hạnh phúc vì có thể sở hữu một món hàng hiệu. Tuy nhiên, niềm vui này sẽ nhanh chóng biến mất vì những khoản nợ tín dụng, lãi suất vay… và thực tế, hàng hiệu không thể “định danh” giá trị của một người, mà chỉ tự “định danh” giá trị của nó.

Thời hiện đại, một thương hiệu được khẳng định không chỉ với chất lượng vượt trội. Thành quả khó nhọc ghi dấu trên tấm “mạc” nhỏ xíu đính vào sản phẩm được hỗ trợ của một hệ thống phức tạp của marketing, bán hàng…, với những chiến dịch tốn bộn tiền. Chính vì vậy mà giá cả của hàng hiệu thực tế là một “ảo ảnh”, không hề đáng giá với chất lượng của chúng.

3- Một ngôi nhà đắt đỏ

Người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng rất coi trọng việc mua nhà. Một số khác, khi có một khoản tích lũy kha khá, thay vì dùng số tiền đó để đầu tư, để tiền sinh ra tiền thì người nghèo lại dùng tất cả số vốn hiện có, cộng với vay mượn thêm để có thể mua được một căn nhà. Thế nhưng cổ nhân có câu “nhà giàu không ở nhà to, nghèo không nên đi đường dài”.

Một chuyên gia tài chính của Business Insider, Holly Johnson đã cho biết: “Tôi chọn mua một ngôi nhà nhỏ để có thể thoát khỏi các khoản vay nợ, được tự do nghỉ hưu sớm mà thoải mái đi du lịch nhiều tháng trong năm. Với khả năng tài chính của mình, tôi vẫn có thể mua một ngôi nhà đắt đỏ hơn, nhưng cả tôi và chồng đều bỏ qua lựa chọn đó”.

Nếu mua một căn nhà để ở, tài sản này sẽ trở thành tiêu sản. Tiêu sản chỉ có tiêu biến chứ không sản sinh ra gì cả, vì vậy, tiêu sản chỉ khiến người sở hữu nghèo đi. Trong khi đó, người giàu thường mua nhà để đầu tư. Họ mua khi giá thấp và bán khi giá cao, hoặc dùng căn nhà đó để kinh doanh, cho thuê… Khi mà việc sử dụng căn nhà đó có thể tiền đẻ ra tiền thì căn nhà được gọi là tài sản.

4- Kế hoạch đám cưới xa hoa, tốn kém

Đám cưới là dấu mốc quan trọng để hai người yêu nhau bước vào một cuộc sống mới cùng nhau. Chuyện chi bao nhiêu tiền cho “dấu mốc” này luôn là câu hỏi đau đầu cho nhiều cặp đôi bởi chi tiêu cho chúng luôn quá đắt đỏ. Vậy nên, nhiều người có tiền không có ý định chi nhiều tiền cho ngày trọng đại của họ.

Một cuộc nghiên cứu “thật như đùa” vào năm 2014 của các chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Emory (Mỹ) cho thấy đôi vợ chồng nào càng chi nhiều tiền cho đám cưới, thì hôn nhân của họ càng ngắn. Tất nhiên, đó không phải là lý do người giàu không thích tổ chức một bữa tiệc linh đình, hoành tráng, phần lễ tiệc cầu kỳ trong ngày trọng đại của mình.

Nguyên nhân thực tế là đám cưới vốn chỉ là lễ nghi mang tính hình thức, dù vậy với sức ảnh hưởng của truyền thông và ngành công nghiệp cưới hỏi, chi phí cho đám cưới cũng đắt đỏ gấp nhiều lần với danh sách khách mời càng “nặng đô” càng tốt. Trong khi, người giàu thấu hiểu giá trị của đồng tiền và luôn cẩn trọng trước khi rút ví, dù là những thứ nhỏ nhặt nhất. Họ sẽ không bao giờ tiêu 50.000 – 100.000 USD cho một buổi lễ chỉ để đổi lấy sự tán thưởng, lời khen ngợi từ những người xung quanh.

5- Đồ gia dụng, nội thất đời mới nhất

Không thể phủ nhận trong thời đại như hiện nay công nghệ có rất nhiều đóng góp cho cuộc sống của con người. Nhưng chẳng biết từ bao giờ nhiều người đã hình thành trong mình thói quen chạy đua với các mặt hàng công nghệ xa xỉ. Người giàu không bao giờ chi tiền cho những món đồ gia dụng đời mới nhất nếu cái cũ vẫn hoạt động tốt.

Tuy nhiên, những người có thu nhập trung bình sẵn sàng chi cả đống tiền cho những chiếc điện thoại đời mới nhất, những thiết bị máy móc không biết có dùng đến lần 2 như máy làm bánh kếp, máy làm kem… Như vậy, họ chỉ đang lãng phí thời gian chọn, mua hoặc sửa chữa đồ nội thất, máy móc, thiết bị mà không bao giờ sử dụng hết các tính năng của chúng.

Có thể ngay thời điểm mà chúng ta sở hữu các mặt hàng đang thu hút trên thị trường thì sẽ được bạn bè, đồng nghiệp ngưỡng mộ nhưng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn mọi thứ cũng sẽ trở nên bình thường. Chỉ trong vài năm tới nó cũng bị chính những nhãn hàng đào thải để thay thế cho những dòng máy sau tân tiến hơn, lúc đó mọi thứ lại trở nên… lỗi thời.

(Sưu tầm trên mạng)

05.01.22

TN

SHARE