Home Uncategorized „CHỈ CÒN CỎ MỌC BÊN TRỜI…“- Tưởng Niệm

„CHỈ CÒN CỎ MỌC BÊN TRỜI…“- Tưởng Niệm

285
0

Ít ai biết được ngữ cảnh ra đời của bài thơ „Chia“ của Nhà thơ- Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là vào những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ trước. Mãi đến những năm đầu của thế kỷ 21 Nhạc sĩ Phú Quang mới phổ bài thơ „Chia“ thành bài hát „Một dại khờ một tôi“

Hồi ấy anh Tạo vào làm việc ở Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Bình- Trị- Thiên. Đầu năm 1983 tôi về làm việc tại Trung tâm Hướng nghiệp Huế. Tôi nghiện đọc và mê thơ văn từ nhỏ, nên khi vào Huế thường hay lân la đến 18 Lê Lợi và số 1 Phùng Hưng (Hội văn học Nghệ thuật Bình- Trị- Thiên và Tòa soạn tạp chí Sông Hương đóng ở đó) để làm quen với các cây bút nổi tiếng đương đại lúc bấy giờ đang hội tụ về đó. Hồi đó tôi và Mùi Tịnh Tâm và Phương Xích Lô làm thành bộ 3 „Thơ Giang Hồ“ (Cố đô tam tuyệt), chúng tôi không phải là người của Hội văn học Nghệ thuật nhưng có viết lách và làm thơ nên cũng có mối quan hệ khá thân với một số nhân vật đình đám của Hội.

Tôi có „Lời nguyền“ là không bao giờ đụng đến rượu bia, mà hồi đó chẳng hiểu sao tôi gặp các anh lúc nào cũng thấy „nhậu“. Nhưng mà cũng hay chỉ có trong tiệc nhậu mới nghe được những câu chuyện những bài thơ không bao giờ xuất bản của các Nhà văn và Nhà thơ nổi tiếng ấy. Hồi đó tôi chỉ thân với anh Nguyễn Trọng Tạo, anh Ngô Minh và vợ chồng anh Hoàng Phủ Ngọc Tường và chị Lâm Thị Mỹ Dạ. Còn các anh, chị Nguyễn Quang Lập, Hải Kỳ, Mai Văn Hoan, Trần Vàng Sao, Trần Thùy Mai… tôi chỉ biết và hay đọc họ chứ không thân.

Có một lần anh Nguyễn Trọng Tạo, anh Ngô Minh, anh Bửu Ý và hình như có anh Nguyễn Quang Lập nữa thì phải, mở cuộc nhậu tại nhà anh Hoàng Phủ Ngọc Tường ở số 10 Nguyễn Trường Tộ. Các anh ấy nhậu và nói chuyện trên trời dưới biển. Tôi thuộc vai nhỏ lại không uống được rượu nên chỉ quanh quẩn dưới bếp giúp chị Dạ làm đồ mồi. Thấy tóc tôi thưa thớt và bạc trắng nhiều chỗ, chị Dạ hỏi tôi bị bệnh gì. Tôi ngập ngừng kể cho chị ấy nghe hệ lụy về cuộc tình ngang trái mà tôi đang vướng phải, đã mấy tháng rồi không ngủ nên tóc nó rụng gần hết và bạc vậy. Chị Dạ xoa đầu tôi nói „Tội mi hè“.

Hôm ấy tôi trổ tài nấu nướng làm món lòng gà hấp chanh sả. Các anh ấy nhậu khen ngon, hỏi là món gì tôi cười hề hề nói là món „Tan nát cõi lòng“. Chị dạ cười, vui miệng kể lại chuyện tình của tôi. Anh Tạo nghe xong nói, rứa thì chuyện thằng ni tui biết. Tôi hỏi, răng anh biết. Anh nói, hôm ngồi nói chuyện với Lê Phước Thúy và Trần Hoàn có nghe kể.

Mấy tuần sau, gặp lại anh Tạo, cũng trong một cuộc nhậu khác, anh Tạo gọi tôi lại nói, để anh đọc cho Nghĩa bài thơ ni coi có được không nghe. Vậy là anh ngân nga đọc bài thơ „Chia“ ấy. Tôi lấy giấy bút xin anh chép lại bài thơ. Vì âm hưởng của bài thơ là thơ Lục bát, nên khi chép lại, tôi chép cách dòng các khổ theo kiểu câu 6/8. Anh Tạo xem nói, chép sai rồi, phải cách dòng chia các câu 8 ra thành nhiều đoạn như ri như ri nì.

Thấy anh Tạo chia lại câu cho bài thơ, tôi trố mắt thốt lên, hay hè…hay hè… vừa chia cho em cả một vui, một buồn, chia cả cây si mà chia cả cây bồ đề mà còn chia cả Lục bát nữa chơ, đọc mà cứ man mác như đồng dao lại bứt phá như bài hát cực hiện đại eng hè!!!. Anh Tạo cười nói, chơ răng, chơ răng…

Thấy tôi cứ chăm chú nhìn mảnh giấy chép bài thơ vừa lẩm nhẩm đọc như mất hồn, anh Tạo hỏi, Lợn Đất thấy răng (Anh Tạo cũng tuổi Hợi nhưng hơn tôi một Giáp, nên anh hay gọi tôi là Lợn Đất, còn tôi gọi anh là Lợn Lòi). Tôi thẩn thờ nói, Tham, Sân, Si cũng được anh mô tả một cách cực siêu thoát mà lại không kém phần tục trần, có điều hai câu kết buồn quá, mà sao khổ này anh lại không chia ra ngắt dòng hè. Anh Tạo nói, tất cả rồi chỉ còn lại một nấm cỏ vô thường, đã vô thường thì còn chia chi nữa….

Nguyên tác của bài thơ „Chia“ in trong tập ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN-NXB Văn học-1994 của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo như sau:

Chia

chia cho em một đời tôi

một cay đắng

một niềm vui

một buồn

tôi còn cái xác không hồn

cái chai không rượu tôi còn vỏ chai

chia cho em một đời say

một cây si

với

một cây bồ đề

tôi còn đâu nữa đam mê

trời chang chang nắng tôi về héo khô

chia cho em một đời thơ

một lênh đênh

một dại khờ

một tôi

chỉ còn cỏ mọc bên trời

một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm

… Trong bài hát „Một dại khờ một tôi“ (phổ thơ „Chia“) Nhạc sĩ Phú Quang bỏ mất câu:

„tôi còn cái xác không hồn

cái chai không rượu tôi còn vỏ chai“

Câu này cũng là câu mà tôi đã từng nói với anh Tạo, sau này có phổ nhạc bài ni thì đừng phổ hai câu này nghe. Anh Tạo hỏi vì răng. Tôi nói có chia chi thì chia, rượu thì đừng chia, tội họ!. Anh Tạo cú đầu tôi nói, mi không biết say rượu thì răng mà biết say tình được, rồi anh cao hứng đọc một bài thơ ngắn khá nổi tiếng của anh lúc bấy giờ:

..“sông Hương hóa rượu ta đến uống

ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say.“

..Và vậy là tác giả của bài thơ „Chia“ và bài hát „Một dại khờ một tôi“ bây giờ họ đã thật sự là những bông hoa lặng rơi bên trời rồi!!! :

…“chỉ còn cỏ mọc bên trời

một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm…“

HAMBURG 13.12.21

Thuận Nghĩa

SHARE