1- NHỊP THỞ

– 3 đặc điểm cốt lõi, không thể thiếu, không thể tách rời và luôn luôn phải được thực hiện một cách đồng bộ từ khi mới bắt đầu tập luyện Hơi Thở Bụng (Thở bình, Phúc hồ lô) cho đến cả trọn đời của một Hành giả khí công là:

a/ Hít vào phình bụng ra- Thở ra thóp bụng lại

b/ Hít vào thở ra đều bằng mũi, miệng ngậm, lưỡi uốn cong đặt lên trên vòm họng

c/ Hít vào Thở ra càng chậm càng tốt. Nhẹ nhàng, chậm rãi, sâu…(không được cố rít hơi). Và cuối cùng là lấy vào càng ít dưỡng khí càng tốt.

Đó cũng chính là đặc điểm của “Hơi Thở Tự Tức”. Loại hơi thở mà người muốn tập luyện Khí Công và các môn Dưỡng Sinh khác đều phải bắt buộc làm quen từ những ngày mới bắt đầu bước vào cánh cửa của các Phương pháp Dưỡng sinh Tự nhiên.

“Nội Hàm” (Hiểu một cách nôm na là “cái có được”, tồn tại, và chứa đựng được bao nhiêu ở bên trong cơ thể. Là “kết quả- thành tựu”, tồn động, kết tinh lại được khi thực hiện quá trình “Vận động bên trong” và “Vận động bên ngoài” của sự tập luyện). Nội hàm của Hơi Thở Tự Tức (Thuộc hệ thống Hơi thở Phúc hồ lô) là khả năng điều khiển Hơi Thở một cách tự nhiên bằng hệ thống gân cơ của “Bụng dưới” (Không phải điều khiển Hơi Thở của cơ ngực và cơ hoành của một người bình thường, không tập luyên). Và khả năng này được thực hiện một cách “Vô Thức”, suốt cả “24/24 giờ/ ngày” của một “ngày sự sống”.

Mục đích của “Hơi Thở Tự Tức”, là tạo ra một “Lòng Hồ” mênh mông bất tận, có sức chứa đựng “vô biên” ở vùng bụng dưới rốn (Hạ đan điền). Cũng chính vì vậy mà Nội Hàm rốt ráo có được của Hơi Thở Tự Tức chính là khả năng chứa đựng của “Biển Hồ” nơi trống rỗng vô tận của “Hạ đan điền”.

“Nhịp thở sinh học” của một người bình thường không tập luyện là khoảng 15- 20 lần trong 1 phút. “Nhịp thở Tự tức” của người tập luyện Khí Công là càng chậm càng có “Nội Hàm”. Người được xem là có “Nội Hàm” của “Tự Tức” là có nhịp thở trung bình khoảng từ 7 đến 1 lần trong 1 phút. Nói một cách khác khả năng “Chứa đựng và tích lủy” của “Biển hồ Hạ đan điền” nhiều hay ít phụ thuộc vào “tiết tấu” của nhịp thở nhanh hay chậm. Nhịp Thở Tự Tức càng chậm thì khả năng chứa đựng của “Biển hồ Đan điền” càng “Bao la”. ( Còn về việc nó chứa đựng cái gì thì chúng ta sẽ bàn sau).

– Đặc điểm của Hơi Thở Tưởng Tức, là sự quản lý “Nhịp thở Tự tức” bằng những tiết tấu “Thì”, “Thời” của Hơi Thở thông qua sự điều tiết của Tư Duy ( Quản lý Ý niệm). Mục đích cuối cùng của “Hơi thở Tưởng tức” là tập trung những “cái có được” của quá trình “Vận động bên ngoài” và “Vận động bên trong” vào nơi “chứa đựng” mà “Hơi thở Tự tức” đã chuẩn bị sẵn. Cụ thể là “Biển hồ Đan điền”. Ngoài ra “Hơi thở Tưởng tức” còn có nhiệm vụ “đắp đập”, “ke kè”… để tạo ra những “biển hồ” phụ khác trong nội thể, mà cụ thể là tạo ra sự chứa đựng đủ đầy trong cả “Trung đan điền” và “Thượng đan điền.

Nội hàm của “Hơi thở Tưởng tức” là những “Cái có được”, tích lũy được nhiều hay ít, và được “phân loại” có rõ ràng hay không, và có chọn được “nơi chứa đựng” phù hợp với từng loại “Cái có được” hay không.

Nhịp điệu và tiết tấu của “Hơi thở Tưởng tức” rất phong phú và đa dạng. Mỗi một loại “Hơi thở Tưởng tức” đều có Nhịp điệu và Tiết tấu riêng. Tuy rằng Hơi thở Tưởng tức vô cùng phong phú và đa dạng. Nhưng “Nội hàm” của Hơi Thở chỉ được đánh giá qua khả năng quản lý và điều tiết 3 loại “Hơi thở 2 Thì” và 5 loại “Hơi thở 3 Thì” cơ bản mà thôi.

Cũng chính về đặc điểm Nội hàm của “Hơi thở Tưởng tức” là khả năng “Tích lũy”. Vì vậy “Hơi thở Tưởng tức” còn gọi là hơi thở “Thâu liễm”. Cho nên loại Hơi thở này đòi hỏi phải có sự “thống nhất” rất cao. Tức là gom tất cả những thứ “rời rạc” của cơ thể về một “mối”, một “nơi”. Nói cụ thể ra là gom “Tâm- Thân- Khí” đồng nhất lại và đặt chúng vào trong Hơi Thở.

– Nếu “Hơi thở Tự tức” là chuẩn bị nơi chứa đựng, tức là chuẩn bị “Biển hồ Đan điền” cho bao la tộng lớn, cho sạch sẻ khang trang. Và “Hơi thở Tưởng tức” là đi gom lại cho đủ đầy những thứ “có được” trong quá trình “vận động trong- ngoài”. Thì “Hơi thở Hành tức” lại ngược lại. Nó đóng vai trò như “Đào mương, khơi ngòi, kiến tạo dòng chảy” để dẫn những “Cái có được” đã tích lũy đủ đầy từ “Biển hồ Đan điền” đi đến những nơi mà mình muốn.

“Máy móc, công cụ, phương tiện…” để có thể “khơi nguồn, đào mương, đắp rảnh…” định hướng cho “dòng chảy” của “Cái có được” chính là “lập trình” của các dao động Âm thanh và Ánh sáng. Cái mà ngôn ngữ của việc Luyện Khí (Khí Công) gọi nôm na là “Chủng Âm”, “Chủng Tự”, “Chủng Quang”. Vì vậy Nhịp điệu và Tiết tấu của “Hơi thở Hành tức” hoàn toàn phụ thuộc vào “Lập trình” của các “Chủng Âm”, “Chủng tự”, “Chủng quang”… này. Lập trình của các loại này thông thường được thiết lập theo hệ “Mệnh lệnh Tiềm thức” hay còn gọi là “Lệnh Tiềm Thức”. Trong một số phương diện tập luyện đặc biệt người ta còn gọi là “Kệ”, hay “Chú” hoặc là “Mantra”, “Mudra”, “Tantra”… v..v…

(Xem tiếp phần 2)

Rằm tháng 8. Canh Tý

KCS. Thuận Nghĩa

SHARE