Khảo luận Văn Học của Thuận Nghĩa
(Cảnh báo: Vì là khảo cứu về Bùi Giáng, lại viết trong trạng thái tinh thần không bình thường, vì vậy bài viết này dài và có phần khó đọc. Nếu ai không đủ kiên nhẫn đọc đến cuối thì xin dừng lại từ đầu, nếu không có thể dẫn đến tẩu hỏa nhập ma..- TN)
Thầy giáo tiếng Đức của học viện Goothe tại Hà Nội, ông Roland Kentschke. Về nghỉ phép năm lại Đức và có chuyện vui, cưới vợ ở tuổi 60.
Tôi được biết Ông Kentschke qua một người bạn thân của Ông là bà Büscher. Bà Büscher là bệnh nhân của tôi. Cũng qua mối quan hệ thân thiết với Thầy giáo Kentschke mà bà Büscher đã trở thành một “tín đồ” của văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các món ăn đặc sản Việt Nam.
Hôm đám cưới Thầy giáo Kentschke, chúng tôi không đi được. Vì đám cưới mãi dưới tận Stuttgart, cực nam của nước Đức, còn chúng tôi ở tận cực bắc của nước Đức. Bà Büscher có nhã ý mời tôi cùng mấy người bạn đồng nghiệp cũ của thầy Kentschke ở Hamburg mở một tiệc rượu nhỏ chúc mừng “từ hai đầu tổ quốc” với thầy Kentschke.
Bữa tiệc do bà Büscher tổ chức tại nhà hàng Thăng Long, một nhà hàng thuần túy Việt ở đường Ost- str thuộc khu phố Eimsbütel của Hamburg.
Bữa tiệc ngoài tôi và bà Büscher ra còn có thêm hai người Đức nữa. Họ đều là đồng nghiệp cũ của thầy giáo Kentschke. Và hiện nay đều là Giáo sư Ngôn ngữ học của Universität Hamburg.
Trừ tôi là người ngoại đạo ra, cả 3 người họ đều là “dân” của Ngôn Ngữ học. Họ đều hoạt động trong lĩnh vực Văn Hóa và đã có nhiều công trình nghiên cứu và giảng dạy về ngôn ngữ có giá trị.
Vào đầu bữa tiệc họ tế nhị không bàn đến chuyện lĩnh vực chuyên môn của họ mà chỉ xoay quay chuyện về Việt Nam. Nhất là tình hình về biển Đông và mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam cùng cục điện thế giới xoay quanh mối quan hệ này. Kế đó là bàn chuyện kẹt xe và số lượng xe gắn máy đông như “cào cào” trên đưòng phố Việt Nam.
Trong lúc chuyện vãn về Việt Nam, Giáo sư Güther có hỏi tôi về những hàng cây sơn vôi trắng gốc ở Việt Nam có ý nghĩa gì. Cả 3 người Đức này đều đã đi du lịch hoặc công tác ở Việt Nam, nên họ cũng đều quan tâm đến chuyện lạ này. Thực tâm tôi cũng không quan tâm đến hiện tượng bình thường này lắm. Nên khi bị cật vấn tôi chỉ biết trả lời theo hiểu biết của mình là, sơn vôi trắng gốc những hàng cây ven đường chỉ là như một dấu báo của “biển đường” giới hạn bề ngang của con đường mà thôi.
Giáo sư Günther không đồng ý quan điểm này. Vì ông nói có những hàng cây, những vườn cây không liên quan đến đường đi nhưng vẫn sơn trắng gốc như vậy. Nhất là ở vùng miền Trung và phía Nam Bộ.
Bà Büscher cho rằng đó là một tập tục hình thành sau cuộc chiến tranh chống Mỹ. Bắt nguồn từ đường Trường Sơn. Trong chiến tranh, bộ đội Việt Cộng (lời bà Büscher) hành quân trên đường, vì muốn giữ bí mật con đường không cho máy bay Mỹ phát hiện, nên không dùng đèn báo, họ phải sơn trắng những cột mốc, những hàng cây bên đường làm dấu báo lề đường. Sau chiến tranh tập tục này được đem về ứng dụng ở các vùng dân cư.
Tôi phản biện lại giả thuyết này, vì tôi biết việc sơn trắng những gốc cây, kể cả loại cây ăn trái trong vườn có trước cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ngày xưa ở phố cổ Hà Nội trong thời Pháp thuộc cũng đã có những hàng cây xà cừ cổ thụ ven đường sơn trắng gốc như vậy rồi. Và ngay chính trong Đại Nội, cung đình của Triều Nguyễn thời đó cũng đã sơn trắng gốc cây trong những con đường trong hậu cung.
Giáo sư Wüttenberg, người cuối cùng trong nhóm nói, có thể vấn đề này liên quan đến một thứ ngôn ngữ dân gian nào đó của người Đông Nam Á. Ông nói việc sơn trắng gốc cây không những chỉ có ở Việt Nam mà ở Lào, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai…..đều có. Nhưng phải nói rằng chỉ những dân tộc có liên quan đến nền văn hóa và cấu trúc Ngôn Ngữ văn hóa trong hệ thống Indochina (Nền văn hóa theo trục Bán đảo Trung Ấn bao gồm 3 nước Đông Dương và các nước Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai….) mới có hiện tượng sơn trắng gốc cây này một cách phổ cập và có hệ thống. Có lẽ đó cũng là một tập tục lâu đời có liên quan đến nền Văn hóa lúc nước. Ông còn nói thêm, theo vòng quay của vĩ độ trái đất, phía bên kia địa cầu ở các nước Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh, những đất nước có tầm vĩ độ với bán đảo Trung Ấn, rãi rác cũng có tập tục này, có thể những tập tục sơn người loang lổ của các bộ lạc sống bằng nghề săn bắn và trồng trọt ở đó cũng có liên quan đến thứ “ngôn ngữ” kỳ bí này.
Tôi hơi sững sờ, vì không ngờ một vấn đề tưởng chừng vô thưởng vô phạt như vậy, dưới cái nhìn của những nhà khoa học, họ cũng có thể qui nạp nó về những hệ thống nghe cũng có lý lắm. Tuy vậy tôi vẫn có vẻ bất phục trước những lập luận kiểu “con muỗi cũng phá hoại hòa bình thế giới” này. Nên tôi có bày tỏ sự nghi ngờ của mình.
Đầu tiên họ cũng ngại tranh luận với tôi, vì họ nghĩ rằng tôi là kẽ “ngoại đạo” trong lĩnh vực ngôn ngữ mà họ đang bàn tới. Nhưng khi bà Büscher nói với họ tôi là một người đam mê văn học, và cũng đã từng đoạt giải thưởng về đọc thơ của Goother dành cho sinh viên nước ngoài tại Đức. Khi ấy họ mới đàm đạo một cách tự nhiên được.
Từ những hàng cây sơn trắng gốc ở phố phường và làng quê Việt Nam, câu chuyện dần dần chuyển hướng sang một lĩnh vực có tính rất kinh viện về Ngôn ngữ.
Lúc này tôi chỉ biết còn ngồi lắng nghe họ bàn luận. Một phần vì tiếng Đức không giỏi, một phần vì chủ đề của họ bàn luận là một lĩnh vực chuyên môn quá cao siêu về ngôn ngữ.
Vì tôi mường tượng vấn đề họ tranh luận là một vấn đề hấp dẫn, có những khái niệm và cách lý giải về ngôn ngữ rất đột biến. Nên tôi chỉ biết nhắm mắt và nhập vào một trạng thái mơ hồ nửa tỉnh nửa mê. Cái trạng thái mà tôi luôn coi đó là khoảnh khắc “cứu cánh” của mình khi gặp những vấn đề nan giải về nhận thức.
Có lẽ họ đã quên sự có mặt của tôi, hoặc họ đã được bà Büscher ngầm báo hiệu cho họ biết đặc điểm “đi học” của tôi như thế nào. Nên họ cứ để mặc tôi nhắm mắt trong trạng thái vô thức mà ngồi đó cho hết cuộc thảo luận.
Khi cuộc thảo luận chuyển sang đề tài khác, tôi mới từ từ “thức giấc” và cùng với họ chuyện trò và ăn uống như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Tan bữa tiệc, tôi đến bên Giáo sư Wüstenberg và đặt ra rất nhiều câu hỏi mà tôi cảm thấy còn lấn cấn qua việc “thu nạp” cuộc trò chuyện của họ.
Hầu hết tất cả những câu hỏi của tôi đều liên quan đến một điều duy nhất là Bùi Giáng.
Những gì bấy lâu tôi “bùng nhùng” trong một thứ “năng lượng” hỗn mang khi đọc Bùi Giáng đã được Giáo sư Wüstenberg giải đáp một cách đơn giản. Bằng một thứ Ngôn Ngữ đã được “thông số hóa” theo cách của Ông.
Tôi cảm thấy thật hạnh phúc và thật thỏa mãn. Khi những “trùng trùng duyên khởi” bấy lâu của mình khi tiếp cận với “Nguồn Bùi Giáng”, vẫn chưa thể nào chuyển hóa trên “Đạo Lộ” của Tri Thức mà dịch chuyển về một Cõi nào đó để “tận duyên”. Dù là một “Cõi Mơ Hồ” đi chăng nữa. Thì bây giờ cuộc trò chuyện của những người chưa bao giờ biết về Bùi Giáng đã giúp tôi “chuyển dịch” tâm thức để bước đi trên đôi chân Ngôn Ngữ tiến sâu vào “Đạo Lộ” họ Bùi.
Hạnh phúc khi không ngờ rằng, những người “giải mã” được Nguồn Bùi Giáng là những người chưa bao gìờ biết về ông. Họ giải mã được là vì họ đã thấu ngộ được một cảnh giới khác của Ngôn Ngữ. Cái cảnh giới Ngôn Ngữ không phụ thuộc vào những lập luận tư duy kinh điển. Cảnh giới Ngôn Ngữ không có biên giới chắn che của hàng rào Văn Hóa, Dân Tộc… Cảnh giới ngôn ngữ của của Năng Lực Vũ Trụ, của sự Vô Biên, Vô tận được tàng ẩn và tích tụ trong sự “TRỐNG RỖNG”.
Họ lý giải được Bùi Giáng là vì họ đã nắm vững được cái “cơ chế” Năng Lực Vũ Trụ phát sinh từ sự va đập của Ngôn Ngữ.
Cái cảnh giới Ngôn Ngữ mà họ thấu ngộ đó có nét tương đồng với cảnh giới Ngôn Ngữ mà cách đây mấy chục năm về trước Trung Niên Thi Sĩ, Thi Sĩ Đười Ươi Báng Giùi đã từng thênh thang nghạo nghễ đi qua đó.
“…Có thể có sự tồn tại một quá trình lấp đầy sự “Trống Rỗng” trong đời sống tâm thức của Bùi Giáng- Giáo sư Wüstenberg nói như vậy- Nhờ một năng lực Vũ Trụ nào đó mà Bùi Giáng đã đưa đời sống “Tại Thể Sinh Tồn” của mình vượt ra ngoài sự chứa đựng của 3 chiều không gian. Nơi mà ngôn ngữ Tư Duy nhân loại không có năng lực để diễn đạt được bằng những lập luận logik để lý giải. Nên họ phải nôm na đặt ra một “đại lượng” ngôn ngữ có tính chất ước lệ để mô phỏng cái thế giới ngoài không gian đó là sự “Điên Rồ”. Có thể mai này khi Nhà toán học vĩ đại của thế kỹ 21, ngài Grigory Perelman và đồng nghiệp, tìm ra được tần suất ngôn ngữ để có thể lý giải bằng tư duy logik của nhân loại. Thì khi đó thuyết “Trống Rỗng” sẽ được minh chứng trong nhận thức đương đại. Tôi tin rằng ngài Grigory Perelman sẽ chứng minh được công thức để tính toán cho tình trạng “Trống Rỗng” hiện đang tồn tại ở mọi nơi trong vũ trụ, kể cả trong đời sống xã hội, kinh tế, tinh thần và ý thức của nhân loại bằng một thứ ngôn ngữ nào đó mà ta chưa biết được. Nếu công thức này được chứng minh và công bố khả năng ứng dụng thì lúc đó chúng ta có thể áp dụng để tính toán được Năng Lượng Trí Tuệ tàng ẩn trong những khoảng “Trống Rỗng” ở trong các tác phẩm Văn học, Nghệ thuật, Triết học….. Bởi vì có những tác phẩm mà tác giả sáng tạo ra nó trong tình trạng của “Vô Thức”. Những tác phẩm Văn học, Nghệ thuật đó không thể dùng ngôn ngữ của Ý Thức để thẩm thấu được, mà phải dùng ngôn ngữ của Vô Thức để soi xét. Vậy ngôn ngữ Vô Thức như thế nào, nó có phải là thứ ngôn ngữ để thông tin trong những ngữ cảnh của Thần Giao Cách Cảm hay không, nó có phải là thứ ngôn ngữ mang tính truyền thừa “Vô Ngôn” trong văn hóa Zen của Á Đông hay không. Nó có phải là ngôn ngữ tàng ẩn trong các câu thần chú có năng lực vô song của các Magic hay không. Và cuối cùng nó có phải là thứ ngôn ngữ Toán Học mà ngài Grigory Perelman vĩ đại dùng để tính toán sự “Trống Rỗng” để kiểm soát vũ trụ hay không?. Những tác phẩm của tác giả Bùi Giáng như anh đã đề cập đến, có thể cũng được sáng tạo trong tình trạng “Vô Thức” ấy, nên nó chắc chắn phải có những khoảng “Trống Rỗng” có hàm chứa Năng Lượng Vũ Trụ của Ngôn Ngữ Thượng Thừa (Ngôn ngữ Vô Thức- Vô Ngôn), Vậy thì trước lúc anh muốn thâm nhập vào thế giới Ngôn Ngữ của Ông ta, thì anh phải trang bị cho mình những Từ, những Chữ có tần suất khác thường mà anh có thể cảm nhận đó là “tại thể sinh tồn” của ngôn ngữ “Trống Rỗng” trong tác phẩm của Ông ta. Có vậy anh mới có thể thấu cảm được những thông điệp “Vô Ngôn” mà Ông ta muốn truyền tải trong ngữ cảnh sáng tạo Vô Thức của Ông ta được. Anh cứ thử làm như tôi nói, có thể anh sẽ có nhiều khám phá khác lạ trong nhận thức của mình khi đọc lại tác phẩm của tác giả kỳ bí như anh đã đã trình bày. Điều này hoàn toàn không có hại gì, ngược lại nếu nó không cho anh những kết quả mới lạ gì, thì cũng có thể giúp anh có chỗ để bám víu, nương tựa để khỏi rơi vào “ma trận” ngôn ngữ mà có thể dẫn anh đến chỗ loạn trí…”
Kết thúc câu nói, Giáo sư vỗ nhẹ vào vai tôi một cách thân mật. Hình như lời nói với một âm lượng khá trầm mặc của Giáo sư đã giúp tôi khai ngộ thêm nhiều điều mà tôi đã “thâu nạp” lại cuộc thảo luận của họ mà chưa kịp có thời gian nghiền ngẫm và chuyển hoá.
Cuộc trò chuyện của họ về Ngôn Ngữ “hiện đại” cho một tương lai gần của nhận thức Nhân loại, chính là cái thứ Ngôn Ngữ Vô Thức, hay là ngôn ngữ “Trống Rỗng” và có thể là thứ Ngôn Ngữ Thượng Thừa như Bùi Giáng đã có lần viết : “..Ngày Tháng Ngao Du đi bước ngu dao nghiêm mật phiêu bồng trong toàn thể phiêu bồng của nó. Không thể tách rời một bài nào ra, để công kích hay tán dương theo lối hồ đồ bác học….Đành rằng ngao du là ngao du với bước đi của ngôn ngữ thượng thừa, nhưng thỉnh thoảng cũng phải chịu chơi giấn thân vào cuộc với ngôn ngữ hạ thừa”- (Những Ngày Tháng Ngao Du- Bùi Giáng)
Họ nói với nhau rằng, sự phân rã vật chất đến giới hạn cuối cùng không chỉ dừng lại ở các dạng hạt có giới hạn về thể tích, trọng lượng gần bằng không (0), thời gian tồn tại ngắn gần bằng không (0)…mà cấú trúc tận cùng của vật chất tồn tại là ở dạng “Trống Rỗng”. Đó là trạng thái có thể hiểu nôm na là không bằng không(0) nhưng không lớn hơn không(0). Đó chính là trạng thái Vũ Trụ ở khái niệm “KHÔNG” được đề cập đến trong Duy Thức Luận trong Phật Giáo và Thiền Tông Phật Giáo.
Một sự “Trống Rỗng” hoàn toàn, nhưng không phải “không có gì”. Nó vẫn hàm chứa một năng lượng vĩ đại của Vũ Trụ. Nó không những có khả năng tương tác lên qui luật của Vũ Trụ, mà cón khả năng “thâu tóm” chứa đựng vô biên. Mặc dầu các đại lượng đo đạc về nó không bằng không (0) nhưng cũng không lớn hơn không (0).
(Nếu ai đã đọc Duy Thức Luận hoặc có tìm hiểu về Thiền thì rất dễ tiếp thu khái niệm này, vì nó được lý giải bằng khái niệm ước lệ là tánh “KHÔNG” là “TÂM” là “PHẬT TÍNH” trong Phật Giáo, hoặc là Đại Ngã trong Ấn độ giáo, Đạo giáo, và Thượng Đế trong các tín ngưỡng khác. Con đường giải thoát, sự giác ngộ, sự hóa nhập vào Đại Ngã có thể là một cách diễn đạt khác về những khái niệm trong lý thuyết lấp đầy sự Trống Rỗng của Nhà toán học Nga Grigory Perelman và đồng nghiệp đã và đang nghiên cứu để mở ra một kỷ nguyên mới trong nhận thức của Nhân loại- Thuận Nghĩa)
Sự “Trống Rỗng”, dạng cấu trúc tận cùng của Vật chất này khác hoàn toàn với khái niệm “khoảng trống”.
“Khoảng trống” là khoảng cách có thể đo đạc, nhận thức ra được trong 3 chiều của không gian, và cũng có thể là khoảng cách được xác định giữa các mốc của thời gian. Và hơn nữa cũng có thể là khoảng cách giữa những ý niệm, giữa các luồng tư tưởng, các ranh giới giữa các nền văn hóa vân..vân..Ví dụ khoảng trống giữa hai tòa nhà, khoảng trống giữa hai bờ sông, khoảng trống giữa suy nghĩ từ vấn đề này tới vấn đề khác. Khoảng trống cách biệt giữa hai nền văn hóa, khoảng trống nhận thức giữa hai thế hệ…Những khoảng trống đó tồn tại ở trong Ý thức, trong Tư duy của con người. Cho nên nó có thể đo đạc được, lý giải được bằng những lập luận logik của Ý thức thông qua Ngôn Ngữ có Ý Thức (Ngôn ngữ Hạ thừa của Bùi Giáng- TN).
Còn sự “Trống Rỗng” nó vẫn tồn tại ở mọi chỗ, mọi nơi xung quanh ta và trong vũ trụ bao la. Nhưng nó không lệ thuộc vào sự chứa đựng trong 3 chiều của Không gian, và chiều của Thời gian. Bởi vì nó không lệ thuộc vào Không gian và Thời gian cho nên nó vượt ra ngoài giới hạn tư duy ngôn ngữ đương đại của Nhân loại. Nhân loại vẫn cảm nhận ra được sự tồn tại của “Trống Rỗng”. Nhưng họ không thể nào lý giải được nó bằng thứ ngôn ngữ được hình thành từ sự vận động của vật chất và ý thức (Khoa học thực dụng). Họ đành phải tạm thời gán ghép cho nó những khái niệm rất mông lung trong khuôn khổ Ngôn Ngữ Ý Thức cho phép. Ví dụ là Thần, Thánh, Ma Quỉ, Thượng Đế, Đấng Siêu Nhiên, Hiện Tượng Bí Ẩn..vân..vân..
Loài người đã biết đến sự “Trống Rỗng” chưa. Thưa vâng, đã biết từ hàng ngàn năm trước, thậm chí là hàng chục ngàn năm trước. Tiếc rằng ngôn ngữ phát sinh ra từ sự vận động của Vật chất và Ý thức chưa đủ năng lực để chuyển tải “thông điệp” đó một cách minh bạch với Tư Duy của hệ nhận thức đương đại. Vì vậy sự ù ù cạc cạc đó đã tạo nên những nhận thức sai lệch về Vũ Trụ, là căn nguyên để hình thành các Tôn Giáo và các hình thức thờ phụng khác.
Một thí dụ điển hình nhất của ngôn ngữ Vô Thức mà loài người đã ứng dụng để mô phỏng trạng thái Trống Rỗng của Vũ trụ là các công án Thiền trong Thiền tông Phật Giáo. Một cái phẩy tay, một cái nhíu mày của bậc Đạo Sư đã truyền tải một năng lượng thần bí có tính chất khai mở để người đệ tử giác ngộ ra một cảnh giới Tâm thức khác hoàn toàn với cuộc sống đương đại. Đó chẳng phải là một loại Ngôn Ngữ Thượng Thừa của cảnh giới Vô Thức đó ư. Hoặc là những câu chữ “vô thưởng vô phạt” như ngữ cảnh sau “Đệ tử hỏi: Con chó có tính Phật không?- Sư phụ trả lời: Cục cứt khô”. Sau thông điệp này Đệ tử giác ngộ mà kiến tánh (Thấy được “Bản Lai Diện Mục” một tên gọi khác của sự “Trống Rỗng” là chũ Tâm- TN). Có logik nào của ngôn ngữ đương đại trong tư duy khoa học ở ngữ cảnh ấy không. Tại sao người đệ tử lại có thể giác ngộ được sau thông điệp “vô thưởng vô phạt” ấy. Nhất định người Sư Phụ đã gửi gắm trong ngôn ngữ “Tại thể sinh tồn” (Ngôn ngữ Hạ thừa- Bùi Giáng) ý nghĩa “ẩn dụ” mà có thể truyền tải được năng lượng của Vô Thức (Vô Ngôn- Thượng thừa- Bùi Giáng).
Vậy thì rõ ràng có một thứ “Ngôn Ngữ Thượng Thừa” nào đó vẫn tồn tại ở tình trạng Vô Thức của con người. Ví dụ đã có một vài dấu ấn của thứ ngôn ngữ vô thức đó đã được thẩm thấu ra đời sống của nhân loại. Như từ “Om” của giới Du Già, hay là một vài câu thần chú kỳ bí của các đạo giáo khác nhau. Những câu chữ “vô nghĩa” đó có thể tàng chứa những năng lực vô biên của vũ trụ mà con người gọi là hiện tượng siêu nhiên.
Có thể đó là thứ ngôn ngữ “Thượng Thừa” mà Bùi Giáng đã đề cập đến rồi chăng. Và có phải đó là những “Thông Số Ngôn Ngữ” mà nhà toán học vĩ đại Grigory Perelman đang cùng đồng nghiệp nghiên cứu để diễn đạt lý thuyết “Trống Rỗng”. Và từ loại ngôn ngữ thượng thừa đó, họ có thể lập thành những công thức toán học để đo đạc được sự “Trống Rỗng” và cũng từ đó lập thành những phương thức có thể giúp con người “lấp đầy” sự Trống Rỗng để kiểm soát được toàn bộ Vũ Trụ.
Họ còn nói, hầu như những sáng tạo khoa học, sự bùng nổ tư tưởng triết học, và kể cả những sáng tạo đột phá trong Văn học, Nghệ thuật của nhân loại cũng đều phát sinh ra từ những phút “xuất thần” của những khối óc vĩ đại. Họ nhắc đến những tác phẩm Văn học kiệt xuất, những tác phẩm Nghệ thuật trường tồn mãi với thời gian, và khắc đậm dấu ấn trong nhận thức của Nhân loại như những tác phẩm của Goother, Tagore, Dotstoievsky, Víchto Hugo, Mozart, Van Gốc….đều được sáng tác trong những cơn “Điên Loạn”. Mà thực chất của sự “Điên Rồ” đó là sự thăng hoa của Tâm thức đến cảnh giới của Vô Thức.
Bởi vậy ngoài những Ngôn Ngữ Ý Thức ra, trong tác phẩm của họ nhất định để lại dấu ấn của Ngôn Ngữ Vô Thức. Mà những dấu ấn đó có thể được “cài đặt” trong một vài từ ngữ “vô thưởng vô phạt” hoặc là những trường đoạn, rối rắm mù mờ mà không thể nào có thể lý giải và thẩm thấu bằng Ngôn Ngữ Ý Thức của Tư Duy hiện đại được.
Nhiệm vụ của việc cứu Ngôn Ngữ cho tương lai là tìm ra được “chìa khóa” Ngôn Ngữ để giải mã cấu trúc của Ngôn Ngữ Vô Thức kia. Nó không những giúp chúng ta đánh giá lại những tác phẩm kinh điển, mà còn mở ra một thế hệ mới cho Ngôn Ngữ của tương lai. Một loại Ngôn Ngữ mang năng lượng của sự “Trống Rỗng”, không lệ thuộc vào chiều kích của Không Gian và Thời Gian. Chỉ có loại ngôn ngữ có tầm vóc Vũ Trụ đó mới xoá được khoảng cách biên giới giữa các hệ tư tưởng, của các trào lưu Văn hóa, của các Ý niệm về Dân Tộc. Chỉ có sự “lấp đầy” Trống Rỗng trong Ngôn Ngữ, mới có thể xoá bỏ được ranh giới của Đẳng cấp, của tư tưởng Dân tộc cực đoan. Để hoàn toàn đưa thế giới đến chỗ Đại Đồng, Duy Nhất và mới có thể đi đến chỗ tận cùng của Bao Dung và Độ Lượng, đó mới chính là nơi Suối Nguồn Của Hạnh Phúc Vĩnh Hằng.
Cuộc thảo luận của 3 người họ về Ngôn ngữ xoay quanh vấn đề đó. Tôi không thể nào cùng một lúc để có thể hấp thụ chuyển hóa được tất cả. Tôi chỉ tạm thời phỏng dịch lại theo cảm nhận của chính mình như vậy mà thôi.
Qua lời khích lệ của Giáo Sư Wüstenbreg. Tôi đã nhớ lại và đọc thêm các tác phẩm của Bùi Giáng, để tìm cho ra những “dấu ấn” của ngôn ngữ Vô Thức mà ông đã “cài đặt” lại trong các trước tác của Ông. Để có thể lý giải một nghi vấn mà tôi đã mất không biết bao nhiêu lần mù mờ như một kẽ “bịt mắt bắt dê” trong cái Cõi Chữ của Ông.
Tại vì sao khi bất kỳ một ai “lỡ chân” bước vào Cõi Chữ Bùi Giáng, cũng đều cảm nhận được có một suối nguồn vi diệu nào đó, cuối hút, tưới đẫm lên tâm thức của mình. Nhưng không một ai biết nó là cái gì. Và khi đã bước ra khỏi Cõi Chữ của Ông, cũng đều vương vấn như mình đã mang theo một cái gì đó, nhưng là cái gì, thì cũng không ai có thể lý giải được rõ ràng. Không biết nó là cái gì, nhưng vẫn muốn quay trở lại đó để được tưới đẫm “cái gì” đó lên cảm thức của mình lần nữa.
Rất nhiều người đã đọcThơ của Bùi Giáng, họ cảm thấy rất hay, nhưng hỏi họ hay chỗ nào, thì khác nào như đánh đố họ. Bởi vì cho đến nay Cõi Chữ của Bùi Giáng thu hút hàng triệu triệu người, và cũng không ít những “kỳ tài” Văn nghệ từ đó mà trưởng thành. Và không ít những học giả đã nghiên cứu về Cõi Chữ của Ông. Nhưng công bằng mà nói đến bây giờ vẫn chưa một ai có thể nói là đã “đi được” vững vàng trên Đạo Lộ Văn Chương ấy của Ông.
Tần số của những cụm chữ, hay những trường đoạn lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong trước tác của Ông. Thường được bung ra ở những chỗ cao trào nhất, nhưng lại có vẻ “Vô duyên” và “vô thưởng vô phạt” nhất. Nó chẳng ăn nhặp gì với dòng cảm xúc của đoạn mà tác phẩm đang đề cập tới. Tình trạng này rất thường gặp trong Thơ của Ông. Nếu với những cảm thụ của logik ngôn ngữ bình thường, thì những cụm từ đó buông ra bất chợt, chỉ làm hỏng đi cấu tứ của nhịp thơ, và đưa bài thơ đến chỗ rối rắm khó hiểu, và đôi khi ngắc ngứ như ngọng chữ. Không thể nói đó là sự “bất cẩn” của Bùi Giáng được, mà rõ ràng Ông đã cố tình làm vậy, và có thể nói ông đã cố công để sắp xếp như vậy.
Vậy thì những cụm chữ, những trường đoạn đó có ý nghĩa gì trong thông điệp Ngôn Ngữ của Ông? Một điều chúng ta cần phải biết hầu hết những trước tác của Ông, đều được sáng tác trong những cơn “Điên Loạn”. Cho nên một vài người nói rằng Ông là một người Điên là vậy. Và thậm chí có những tác phẩm nghiên cứu về Triết học có tầm cỡ trí tuệ siêu việt, người ta cũng không biết ông viết từ lúc nào. Người ta chỉ biết ông đến nộp bản thảo hàng ngàn trang viết cho nhà xuất bản, sau khi ông đã nhảy múa, cười nói và “ngao du” trong trạng thái mà người đời gọi là “điên” từ ngày này qua ngày khác.
Vì vậy ta có thể nói Bùi Giáng hầu hết sáng tác trong trạng thái Vô Thức. Cũng vì vậy mà ngôn ngữ của Ông phải mang nhiều dấu ấn của Ngôn Ngữ Vô Thức. Thứ ngôn ngữ mang năng lượng của sự “Trống Rỗng”.
Tôi mạo muội tìm ra những cụm từ có tần suất xuất hiện nhiều nhất, và đóng vai trò “vô duyên” nhất trong các tác phẩm của Ông để lần mò xem thử, có thể thẩm thấu được điều gì đó mà Giáo sư Wüstenberg nói là có dấu ấn của Ngôn Ngữ Vô Thức, Ngôn Ngữ Thượng Thừa như Họ Bùi đã nói không.
Những cụm từ đó bao gồm những từ sau: Kim Cương, Nguyễn Du, Nietzsche, Phùng Khánh, Marylin Monroe, Brigitte Bardot, Khổng Tử, Trang Tử, Huy Cận, Kierkegaard, Heidegger, Camus…
Trong đó cụm từ “Kim Cương” có tần suất xuất hiện nhiều nhất, dù là thơ hay là một tác phẩm dịch, hoặc một khảo cứu về Triết học. Ngoài ra “Kim Cương” còn xuất hiện với một tần suất rất kỳ lạ trong những trường đọan được “thả ra” một cách bất chợt, mà chưa ai có thể nắm được ý đồ của Ông trong hệ thống ngôn ngữ kỳ bí ấy. Đó là trường đọan dồn dập nói về lời cầu khẩn được “Thánh Mẫu Kim Cương” đi tiểu lên nấm mồ của Ông, sau khi Ông chết.
Ví dụ trong một thiên khảo cứu về tác phẩm “Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận” của một Thiền Sư Nhật Bản tên là Kimura Taiken viết, do thượng tọa Thích Quảng Độ dịch ra tiếng Việt từ một bản dịch chữ Hán.
Bùi Giáng viết như sau:
“Ông Taiken viết sách thông thái tót vời, nhưng ông vẫn chưa biết cách tư tưởng. Ông bỏ lạc mất cái mạch ngầm ẩn mật trong những bộ kinh. Lời tại đây mà ý tại kia… Ngón tay Phật đưa lên từ chỗ nọ, mà cõi bờ bát ngát được chỉ dẫn ở tại đâu ?”.
“Lời nói đó của Taiken, dù được hạn chế thế nào, vẫn không phải là lời của con người biết tự trọng. Vì sao ? Vì con người biết tự trọng là kẻ biết lặng thinh lúc đứng trước trùng khơi trí hải, lúc đối diện với giáp trĩ sơn lâm.
Nếu có gì khiếm khuyết, thiếu sót đáng tiếc, thì ấy là ở tại nơi ta, chớ không ở tại nơi rừng biển. Lòng ta không đủ rộng để đón nhận núi rừng. Những âm thanh phát ra là những diệu ngôn, những xảo-mật-ngữ trong phương-tiện-lực của biện tài thần thông tam muội. Một chút vi vu thoang thoảng đối với kẻ biết nghe, rất có thể mang đầy những vô lượng thế giới xa vắng về gạ gẫm bên làn da hiu hắt, nơi một lỗ chân lông. Thì đáng tiếc thiếu sót cái gì ?”.
…..
“Đừng nệ ở miền mà quên mất cõi. Đừng chấp ở cõi mà lạc mất mép rìa. Đừng nắm cái lời mà lệch cái điệu. Đừng nắm cái điệu mà bỏ mất cái heo hút hòa âm.
…
Người ta cứ tưởng Kinh Duy Ma đã đem những Xá Lợi Phất, Ma Ha Ca Chiên Diên ra mà chế giễu. Đâu có gì như thế. Bồ Tát vốn lắm phen thị hiện theo lối nghịch hành. Vì chúng sinh, họ có thể mở trận đùa rỡn từng cơn cơn cuộc cuộc. Và thảy thảy cùng man mác nằm ở giữa lòng mênh mông hiu hắt Như Lai”.
….
“Tuy tại Thệ Đa trung, bất kiến Như Lai tự tại thần lực…”.
Tình trạng đó, đâu phải chỉ riêng của hàng Thanh Văn.
Mà rừng Thệ Đa, đâu chỉ duy là rừng Thệ Đa.
Mà thần lực tự tại của Như Lai, đâu phải chỉ duy bo bo là Như Lai thần lực.
Ấy có nghĩa thế nào ?
Ấy có nghĩa rằng :
Mỗi mỗi người đều có một rừng Thệ Đa ở trong mình rất mực thần thông trí hải. Và cứ hằng hằng đánh mất mỗi mỗi ngày ngày cho tới suốt bình sinh tam sinh thập tử.
Vì thế nên phải gọi mãi mãi cánh chuồn chuồn mỗi mỗi bay về, bay đi, bay ở, bay vô phương vô hướng, bay tự tại thần thông, gà đồng mèo mả, mộng mỵ chiêm bao.
…
Tưởng chừng như mỗi mỗi người người không hằng hằng mỗi mỗi sát na gặp gỡ bà Tây Vương Mẫu ở tại rừng Thệ Đa vén xiêm ngồi xuống chan rưới mưa móc xum xuê !
Ô, cô Kim Cương ạ ! Tại hạ tuyệt vọng vô cùng, bởi vì cô không hứa chắc rằng mai sau sẽ đi tiểu lên nấm mồ của tại hạ…”
Đang miên man trùng tận những lý giải ráo riết về Đại Thừa, về Thanh Văn với ngôn văn của một bậc Đại Giác Ngộ, đã thấu hết cái cõi vi vu diệu vợi của Như Lai. Đang hùng hùng minh triết ở những tầng cấp vời vợi u huyền trong cảnh giới cao siêu thần diệu của Kinh Duy Ma, của Xá Lợi Phất, Ma Ca Diếp thì đột nhiên “lùa” ra một dàn Ngôn Từ chẳng ăn nhặp vào đâu cả. Vậy là sao? Có cái gì lấp lánh ẩn tàng ngôn ngữ thượng thừa, ngôn ngữ Vô thức ở đây không? hay chỉ là những nét chấm phá của một cơn “điên loạn” thực sự
Hoặc hãy nghe một đoạn khác khi ông viết về “Nam Phương Hoàng Hậu”:
“Kê bô tí xí đêm đà
Ki ba ri xí i à xán da
Xã dan xoàng xĩnh giang hà
Ồ mô pha cố cồ ri xa ì
Tử tì mỉm tí tì ti
Miệng vàng hợp nhất nhu mì nhị biên
Ra sông ngồi ngó diện tiền
Ngần sương sái diện uy quyền nữ vương”.
Là gì đây, là cơn “điên loạn” chữ nghĩa, hay là một thông điệp diệu vợi gì đó. Vì đoạn đầu của bài thơ này rõ ràng là âm ngữ của Phạn kinh.
Nam Phương Hoàng Hậu mà một trong “Tứ Đại Mỹ Nhân” mà Bùi Giáng trọng vọng và khác chạm nhiều dấu ấn trong các tác phẩm của Ông. Mặc dầu ông biết đến nhan sắc và phẩm hạnh của Bà chỉ qua một con tem có in hình của Bà dán trên một tấm bưu thiếp mà Ông nhận được.
Tôi chọn “ẩn ngữ” Kim Cương trong trước tác của họ Bùi, để thử đi tìm hiểu cái “ngôn ngữ thượng thừa” của Ông như thế nào. Không phải chỉ vì tần suất xuất hiện dày đặc của Kim Cương Nương Tử, Kim Cương Thánh Mẫu trong văn chương của Ông. Mà còn vì Nữ sĩ Kim Cương là một nhân vật có thật, một “tượng số thiên nhiên”, “tượng số tồn thể” như cách nói của Ông hiện hữu ở giữa đời thường và luôn luôn gần gủi bên cạnh Ông. Vì vậy đối với “ẩn ngữ” Kim Cương ta có thể dễ dàng tiếp cận với “gốc” từ nguyên hơn.
Chính vì vậy mà trước khi đi sâu vào ngữ nghĩa ẩn dụ của từ “Kim Cương”. Điều đầu tiên ta có thể dễ dàng “truy nguyên” cái từ “Kim Cương” từ đâu mà có. Sau đó mới tìm hiểu xem nó mang “tần số” Năng Lượng Ngôn Ngữ Vô Thức gì trong những trước tác của Bùi Giáng.
Bây giờ thì tôi sẽ bắt đầu chặng đường thứ nhất “truy nguyên” ẩn ngữ “Kim Cương” ở phần 2
Mời các bạn đón đọc phần tiếp.
Viết trong đêm 19 rạng ngày 20 tháng 6 năm 2011
Thuận Nghĩa