Home Khí công TƯ LIỆU “LỤC TỰ QUYẾT” (Phần 1 ): Từ Tịnh Công, Động...

TƯ LIỆU “LỤC TỰ QUYẾT” (Phần 1 ): Từ Tịnh Công, Động Công và đến Dụng Công

5117
0

ea914e4b841e17e46b1f99f1d12ce7dee8abd2c7b997adceb4805357aedc08274g.jpg

TƯ LIỆU “LỤC TỰ QUYẾT“: Từ Tịnh Công, Động Công và đến Dụng Công

Phần 1

Về Nguồn gốc, Kỹ thuật và Tác dụng…của Lục Tự Khí Công tôi không bàn đến nữa, vì đã viết rất nhiều rồi. Vả lại cứ gõ vào Google, các bạn sẽ có được rất nhiều tư liệu về môn Đệ Tứ trong Ngũ Đại Tuyệt Nghệ Khí Công này (Dịch cân kinh, Bát đoạn cẩm, Ngũ cầm hí, Lục tự quyết và cuối cùng là Ngũ hành khí công).

Chỉ xin các bạn nhớ cho một điều, tuy Lục Tự Khí Công được đánh giá là môn khí công xếp hàng thứ tư trong 5 môn khí công diệu dụng chính thống từ cổ chí kim. Nhưng đối với Y Gia (Thầy Thuốc) thì Lục Tự Khí Công được coi là môn dưỡng sinh đệ nhất vì khả năng điều hòa, phục hồi nguyên khí để phòng chống bệnh tật của nó. Đặc biệt là tính phổ cập rộng rãi, tác dụng nhanh và an toàn. Trong đó khả năng ứng dụng công năng dành cho Thầy Thuốc vừa dễ vừa có tác dụng tức thời.

Trong bài này tôi chỉ chú trọng đến bước Dụng Công của Lục Tự Quyết (Lục Tự Khí Công) mà thôi. Tuy vậy trong phần này tôi vẫn cố tình nhắc lại cách phát Lục Tự Quyết, bằng cách thể hiện việc lặp đi lặp lại nhiều lần các clip có phát 6 âm tự này, để cho những người sơ căn mới nhập môn có thể nắm bắt được cụ thể cách phát Tự Quyết như thế nào cho đúng. Vì Lục Tự Khí Công lấy chấn động nội tại của Tự Quyết  làm yếu quyết chủ đạo cho môn khí công này.

Để hiểu rõ tường tận về phương pháp Dụng Công của Lục Tự, cũng phải điểm sơ một vài khái niệm cơ bản trong khí công dưỡng sinh.

1) Hơi thở:
Ở nhiều diễn đàn Khí Công, Dưỡng Sinh cũng như ở các Dưỡng Đường hay sân tập Khí Công ngoài thực tế, đến nay vẫn tồn tại một câu hỏi mà cách trả lời của các bậc Sư Phụ đều khác nhau. Điều này đã làm “nao núng” một số người luyện tập.

Đó là hơi thở ra bằng miệng hay bằng mũi thì mới đúng. Câu hỏi này có Sư Phụ trả lời là phải hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng. Có sư phụ thì trả lời phải hít vào bằng mũi và thở ra cũng bằng mũi thì mới thật sự là chính tông dưỡng sinh. Vậy thì câu trả lời nào đúng?

Xin thưa, cả hai câu trả lời đều đúng!

Vì việc thở ra bằng mũi hay bằng miệng tùy thuộc vào công năng của từng loại Khí Công khác nhau. Có nghĩa là mỗi một môn Khí Công riêng biệt đều có cách thâu nạp hô hấp khác nhau tùy vào công năng đặc dị của môn khí công đó.

Tuy cách lý giải hơi thở ra và thời gian ém khí có khác nhau nhưng tất cả các môn phái Khí Công Dưỡng Sinh đều có một điểm thống nhất là “hít vào bằng mũi”.

Chỉ riêng vấn đề thở ra và thời gian tích liễm khí (giữ khí) như thế nào thì mới đúng cách.

Người luyện tập những môn khí công có tính chất điều hòa, tích lũy chân khí và phục hồi chức năng cao thì cho rằng hít vào thở ra cũng bằng mũi mới đúng cách.

Còn người luyện tập những môn khí công có tính chất đột phá, khai mở tiềm năng để đạt được những quyền năng đặc dị, công năng thượng thừa của Vũ Trụ, thì cho rằng thở ra phải bằng miệng mới đúng cách

Đối với những người luyện tập những môn công phu có tính chất dưỡng sinh nhằm đạt đến cảnh giới an nhiên tự tại, hóa nhập với tự nhiên, bình thản vô ưu như đất trời cỏ lá, thì lấy hơi thở tự nhiên làm nồng cốt, lấy sự nhịp nhàng đều đặn làm tâm pháp, vì vậy chế độ của hô hấp là hít vào thở ra một cách hài hòa như hơi thở tự nhiên mà đời sống vốn có

Ngược lại với những môn công phu có tính chất đoạt phá quyền năng tối thượng, kháp phá khai mở tiềm năng vô hạn của cơ thể, thì chế độ hơi thở được tiết chế theo từng môn công năng đặc dị khác, trong đó thời gian lưu giữ khí và vận khí trong huyết mạch là tâm pháp bí truyền của từng môn công phu khác nhau

Ngoài ra, cùng trong một môn khí công chính thống, tùy theo động tác và công năng của từng động tác, mà có khi thì phải thở ra bằng mũi, có khi lại phải thở ra bằng miệng. Có khi lại có thời gian thu giữ khí, có khi lại hô hấp theo hơi thở tự nhiên, chỉ hít vào thở ra đều đặn, chứ không có thời gian thu liễm và vận khí

Như vậy thì tóm lại rằng, thở ra bằng miệng hay bằng mũi, nên có thời gian thu giữ khí hay không cần thiết có thời gian tích khí. Tất cả đều đúng, và chỉ đúng với từng môn khí công dưỡng sinh khác nhau. Có nghĩa là tùy thuộc vào từng loại khí công, từng môn công phu khác nhau mà có cách điều tiết hơi thở khác nhau. Bạn đang luyện tập môn công phu khí công được hướng dẫn có hơi thở ra bằng miệng thì cứ nên luyện tập theo cách đó và ngược lại bạn đang trì luyện môn công phu có hơi thở ra bằng mũi thì cứ luyện tập theo cách đã được hướng dẫn. Đừng nên nghi ngại là mình thở đúng hay sai, và cũng không nên tranh cãi với người luyện tập môn công phu khác là mình thở đúng hay họ có hơi thở đúng

Nếu bạn còn băn khoăn về điều này thì xin bạn hãy ghi nhớ rằng:

– Khí hóa của cơ thể và tinh thần của con người có hai loại, đó là khí Tiên Thiên và khí Hậu Thiên.

– Khí Tiên Thiên là khí hóa có từ trước, là căn cơ của con người từ khi sinh ra đời đã có, đã truyền thừa từ Vũ Trụ, từ Định Mệnh thông qua những “thông số”  di truyền từ bố mẹ và gia đình tổ tông. Khí Tiên Thiên còn gọi là khí Chân Nguyên hay là Nguyên Khí (Bản Năng). Khí này được tích lũy và vận hành từ hai trái Thận, bao gồm khí Chân Âm và khí Chân Dương. Khí này được bồi bổ, thu nạp và vận hành để phát triễn và sinh tồn nhờ vào khí Hậu Thiên. Mỗi người từ khi mới sinh ra đời đã có căn cơ của Chân Nguyên vững mạnh hay yếu kém để định đoạt cho họ có một đời sống sức khoẻ hay bệnh tật rồi

– Khí Hậu Thiên là khí sinh ra sau, là loại khí hóa được kiến tạo và vận hành nhờ vào khí hóa của Ngũ Cốc (Thức Ăn) và khí Trời (Dưỡng Khí). Khí này được thâu nạp và bồi bổ thông qua khí hóa của Tỳ Vị (tiêu hóa) và Phế khí. Khí này vững mạnh hay suy yếu tùy thuộc vào khả năng thu nạp từ thức ăn và khí trời, cho nên có thể nói rằng nó phụ thuộc vào điều kiện và môi sinh của đời sống.

– Khí Hậu Thiên không những bồi bổ và điều hòa cho khí Tiên Thiên mà còn cùng với khí Tiên Thiên vận hành khắp châu thân để điều tiết các chức năng hoạt động sinh tồn của cơ thể.

– Như đã nói khí Hậu Thiên bao gồm khí hóa của Ngũ Cốc (thức ăn) và khí trời (dưỡng khí). Khí ngũ cốc còn gọi là khí Tỳ Vị vì khí hóa này được thu nạp thông qua con đường ăn uống. Khí dưỡng sinh còn gọi là Phế khí thông qua con đường hô hấp. Như vậy thì miệng dùng để ăn (thu nạp khí ngũ cốc). Mũi dùng để thở (thu nạp dưỡng khí). Qua đó chúng ta thấy rằng sự hô hấp phải thông qua mũi mới hợp với lẽ của Tự Nhiên. Vì vậy một hơi thở hợp “đạo” của trời đất là hơi thở thông qua mũi. Đó chính là điều cốt lõi tâm pháp của các môn khí công có công năng điều hòa chức năng cơ thể, phục hồi nguyên khí và hóa nhập với vũ trụ.

Tuy nhiên khí Ngũ Cốc (Khí Tỳ Vị) là loại khí hóa tàng ẩn sức sống, nên nó có công năng vận hành và thúc đẩy sự vận động của sự sống. Loại khí hóa này thông qua miệng và tiêu hóa mà hình thành. Vì vậy muốn khí hóa cơ thể vận hành mạnh mẽ, cường tráng để khai mở hay đột phá, đả thông kinh mạch hay các luân xa, các trung khu năng lượng thần kinh, và khả năng đào thải trọc khí, thì phải cần đến sự hoạt hóa của loại khí hóa này. Chính vì vậy mà các loại công phu có công năng đặc dị cần đến chế độ và phương pháp hô hấp, thâu nhiếp hơi thở và thở ra bằng miệng nhằm để vận hành khí hóa của Tỳ Vị

Lại nói về Lục Tự Khí Công. Vậy thì Lục Tự Khí Công tuân theo sự điều tiết hơi thở nào.

Lục Tự Khí Công điều tiết hơi thở bằng cách hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng và không có thời gian lưu giữ khí.

Như vậy nếu theo lý luận đã trình bày trên kia, thì Lục Tự Khí Công thuộc vào loại công phu kích hoạt vận hành khí Tỳ Vị, có công năng khai mở và đột phá tiềm năng của cơ thể ư. Xin thưa không hẳn vậy!

Vì Lục Tự Khí Công lấy cách phát ra 6 âm tiết (Tự Quyết) làm tâm pháp cho hơi thở ra. Cho nên ngoài công năng đột phá khai mở, Lục Tự Khí còn có năng bồi bổ, khôi phục Chân Nguyên và khả năng điều hòa rất cao.

Lục Tự Khí Công có những công năng đa dạng và thượng thừa đó, chủ yếu là nhờ vào sự chấn động nội tại của các tần số âm thanh đặc biệt tương ứng với khí hóa của các kinh mạch và lục phủ ngũ tạng trong cơ thể:

– Chấn động của tần số âm thanh (Tự Quyết): HƯ có khả năng tương tác mạnh lên Gan, Đởm và kinh mạch tương ứng nên âm thanh này còn được cho là mang Mộc Khí (khí hóa của Can Đởm)

– Chấn động của tần số âm thanh (Tự Quyết): HA có khả năng tương tác mạnh lên Tâm và Tiểu Trường (Tim, Ruột non) và kinh mạch tương ứng, nên âm thanh còn được mang hành Hỏa

– Chấn động của tần số âm thanh (Tự Quyết):  có khà năng tương tác mạnh lên Tỳ Vị (Lá lách và Dạ dày) và kinh mạch tương ứng, nên âm tự này mang hành Thổ

– Chấn động của tần số âm thanh (Tự Quyết): HI có khả năng tương tác mạnh lên Phế và Đại trường (phổi và ruột già) và kinh mạch tương ứng, nên âm tự này mang hành Kim

– Chấn động của tần số âm thanh (Tự Quyết): SUYcó khả năng tương tác mạnh lên Thận và Bàng Quang và kinh mạch tương ứng, nên âm quyết này mang hành Thủy

– Chấn động của tần số âm thanh (Tự Quyết): HU có khả năng tương tác mạnh lên Tam Tiêu và Tâm Bào (Thủy đạo của cơ thể và hệ tuần hoàn) và kinh mạch tương ứng, âm quyết này mang hành Hỏa.

 

Sở dĩ các âm thanh ấy có tần số có thể chấn động tương tác lên lục phủ ngũ tạng và kinh mạch là vì phương pháp tiết chế hơi thở ra rất đặc biệt. Tần số âm thanh được “om giữ” lại trong nội tại của cơ thể không phát tiết ra ngoài, vì vậy có sức chấn động và tương tác nội tại rất cao

Cách phát tiết hơi thở ra là cách phát ra những âm thanh này. Phát ra những Âm Quyết này nhưngmiệng khép lại, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau. Âm sắc không hình thành từ tư thế đặt lưỡi mà hình thành do hơi thơ tràn rung qua thanh quản và có sự điều tiết của “nhếch” môi. Có thể gọi đây là âm thanh nội hay còn gọi theo cổ truyền là Nội Âm, Đan Điền Âm, Nội Ngữ….

Tại sao lại gọi là Nội Âm, là Đan Điền Âm?
Là vì âm tiết gần như được dồn khí ép phát ra thanh quản từ phía dưới Đan Điền lên, sau khi hơi thở hít vào tối đa, nhờ vào việc giãn căng bụng dưới lên, khi dưỡng khí có cảm giác đã căng đầy, không cần tích giữ mà từ từ ép cơ bụng dưới đẩy khí từ phổi phát rung lên thanh quản. Phương pháp thở bằng bụng, có nghĩa là hít vào phình bụng ra, thở ra co bụng lại là cách điều tiết hơi thở của hầu như tất cả các công phu dưỡng sinh khí công.

Chưa nói đến việc tích liễm dưỡng khí ở Đan Điền có khả năng dễ dàng khống chế được hơi thở nhanh chậm, dài ngắn, và có khả năng vận khí được linh hoạt. Việc giãn căng và co thắt bụng dưới còn có khả năng “vật lý” để tương tác lên sự co giãn của cơ hoành tạo điều kiện cho các nang Phổi giãn nở tối đa, thu nạp được lượng dưỡng khí nhiều nhất và co thắt tối đa để khu trục tán khí ra ngoài mạnh nhất. Điều đó đã làm tăng “chất lượng” cho hơi thở rất cao

Đối với Lục Tự Khí Công, lúc thở vào không điều tiết khống chế hơi thở, mà cứ để cho dưỡng khí tràn vào tự nhiên, khi Đan Điền đã giãn căng ra hết tối đa, thì thắt cơ ép hơi tràn lên thanh quản, không cần có thời gian lưu giữ khí. Đó là hơi thở của Tự Nhiên.

Xem clip Âm sắc của Lục Tự:
Phần đầu của clip vì để cho mọi người nghe rõ âm tự nên có sự tham gia của môi để tạo âm tiết lớn (răng và miệng vẫn ngậm chặt). Phần sau của clip là âm tự hoàn toàn phát tiết từ đan điền và khí quản, hoàn toàn không có sự vận động của lưỡi và sự tham gia điều tiết của của môi. Môi chỉ khép hờ chỉ để một hở một khe nhỏ như tơ mành đề khí thoát như tơ bấc mà thôi.

   

Xem tiếp các phần sau

Phần 2:  Thế nào là Tịnh Công, Động Công và Dụng Công và các bài luyện tập căn bản tương ứng


Phần 3: Phương pháp ứng dụng Lục Tự Quyết trong việc chẩn bệnh và điều trị.

20.10.11

Đông Y Sĩ, Khí Công Sư Quảng Nhẫn LTN thực hiện

(Để tiện chịu trách nhiệm về tư liệu Y khoa, mọi trích dẫn xin lưu ý dẫn nguồn- Xin đa tạ)

SHARE