Home Ký sự Chuyện Đời CHUYỆN XƯA: TRUY TÌM “THẦN CHÚ”

CHUYỆN XƯA: TRUY TÌM “THẦN CHÚ”

763
0

Chuyện liêu trai là chuyện tôi hư cấu ra trên một số “nền tảng” chuyện có thật nhưng hơi hơi chút tào lao chút thôi. Viết vậy để cho nó có tính văn nghệ, đọc đỡ nhàm chán!!!. Thực ra tôi là một người rất khó tính trong việc tiếp nhận tri thức. Cái gì tôi chưa thấy, chưa nghe, chưa tận mắt chứng kiến… là tôi chưa tin. Tính cách này tôi có từ nhỏ, cũng bởi vì vậy mà từ hồi bé, tôi nổi tiếng là đứa trẻ ương bướng, hay đầu têu những trò phá làng phá xóm… và đó cũng là nguyên nhân để tôi trở thành đứa trẻ nổi tiếng khắp hàng tổng vì hay bị Phụ huynh đánh đòn…hì hì…

Vào cỡ khoảng 7 đến 8 tuổi gì đó, nói theo kiểu nói của dân gian là tôi đã “làu thông kinh sử”. Vào khoảng độ tuổi đó tôi đã đọc hết các bộ sách kinh điển như Tây du ký, Tam quốc chí, Thủy hử, Đông chu liệt quốc, Phong thần… và cũng đã lấn sân sang cả Kinh dịch và Hoàng đế nội kinh… Tất nhiên là kể các bộ tiểu thuyết hiện đại và các sách về Khoa học thường thức.

Trong các trận đòn roi của tuổi thơ, phải hết một nửa trong số đó là bị đánh đòn vì chuyện đọc sách, kể cả chuyện ăn trộm sách… Chính vì đọc sách quá nhiều nên tôi không hề tin vào một vài phong tục tập quán mang đậm tính chất Tâm Linh.

…Mẹ tôi mất sớm do bị bom Mỹ, tôi lớn lên dưới sự nuôi dưỡng của Bà Nội. Bà Nội ngoài Ba tôi là trưởng nam, sau còn có 3 cô em nữa. Thời đó chưa có sinh đẻ có kế hoạch, cho nên các Cô tôi cứ sòn sòn năm một. Và thời đó bệnh xá và bệnh viện cũng không có nhiều như bây giờ, vì vậy việc sinh nở của các Cô tôi đều do Bà Nội vừa làm bà Mụ vừa làm người điều dưỡng cho Sản phụ. Trong nhà, tôi là út, nên mỗi lần Bà Nội đi nuôi đẻ đều đưa tôi đi theo.

Mỗi lần theo Bà đi đỡ đẻ và nuôi đẻ tôi thường có rất nhiều thắc mắc. Trong đó có hai thắc mắc đã làm cho tôi “hắc não” nhất.

Một là, mỗi lần em bé vừa sinh ra, Bà tôi thường lấy một vài cành hoa có ở trong vườn nhà, phẩy phẩy, khua khua trước miệng em bé và lầm bầm một câu “thần chú”. Hai là, khi có ca khó đẻ, trong khi sản phụ kêu la thảm thiết, thì Bà gọi người chồng lại thì thầm vào tai một câu gì đó rồi bắt người chồng ra ngoài vườn cúi xuống gặm cỏ, vừa gậm nhai đứt các búi cỏ đến tận gốc vừa lầm bầm câu Bà đã dặn.

Nhiều lần tôi hỏi Bà là Bà lầm bầm câu gì thế. Bà nói đó là “thần chú” nói ra mất thiêng, nên Bà không nói. Điều này lại làm cho tôi càng tò mò thêm.

Một lần tôi gài Bà. Khi nghe tiếng oe oe của em bé vừa chào đời, và thấy Bà ra vườn ngắt mấy chùm hoa khế, hoa bưởi gì đó đi vào phòng của sản phụ. Bên ngoài tôi giả vờ ôm đầu lăn lộn trên đất và kêu đau. Mọi người xúm lại hỏi vì sao, tôi đợi bà chạy ra mới nói là chắc tại bà đọc “thần chú” như Đường Tăng đọc chú Kim cô nên tôi bị đau đầu. Bà nói, bà có đọc chú kim cô gì đâu, bà chỉ khua khua nhánh hoa trên môi em bé và nói “Miệng mở ra như hương như hoa, miệng mở ra quan yêu dân mến, miệng mở ra, mẹ cha hài lòng…”. Bà nói, làm thế để đứa trẻ lớn lên sẽ biết nói lời nhẹ nhàng không bị họa hại vì lời ăn tiếng nói… Nghe Bà Nội nói xong, tôi cười hề hề, có thế mà Bà cũng nói là “thần chú” làm con điều tra mãi…

Từ vụ đó, tôi mãi mãi không biết, câu “thần chú” mà Bà đã rỉ vào tai người chồng của sản phụ là gì. Vì Bà đã cảnh giác, nên tôi có tìm cách gì cũng không thể “cạy” mồm Bà được nữa.

…Sau này có người hỏi tôi, sao người Việt Nam hay chửi nhau thế, đó là vì phong tục hay vì nếp văn hóa vùng miền nó vậy?. Tôi trả lời đó là vì sau này các “bà mụ” hiện đại quên mất câu thần chú: “Mở miệng ra như hương như hoa…” và trẻ con sau này thường hay bệnh tật và biếng ăn là do các ông Bố, không đọc câu thần chú “Cắn cỏ…”.

Tôi nói cho suôn miệng vậy thôi, chứ câu “thần chú” của người chồng sản phụ khó sinh nở đến bây giờ tôi cũng không được biết nó là gì và có ý nghĩa như thế nào…

28.05.21

Thuận Nghĩa

SHARE