Đã nhiều lần tôi nhắc nhở các Học viên, Học trò… về sự cần thiết (Rất cần thiết) thay đổi “Ngôn ngữ” và cách lập luận (Biện lý) của CỔ HỌC khi thăm khám và chẩn trị cho Bệnh nhân ở thời kỳ của kỷ nguyên “Kỹ thuật số”. Động thái này vô cùng quan trọng và cần thiết. Ngoài việc khẳng định “Đông Y” là một nền “Khoa học Ứng dụng” chứ không phải là một thứ Triết học mơ hồ. Động thái này còn tránh việc những người thuộc hệ Nhận thức Nhị Nguyên hiểu nhầm Đông Y (Y học Cổ truyền Á đông) thuộc về lĩnh vực Tâm Linh, Tôn Giáo hay là thứ gì gì đó tương tự…
Vẫn biết là việc thay đổi Ngôn ngữ và cách lập luận, biện lý của Đông Y thành những gì phù hợp với Hệ nhận thức hiện đại là một việc vô cùng khó khăn, và đòi hỏi phải có kiến thức về Ngôn ngữ học rất uyên thâm để hoán đổi. Việc này càng khó khăn hơn với những người học hành và trưởng thành từ hệ Đông Y Gia Truyền (Không phải Đông Y Học đường). Khó nhưng bắt buộc phải làm, và khi đã muốn thì không có gì là không làm được. Ngay cả tôi cũng vậy, không phải ngày một ngày hai là có thể thay đổi cả một Hệ nhận thức có từ nền Cổ học Á đông để hoàn toàn có thể hoán đổi thành cách Biện lý của Y học hiện đại được. Ví dụ, trong tin nhắn đính kèm phía dưới, khi tôi tư vấn dinh dưỡng cho một người bệnh, tôi vẫn sử dụng là từ “Trái hồ đào” thay là từ “Trái óc chó”, cho nên mới có tin nhắn “dở khóc, dở cười này (Xem ảnh đính kèm)
Đó chỉ là một ví dụ, chứ trong kho tàng ngôn ngữ cổ học khi học Đông Y vẫn còn vô vàn những trường hợp tương tự. Ví dụ:
– Hương Phụ là củ cây Cỏ gấu
– Tích tuyết thảo là cây Rau má
– Hạ diệp châu/ Trân châu thảo/ Nhật khai dạ bế là Cây chó đẻ/ Chó đẻ răng cưa
– Kim bất hoán là củ Tam thất
– Tử tâm liên là Tim sen
… v…v… Đó mới chỉ là những cây cỏ rất rất thường gặp ở trong vườn, bên lề đường, ở đâu cũng có. Nhưng khi học về thuốc theo Gia truyền (Không có “Đỗ Tất Lợi” hay gì gì đó đâu), thì những người học thuốc vẫn quen bóc thuốc ra toa theo ngôn ngữ cổ (Hán- Nôm hay Hán-Việt). Vì tên cây cỏ mỗi địa phương nột tên gọi khác nhau, nên người học thuốc vẫn phải sử dụng từ cổ theo Phương toa chính gốc, lâu rồi, không còn nhớ tên dân gian là gì nữa… Mặt khác người học cổ học vẫn thích sử dụng từ “uyên bác” hơn là từ ngữ “thường dân”. Vẫn thích dùng “Diệp hạ châu” hơn là “Cây chó đẻ”, thích “Tích tuyết thảo” hơn là “Rau má”, “Hồ đào” hơn là “óc chó”… hì hì tôi cũng vậy (Thậm chí nhiều khi không biết cả tên dân gian nữa…)
Chỉnh sửa, hoán đổi ngôn ngữ của cả một hệ nhận thức là một việc làm không dễ chút nào, nhưng đó là sự cần thiết, nên bắt buộc phải làm, và phải làm cho “ra ngô, ra khoai”. Không phải chuyện đùa, hay thích thì làm, không thích thì thôi…. Và cái quan trọng nhất là phải biết rũ bỏ tính cố chấp, bảo thủ…của người theo Cổ học…!!!
Tuy rằng, trong các bài viết, các chia sẻ về kinh nghiệm hay thơ văn của tôi vẫn còn bị phảng phất ngôn ngữ cổ học, nhưng tôi cũng đã cố gắng rất nhiều rồi, và hứa sẽ luôn luôn cố gắng nữa… (Ngoại trừ những khi không cầm lòng được nên phải “chém” vài bài cho đỡ nhớ nhung mà thôi …hì hì…).
Các học viên và thế hệ hậu bối, thì dễ hơn, nhưng cũng đừng nên bám víu vào ngôn ngữ cổ học, rồi khi nó “nhiễm vào máu”, đến khi cần thiết lại phải “oằn mình” thay đổi như tôi, mất công và loạn não lắm. Nhớ nhé!!!!
26.05.21
Thuận Nghĩa