Phi lộ:
Tôi không thuộc “dòng” Văn Học, cũng không được học hành đến nơi đến chốn nên đến giờ tôi vẫn không phân biệt giữa 2 thể loại “Hồi Ký” và “Tự Truyện” nó khác nhau ở chỗ nào. Nhưng tôi nghe người ta đồn rằng 2 thể loại văn học này là 2 thể loại mà người “hết thời” và người “về hưu” rất thích viết. Tôi cũng đã sắp sửa cặp kê đến cái độ tuổi “cổ lai hy”, bạn bè thuở thiếu thời của tôi đa số đã về hưu trí hết rồi, nhưng với tôi “đam mê của một đời người” thì mới bắt đầu khởi động. Vì vậy không có lý do gì, và chưa có thứ gì để mà kể trong 2 thể loại “Hồi Ký” và “Tự Truyện” cả.
Tuy nhiên vừa rồi anh Ba của tôi, một nhà giáo, một “Thầy hiệu trưởng” về hưu đã dựa vào dấu ấn tuổi thơ của mình để tạc nên pho tượng “Lòng Mẹ” đặt trong khu vườn “dưỡng già” của anh ấy. Tôi có xem qua mục đích và hành trình anh ấy tạc nên bức tượng “Lòng Mẹ”, và tôi có viết trả lời là tôi sẽ cạnh trạnh công bằng với anh ấy để tạc một bức tượng khác có tên là “Lòng Cha”. Đương nhiên tôi cũng có nói là tôi cũng dựa vào dấu ấn của tuổi thơ để tạc nên một bức tượng ấy…
Tôi không nói đùa đâu. Tuy Cha Mẹ chúng tôi rất mực yêu thương nhau nhưng gia đình chúng tôi không sống trong cảnh quây quần đoàn tụ. Vì hoàn cảnh đặc biệt nên Cha Mẹ chúng tôi phải thực hiện “một nước cờ tồn tại” là “chia ra để sống”.
Chị Cả và anh Ba tôi theo Mẹ, anh Hai và tôi thì theo Cha. Chúng tôi sống cách nhau qua một con đò ngang trên dòng sông Kiến Giang.
Tôi nghe người lớn kể rằng, tôi sinh được đâu chưa đầy 1 tuổi thì Cha Mẹ chúng tôi thực hiện cuộc “chia ra để tồn tại” ấy. Tôi theo phe “Chàng thì xuống biển”, còn anh Ba tôi theo phe “Nàng thì lên rừng”, vì vậy ký ức tuổi thơ của chúng tôi cũng nghiêng nặng về theo hai hướng ấy. Có nghĩa là dấu ấn tuổi thơ của anh Ba tôi thì nghiêng về Mẹ, còn tôi thì nghiêng về Cha. Cũng vì lẽ đó mà tôi nói với anh Ba là tôi sẽ “cạnh tranh công bằng” với anh ấy để tạc nên bức tượng “Lòng Cha”, xem ai tạc rõ nét hơn…
Cũng vì phải nhớ lại và viết ra để coi như là sắp xếp tư liệu cho việc “tạc tượng”, cho nên “thiên ký sự” này tôi tạm coi là “Tự truyện” vậy.
Có lẽ lời đầu (Phi lộ) cho tự truyện về bức tượng đài “Lòng Cha” này cho phép tôi được minh họa bằng một bức ảnh tư liệu về chiến tranh. Đây là một bức ảnh hiếm. Bức ảnh về các Lãnh tụ Cách mạng này do một nhiếp ảnh gia trong cơ quan tình báo CIA chụp. Hiện nay chỉ trưng bày trong các viện Bảo tàng chứ rất ít phổ cập ra trên các phương tiện truyền thông, vì vậy có rất nhiều người, cho dù là ở trong lĩnh vực chuyên môn về “Sử Việt” cũng chưa chắc đã biết đến.
Sở dĩ tôi lấy bức ảnh này để minh họa cho lời đầu của tự truyện của tôi, là vì nhờ có một người trong bức ảnh này mà tôi mới có cơ hội được sinh ra trên cõi đời này.
Đại khái là vậy: Khi gia đình tôi bị qui chụp là thành phần “Địa chủ” trong phong trào “Cải cách ruộng đất”. Cha tôi lúc đó đang bị đội cải cách bắt trói để chuẩn bị đem đi chém đầu bằng mã tấu. Chỉ vì người phụ trách đội đao phủ của “Đội cải cách” là học trò của Cha tôi nên người đó lần ngần chưa cho khai đao. Một học trò khác của Cha tôi thì cấp tốc chạy bộ xuống dưới Tỉnh trình báo. Cũng may có một cuộc điện đàm từ một người có mặt trong bức ảnh nói trên, điện về cho Tỉnh Ủy Quảng Bình lúc đó, và Tỉnh Ủy mới ra công văn cho đội cải cách của huyện Lệ Thủy không được chém đầu ông Lê Thuận Châu (Tên của Cha tôi). Cũng là người học trò chạy trạm đó lại chạy bộ đem công văn ấy về cho đội cải cách huyện Lệ Thủy. Chuyện này là chuyện thật mà kịch tính giống như phim trinh thám hay phim chưởng vậy. Khi Cha tôi là người sau cùng bắt buộc phải đem lên đoạn đầu đài thì công văn cũng vừa được đưa đến. Những người bị qui chụp là Địa chủ, cường hào và Quốc dân đảng cùng lượt với Cha tôi thì đã bị chém đầu hết rồi. Tôi nghe Cha tôi kể là người học trò chạy trạm (Người liên lạc, đưa thư hồi ấy), vừa chạy gần đến nơi vừa hô liên tục “Không chém, không chém…”, khi đưa được công văn cho đội cải cách thì cũng vừa ngất xỉu vì hết hơi…Lúc kể chuyện này, Cha tôi nói, chết thì không sợ, nhưng từng ngày, từng giờ bị đội cải cách trói mang đến chứng kiến người ta chém đầu từng người khác trước mặt mới là khủng khiếp. (Ổng còn kể, có hôm mã tấu ngọt quá, họ “chém một phát ăn ngay” ổng không sợ nhưng vẫn vãi đái ra cả quần… ổng kể đến đó rồi cúi đầu cười khì khì có vẻ như là e thẹn lắm).
Chuyện Cha tôi xém bị chém đầu trong đường tơ kẻ tóc ấy là lúc cha mẹ tôi chỉ mới có chị Cả và anh Hai, tôi và anh Ba vẫn còn chưa ra đời. Tôi biết rất rõ chuyện này hơn các anh chị của tôi là vì khi tôi quyết định bỏ nhà trốn đi học chuyên nghiệp. Cha tôi biết không cản được sự ngông cuồng của tôi, nên Ổng chận đường tôi ở ga tàu và đưa cho tôi một tập tài liệu và 6 hào lẻ (Tiền “cụ mượt” hồi những năm 1977). Khi đưa tập tài liệu Ổng rơm rớm nước mắt nói, khi ra đó nhập học, nếu họ có xét nét lý lịch không cho nhập học thì đưa tập tài liệu và mấy cái giấy chứng nhận “Sửa sai” này ra cho họ xét. Lần đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp Cha tôi. Khi ra nhập học, tôi phải vất vả lắm mới được người ta tạm thời chấp nhận cho học với cái lý lịch do xã Xuân Thủy chứng nhận và gửi đi theo đường bí mật là: “Thành phần Gia đình Địa chủ, cường hào ác bá, bóc lột xương máu bần cố nông huyện Lệ Thủy”. Sau khi được nhập học, tôi biệt tích luôn không liên lạc và không về nhà…và Tết năm 1977, Cha tôi đứng đợi tôi nơi ga tàu ấy suốt mấy tuần. Ổng đứng đợi tôi về, không ăn không uống cho đến khi kiệt sức ngã gục xuống đột quị mà chết. Năm đó tôi vừa tròn 18 tuổi.
(còn nữa)
Phần 1:
„…NGỌN GIÓ HOANG VU THỔI SUỐT XUÂN THÌ…”
28.11.21
Thuận Nghĩa