Nói là „phương châm“ nghề nghiệp cũng được, nói là „lẽ sống“ cũng chả sao, nói là „lý tưởng…mục đích“ của cuộc đời cũng ok luôn…. Với tôi cho dù là làm việc, học hành, giao tiếp… hay là tiếp cận đối tác trong mọi lĩnh vực đều phải đáp ứng 3 điều kiện tối thiểu : „Tự nguyện- Vui vẻ- Khỏe khoắn“. Thiếu một trong 3 điều kiện này hay có xu hướng làm mất mát hoặc tổn thương 3 điều kiện này là „em ngược“. Có nghĩa là dù có có ba vạn điều hay ho thì Lão phu cũng „phắn“…he…he…he….

Bởi vì vậy cuối tuần là phải „vui vẻ, khỏe khoắn“. Cho nên bài viết vì mục đích gì cũng phải đảm bảo các yếu tố này cho người đọc được nó…hì… hì…. Bài viết dưới đây là tôi viết vào tháng 1 năm 2017 cũng là bài viết thuộc vào dạng „vui vẻ- khỏe khoắn“. Nhưng trong đó cũng có hàm chứa nhiều yếu tố „sống còn“ khi bắt buộc phải „Sống Chung Với Lũ“.

Hôm nay post lại bài này vì nó cũng có phần liên quan đến cái „ĐẸP“ của loạt Seri bài viết liên quan đến tựa đề: MẬP- GẦY, CĂNG- NHĂN, TÓC ĐEN- TÓC BẠC, NÓNG- LẠNH… CŨNG LÀ „NÓ“ ….

Bởi vì vậy tôi hi vọng bài viết đính kèm này sẽ được đọc lại dưới một cái nhìn khác. Cái nhìn của „Tam Tiêu“, cái nhìn của „Thập nhị chỉ trường“. Cũng bởi vì vậy mà nếu các bạn còn cảm thấy „vui vẻ- khỏe khoắn“, thì nên rê chuột vào các thanh công cụ tìm kiếm để tìm hiểu về đường đi của Kinh Tam Tiêu. Và lưu ý về vùng giao thoa, kết nối giữa tất cả các đường Kinh Dương ở vùng „mặt-cổ“. Bởi vì các liệu pháp làm đẹp, chống nhăn, chống rụng tóc…. Theo phương pháp tự nhiên đều dựa vào nguyên lý vùng giao thoa các Kinh Dương này.

Nếu các bạn không còn cảm thấy vui vẻ, thì không cần phải thực hiện động thái này mà hãy „buông chuột“ gầy một „độ“ gì đó, ví dụ một đô nhậu, một độ trà đạo, hay là một độ „tám“ về loại kem dưỡng da mới nhập từ Hàn Quốc về chẳng hạn….Hì hì…miễn sao bạn cảm thấy thoải mái, vui vẻ khỏe khoắn là được. Chủ Nhật mà….

21.06.20
Thuận Nghĩa


“Chuyện Tào Lao” phần 1


“…HỌ THÀ CHẾT ĐẸP CÒN HƠN SỐNG ÍT ĐẸP…”

Mình có hai “tử huyệt”, hai gót chân Achilles khá dễ bị “túm gáy” và lũng đoạn. Đó là đam mê tắm ngâm bồn- chà chân và thèm ăn một loại bánh ngọt làm từ pho mai có tên là Käsekuchen .

Cách đây hơn 20 năm trước khi mình quen con Katjiana, một con Nga ngố. Ngày nào nó cũng bắt mình tắm. Đi làm về là đã có sẵn một bồn nước, bọt xà phòng trắng phau, có nổi lềnh phềnh mấy cánh hoa hồng. Nó bắt ngâm bồn riết rồi quen.

Quan hệ giữa mình với nó khá phức tạp, lục đục suốt. Nguyên nhân chủ yếu để hục hặc nhau là một người thuộc thế giới ngăn nắp và một người thì thuộc thế giới luộm thuộm. Đã mấy lần đinh chia tay nhau, nhưng vì sự gắn kết của cái bồn tắm mà khó rã. Nó thì sợ xả nước sợ không có ai ngâm, mà mình thì muốn ngâm sợ không có ai xả nước cho… hè… hè…

Khi có một ngày mình phát hiện ra, nghệ thuật ngâm bồn không phải là bọt xà phòng, không phải là cánh hoa hồng…Mà là vừa ngâm bồn, vừa chà chân và vừa ư ử nghêu ngao hát, ví dụ: “Nu na nu nống, đánh trống phất cờ, chân ai sạch sẻ, da dẻ hồng hào, được vào đánh trống…”.Vậy là mình nói với Katjana, đại loại: là: “Nàng là giống sạch, ta thuộc giống bựa, khó có thể sống kề bên, nên chúng ta nên giải thoát cho nhau…”. Chia tay với cô nàng có thói quen thích pha nước ngâm bồn lãng…xẹc với bọt xà phòng và mùi thơm của cánh hoa hồng như ng chỉ để cho người khác tắm chứ không phải cho chính mình. Cũng từ dạo đó mình đâm ra mê quả chà chân khi ngâm bồn tắm. Nhưng cũng từ dạo đó chả có ma nào pha nước cho, đành phải tự pha lấy, và luôn luôn có một mơ ước: Một ngày nào đó sẽ có một em pha cho một bồn nước hoa hồng …hê hê hê.…

Vụ bánh ngọt thì thê thảm hơn. Ăn riết thành ghiền, mà đã ghiền là sinh tật chảnh. Vì trình thẩm định bánh nó lên đô hơi bị nặng. Tuy rằng cũng từ một công thức làm, nhưng mỗi tiệm làm có sự ngon dở khác nhau. Tìm được một tiệm bánh có bánh Käsekuchen đạt chuẩn “thưởng thức” không phải dễ. Còn ăn để mà ăn thì không nói làm giề.

Mình có con vợ thằng bạn. Mỗi lần nó đến chữa bệnh đều mang theo một cái bánh này. Chả biết nó mua ở tiệm nào, nhưng thú thật là bánh nó mua thuộc loại siêu đẳng của loại Käsekuchen. Hỏi nó mua tiệm nào thì nó giấu không nói, bảo là độc quyền của nó.

Hôm trước nó bị đau cái cùi chỏ, tay không cất lên được. Đến thăm khám. Chẩn trị xong nó hỏi, em bị sao hả anh. Mình nói: „Cả thân thể của mi ngoài đôi giày da trăn giá 2500 Euro ra , thì còn lại toàn đồ bỏ hết“. Nó vêu mặt ra, giận bỏ đi…

Tưởng nó giận, mình nghĩ, chắc từ nay không còn được thưởng thức loại bánh „thượng thừa“ này được nữa. Nhưng tuần sau có lịch hẹn trị bệnh, lại thấy nó khệ nệ ôm cái bánh tới. Hú cả hồn…

Nó là cổ đông lớn của một nhà hàng xịn ở Hamburg. Là chủ lớn nhưng cũng phải làm việc hộc xì dầu. Thu nhập của nhà hàng nó trung bình mỗi ngày 4-5 ngàn Euro và 7-8 ngàn vào cuối tuần. Vậy mà cả nhà hàng chỉ có 2 bồi bàn. Nó là bồi chính, mỗi ngày chạy bàn gần 3-4 chục cây số.

Mình khám và chỉ cho nó thấy, nó bị lệch hông, vẹo cột sống, nên chân ngắn chân dài, và đó cũng là nguyên nhân chính của sự đau nhức tùm lum. Lại bảo, muốn chữa khỏi hẳn, điều đầu tiên là phải „Rời xa nguồn bệnh“, đó chính là các đôi giày gót cao ngất ngưỡng của cô, và ăn lời ít thôi, thuê người làm phụ giúp đỡ, bớt công việc, dành thời gian mà nghỉ ngơi, già rồi. sức khoẻ là chính, tiền bạc sẽ không giải quyết được gì khi sụm xuống đâu.

Nó gật gật rồi nói, gì cũng được, nhưng giày thì không thể thay thế, em không có đôi giày nào dưới 8 phân, mặc dầu mỗi tháng em mua ít nhất một đôi, tháng nào không mua đôi giày nào là tháng đó em bệnh. Mình hỏi, có đôi nào dưới 200 Euro không. Nó bảo, em mà phải mualoại giày dưới 200 hả, anh nghĩ đi đâu vậy. Lai hỏi, có đôi nào chỉ đi một hai lần rồi vất xó không. Nó hề hề, có rất nhiều đôi chưa kịp đi lần nào. Vậy đôi đắt nhất là bao nhiêu. Nó nghên nghên nói, em cũng biết tính toán lắm chứ bộ, đâu phải loại người tiêu xài không biết nghĩ đâu, đôi đắt nhất thì em cũng chỉ mua loại dưới 12000 Euro thôi. Nghe nói nói thế, tý nữa mình táng cho nó một bợp tai, nhưng nghĩ đến loại bánh mà nó độc quyền nên thôi.

Điều tôi muốn kể là giờ nó vẫn thỉnh thoảng đau, tự nó nó vẫn biết là nguyên nhân do chính những đôi giày không có đôi nào dưới 8 phân kia. Nhưng bảo nó bỏ thói quen này thì cũng như bảo nó lên giời à…

„Tránh Xa Nguồn Bệnh“ là một trong những điều kiện thiết yếu của việc chữa trị dứt điểm một bệnh lý nào đó. Nhưng trong những điều kiện bất khả kháng, thì người Thầy Thuốc có tâm không chỉ dựa vào những lời khuyên hợp lý để làm chủ liệu trình chữa trị. Mà còn phải dựa vào thực tế để có những tư vấn mang tính hữu hiệu, khả thi với người bệnh.

Ví dụ, đối với một bệnh nhân có nguy cơ ung thư cao do nhiễm độc hoá chất và kim loại nặng, mà khi đo đạc và khám nghiệm thì các hóa chất này do thuốc nhuộm tóc thấm vào da đầu. Bảo một phụ nữ luống tuổi đừng nhuộm tóc nữa, thì họ rất khó để nghe theo, vì vậy cần phải tư vấn cho họ các kiểu nhuộm tóc mà ít bị nhiễm độc nhất, ví dụ như nhuộm bằng thảo mộc chẳng hạn.

Hoặc với một bệnh nhân suy chức năng gan, tay chân lở loét ngứa ngáy khó chịu, vẫn biết nguyên nhân là do nhiễm độc hóa chất cực độc của nghề làm móng tay giả. Tư vấn họ tránh xa nguồn bệnh, khác nào như cắt nguồn sống của họ. Nên phải dựa vào thực tế, tư vấn cho họ cách tiếp cận hóa chất để ít phơi nhiễm nhất, cách ăn uống thích hợp để giúp cơ thể tự thanh lọc khi bắt buộc phải hành nghề.

Ví dụ khác, một bệnh nhân trẻ tuổi ung thư vú, đã cắt bỏ toàn phần một bên. Họ vẫn biết khi giải phẫu để làm lại vú giả, nguy cơ tái phát sẽ rất cao. Nhưng khuyên họ đừng làm nữa, là một lời khuyên không hợp lý. Mà phải có những tư vấn khác có tính phòng ngừa cao hơn, khi bệnh nhân chịu chấp nhận “sống chung với lũ”…

Những tư vấn “Tránh Xa Nguồn Bệnh” với Phụ Nữ, bạn hãy luôn luôn quan tâm đến một đặc điểm rất chung của phái đẹp, đó là: “Họ thà chết đẹp còn hơn sống ít đẹp…”

13.01.17
thuận nghĩa

Bài đọc thêm:

SHARE